LÊ HOÀI NAM


Tiểu thuyết “THIÊN MỆNH”, của nhà văn Nguyễn Trọng Tân phản ánh bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ suy vi, thối nát đến cực điểm cuối triều Hậu Lê. Cuộc càn khôn khép mở vần vũ mang mệnh trời, ý dân diễn ra trong 15 năm (1774 – 1789). Trước ông đã từng có khá nhiều tác phẩm văn học viết về thời kỳ này như: “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái; “Thượng kinh ký sự”của Hải Thượng Lãn Ông; “Bà chúa chè” của Nguyễn Triệu Luật, “Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác… Mỗi tác phẩm mang một cách nhìn và đều để lại những ấn tượng khó quên trong bạn đọc. Đó là một thử thách lớn với Nguyễn Trọng Tân khi ông “dẫm lên” vết chân của các nhà văn đi trước. Liệu có để lại dấu ấn gì?
Qua 500 trang “Thiên mệnh” mới thấy Nguyễn Trọng Tân đã chọn một lối đi khác. Ông không “kể sử”, không “phỏng dựng” lịch sử. Mà ông “giải mã” lịch sử. Đúng như lời bạch ở đầu sách: “Sử liệu chính thống về triều đại Tây Sơn và Quang Trung – Nguyễn Huệ bị nhà Nguyễn hủy hoại hầu như không còn gì… Tây Sơn Thái tổ Quang Trung – Nguyễn Huệ xuất hiện sáng chói rồi tắt lịm như khối sao băng xé tan đêm đen phong kiến. Cái chết đột ngột của ông là đốt gãy lịch sử. Để lại nỗi bất hạnh lớn lao cho dân tộc này.
Số phận, võ công và thiên tài Quang Trung – Nguyễn Huệ như ánh xạ bi hùng vang vọng trong tâm khảm bao thế hệ, vọng vào tác phẩm của tôi. Nhưng “Thiên mệnh” không mang trong nó sứ mệnh của một thông điệp lịch sử”.
Vận dụng, xử lý một khối lượng sử liệu không chính thống từ nhiều nguồn như vậy để “dựng lên” bối cảnh xã hội 250 năm trước một cách khá mạch lạc, với bao nhiêu biến cố chóng mặt mà không gò gượng, thực sự sẽ làm nản lòng những cây bút tiểu thuyết bé gan. Nhưng Nguyễn Trọng Tân đã phổ vào “Thiên mệnh” một sức hấp dẫn, sinh động đến kỳ lạ. Bằng quyền năng văn học, nhà văn dày công khắc họa hình tượng nhân vật trung tâm theo quan điểm thẩm mỹ của mình. Ông đặt các nhân vật ấy vào cuộc sống đa chiều trong bối cảnh hỗn tạp của xã hội thời ấy để “giải mã” những ẩn khuất đằng sau các sự kiện, các số phận.
Lướt qua tiêu đề một số chương của tiểu thuyết đã có thể mường tượng ra những sự kiện lớn giai đoạn đó: “Tướng hoạn quan bước qua giới tuyến”. “Tự thiến để được vào bên chúa” nói về Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc tự nguyện thiến bỏ bộ phận sinh dục, trở thành thái giám để nhanh chóng được chúa tin dùng. Vị quan hoạn này chính là tướng quân đầu tiên của triều đình Lê – Trịnh bước qua sông Gianh, xóa bỏ cuộc nội chiến Nam – Bắc kéo dài suốt 174 năm; “Cái kim trong lọn tóc và lúm đồng tiền trên má mỹ nhân” nói về đêm động phòng của cô gái hái chè Đặng Thị Huệ với chúa Trịnh Sâm mở đầu chuỗi ngày mê đắm sắc dục dẫn tới hỗn loạn phủ chúa, cấy mầm diệt vong vương triều Trịnh. “Vì gia tộc, Nguyễn Ánh cầu ngoại bang”, “Hỏa Diệm sơn Rạch Gầm – Xoài Mút” nói về võ công tiêu diệt sáu vạn giặc Xiêm La của Nguyễn Huệ. “Giương cờ diệt Trịnh, phò Lê”. “Trai anh hùng sánh gái thuyền quyên”. “Anh em Nhạc – Huệ tương tàn” là lần Bắc tiến thứ nhất của Nguyễn Huệ. Cuộc hôn nhân nổi tiếng giữa Nguyễn Huệ với công chúa Lê Ngọc Hân và mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ Tây Sơn. “Đội mồ sống dậy ngôi chúa vét”; “Vua Lê – chúa “Chỉnh”; “Vũ Văn Nhậm chết vì tham vọng”; mô tả giai đoạn thối nát đến cùng cực và ngày tàn của triều đình Lê – Trịnh. “Nguyễn Huệ ban chiếu cầu hiền, kẻ sĩ Bắc hà xuất xử đớn đau”; phản ánh tâm trạng giới sĩ phu Bắc hà trong cảnh tranh tối tranh sáng. Phải theo ai để phục vụ xã tắc, cứu vớt muôn dân? “Lê Chiêu Thống cầu cứu giặc Thanh”; “Bắc Bình vương lĩnh thiên mệnh lên ngôi”; “Ngô Thì Nhậm đào mồ chờ Tôn Sĩ Nghị”; “Càn Long “Thập bại lão nhân”- Quang Trung trải chiếu cho giặc về nước”. Khẳng định sứ mệnh thay trời hành đạo đã đặt lên vai Nguyễn Huệ. Thiên tài quân sự của vua Quang Trung đánh tan ba mươi vạn quân Mãn Thanh chỉ trong năm ngày tết Kỷ Dậu, lập nên võ công kỳ vĩ có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. “Thiên mệnh” khép lại ở chương 42. Nguyễn Trọng Tân thêm phần “Vĩ thanh” cung cấp các sự kiện chính về hậu vận của Lê Chiêu Thống. Công việc đối nội, đối ngoại, phép trị nước, mối tâm giao với danh thần La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp của vua Quang Trung từ sau chiến thắng Mãn Thanh, đến khi ông đột ngột từ trần.
Nguyễn Trọng Tân đã rất thành công khắc họa nhân vật trung tâm, xuyên suốt tiểu thuyết là vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trong lá thư gửi tôi khi đang viết “Thiên mệnh”, ông tâm sự: “Lâu nay Quang Trung – Nguyễn Huệ trong mắt hậu thế hiện lên là bậc chiến tướng kỳ vĩ. Cả võ công và lầm lỗi đều kỳ vỹ. Một tượng đài đồ sộ, đơn điệu, lạnh lùng. Mình muốn góp thêm góc nhìn về bậc vĩ nhân này ở cuộc sống đời thường. Nguyễn Huệ cũng có điểm mạnh, yếu, tốt, xấu như bao người bình thường khác. Nhưng số phận không cho ông được hưởng đầy đủ, thể hiện đầy đủ những điều bình thường ấy”.
Vậy dưới ngòi bút của Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Huệ hiện lên thế nào?
Là bậc Quân vương gánh trên vai sứ mệnh quá ư nặng nề trong một giai đoạn lịch sử vô cùng phức tạp, rối ren. Thù trong, giặc ngoài bao vây tứ phía. Nội bộ Tây Sơn lục đục. Nguyễn Huệ phải có tầm nhìn, quyết định và hành động vượt trên sức nghĩ của người thường.
Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ chúa Trịnh vào hàng Tây Sơn. Đem Tây Sơn ra diệt họ Trịnh. Rồi lại phản Tây Sơn về với nhà Lê, xui vua Lê chống lại Tây Sơn… Nguyễn Huệ sai cháu mình là Vũ Văn Nhậm ra Đông Kinh bắt Nguyễn Hữu Chỉnh giết đi. Nhưng rồi cái bả vinh hoa lại dẫn Vũ Văn Nhậm dẫm đúng vào lốt chân Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Huệ phải thân chinh ra Đông Kinh giết Nhậm… Vì chuyện đó, hình ảnh Nguyễn Huệ trở nên rất xấu trong mắt quần thần nhà Lê. Huệ lãnh đủ ác cảm cùng bao điều tiếng thị phi và cái nhìn sai lệch của người đời. Đại thần Uông Sĩ Điển nhận xét:“Nguyễn Huệ là kẻ vô đạo. Một ngọn cờ không sạch sẽ, còn mang nặng thói hủ lậu, man mọi rừng rú. Ông ta sẽ tạo ra một nền chính trị hoang dã, trí trá. Liệu gương mặt như vậy có xứng với ngôi báu không? Có nên hiệp tác không?”. Trần Công Sáng nói: “Tôi nghĩ một vị Quân vương mà đem lính đánh giết anh mình. Quyền huynh thế phụ. Nguyễn Huệ làm thế có khác gì đánh lại cha. Một kẻ bất hiếu bất mục như vậy, ta không thể theo?”. Phan Lê Phiên thêm: “Nguyễn Huệ còn thể hiện là một kẻ gian hùng, phản phúc và nhẫn tâm. Ông ta giết cả cháu mình là Vũ Văn Nhậm và làm nhiều điều bất tín khác…”.
