Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Vịnh.
Gồm các truyện sau:
1. Ngọc bút vẫn nở hoa
2. Hào quang của đất
3. Mối tơ vò
4. Cạm bẫy
5. Giấc mộng buồn
Nhà văn Đào Quốc Vịnh
Sinh năm 1955
Quê quán: Hà Nội.
Thời phổ thông, ông đang học cấp 3 thì nhập ngũ. Sau hai năm phục vụ trong quân đội, ông được xuất ngũ trở về địa phương, và theo cha đi làm thợ mộc.
Đầu năm 1974 ông quay lại học nốt chương trình phổ thông tại Trường cấp 3 Dương Xá, Gia Lâm Hà Nội, rồi thi vào khoa Văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.
Vì đạt điểm thi cao, ông được gọi vào học tại khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhưng vì những lý do của thủ tục hành chính lúc bấy giờ, ông nhận giấy gọi đại học và nhập học muộn hai tháng, nên phải chuyển sang học khoa tiếng Nga hệ đào tạo trong nước của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học ông được phân công lên làm giáo viên dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc, sau đó chuyển về công tác tại một đơn vị trực thuộc Bộ Nội Thương, sau thành Bộ Thương Mại và nay là Bộ Công Thương.
Vốn là một người yêu và khát vọng được dấn thân vào con đường văn chương từ khi còn cắp sách đến trường, nhưng vì những thăng trầm của cuộc sống mưu sinh, mãi đến khi đã ở độ tuổi xế chiều, bước sang phía dốc bên kia của cuộc đời, ông mới cầm bút. Ông sáng tác thơ, từ thơ lục bát, đến thơ tự do, thơ dành cho thiếu nhi.
Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 và tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình khi lấn sân sang sáng tác văn xuôi từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Nhưng dù là làm thơ hay viết văn, thì trong mỗi trang viết của ông vẫn mang hơi thở của cuộc sống đương đại, với những chất liệu sống ngồn ngộn mà một đời lăn lộn, làm nhiều nghề, đến nhiều nơi để kiếm sống nuôi thân đã chất chứa trong ông.
Cho đến nay, sau gần năm năm cầm bút, ông đã cho ra đời được tám tác phẩm văn học, trong đó có sáu tập thơ, một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, ngoài ra là những tác phẩm văn học thuộc thể loại thơ và truyện ngắn đăng rải rác trên các báo trung ương và địa phương.
Tác phẩm đã xuất bản:
Cây ngọc bút vẫn nở hoa – tập thơ, NXBHNV 2018; Tình thơ – tập thơ NXBHNV 2019; Ước mơ của em – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2020; Em yêu nhà mình – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2021; Trăng Thề – tập thơ NXBHNV 2022; Hào Quang của đất – tập truyện ngắn NXBHNV 2022; Những Đôi Mắt Khoảng Trời – tập truyện NXBHNV 2023; Nắng Trong Mưa – tập thơ NXB HNV 2023.
Khi nói về mình, ông từng viết, “ta như ngọn nến bỏ quên”.
Ngọn nến văn chương Đào Quốc Vịnh đã bùng lên ngọn lửa tận hiến và sẽ tiếp tục mang đến cho bạn đọc những tác phẩm thơ, và văn xuôi trong những dự án mà ông đang theo đuổi thực hiện.
Giấc mộng buồn
Nàng nức nở quàng ôm lấy hắn. Một thân thể dúm dó bất động. Nhưng dây truyền cắm đầy người. Đầu hắn được băng bịt kín. Hắn hoàn toàn nằm bất động trong hôn mê sâu. Nàng ân hận. Dường như tất cả những đau đớn mà hắn đang phải gánh chịu, đều tại nàng. Nàng cố nén chặt nỗi đau trong lòng để không bật lên tiếng khóc, thì tiếng khóc càng nức nở. Những giọt nước mắt của nàng nhỏ xuống khuôn mặt tím dại, vô hồn của hắn. Nàng thương mình. Rồi nàng lại thấy thương hắn. Nàng mới chỉ quen biết hắn chừng nửa năm nay thôi. Nhưng nàng biết hắn là một người đàn ông cô độc. Không họ hàng thân thuộc. Không vợ. Không con.Và nàng đã quen với hắn. Nói đúng hơn, nàng đã tự tìm đến hắn. Ban đầu là đọc những bài thơ tình hắn đăng trên Face Book. Những bài thơ mộc mạc, nhưng giàu cảm xúc đã chạm vào trái tim nàng. Đọc thơ hắn, nàng như được giải tỏa hết thảy. Nàng cảm thấy như trên đời này chỉ có hắn mới hiểu được nàng, mới chia sẻ được với những đau khổ mà nàng đã chịu đựng. Mỗi lần đọc thơ hắn xong, nàng như chìm vào một thế giới khác, một thế giới mà suốt thì con gái nàng chưa bao giờ được một giây một phút vãng lai đến. Thơ hắn mở toang cánh cửa tâm hồn nàng, đưa nàng đến với những khát vọng kỳ lạ. Ngọt ngào. Quyến rũ và cũng đủ độ đắng cay để nàng chiêm nghiệm về những năm tháng mình đã sống. Sau những lần làm quen là hò hẹn. Có đến mấy lần nàng và hắn phải thay đổi lịch hẹn. Song nàng không cảm thấy nản lòng mà coi đó như những thử thách của sự đợi chờ. Đôi lúc nàng cảm thấy thú vị vì những cuộc hò hẹn không thành. Sau những háo hức mong thời gian trôi đi từng phút để đến ngày hai người gặp nhau, là những hồi hộp và lo lắng tan biến.
