GIẤC MỘNG LỆ CHI VIÊN

 

Truyện ngắn của Trần Vân Hạc

Đêm Lệ Chi Viên (Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) trước ngày đón bằng công nhận khu di tích lịch sử – văn hóa thật là nhộn nhịp. Tiếng thử loa, tiếng cánh thanh niên giục nhau căng phông, kê bàn ghế… Từng đường làng ngõ xóm náo nức tiếng nói cười như ngày hội. Ông giáo Hoàng, Hội chủ “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, ông Nguyễn, trưởng ban khánh tiết khu di tích Đức Bà Nguyễn Thị Lộ ở Tân Lễ, Thái Bình và nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Trần được bố trí nghỉ ở nhà ông giáo Tràng, cách đền thờ hai Cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ có mấy trăm mét.

Trời mưa rả rích, lúc lắc rắc vài hạt, lúc sầm sập như thử thách lòng người. Ngoài đền thờ, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tụng kinh cầu siêu cho hương hồn hai Cụ cùng ba họ hòa vào mưa gió, lặn xuống lòng đất, xao động lòng người. Ai cũng lo ngày mai nếu mưa to, buổi lễ sẽ kém phần long trọng, bởi vậy câu chuyện dù thế nào đi chăng nữa thì thỉnh thoảng lại có người thốt lên tự đáy lòng như một lời cầu nguyện:

– Hai Cụ linh thiêng xin phù hộ cho ngày mai trời quang mây tạnh!

Ông giáo Hoàng trấn an:

– Chắc chắn ngày mai sẽ đẹp trời các ông ạ, mưa “rửa đền” ấy mà. Bao năm tôi đi vận động xây đền, dựng tượng hai Cụ, nghiệm thấy hai Cụ linh lắm!

Ông giáo Tràng lặng lẽ thắp hương trên bàn thờ khấn vái. Đến lúc ấy mọi người mới nhìn ra, trên bàn thờ có thêm một bài vị nữa, không như cách thờ cúng ông bà tổ tiên theo lối thông thường.

Ông giáo Hoàng ngần ngừ một lát rồi hỏi:

– Tôi hỏi không phải, ông bỏ quá cho, vậy bài vị kia gia đình mình thờ..?

Ông giáo Tràng lặng đi một lúc rồi thưa:

– Chẳng giấu gì các ông, bao năm nay gia đình tôi vẫn giữ câu chuyện này trong lòng, nói ra e mọi người dị nghị nhưng hôm nay như có các Cụ chỉ đường mà duyên may được tiếp các ông tại nhà, vậy tôi xin thưa để các ông rõ:

– Xưa gia đình tôi nghèo lắm, tôi nguyên là hiệu trưởng một trường ở chân núi Thiên Thai, nơi có đền thờ Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, còn bà vợ tôi là công nhân trại nuôi cá giống của huyện. Các ông tính, thời bao cấp, lương ba cọc ba đồng nuôi ba con ăn học đâu có dễ dàng gì nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau chăm chỉ làm ăn, tích đức tạo phúc cho con cháu. Có lần tôi nằm mơ thấy tổ tiên về báo mộng ở vùng đất này có Quan ở, thờ cúng thành tâm sẽ được hưởng lộc nhưng rồi cuộc sống khốn khó phải bươn chải nuôi con làm tôi cũng sao nhãng không chú tâm đến được. Tôi cũng biết địa danh Lệ Chi Viên, gắn liền với vụ án tru di ba họ của công thần Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở trên đất Đại lai này nhưng đồng ruộng mênh mông không biết cụ thể ở đâu. Con trai thứ hai của tôi sinh năm 1974 vốn người bé nhỏ, học thì chăm nhưng không khá, lại phải cái chữ như gà bới. Thế rồi một đêm, đang ngon giấc, bất chợt cháu lay tôi dậy:

– Bố! Bố dậy con kể một chuyện này lạ lắm.

– Chuyện gì thì cũng để sáng mai đi con, bố soạn bài khuya nên mệt.

– Không, con phải kể ngay mới được.

Chiều con, tôi uể oải dậy.

– Bố ạ, con nằm mơ thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, đội mũ cánh chuồn. Một bên tay cụ cầm một cuốn sách và cây bút, một tay cầm hũ vàng lớn rồi hỏi con chọn cái nào?

Tôi hiếu kỳ hỏi cháu:

– Thế con chọn cái nào?