Nguyễn Trọng Tân sử dụng ngòi bút “trung tính”. Ông không tô vẽ cho Nguyễn Huệ mà để nhân vật này hiện lên trần trụi cả tốt và xấu trong con mắt quần thần và giới sĩ phu Bắc hà. Hai lần Nguyễn Huệ ra Đông Kinh dẹp loạn nhưng không cướp ngôi vua Lê như bao người lầm tưởng. Rồi những việc làm nhân ái của Nguyễn Huệ khiến quần thần phải nhìn vị chúa Tây Sơn bằng con mắt khác. Lê Chiêu Thống bỏ nước sang cầu cứu Mãn Thanh. Sĩ phu Bắc hà muốn Nguyễn Huệ lên ngôi thiên tử, Nguyễn Huệ từ chối. Điều ấy khiến họ ngỡ ngàng, trăn trở. Cũng như Nguyễn Trọng Tân từng trăn trở: “Lâu nay tôi cứ nghĩ mãi, nếu Nguyễn Huệ chỉ là một thần tướng dũng lược. Tàn bạo, hung tợn, vô cảm, thì làm sao ông ta tập hợp được quanh mình những văn thần, võ tướng siêu phàm như vậy. Vì sao ông ta sai khiến được hàng chục vạn người lính đồng lòng như một xông vào hòn tên, mũi giáo như vậy. Nguyễn Huệ phải là một bậc chí nhân, chí thánh…”. Và đây một Nguyễn Huệ chí nhân yếu đuối, dễ mủi lòng có trước có sau được Nguyễn Trọng Tân “giải mã” đầy bất ngờ, lý thú nhưng hợp lô gich. Huệ hỏi Ngô Thì Nhậm:
– Người ta chôn Nguyễn Hữu Chỉnh ở đâu?
– Bẩm chúa công, mộ ông Bằng trong một nghĩa địa bình dân phía nam thành Đông Kinh.
– Ta muốn đến thắp cho ông ấy nén hương. Chẳng gì Nguyễn Hữu Chỉnh cũng là danh sĩ nhà Lê. Riêng ta còn có chút ơn với Chỉnh.
Ngô Thì Nhậm lặng đi trước thái độ hành xử của Nguyễn Huệ. Nhậm hỏi nhỏ:
– Chúa công muốn dùng lễ gì?
– Chỉ là cá nhân ta thôi. Ông đi với ta. Đem theo vài tên lính là đủ.
…Nguyễn Huệ cắm nhang lên nấm đất. Một nấm đất không có bia, tượng gì. Lơ thơ cỏ gà. Chỉnh chết cũng mới vài tháng. Trông Nguyễn Huệ lúc này thật khác lạ. Không dáng vẻ uy nghiêm, oai phong của một bậc chiến tướng. Đôi mắt không sáng quắc phát ra ánh nhìn mà bề tôi lắm khi phải sởn da gà. Dáng Huệ lòng khòng, lui cui bên mộ Chỉnh. Rầu rĩ, cô đơn. Giọng Huệ thì thào:
– Quân sư biết không, lần đầu gặp Nguyễn Hữu Chỉnh ta đã bị Chỉnh cuốn hút rất mạnh. Ông ấy thực sự là một nhân tài đất Bắc. Một chỉ huy thủy chiến bậc thầy. Nguyễn Hữu Chỉnh đã giúp ta xây dựng thủy binh. Chỉnh cũng là người nối kết ta với vua Lê Hiển Tông. Và chắc hẳn việc vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho ta cũng có bàn tay sắp đặt của Chỉnh.
– Dạ, chúa công là người thật nhân hậu.
– Ôi! Đời người chẳng biết thế nào. Giờ Bằng Trung công đã trút sạch bụi trần. Quân sư cho tìm người thân của ông ta. Nếu họ muốn đưa hài cốt về quê, hay để nằm lại đây thì xây cất cho đàng hoàng. Hãy giúp họ một tay.
– Chúa công cho phép thế, con cháu ông ta sẽ đội ơn suốt đời”.