Lần gặp nhau thứ sáu hay thứ bảy gì đó, khi hắn ngỏ ý muốn được sống cùng nàng, nàng đã không giấu diếm mà nói thật lòng mình với hắn. Nàng đang ở trong một hoàn cảnh tột cùng của sự cô đơn. Chưa đến năm mươi tuổi, nàng còn đầy ắp những si mê. Đêm đêm, nàng từng phải chịu đựng cảnh đơn côi, trống vắng. Khát vọng về một cuộc tình vu vơ thường ập đến khiến nàng không sao ngủ được. Nhiều đêm, nhắm mắt lại mà tâm trí nàng cứ như treo ngược trên chiếc quạt trần, quay tít. Nàng thiếp đi và thường rơi vào những mộng mị tình ái. Nàng đã từng mơ thấy một bàn tay thô ráp lần mò trên thân thể nàng. Đôi môi khét lẹt mùi thuốc lá, hăng nồng mùi rượu áp chặt vào môi nàng. Và nàng giật mình tỉnh giấc, len lén vào trong toa let rửa ráy, vùi cái quần lót xuống thật sâu dưới đáy chậu quần áo. Lấm lét nhìn vào đêm tối như thể có một đôi mắt vô hình đã bắt được quả tang nàng vừa ngoại tình trong mộng mị… Nàng lí nhí kể cho hắn nghe một điều gì đó mà chính nàng cũng không nhớ nữa. Nàng nhìn thật sâu vào đôi mắt to nằm trong hốc mắt sâu với hàng lông mày rậm như chổi sể. “Lần sau mình gặp nhau ở nơi khác em nhé!”. “Nơi nào anh thích. Với em, khi tình yêu đã đủ lớn thì em sẽ trao cho anh tất cả. Em cần anh. Và em sẽ không hề luyến tiếc một điều gì”. “Liệu có đủ độ tin cậy để em tựa vào anh hay không?”. “Em không biết nữa. Nhưng em tin rằng anh sẽ không làm em thất vọng”.
Không còn nhớ là lần thứ mấy, họ đã gặp nhau ở một nơi rất xa, trên vùng núi cao nơi địa đầu của tổ quốc. Đêm ấy cả hai đều không ngủ. Hắn. Đúng, đầu tiên là hắn đã kể về đời mình cho nàng nghe. Những câu chuyện hắn kể là về chiến tranh, trận mạc, là bom rải thảm, là chất độc huỷ diệt sự sống của mọi sinh vật mà kẻ địch đã đổ xuống. Hắn không vợ. Không con. Không gia đình. Khi chiến tranh chấm dứt, hắn trở về thì ngôi nhà gồm những người thân của hắn đang ở đã biến mất, nơi ngôi nhà ngày xưa hắn cất tiếng khóc chào đời đã biến thành một cái hố bom sâu, nước xanh đen. Nàng nằm xích lại gần hắn. Gối đầu lên cánh tay gầy gò nhưng cứng như một thanh củi của hắn. Khẽ đưa tay đặt lên miệng hắn như thầm bảo: “Thôi, em hiểu rồi”. Về phần mình, nàng chỉ nói vắn tắt, nàng sắp ly dị chồng vì nàng không sinh được con trai cho chồng. Giọng nàng buồn buồn. Hắn ôm lấy nàng. Cả hai chìm vào một không gian riêng, hạnh phúc. Trong tiếng rì rào của gió núi là tiếng rên lên khe khẽ của nàng buột ra mãn nguyện và hạnh phúc.
Sau lần ấy, nàng sợ hãi chính mình. Nàng cảm thấy có lỗi với các con, có lỗi với những người thân. Cảm giác phản bội một ai đó xâm chiếm lòng nàng. Nàng quyết định không gặp lại hắn nữa. Nàng muốn đoạn tuyệt, nhưng khổ một nỗi, nàng càng cố gắng quên đi thì hình bóng của hắn lại càng lởn vởn trong đầu nàng, khiến nàng không còn tâm trí đâu để làm việc. Nàng nhớ cái mùi khen khét phả ra từ mái tóc hoa râm cháy nắng của hắn, mùi mồ hôi khét nồng đậm chất đàn ông từ thân thể hắn thấm đượm sang nàng. Rồi hắn gửi cho nàng một lời hẹn. Nàng im lặng không trả lời. Vậy mà một ma lực kỳ lạ nào đó vẫn dẫn nàng tới nơi hắn đã hẹn. Nàng ngồi giấu mình ở một quán nước đối diện. Hắn đến. Thật đúng giờ. Hắn vào khách sạn chờ nàng. Trống ngực nàng đập liên hồi. Nàng toan đứng dậy để theo hắn vào trong khách sạn. Nhưng bất chợt nàng cảm thấy đôi mắt đứa con gái út từ trên thinh không đang lấp lánh nhìn về phía nàng. Nàng lại ngồi xuống. Nàng nhấp từng ngụm trà nóng, mong cho thời gian trôi đi. Nàng ôm chặt chiếc túi xách, như nén chặt lòng mình lại. Nàng quyết định lấy điện thoại ra nhắn tin cho hắn. “Anh ơi, em không đến được đâu”. Tin nhắn được gửi. Hình ảnh hai giọt lệ buồn được hắn thả ngay dưới tin nhắn mới nhận. Nàng đứng dậy nhanh chóng lên xe lao vun vút về nhà như đang chạy trốn hắn.