– Bố ạ, nhà mình nghèo lắm, vàng nhiều thế ai chả thích nhưng con luôn nhớ lời bố: “Có tri thức, có sức khỏe là sẽ có tất cả”, thế là con xin cụ cuốn sách và cây bút.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, dù chỉ là giấc mơ nhưng con tôi không tham những của cải không phải do mình lao động mà có. Tôi nhẹ nhàng xoa đầu cháu: “Con ngủ đi, rồi con sẽ nên người”. Ôm cháu vào lòng mà thương con vô hạn và cứ tự nhủ thầm: sao mình ăn ở hiền lành, chăm chỉ làm ăn, chỉ cầu có bát ăn bát để, nuôi con ăn học cho bằng chị bằng em mà sao khó đến thế!

Sáng hôm sau khi cháu đi học, tôi mới kể chuyện này cho bà vợ. Vợ tôi là người tín lắm nên lẳng lặng đi xem ở những đâu không rõ rồi về bảo với tôi:

– Các thầy bảo mảnh đất nhà mình dữ lắm nhưng hợp, đặc biệt hợp với thằng thứ hai, nó bảo gì phải làm theo ý của nó, còn vợ chồng chỉ được làm điều thiện, nếu không, không những mất lộc mà còn mang họa vào thân.

Ông Nguyễn tò mò:

– Thế rồi ông bà thấy thế nào?

– Dạ thưa, lạ lắm các ông ạ. Đêm hôm sau cháu trai thứ hai lại mơ thấy một cụ bà khuôn mặt phúc hậu về bảo đưa đi chỉ cho một chỗ có nhiều vàng, trong lúc bồng bột cháu cầm cuốc xẻng, đi đến một gốc cây to, cháu mới đào xuống một chút đã thấy lộ ra bao nhiêu là vàng. Cháu mừng lắm, bốc lên tay mà rơi nước mắt vì nghĩ rằng từ nay bố mẹ sẽ hết khổ, mấy anh em sẽ được học hành chu đáo. Nhưng rồi chợt nhớ tới hôm qua đã xin cụ ông sách bút nên lại xin cụ bà thứ lỗi rồi lấp lại. Cháu nó kể thấy cụ bà vui lắm. Cháu có hỏi danh tính, cụ chỉ cười rồi bảo:

– Ta tên là Nguyễn Thị… giỗ vào ngày…

Ngoài trời lúc mưa lúc tạnh, gói thổi ào ào nhưng tất cả bị cuốn hút vào câu chuyện ly kỳ như cổ tích của ông giáo Tràng, tiếng của ông giáo thầm thì càng tăng sự huyền bí:

– Các ông ạ, sau đấy gia đình tôi lập ban thờ Cụ, hương khói thờ phụng như với tổ tiên, cha mẹ mình.

Ông giáo Hoàng vui ra mặt:

– Phúc đức lắm đấy ông ạ, xưa do một thời mê muội ta không tin là có thế giới của người âm, nhưng nay thì khác nhiều rồi, chỉ riêng việc ông bà và các cháu thành kính là đã có cái tâm trong sáng lắm, phúc lành lắm đấy!

Ông giáo Tràng hớn hở khoe:

– Thưa thật với các ông, từ sau cái đận ấy, cháu thứ hai học giỏi hẳn lên, chữ cũng rất đẹp. Vợ tôi thì bảo do Cụ khai tâm, tôi không dám nói gì nhưng hiểu rằng cháu có thêm động lực để học hành và phấn đấu. Sau đấy cháu thi đỗ đại học và bây giờ công tác ở Lào Cai như tôi đã thưa chuyện, cháu còn rước bài vị Cụ lên thờ trên đó.

Tự dưng trời đổ một cơn mưa đá, những hạt đá to bằng viên sỏi rơi xuống mái ngói như có người ném rào rào, hơi lạnh tỏa ra mát dịu. Ông giáo Hoàng gật gù, mưa đá thế này trời sẽ nhanh tạnh đây, mà năm nay cây cối cũng sẽ tươi tốt hẳn lên, ông Tràng kể tiếp đi, câu chuyện đang hồi hấp dẫn.