…Những thắc mắc trong quần thần cũng được giải đáp. Nguyễn Huệ tâm sự với Ngô Thì Nhậm: “Quân sư biết không, gần đây nhiều khi ta thấy lo sợ và cô đơn khủng khiếp. Triều chính Bắc hà đang ở cái thế châng lâng như vậy. Quần thần muốn ta lên ngôi báu. Việc ta từ chối hẳn làm không ít người thấy lạ. Nhưng ta nghĩ tới điều lớn hơn. Lê Chiêu Thống vẫn còn đó. Trên danh nghĩa Thống vẫn là vua nhà Lê. Mà các triều đại Trung Quốc thì chưa bao giờ nguôi mộng ăn cướp nước ta. Đừng vì chuyện cái ngai vàng có cũng như không ấy khiến giặc lấy cớ đem quân vào dày đạp lên tôn miếu xã tắc…”. Ngô Thì Nhậm sửng sốt, bật dậy thưa: “Điều chúa công vừa nói, trong đám quần thần chúng tôi không ai nghĩ tới. Không ai lượng định nổi. Giờ Nhậm này mới hiểu được sức nghĩ, tầm nhìn và tấm lòng của chúa công đối với đất nước, với muôn dân”.
Trong đời thường Nguyễn Huệ cũng hiện lên thật đáng yêu, gần gũi: “Nguyễn Huệ ôm công chúa Lê Ngọc Hân ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh Đông Kinh về đêm. Hương sen thoảng trong không khí. Tiết này sen đã nở. Loại sen bắc được ươm giống từ hồ Dâm Đàm nổi tiếng bởi vẻ đẹp và mùi thơm của nó. Trà sen Dâm Đàm, món đặc sản rất quý trong cung đình nhà Lê. Ngọc Hân mỗi ngày tự tay hãm trà sen Đông Kinh cho chồng thưởng thức. Ngắm vợ hãm trà, Huệ mới thấy sự kỳ khu, tinh túy, lịch lãm và vẻ cao sang của giới quý tộc kinh thành. Từ khi làm bạn gối chăn với Ngọc Hân, mọi cử chỉ, lời thưa gửi của nàng làm cho cuộc sống của Huệ tươi nhuần hơn. Giảm đi nét thô bộc trong tính nết và khẩu khí”.
Tình yêu Nguyễn Huệ dành cho Ngọc Hân là một tình yêu lớn, thánh thiện, chân chất. Vào một ngày thu thật đẹp Nguyễn Huệ cùng vợ về thăm quê ngoại, làng Nành:“Xe kiệu dừng trước con sông Mẹ đất Bắc. Lần đầu tiên Nguyễn Huệ chứng kiến cảnh bát ngát kỳ thú của dòng Nhị Hà. Tâm trạng thơ thới, Huệ muốn được ngồi bệt xuống, nằm xoài ra. Dang tay dang chân trên triền đê mướt xanh này mà ngủ. Không phải lo nghĩ gì cả… Trong dinh Thiết Lâm, những triền dâu xanh mướt: “Ngọc Hân cầm tay chồng kéo vào giữa bãi dâu. Huệ lao theo vợ, khúc khích cười đùa. Ngọc Hân tháo đôi hài nhỏ óng ánh chỉ kim tuyến. Tước một sợi dâu buộc lại đeo lên cổ. Đôi bàn chân ngà ngọc dầm trong bùn đất. Nguyễn Huệ làm theo…“Thiếp đùa nghịch thế này ở quê nhiều rồi. Thích lắm, vua cha cấm nhưng mẹ thiếp giấu cho”… Thân dâu ngã rạp. Nguyễn Huệ đổ lên mình Ngọc Hân. Bờ dâu như nghiêng xuống che cho phút tình tự của hai kẻ si tình. Huệ không ngờ mình lại có được giây phút yêu đương thần tiên này. Huệ cuốn Ngọc Hân vào cơn hứng khởi. Gió đồng nhè nhẹ, mơn man mà trong lòng họ như bão nổi. Chàng A Đam và nàng Ê Va ăn vụng trái cấm chắc cũng chỉ cuống quýt, mê đắm như phút vụng trộm trong nương dâu xứ Kinh Bắc của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân là cùng. Đôi môi họ gắn chặt nhau. Vị của hương dâu, của gió vườn, khiến nụ hôn đồng nội ngọt ngào gấp bội”.



Bên cạnh hình tượng Nguyễn Huệ, hai nhân vật khác cũng hiện lên đầy đặn, sinh động và hấp dẫn không kém. Đó là Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh.