Suốt buổi tối hôm ấy, nàng luôn sống trong tâm trạng lo lắng và ân hận. Sao nàng lại có thể tàn nhẫn với hắn như thế? Sao nàng lại phải sợ hãi đến thế? Nàng đang sợ hãi ai? “Anh hãy tha thứ cho em…”. Nàng lẩm nhẩm rồi ngồi bật ti vi. Mắt hướng về phía màn hình ti vi mà đầu óc nghĩ vẩn vơ, nuối tiếc, ân hận vì đã không gặp hắn…
Có tiếng điện thoại gọi từ máy bàn bệnh viện. Đầu dây bên kia, thông báo cho nàng, bởi trong máy điện thoại của hắn, số cần gọi khẩn cấp lại là số điện thoại của nàng, hắn bị tai nạn sau hai tiếng chờ nàng ở khách sạn không gặp được. Hắn buồn bã ra về, vì mải suy nghĩ, vượt qua ngã tư đèn đỏ ngay gần khách sạn nên không may bị một chiếc xe con tông phải. Người lái chiếc xe con đã đưa hắn đến cấp cứu kịp thời.
Nàng nghe người ở phía đầu dây bên kia thông báo mà như có sét đánh ngang tai. Tại nàng tất cả. Tại nàng bỏ hắn. Tại nàng đoạn tuyệt với hắn. Có câu “chuyến đò nên nghĩa”, vậy mà nàng vô tâm, tàn nhẫn đến vậy!
Nàng nhìn khuôn mặt hắn. Đôi mắt nhắm nghiền. Nàng khóc. Nàng cứ tự dằn vặt mình, tự vấn mình về số kiếp, về thân phận hẩm hiu, gánh chịu bao nhiêu nghiệt ngã của kiếp làm người…
***
Ngay từ khi sinh ra trên đời này, nàng đã phải gánh chịu những trớ trêu của số phận. Cả tuổi ấu thơ của nàng bị sóng gió dữ dội vùi dập. Cha nàng từng căm ghét sự có mặt của nàng trên cõi đời này. Hàng ngày, nàng luôn cảm thấy cha nàng có những đối xử không công bằng giữa nàng với các em nàng. Trong một cơn say rượu, cha nàng trở về nhà với một khuôn mặt đỏ gay, sát khí đằng đằng nhìn nàng, khiến nàng thần hồn át thần tính đánh rơi chiếc ấm pha trà bằng sứ Giang Tây cổ mà cha nàng quý hóa nhất, luôn gìn giữ như một báu vật trong nhà. Cha nàng tóm lấy cổ nàng, dúi mặt nàng vào bãi cứt của con lợn sề xổng chuồng ỉa vãi còn chưa ai dọn, giọng rít lên: “Mày cút theo thằng bố mày đi, đồ khốn!”. Nàng vục mồm vào bãi cứt lợn. Mùi thối nồng của bãi cứt lợn xộc vào cổ họng nàng, khiến nàng kinh tởm đến ói mửa.Tiếng chửi bới, chì chiết của cha nàng làm nàng hoảng hốt. Vậy ra ông ấy không phải là cha đẻ của nàng. Nàng chạy vào trong gian nhà ngang tìm bà nội. Bà nội vịn vào cây gậy có ba chân cố gượng đứng dậy, giọng run run yếu ớt: “Anh có để cho tôi sống nữa không thì bảo! Im ngay đi cho tôi nhờ”. Rồi bà quay sang phía nàng, lấy chiếc khăn mặt cáu bẩn màu đất đỏ lòe, đưa nàng ra bờ ao trước nhà, rửa mặt cho nàng. “Cháu bà không phải đi đâu cả. Đẻ ra ở đây thì ở đây với bà”. Nàng len lén đi theo bà vào gian nhà ngang nơi bà nội ở. Khóc thút thít bên cạnh bà.
Nàng từng hỏi mẹ về thân phận nàng. Về cha nàng. Mẹ chỉ im lặng. Nước mắt ứa đầy trên hai hốc mắt, thâm quầng đầy những vết chân chim mẹ thì thầm như van xin nàng: “Mẹ xin con. Rồi con sẽ hiểu. Con sẽ hiểu”. Một hôm, nàng hỏi ngay bà nội về chuyện cha nàng đuổi nàng đi hôm đó.Vậy cha đẻ của nàng là ai? Bà nội nhìn nàng bằng đôi mắt mờ đục đẫm nước, khó nhọc nuốt một cái cục nghẹn vô tình chèn ngang cổ bà, run run bảo nàng: “Tất cả là tại bà, con ạ”.