– Dạ thưa, như đã kể với các ông, các cháu tôi đều thi đỗ đại học và có công việc ổn định. Nhưng có chuyện lạ lắm các ông ạ. Một lần cháu thứ hai nói cụ ông hiện về báo mộng phải chuyển lại cái cổng, chiều cháu vợ chồng tôi chuyển lại cổng như bây giờ. Từ ngày chuyển cổng gia đình tôi vẫn dạy học, nuôi cá, làm ruộng như trước nhưng đời sống khá hẳn lên, không những nuôi các cháu ăn học nên người mà còn xây được cái nhà như hôm nay.

Tất cả cùng cười vui: các Cụ phù hộ cho ông bà đấy, đúng là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, ông bà ta dạy không sai bao giờ!

Bà vợ ông giáo Tràng mải nấu cháo cho khách ăn đêm dưới bếp, bây giờ mới lên góp chuyện:

– Có lần cháu thứ hai đi học về, đến cổng thấy một người gánh bưởi đi bán, cháu khát nên mua liền hai quả, đem về bổ ăn thấy ngon nên lấy hạt gieo, về sau trồng hai cây ở hai bên cổng, bây giờ cây to gần một người ôm rồi, quả ngon lắm các ông ạ.

Ông giáo Hoàng thảng thốt:

– Lạ quá các ông bà ạ, câu chuyện gần 600 năm mà như sự linh nghiệm vào nhà ông bà đây!

– Chuyện như thế nào ông giáo? Sao ông lại nói là linh nghiệm? Mà câu chuyện lại từ gần 600 năm như thế nào thưa ông?

– Chả là thế này, trong quá trình vận động xây đền dựng tượng hai Cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, một trong những việc tôi tâm niệm là phải tìm được di cốt của hai Cụ ở đâu. Ngày xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, mấy trăm người bị xử trảm, vật đổi sao dời biết tìm ở nơi nào! Trong một lần tôi mời nhà ngoại cảm gọi hồn hai Cụ ở Khuyến Lương, Trần Phú, Hà Nội, hôm đó có giáo sư Vũ Khiêu cùng nhiều nhà nghiên cứu và nhân dân chứng kiến, nhà ngoại cảm nói lại lời Cụ Nguyễn Trãi thế này: “Ở Khuyến Lương không có di cốt của ta với nàng. Sau khi bị người đàn bà nanh ác trong triều cho người trảm thủ, môn sinh của ta xin thủ cấp của hai ta về vùi giấu ở phía tây vườn vải, ở thổ đất của một nhà họ Nguyễn tên là Tràng và được đánh dấu bằng hai cây bưởi, nay đã cổ thụ rồi”.

Trời ơi! Tất cả đều thốt lên rồi đứng lên thắp hương lễ bái, ai cũng thầm mong nếu có sự linh nghiệm, các Cụ hãy phù hộ cho quốc thái dân an, muôn đời con cháu được hưởng thái bình, hạnh phúc.

Bà vợ ông giáo Tràng hướng về ông giáo Hoàng lễ phép hỏi:

– Thưa ông, nghe nói quá trình vận động xây dựng khu di tích này ông giáo vất vả lắm ạ. Dân làng chúng tôi vẫn nói với nhau: nếu không có công lao vô bờ bến của ông giáo thì quê chúng tôi đâu có được khu di tích khang trang như hôm nay.

– Có gì đâu, các Cụ đã hy sinh cuộc đời mình và cả ba họ bị rơi đầu vì đất nước, thì việc làm nho nhỏ của chúng tôi có gì đáng nói. Nếu phải nhắc đến thì phải nói tới các nhà khoa học đã tìm lại trong mịt mù lịch sử để tổ chức hội thảo minh oan cho hai Cụ. Hay những người thương binh của công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình đã đóng góp vô tư không vụ lợi để có ba ngôi đền khang trang, nghiêm cẩn như hôm nay, rồi còn bao người nữa góp công của, có ai tính toán gì đâu. Ngay việc xác định được khu Lệ Chi Viên như bây giờ đã mất không biết bao tâm sức của các nhà nghiên cứu, các nhà ngoại cảm, các nhà hảo tâm rồi.