Nguyễn Hữu Chỉnh danh sĩ Bắc hà văn võ toàn tài. Chỉnh điển hình cho loại người lá mặt lá trái. Tài năng, mưu lược, hùng biện, cuốn hút, song hành với thủ đoạn, cơ hội, tham lam, lộng hành, phản trắc. Nguyễn Hữu Chỉnh là sản phẩm quá ư điển hình của thời suy mạt. Miếng đất màu mỡ sản sinh, dung dưỡng nhung nhúc loại quan lại như thế. Số phận Nguyễn Huệ dường như phải gắn với Nguyễn Hữu Chỉnh. Huệ thâu nạp Chỉnh, tận dụng tài năng của Chỉnh nhưng bằng giác quan đặc biệt, Nguyễn Huệ rất sớm nhìn ra khoảng u tối, phức tạp, tráo trở trong con người Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh giúp Nguyễn Huệ xây dựng thủy quân. Mở ra cho Huệ những hiểu biết về giới sĩ phu Bắc hà và nội tình triều chính nhà Lê – Trịnh. “Trò chuyện với Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ vừa thích thú vừa như cảm giác bất an thế nào. Những câu chuyện của Chỉnh về nền chính trị, phong tục tập quán và đội ngũ khoa bảng, kẻ sĩ Đông Kinh… khiến Huệ như kẻ khát nước lâu ngày gặp dòng suối mát. Nước suối trong mát nhưng cứ lẩn trong đó mầu xanh ngằn ngặt, ma mị ».
Nguyễn Hữu Chỉnh là tác nhân lớn nhất khiến Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đem quân ra Đông Kinh dẹp bỏ chúa Trịnh, củng cố rường mối nhà Lê. Nguyễn Hữu Chỉnh nói với Nguyễn Huệ:
“Mấy năm nay ở Bắc hà liên tiếp xảy ra điềm gở. Loạn lạc khắp nơi. Tôi cũng có hiểu biết một chút về bốc dịch. Vận nhà Lê – Trịnh hết rồi. Trời có ý đem Bắc hà cho ngài đó.
– Nhưng ta vâng mệnh đi đánh Thuận Hóa chứ không phải đem quân ra Đông Kinh. Xong việc nọ xọ sang việc kia thì làm trái mệnh vua. Vả lấy xong rồi ta cũng chưa thể ngồi lại đấy. Tình cảnh lúc ấy thật là khó giải thích.
Nguyễn Hữu Chỉnh biết Nguyễn Huệ còn phân vân giữa chuyện vượt quyền vua Thái Đức và hậu Bắc tiến sẽ ra sao. Chỉnh hiến kế:
– Nếu lúc này ngài chưa sẵn sàng nắm lấy Bắc hà, thì nên giương cờ phò Lê, diệt Trịnh. Công lao ấy đối với vua Lê không khác gì tôn lập. Nhà Tây Sơn cũng nhân đó nới rộng cương thổ ra tới Bố Chính. Bắc Bình vương để lại tiếng thơm không chỉ với nhà Lê mà người dân Bắc hà cũng có cớ để mơ về một triều đại tốt đẹp hơn. Thế chẳng là chuẩn bị cho đại nghiệp sau này sao.
Lời Chỉnh khiến Nguyễn Huệ giải tỏa được nỗi băn khoăn. Cái lý do Nguyễn Hữu Chỉnh nêu lên thật xác đáng. “Diệt Trịnh, phò Lê”. Lúc này chưa nắm lấy Bắc hà nhưng cũng coi như đặt một chân vào đất ấy. Nguyễn Huệ giả vờ hỏi để thử Chỉnh:
– Ông nghĩ ta sẽ còn trở lại Bắc hà sau này ư?
Nguyễn Hữu Chỉnh nói toẹt:
– Ngài không lấy thì sẽ có người khác lấy. Tôi xem mệnh nhà Lê đã hết. Vua Thái Đức thì không để tâm tới. Nguyễn Phúc Ánh không nhắc làm gì. Chỉ sợ lại một kẻ bất tài, vô sỉ lên thay càng thêm khổ dân lành. Tuy nhiên…
Nguyễn Hữu Chỉnh buột miệng, Huệ hỏi ngay:
– Tuy nhiên sao?
– Ý tôi là lấy Bắc hà thì dễ, tuy nhiên để có Bắc hà thì khó. Dễ là không cần đánh. Ngài chỉ cần đem quân ra, triều đình Lê – Trịnh nghe thấy cũng tan. Nhưng khó là có khiến người dân Bắc hà tâm phục, khẩu phục mà theo hay không.
Nguyễn Huệ bất ngờ phẩy tay nói như bỡn cợt:
– Sức ta như hổ báo. Ta lấy uy, lấy hình để trị, dân không theo cũng phải theo.