Dần dần nàng cũng hiểu ra người cha đang sống trong căn nhà này không phải là cha đẻ của nàng, mà chỉ là cha dượng nuôi nàng từ lúc nàng còn chưa kịp chào đời. Cả hai người đàn ông ấy khi còn trẻ là hai người bạn học cùng lớp, rất thân nhau. Cả hai cùng thầm yêu một người con gái. Sau khi đi khám nghĩa vụ quân sự về, gia đình cha dượng nàng bây giờ đã có cơi trầu sang xin nhà gái gả mẹ nàng cho dượng. Cuộc sống vợ chồng của mẹ với dượng được vẻn vẹn hai mươi ngày thì dượng và cha nàng cùng nhập ngũ. Dượng vào bộ binh, sau kỳ huấn luyện ngắn ngày chỉ được về tranh thủ thăm nhà có hai ngày. Mẹ nàng đã khóc mòng mắt khi chồng về đột xuất ngắn ngày lại đúng ngững ngày đèn đỏ…
Mẹ nàng thắt lưng cho thật chặt chờ chồng. Cuối năm 1972 thì nhận được giấy báo tử của dượng. Thời gian dượng hy sinh vào mùa xuân 1968, tức là cách đó bốn năm. Hai năm sau ngày làm lễ truy điệu cho dượng thì cha nàng, một người mồ côi cả bố và mẹ, thân thiết với dượng như anh em một nhà, đã viết đơn bằng máu để được nhập ngũ cùng một này với dượng của nàng, đã bất ngờ từ chiến trường trở về. Chính bà nội đã nói với mẹ: “Hiền này, con vào đây bu bảo. Thằng Hiến chồng con xấu số. Nó mất cũng đã sáu năm. Truy điệu ở làng này cũng đã lâu. Con gái có thì, con chu đáo với nhà này, với bu, bu biết, nhưng con cần có hạnh phúc riêng. Bu tính thế này, thằng Hiến với thằng Lợi từ bé đã thân nhau, coi nhau như anh em ruột. Bu định gả con cho nó. Bu chỉ có mình thằng Hiến là con trai, nó mất rồi, bu muốn các con xây dựng với nhau rồi ở lại với bu cho vui cửa vui nhà. Mẹ nàng giãy nảy: “Bu ơi, con là gái đã có chồng. Người ta giai tân.Với lại con chả lấy ai đâu bu ạ. Con sẽ ở đây với bu, bu nhé”. Bà nội nhìn mẹ nàng, khóc. Rồi bà quyết định nói chuyện này với người bố đẻ sau này của nàng: “Con là giai tân, vừa đi bộ đội về, kiếm đâu chả được vợ. Nhưng mà bu muốn có các con ở đây với bu. Con thay thằng Hiến, con nhé”. Rồi bà làm một mâm cơm thưa chuyện với tổ tiên, với người con liệt sỹ của mình. Mẹ và cha nàng đứng bên bà nội rưng rưng nước mắt, xin được tổ tiên và người đã khuất chấp nhận cho cuộc hôn nhân này và hứa sẽ sống hạnh phúc, chăm sóc bà nội thay người đã khuất.
Khi mẹ mang thai nàng qua tháng thứ tư vào tháng thứ năm thì dượng Hiến khoác ba lô trở về. Họ hàng nội ngoại, bà con trong làng đến chơi mừng cho bà nội, ăn ở phúc đức, con trai đi B bao nhiêu năm, đã có giấy báo tử, bằng Tổ Quốc ghi công nay lại đột nhiên trở về, trên người không một vết thương. Ai cũng bảo là giời thương bà nội. Chỉ có cha Lợi và mẹ là lòng dạ rối bời. Khi mọi người đã ai về nhà nấy, thì bà nội mới gọi dượng Hiến, cha Lợi vào trong buồng thì thầm để dượng biết rõ sự việc. Dượng Hiến rụng rời chân tay. Sau mấy giây lặng người đi, dượng như điên dại. Dượng chạy đến trước bàn thờ, gỡ luôn tấm bằng Tổ Quốc ghi công xuống, ôm chặt vào lòng, giọng rít lên: “Tôi đi một sống mười chết. Vì cái này mà tôi mất vợ, bu ơi… Chúng nó lấy nhau thì cớ gì mà bu lại cho chúng nó ở lại cái nhà này, hả bu. Bu giết tôi đi, bu ơi, là bu…”. Cha nàng đã nói với dượng rất nhiều. Đó là do hoàn cảnh của chiến tranh mang lại. Chả ai muốn thế. Người cần phải ra đi khỏi căn nhà này, đi ngay lập tức là cha nàng. “Tao đi, Hiến ạ. Cả tao và mày đều chả ai được gì cả. Chúng ta đều mất mát rất nhiều. Mày ở lại chăm sóc bu. Tao đi đây. Cái Hiền nó không có lỗi.Tại tao tất cả”. Cha khoác chiếc ba lô cũ đã từng theo cha xông pha nơi trận mạc, chào bà nội rồi lặng lẽ đi khỏi làng trong đêm. Suốt những ngày sau, dượng và mẹ sống trong một căn nhà, mà không ai nói với ai câu nào. Mẹ nàng bụng mang dạ chửa cứ sống lặng thinh trong đau đớn. Mẹ từng đọc truyện, xem phim, cứ nghĩ những cảnh đau buồn sau chiến tranh chỉ là trong phim ảnh, do các ông nhà văn khéo bịa ra mà viết lên cho ly kỳ, nào ngờ sự trớ trêu đến tàn nhẫn lại vận vào đời mẹ. Mỗi khi đứa con trong bụng mẹ cụng cựa, mẹ lại hốt hoảng lo sợ. Không biết rồi sinh con ra, dượng sẽ thế nào khi đứa con không mang dòng máu của ông ấy cứ hiển hiện, mỗi ngày một lớn lên.