Nhìn về phía trời xa, ông giáo Hoàng xúc động:

– Ngay như tượng đài “Giọt lệ” bên đền thờ hai Cụ, sinh thời cố thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Thảo cùng tôi ấp ủ ý tưởng nhưng chưa kịp thực hiện thì không may ông Thảo qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Sau khi xây xong hậu cung ở Lệ Chi Viên, phu nhân của ông Nguyễn Xuân Thảo là bà Trần Thị Nga và người con trưởng là Nguyễn Trung Hiếu sát cánh cùng tôi hoàn thiện. Tôi ao ước xây dựng bằng được khu nhà tiền tế và hai nhà bia ghi lại lịch sử Lệ Chi Viên và công đức của hai Cụ. Bao ý định ngổn ngang chưa thực hiện được, tôi chỉ biết cầu mong hai Cụ chỉ đường để gặp được những người có tâm đức, chung tay xây dựng khu di tích xứng với tầm vóc hai Cụ. Đây không chỉ là nơi thờ cúng, tôn vinh những người có công với nước, mà còn là nơi mỗi khi chúng ta thắp nén hương trầm trên bàn thờ hai Cụ là lòng ta trong sáng hơn, biết sống, biết yêu thương nhân ái thì tôi khi được về hầu hai Cụ cũng thanh thản trong lòng.

Ông Trần cảm động:

– Thưa các ông bà, ông giáo Hoàng đây đã gần 80 tuổi rồi, vậy mà gần ba mươi năm nay không quản bệnh tật, nói ít người tin nhưng một mình một xe máy đi gõ cửa các cơ quan, ban ngành, tổ chức và cá nhân từ trung ương đến địa phương, vận động quyên góp. Nhiều khi ông ốm tưởng chừng như không gượng dậy nổi nhưng cứ nghĩ đến nỗi oan khiên của hai Cụ cùng ba họ, là ông lại có thêm động lực để vượt lên mọi khó khăn. Tôi chỉ nhẩm tính sơ bộ chặng đường ông đi xe máy bấy nhiêu năm cũng hết mấy vòng quanh đất nước rồi đấy ạ…

Ông giáo Hoàng xua tay ngắt lời:

– Thôi ông kể những chuyện ấy làm gì, tôi thấy mình làm bao nhiếu vẫn chưa đủ. Tiếc rằng tuổi cao, sức yếu mà công việc còn bề bộn quá. Tôi chỉ ao ước một thời gian gần đây khu di tích Lệ Chi Viên sẽ được đầu tư xây dựng to lớn hơn nữa. Các ông bà xem, nước mình có bao nhiêu danh nhân văn hóa thế giới như Cụ Nguyễn Trãi? Còn câu chuyện gia đình ông giáo Tràng, cũng không ai dám khẳng định hai Cụ trong câu chuyện ông giáo Tràng kể là Cụ Nguyễn Trãi và Cụ Nguyễn Thị Lộ nhưng thật là lạ quá các ông ạ. Có điều tôi luôn tin rằng dưới suối vàng, các Cụ đều biết tất cả, ta biết hướng về nguồn cội không vụ lợi, các Cụ sẽ phù hộ độ trì, trong ta cũng như được tiếp thêm nghị lực và niềm tin trong sáng. Các ông bà nếu được chứng kiến lời của Cụ Nguyễn Thị Lộ qua nhà ngoại cảm mới có thể đồng cảm cùng tôi: “Đừng gắn cho tôi một mảy may oán hận nào về sự bất hạnh của bản thân tôi. Trong lịch sử Việt Nam, từ đời này qua đời khác đã có hàng vạn, hàng triệu con người hiến dâng cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc để đất nước ta mãi trường tồn. Chút đóng góp của tôi đã có gì đáng kể. Nếu có điều đáng tiếc thì chỉ là không được sống thêm ít năm nữa để cùng phu quân tôi, tiếp tục phụng sự đất nước và nhân dân mà thôi”. Tôi nghĩ mỗi người đến với hai Cụ bằng lòng thành của chính mình sẽ thêm một lần lòng ta trong sáng hơn, các Cụ cũng ngậm cười nơi chín suối!

Ông giáo Tràng thành thực:

– Vợ chồng tôi cũng nghĩ như vậy các ông ạ, nên vẫn dậy con cháu phải biết nhớ tới cội nguồn, nếu đánh mất cái đó sẽ như cây mất gốc, sông mất nguồn vậy có phải không ạ.

Ngoài trời đã tạnh từ lúc nào, ông giáo Hoàng vui vẻ:

– Thôi ta cùng ra đền một lúc xem cánh thanh niên chuẩn bị như thế nào cho yên lòng.

Hương lúa đồng thoảng thơm ngọt dịu, sau cơn mưa nặng hạt, trời đêm thăm thẳm không một gợn mây, phía trời xa le lói một vì sao.

Lệ Chi Viên 14.9.2010 – Hà Nội 28.9.2010