Chỉnh nhìn Huệ:
– Ngài đùa tôi hay tỏ ra không hiểu dân. Thực ra chỉ có quan lại là hai lòng. Dân chỉ một lòng. Nếu dùng hình, dùng uy dân sợ thì chỉ được cái yên ổn bên ngoài còn trong bụng họ thù, họ khinh. Để dân khinh thì lúc nào cũng ôm cái mầm đại họa. Được dân yêu, dân phục thì mới lâu bền. Vì thế muốn biết mình mạnh hay yếu thì phải xem dân sợ mình hay phục mình. Bắc Bình vương ra đợt này ngoài việc nêu cao cờ nghĩa diệt Trịnh phò Lê, còn là dịp gieo lại tiếng thơm trong lòng dân là vậy.
Nguyễn Huệ lại hỏi :
– Còn giới sĩ phu Bắc hà sẽ nghĩ sao?
Nguyễn Hữu Chỉnh múa mép:
– Bắc Bình vương quả là người chí thành. Chí thành là đạo trời. Trên có thể giúp xã tắc, chia phần lo với vua; dưới có thể giữ mệnh ba quân; cứu muôn dân trong cảnh khổ. Ngài cũng đã đã nhận ra cái cốt lõi của nền chính trị Bắc hà. Kẻ sĩ chính là xương sống của triều chính. Giới sĩ phu Bắc hà thời nào cũng là tiếng nói có trọng lượng với triều đình. Vương triều nào giữ được kẻ sĩ thì mạnh. Kẻ sĩ quay lưng thì nước nhược. Ngài thực tâm diệt Trịnh củng cố rường mối nhà Lê sẽ khiến họ tâm phục khẩu phục. Ngài không nên chần chừ.
Nguyễn Huệ vỗ vai Chỉnh cười ha ha, nói như lấp liếm:
– Ông làm ta khó nghĩ quá. Ông đang xui ta vào chỗ chết đây.
Nguyễn Huệ thấy Nguyễn Hữu Chỉnh quá thông minh, nhậy bén. Lý lẽ hắn nêu ra đều khó bắt bẻ. Thôi thì cứ hỏi cho hết nhẽ:
– Thực lực Trịnh Tông thế nào?
– Như đám củi khô. Tây Sơn là ngọn đuốc vậy.
– Ông có xem thường người ta quá không đấy?
– Tôi hiểu cái triều đình ấy như lòng bàn tay. Cung vua, phủ chúa gầm ghè đánh giết nhau. Lính tráng thì bạc nhược. Lòng dân thì chán ngán.
Nguyễn Huệ thích nhận xét ấy của Chỉnh nhưng vẫn dè dặt:
– Việc đại sự này do huynh trưởng ta quyết định. Nếu ta tự quyết thì ra nhanh về nhanh được không?
Nguyễn Huệ lại bất ngờ về nhận xét tai quái, đầy ẩn ý của Chỉnh:
– Bất quá hai tuần trăng. Vả lại Thái Đức hoàng đế phong ngài chức Bắc Bình vương đâu phải là cứ bo bo giữ mảnh đất đang có. Tôi luôn nghĩ về cái danh xưng ấy như trời đặt cho ngài qua vua Thái Đức mà thôi.
Tự nhiên Nguyễn Huệ chùng xuống. Như có màn sương kéo tràn qua đôi mắt quắc sáng. Tư lự. Huệ bật nói với Chỉnh mà như tự nói với mình:
– Ông bảo Bắc hà giờ như mảnh đất hoang. Ai đến trước thì làm chủ. Ta nghe ông đem quân ra Đông Kinh là trái mệnh vua, là hành động không tự nhiên.
– Tôi trộm nghĩ người làm tướng phải tùy cơ ứng biến. Binh thư viết: “Tướng ở ngoài, mệnh vua có khi không cần phải theo”. Lúc này Bắc Bình vương gánh sứ mệnh lớn ngoài biên ải. Ngài không nên để những điều vụn vặt ràng buộc mà lỡ mất thời cơ.
– Ta cũng nghĩ như ông. Nhưng việc này rất trọng. Hành động mà không tự nhiên thì cương thường đảo lộn. Nội bộ bất an. Tướng sĩ bất hòa.
Nguyễn Hữu Chỉnh cố làm Nguyễn Huệ an lòng:
– Binh thư còn có câu cho phép người cầm quân trong hoàn cảnh nào đó: “Trên không bị chế bởi trời, dưới không bị chế bởi đất, giữa không bị chế bởi người”. Kết quả làm biện minh. Theo lẽ tự nhiên thì không gì là không thể. Bắt đầu chưa quen nhưng lâu dần sẽ trở thành tự nhiên.