Còn dượng thì đau đớn đến thấu tận tâm can. Thử hỏi, trên đời này, còn có thằng đàn ông nào nhục như ông không. Vào sống, ra chết, đi theo một lý tưởng mà cả tuổi thanh xuân cuồng nhiệt của ông chỉ biết tiến về phía trước mà chiến đấu, hy sinh, rồi khi ngoái đầu quay lại hậu phương, nơi có bu mình, vợ mình đang chờ đợi, thì vợ đã lấy chồng, sắp sinh con. Thà rằng vợ ông chờ chồng đằng đẵng, có chót dại ăn ở vụng trộm với một ai đó, khuất mắt trông coi, thì còn đỡ nhục. Đêm đêm, ông ngồi một mình, hút thuốc lào vặt, buồn bã nhìn vào sâu thẳm đêm đen. Sao cái kiếp con người nó khổ đến vậy. Một thằng bạn, một thằng đàn ông và vợ ông đã sống đời vợ chồng với nhau ở ngay trong căn nhà của ông, lại do chính bu ông cho họ cái quyền sống với nhau như thế. Sự trở về của ông lại vô tình làm tan nát cuộc đời chồng vợ của họ. Ông đúng hay họ đúng? Tất cả lại là tại chiến tranh. “Ừ, tất cả tại chiến tranh. Sao chiến tranh lại xẩy ra? Sao lại tàn ác thế, sao lại nhẫn tâm với ông thế…!”. Bà nội đã nhiều lần kể về dượng như thế cho nàng nghe. Mỗi lần kể là nước mắt nước mũi bà lại giàn giụa. Còn nàng thì sợ hãi. Nỗi sợ hãi đã bao lần thôi thúc nàng bỏ trốn đi tìm cha đẻ của mình. Nàng cứ bị ám ảnh mãi về cái bi kịch mà chiến tranh đã mang đến cho gia đình nàng. Thứ bi kịch làm tất cả những thành viên trong gia đình này phải đau khổ. Bà nội. Cha nàng. Dượng. Rồi mẹ nàng. Tất cả đều gánh chịu những đau đớn đến tan nát cõi lòng mhưng thời gian trôi đi, bà, dượng và mẹ nàng sẽ dần tìm được những niềm vui mới, những niềm vui ấy sẽ xoa dịu được những nỗi đau ấy dù nó có đau đớn đến đâu. Chỉ có nàng, người không can dự một giây một phút nào vào cuộc chiến tranh ấy, lại phải chịu đựng sự cô độc khi mới chỉ là một cô bé con. Ngay cả cha đẻ nàng nữa, giờ đi đâu, đang ở đâu, chắc chắn cha cũng đã có một gia đình…
Cả làng, cả tổng, cả huyện, rồi cả cái tỉnh này ai cũng biết nàng sinh ra không phải là con đẻ của dượng Hiến. Ngay lũ bạn cùng trang lứa với nàng cũng nhìn nàng bằng con mắt thương hại nàng. Nhiều đứa độc mồm độc miệng còn gọi nàng là con hoang. Cả tuổi thơ của nàng phải sống trong lầm lũi. Dù có vui cũng không dám cười, vì nàng sợ đôi mắt và khuôn mặt lạnh lùng của dượng và những cái nhìn chế nhạo, khinh bỉ của lũ bạn cùng trang lứa. Những ngày làng có hội, nàng chỉ dám mon men bên cạnh gốc đa đầu đình làng ngóng vào nơi đang hành lễ mà lòng chỉ nhớ đến cha, muốn tìm được cha để nàng được thoải mái cười nói khi đi bên cha…
Rồi mẹ và dượng cũng sống với nhau. Mẹ sinh cho dượng hai đứa con trai. Nhưng nàng vẫn cảm thấy cô đơn. Không có người chia sẻ. Nàng sợ đôi mắt lạnh như nước đá của dượng. Nhìn hai đứa em luôn được dượng cưng chiều, lòng nàng buồn se sắt. Mỗi lần đi lên phố huyện hay đi chợ phiên về, dượng thường dúi vào tay hai đứa em những gói bánh, hay gói kẹo. Hai đứa em ăn xong, cười nói ríu rít, miệng phả ra thứ mùi thơm ngọt lịm làm nàng thèm đến ứa nước dãi. Mỗi khi tết đến, khi mua sắm quần áo mới cho các con, mẹ nàng mua cho nàng cái áo hoa đẹp. Nàng vui sướng mặc chiếc áo hoa mẹ mua. Hai đứa em trai khoe với dượng: “Bố nhìn kìa, chị Ngọc mặc áo hoa xinh thế”. Bất giác nàng nhìn thấy ánh mắt lạnh lùng của dượng. Mẹ như hiểu được điều đó. Rồi từ những lần sau mẹ không dám mua quần áo sáng màu cho nàng nữa. Mẹ thì thầm: “Con đi học sợ mực giây ra quần áo bẩn, nên thôi, mẹ mua áo tối màu cho con mặc tạm vậy nhé”. Cảm giác cô độc luôn xâm chiếm, đè nặng trĩu trong lòng nàng. Mỗi buổi chiều đi học về, dọn dẹp nhà giúp mẹ xong, nàng lại lặng lẽ đu mình trèo lên cây sung phía bên kia bờ ao, nhìn về nơi mặt trời lặn. Không ai nói cho nàng biết cha nàng đang ở đâu, nhưng nàng có linh cảm cha nàng đang ở phía bên kia những dải mờ xa tít chân mây nơi ông mặt trời đang từ từ lặn xuống.
Học hết cấp ba, nàng đi theo chúng bạn thi vào trường Đại học Y ở ngay tỉnh nhà. Học hết năm thứ hai thì nàng xin vào làm thêm ở một phòng khám phụ khoa, do một thày giáo dạy trong trường mở để có thu nhập đỡ phải xin mẹ đóng tiền học phí. Thời gian làm việc ở phòng khám thường kết thúc vào lúc chín giờ tối. Nàng thường phải ở lại dọn dẹp và làm vệ sinh phòng khám. Có nhiều hôm phải gần mười giờ đêm mới rời khỏi chỗ làm để về nhà trọ. Sau một ngày học trên giảng đường mệt mỏi, buổi chiều chỉ ăn qua quýt khi thì cái bánh, khi thì gói mì ăn liền, nên tối tan việc là mệt bã bời. Về nhà nằm thẳng cẳng, đêm muộn mới ăn lưng cơm rồi chuẩn bị bài để sáng hôm sau còn đến lớp.
Buổi tối mùa đông ấy, trời tối đen như mực, khi nàng vừa đạp xe về tới cống mương, đoạn đường âm u vì hôm đó bỗng dưng mất điện đèn đường. Nàng cuống quýt, thở hồng hộc gắng sức đạp xe cho mau qua đoạn đường vắng. Bỗng nàng vướng vào một sợi dây chăng ngang qua đường, toàn thân nàng văng ra khỏi xe bất tỉnh. Khi nàng lơ mơ tỉnh dậy thì trên thân thể nàng không còn một manh vải che thân. Trong bóng đêm, dù căng mắt nhìn nàng cũng chỉ còn nhận thấy hai bóng đàn ông to lực lưỡng đang chực đổ ập xuống người nàng. “Em bé tỉnh rồi! Cho bọn anh tý nữa nhé!”. Nàng chồm dậy, vơ vội xung quanh mình định vớ lấy những mảnh quần áo của nàng bị lũ người lạ lột ra vứt ngay bên cạnh, thì hai cái bóng đen ập đến định vồ lấy nàng, may mà nàng đã kịp né được. “Ới làng nước ơi… giết người…!” Nàng hô lên thất thanh. Vừa lúc đấy, có một vệt sáng của đèn pha xe máy quét về phía nàng. Tiếng xe máy lại gần. Người đàn ông dừng xe, hô hoán: “Cướp…cướp..!”. Hai bóng đen tản ra hai phía, chạy thục mạng, ẩn mình vào đêm đông cuối tháng tối đen như mực. “Cháu có sao không?”. Người đàn ông tắt đèn xe máy. Nàng quờ quạng tìm quần áo khoác vội lên người, miệng lắp bắp: “Cái xe đạp của cháu…”. Người đàn ông chạy ngược lại dọc theo bờ con mương, xách chiếc xe đạp quay lại đưa cho nàng. “Cô về xóm Mới thì đi trước, tôi đi sau…Đừng sợ!”. Nàng run rẩy đạp xe đi trước. Thân thể nàng đau nhừ. Nàng cảm thấy bụng dưới nàng lâm râm đau buốt. Cảm giác rát buốt vùng kín làm nàng sợ hãi. Đi đến đầu xóm thì nàng dừng lại, quay lại phía sau nói với người đàn ông đã cứu nàng. “Cháu cám ơn bác. Cháu không sao đâu… cháu về được bác ạ…”. “Cô về an toàn nhé…”.
Nàng run lên như một con chim non mới độ ra ràng tập chuyền không may rơi xuống vũng nước, bước vào phòng Nàng chui ngay vào căn phòng tắm chật hẹp, thay quần áo. Nước mắt nàng trào ra. Cổ nàng nghẹn tắc lại.Nàng đau đớn nhìn dưới thân thể mình là những giọt máu còn hồng tươi. Nàng cố gắng rửa ráy sạch sẽ những nhơ nhuốc mà hai kẻ đàn ông đã đổ lên làm vấy bẩn thân thể nàng, rồi đứng dậy men theo tường, lê từng bước vào giường nằm. Không khóc mà nước mắt nước mũi cứ ộc ra. Nàng tắt đèn. Bóng tối ùa vào căn phòng nhỏ. Qua một bể nước mắt đang ứ đầy trên hai hốc mắt, nàng chỉ nhìn thấy một màn đêm dày, đặc quánh như nhựa đường. Nàng chìm trong đau đớn và ê chề nhục nhã. Rồi nàng thiếp đi trong mê man hoảng sợ…
Nàng lăn ra ốm. Nằm bệt suốt một tuần liền, không sao gượng dậy được. May mà có người bạn thuê phòng trọ ngay bên cạnh hàng ngày chăm sóc nàng, lo cơm cháo, thuốc thang cho nàng.
Sau khi bình phục, nàng chuyển đến ở ngay gần khu phòng khám để tiện cho việc đi làm thêm buổi tối. Từ đó, trong suốt mấy năm học còn lại, nàng luôn sống ẩn mình như một cái bóng. Khép kín. Không giao du với bạn bè. Không ai hiểu được những nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn nàng.
Tốt nghiệp đại học, nàng lên Hà Nội làm việc trong một cơ sở y tế thuộc một cơ quan cấp trung ương. Ngay từ những ngày đầu mới vào làm việc, nàng đã có ý phải làm hết sức để lấy lòng bà bác sỹ già người gốc Hà Nội vốn nề nếp trong mọi công việc đến mức có thể coi là kỹ tính. Nàng cảm thấy khá bất ngờ, bà bác sỹ già lại thích cái nết của nàng. Hướng nội. Thầm kín và dáng vẻ thật đoan trang. Nhiều lần nhà có việc, bà bác sỹ già thường nhờ nàng đến làm giúp. Vốn tinh ý, nhanh học hỏi, nên nàng được bà bác sỹ già yêu mến. Nhìn vào đôi mắt bà, nàng hiểu bà đang đặt niềm tin lớn lao vào nàng. Nàng cũng tranh thủ tìm hiểu về bà, về gia đình bà. Một lọ dưa chua nàng muối, vừa độ chín đến, đủ cả về độ cay nồng sống mũi khi nhai phải một đoạn ngồng cải, lại đủ cả về độ thun thút chua, tinh ý còn cảm nhận được cái ngọt tự nhiên của những lá dưa vàng tái đúng độ chín đến, đã làm bà bác sỹ già tín nhiệm nàng. Bà bảo, muối dưa là khó nhất. Có người vô duyên, vẫn công thức và cách làm ấy mà cả đời hễ cứ muối dưa là dưa khú, muối cà là cà nát nhơn nhớt không sao ăn nổi. Bà ngồi làm bếp mà vẫn để ý