Nguyễn Huệ khẽ rùng mình nhìn Nguyễn Hữu Chỉnh. Cái rùng mình rất nhẹ. Chỉnh không nhận ra. Huệ nghĩ: “Bụng dạ kẻ gian hùng này ghê gớm thật. Tráo trở, mưu mô, hoạt đầu như Chỉnh mà miệng nói về lòng dân, về phép trị nước trơn tru đến thế thì dễ sợ thật.
Hình ảnh dòng suối trong mát nhưng vẩn trong đó mầu xanh ngằn ngặt, ma mị lại hiện lên”.



Ngô Thì Nhậm là hình ảnh đại diện cho giới sĩ phu Bắc hà. Nguyễn Trọng Tân đã rất thành công khắc họa được nhân vật này. Một mẫu nhân vật rất khó. Sĩ phu Bắc hà là hồn cốt của nền chính trị, văn hóa thời đại. Họ liêm chính, tiết tháo nhưng cũng rất bảo thủ, mực thước. Kẻ sĩ được tôn vinh là “Nguyên khí quốc gia” mang nặng tâm trạng “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Chúa Trịnh đã tan. Vua Lê bỏ nước cầu cứu ngoại bang. Nguyễn Huệ ban chiếu cầu hiền… Lớp người như Ngô Thì Nhậm lâm vào bế tắc, rối trí. Phải theo ai để phục vụ xã tắc, cứu vớt muôn dân? Bản thân Ngô Thì Nhậm càng trớ trêu, lúng túng. Nhậm từng gọi Tây Sơn là lũ giặc man mọi, quyết không hợp tác với Nguyễn Huệ. Nhậm vật vã trong đau khổ, cô đơn, mâu thuẫn. Ngô Thì Nhậm lang thang vào chùa Thầy tìm lời giải nơi cửa Phật. Nhậm thụ giáo Hòa thượng Thích Minh Tuệ về sự đổi thay của thời thế. Về quan niệm “trung quân”. Về bổn phận của kẻ sĩ trong thời buổi trắng đen lẫn lộn này:
– Bạch thầy, tôi là mệnh quan nhà Lê hơn hai chục năm, giờ triều chính như con thuyền đắm. Kẻ trung thần nên chết theo vua hay tìm đến bờ bến mới?
Hòa thượng Thích Minh Tuệ đáp lại bằng một câu hỏi:
– Nam mô A Di Đà Phật. Tôi hiểu nguồn cơn sóng gió trong lòng quan Thị lang. Vận nước và vận hạn mỗi chúng sinh lúc này đang trong cơn chuyển động bất thường. Ngài mang trên vai không chỉ sứ mệnh của một mệnh quan, một kẻ sĩ, một chúng sinh. Lấy cái chết báo đáp một cái chết có rũ bỏ được trách nhiệm của kẻ thất phu hay không?
– Bạch thầy, kẻ sĩ là hồn cốt của dân tộc. Dù hoàn cảnh nào cũng không rũ bỏ được. Nó gắn chặt với nhục vinh của số phận mà thôi.
– Vậy thì chết theo một cái chết là sự mù quáng của kẻ học chữ thánh hiền vậy.
– Bạch thầy, tôi ngộ ra rồi. Nhà Lê tồn tại bốn trăm năm. Sự diệt vong này là thường lẽ hay bất thường?
– Phật dạy mọi điều đều do nhân duyên gặp gỡ mà thành. Vô thường cũng là ở đấy. Mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ này đều bị chi phối bởi chu trình: Thành – Trụ – Hoại – Tan. Sinh, diệt là quy luật của tự nhiên. Vận số một triều đại cũng không khác vận số một con người. Nó đều bị chi phối bởi quy luật chuyển động và gặp gỡ của nhân duyên. Ngay khi sinh đã ôm mầm cái chết. Và trong cái chết đã sinh thành một mầm sống mới. Nhà Lê diệt, Tây Sơn khởi, suy cho cùng cũng là do nhân duyên cả. Cũng là thuận thiên thường lẽ mà thôi.
Ngô Thì Nhậm thấy lòng đã sáng ra nhiều.
– Bạch thầy, tôi đã từng gọi Nguyễn Huệ là giặc. Thề không bao giờ hợp tác với Tây Sơn. Tôi cũng đã từng lấy hai chữ “trung quân” làm thước đo phẩm hạnh và bổn phận của một thần tử. Nay tôi sắp phải làm ngược lại những điều ấy. Lòng trăn trở khôn xiết.