xem cách nàng nhặt mớ rau, vo bát gạo đổ vào nồi thế nào. Mấy lần cậu con trai độc nhất của bà đưa bạn gái về chơi năm ba phút gọi là cho bà kiểm duyệt, khi thì bà cho gọt đu dủ chín, khi thì gọt rồi bổ xoài, có cô thì luộc và chặt gà giúp bà. Bà chả thấy ưng cô nào. Mồm miệng thì toang toác, làm nội trợ thì vụng thối vụng nát. Không cô nào vừa mắt bà. Chồng bà mất sớm vì bệnh trọng. Bà đứng vậy nuôi con, nên cũng có cái khắt khe riêng. Cả đời hy sinh vì con, nhỡ lấy nhầm phải cô con dâu ba tuếch ba toác, át cả vía chồng thì bà mất không. Rồi bà kỹ tính quá, mấy lần con trai đưa bạn gái về không thành, sinh ra chán nản. Rồi lỡ chớn. Bà có ý vun vén nàng cho con trai bà. Bà bảo: “Cái Ngọc nó ở bên cạnh mẹ cả ngày, không ai hiểu nó bằng mẹ. Nó chu đáo, công việc nào cũng làm tốt. Tướng nó lại ích phu lợi tử. Lấy nó là đẻ sòn sòn ấy con ạ. Nom tướng nó kia…”. Cậu con trai quý tử của bà là con độc nhất, từ bé đến lớn, việc gì cũng núp bóng mẹ, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Rồi bà nói với nàng: “Ngọc này, con làm con dâu mẹ nhé”. Nàng giật bắn người. Người nóng ran lên vì hạnh phúc bất ngờ được bà bác sỹ tin tưởng nói một điều hệ trọng như vậy. “Dạ. Con sợ…”. Bà bác sỹ dấn thêm: “Sợ gì! Có mẹ, thằng Sỹ nhà mẹ nó không dám bắt nạt con đâu”. Nàng im lặng. Đôi mắt long lanh như hai giọt sương buổi sớm no ánh bình minh. Hai má nàng bừng lên rạng rỡ niềm hạnh phúc của một người con gái đã đến tuổi khôn lớn cần phải lập gia đình. “Tuần sau đưa bác về quê thăm bố mẹ và gia đình cháu nhé!”.
Lần đầu tiên nàng đi bên người đàn ông có thể sẽ là của mình mãi mãi. Những phút giây mới gặp mặt, cả hai đều cảm thấy e ngại và lúng túng. Sỹ hơn nàng tám tuổi, học điện lạnh bách khoa ra, nên những ngày hè thì tất bật suốt ngày. Cả ngày cắm mặt vào bình ga, giàn lạnh, giàn nóng của máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, ít giao tiếp tự do nên cũng hơi kiệm lời. Nàng phải mấy lần gợi chuyện trước. Nàng kể về quê nàng, có những cánh đầm nuôi tôm, cua biển. Đêm nằm nghe biển hát rì rào, và hứng những con gió mát rượi từ biển thổi vào làm cho con người cảm thấy luôn phóng khoáng, dễ chịu. Biển mênh mông tít tận chân trời. Mỗi buổi sáng mai khi bình minh mới rực hồng hắt những tia nắng rực rỡ tinh khôi lên khỏi đường chân trời, ngồi trên cây sung nhà mình mà phóng tầm mắt nhìn về tít tắp biển cả, chấp chới cánh chim hải âu, và xa tít nơi chân trời là những cánh buồm nâu no gió, lấp lóa trong nắng sớm vàng tươi. Sỹ lặng lẽ đi bên nàng, say sưa thả hồn mình vào những câu chuyện nàng kể. “Ngọc nói chuyện cứ như nhà văn ấy. Hay thế! Tôi dân kỹ thuật không biết nói khéo đâu”.
Giữa hai người chỉ có vài lần gặp nhau như thế và họ đã làm đám cưới. Đêm tân hôn đầy lo âu. Thật buồn. Cả hai người không ai chợp mắt. Nàng không biết số kiếp nàng còn phải chịu đựng biết bao nhiêu cơ cực, bao nhiêu đau khổ nữa. Đêm muộn, nàng chờ chồng vào phòng được một lúc rồi mới ý tứ khẽ đẩy cửa bước vào phòng. Chồng nàng nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc đi văng, mới nhìn thì như vẻ đang chờ nàng vào, nhưng nàng bất giác cảm nhận thấy một sự lạnh lùng tỏa ra từ chồng nàng còn khủng khiếp hơn cả băng giá. Anh khẽ nói rít qua kẽ răng: “Em đi ngủ trước đi.Tôi chưa sẵn sàng về mặt tâm lý”. Nàng cảm thấy đắng ngắt trong miệng. Liệu có ai, có người con gái nào trên cõi trần này phải trải qua đêm tân hôn buồn tủi như nàng hay không? Nàng cố kìm lòng mình lại, mà nước mắt cứ trào ra vì tủi hổ. Phải mất sáu tháng mười hai ngày nàng trải qua những cảm giác làm vợ trong ê chề như thế. Ban ngày, từ sáng đến chiều nàng luôn phải lựa ý, tránh cái nhìn dò hỏi, đầy hy vọng của mẹ chồng nàng.
Cho đến một đêm, trời mưa dầm dề và tối đen như mực. Nàng đang ngồi dỡ những sợi len từ chiếc áo len đã cũ, chờ chồng, thì nghe có tiếng gọi cửa. Nàng mở cửa. Chồng nàng trở về nhà trong một bộ dạng say xỉn, bước thấp bước cao như sắp đổ sập xuống trước mặt nàng. Nàng đỡ chồng vào giường.