– Nam mô A Di Đà Phật. Tôi hiểu nỗi lòng quan Thị lang. Nhưng ngài đừng tự giam mình trong cái khuôn thước đã hết vật để đo. Phật dạy các sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều bị chi phối bởi quy luật nhân duyên. Hạt thóc là nhân. Đất, nước, ánh sáng, không khí, tri thức…là duyên. Quá trình hình thành nhận thức nhiều khi thật đau đớn, trớ trêu. Người thông tuệ nhìn thấy ánh sáng khi nó còn bị ngăn cản bởi bóng tối.
– Bạch thầy, vậy là tôi đã bước trên con đường đúng. Dẫu con đường ấy lúc này còn đầy rẫy chông gai, sương phủ.
– Nam mô A Di Đà Phật. Quan Thị lang là người thông tuệ. Thông tuệ thì không câu nệ. Phật dạy, chúng sinh chìm trong bi đát bởi chưa biết mình trong bến mê. Một khi đã nhận ra mình đang mê thì không còn mê nữa…
Ngô Thì Nhậm bừng ngộ ra mình đang chìm đắm trong bến mê. Vậy là không còn mê nữa. Không gian như tràn ngập ánh sáng. Câu trả lời đã tìm ra: “Phải vì đất nước. Vì người dân! Nếu trời chọn Nguyễn Huệ thay trời trị nước, an dân, thì đi theo ông ta là để phục vụ xã tắc, phục vụ người dân!”.
Ở “Thiên mệnh”, Nguyễn Huệ cũng có con mắt thật tinh đời. Ông nhận ra tài năng trời phú của Ngô Thì Nhậm. Khi hợp quân ở Tam Điệp trước khi ra Bắc đuổi giặc Thanh, Nguyễn Huệ nói trước ba quân: “Lần trước ra Đông Kinh phò Lê, sĩ phu Bắc hà ngoài mặt thì sợ ta, nhưng trong ruột thì chê ta võ biền. Ta biết chứ. Đến khi được ông Nhậm, ta mừng như có người rửa mặt cho vậy. Người Bắc hà bảo:“Tài ông Nhậm rỏ qua ngọn bút sánh với trăm vạn quân là thế”. Lần này nhờ mưu kế của quân sư, ba chục vạn quân địch ta chỉ quét một trận là xong”. Vai trò của Ngô Thì Nhậm chỉ đứng sau Nguyễn Huệ. Mối quan hệ Nguyễn Huệ – Ngô Thì Nhậm gợi cho chúng ta nhớ đến Nguyễn Trãi – Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh.
Không chỉ ba nhân vật trung tâm kể trên, Nguyễn Trọng Tân còn thành công khi khắc họa thật sinh động các “tên tuổi” lớn của giai đoạn lịch sử đó như Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Trịnh Tông, nữ tướng Cả Vàng, Tôn Sĩ Nghị, Càn Long, Hòa Thân…
Nguyễn Trọng Tân khá am tường lịch sử. Ông góp phần giải mã một giai đoạn xã hội phong kiến vô cùng phức tạp mà chính sử hầu như không còn lại gì, nhưng tạo được niềm tin cho người đọc. Bằng khả năng tưởng tượng và linh cảm mẫn tiệp của mình, tác giả đã làm cho các sự kiện trở nên sinh động, nhân vật được ánh xạ từ tâm hồn nhà văn trở nên lấp lánh, mới mẻ đến bất ngờ.
Giọng văn hoạt. Câu văn ngắn, hóm hỉnh và đối thoại rất nhiều, Nguyễn Trọng Tân làm cho những trang viết lịch sử không bị nặng nề, khô cứng. Dựng lên những màn đối thoại liên tục giữa các nhân vật lớn về triều chính, binh pháp, Phật giáo, đạo quân thần, tổ chức bộ máy triều chính… đòi hỏi tác giả phải có một nền kiến thức rộng và rất chắc tay. Nguyễn Trọng Tân biến nó thành “kiến thức và ngôn ngữ” của nhân vật. Ai ra người đó, nhuần nhuyễn sinh động. Bởi thế, cho dù những người đã “thuộc sử” chắc chắn vẫn bị các sự kiện và nhân vật của “Thiên mệnh” cuốn hút, dẫn dắt từ trang đầu đến trang cuối.
Tôi cho rằng tiểu thuyết “Thiên mệnh” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân là một tác phẩm không chỉ thành công của tác giả mà cả với nền văn học Việt Nam hiện đại. Nó có một vị trí nhất định mà mỗi khi nhắc thể loại tiểu thuyết lịch sử, người ta không thể bỏ qua.

Hà Nội, tháng 10 năm 2021