Ấy là lần đầu tiên nàng được nằm bên chồng mình. Mãi không sao nhắm mắt được. Nằm nghe tiếng ngáy của chồng. Nghe tiếng ú ớ trong tiếng mê sảng của chồng mà lòng nàng lại cảm thấy nhẹ nhàng một cách kỳ lạ. Có lẽ chỉ có say xỉn để trở về trong một bộ dạng nửa người nửa ngợm, chồng nàng mới thật sự là của nàng. Nàng mới được làm vợ sau hơn sáu tháng trời kể từ ngày cưới. Nàng đã phải chịu đựng cảm giác ê chề nằm không trong đúng cái đêm tân hôn của đời người làm đàn bà. Đêm tân hôn mà không động phòng. Đêm tân hôn mà chồng nàng bỏ nàng nằm một mình trên giường cưới với những trang trí sang trọng, với những chăn ga, gối đệm trắng muốt, thơm nức, khiến nàng có cái cảm giác đến rạo rực trong lòng ngay từ lúc mới bước vào phòng. Rồi cụt hứng. Rồi ê chề nhục nhã vì thái độ của chồng. Nàng cảm thấy mình bị tổn thương. Cảm giác đau đớn đến tột cùng chèn lấp trong tâm hồn nàng.
Cánh tay chồng nàng khùa khoạng trên thân thể nàng. Nàng khẽ kìm nén hơi thở mình vì lo sợ hơi thở của nàng có thể làm chồng mình tỉnh giấc, nhận ra nàng, rồi lại vùng dậy bỏ mặc nàng trên chiếc giường hạnh phúc mà chưa một lần được hạnh phúc cùng chồng. Bàn tay chồng nhẹ nhàng lần mò trên cơ thể nàng. Một luồng gió mong manh nhưng đủ để nàng có cái cảm giác là có gió ùa vào trong ngực áo nàng. Gió mong manh mà mát rượi. Mát đến đê mê. Mát đến thổn thức con tim nàng. Những chiếc khuy áo của nàng dần được bật ra. Rồi chiếc áo con được bứt ra khỏi ngực nàng. Bàn tay thô ráp của chồng nàng thoa đều đều. Đều như trộn vào hơi thở nàng. Đều như hoà vào nhịp đập con tim nàng. Bàn tay lần mò xuống bụng dưới nàng. Nàng hổn hển, vì không còn kiểm soát được cảm xúc của mình. Chồng nàng ôm chặt lấy nàng, như thể bù đắp cho nàng, như thể sợ chính nàng sẽ vùng dậy để thoát khỏi vòng tay của mình. Chồng nàng hôn lên đôi mắt nàng. Đôi mắt ứa đầy lệ mặn chắt. Hôn lên cặp môi nàng. Cặp môi mềm và ngọt lịm. Bàn tay thô ráp của chồng nàng lần mò, xoa xoa âu yếm lên cái nơi tận cùng của cơ thể nàng. Sau một khoảnh khắc của bản năng tự vệ hai đùi khép chặt lại, là cái cảm giác hoàn toàn bị chinh phục, hoàn toàn thả lỏng cơ thể, cảm giác đón nhận trống mái của bản năng con người… “Anh Sỹ ơi…” – “Ngọc… gì vậy em…?”. Tiếng nàng khe khẽ kêu lên rồi lim dần trong tiếng đêm tĩnh mịch…
Đấy là lần đầu tiên nàng cảm nhận được hạnh phúc của một người đàn bà làm vợ. Được chồng ôm ấp. Được chồng yêu đương… Nhưng nàng lại chìm vào lo lắng, chìm vào sợ hãi. Sáng hôm đó, khi cả hai vừa tỉnh dậy, nàng bất giác bắt gặp ánh mắt Sỹ nhìn vội xuống chiếc ga giường còn trắng muốt nhầu nhĩ dưới thân thể nàng. Sỹ không nói một lời, nhưng nàng cảm nhận được những gì anh ấy đang nghĩ. Nàng thấy nhói đau trong tim mình…
Cũng từ sau cái đêm hôm đó, chồng nàng quan tâm đến nàng nhiều hơn. Nhưng mỗi lần chăn gối với nhau, sau những cảm giác thăng hoa, nàng thường xuyên rơi vào cái cảm giác ghê sợ vì sự dai dẳng, vì sự cọ xát đến thô bạo như là một sự trừng phạt đang đổ lên nàng. Nàng cắn răng chịu đựng. Nàng không một lời kêu ca. Không một lời oán thán. Vì nàng sợ mất người đàn ông của mình. Nàng sợ mất nơi trú ẩn của đời nàng.
Nàng sinh được hai người con gái. Nàng biết mẹ chồng nàng buồn. Chồng nàng cũng buồn. Nhưng cả hai lần sinh nở nàng đều phải phẫu thuật. Sức khoẻ nàng không tốt, nên bác sỹ khuyến cáo không nên sinh đẻ thêm một lần nữa vì sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng nàng. Rồi mẹ chồng nàng mất. Nàng cảm thấy trống vắng đến vô cùng. Bà là người đã cưu mang nàng, đã che chở cho nàng. Vắng bà, tất cả đều chỉ còn dựa vào chồng. Những lúc xô bát xô đũa, nàng không còn nơi để nương tựa, để dốc bầu tâm sự, để mong ở mẹ chồng một lời khuyên, một lời ủng hộ.
Khi các con đã lớn, đứa con gái đầu đã vào cấp ba, đứa con gái thứ hai đã lên lớp tám thì nàng cảm thấy ngọn lửa yêu đương của chồng dành cho nàng có phần nguội lạnh. Anh ấy ít khi về đúng giờ. Ít khi cùng ăn cơm tối với vợ con. Điều mà trước đây, kể từ khi có các con, chưa bao giờ anh ấy làm như thế. Nàng buồn lặng lẽ. Cho đến một hôm, khi chồng nàng còn đang trong nhà vệ sinh tắm táp thì màn hình chiếc Iphone của anh bật sáng. Hàng chữ trong tin nhắn hiện lên: “Sinh nhật con đấy…”. Nàng cảm thấy như có một thùng nước lạnh đổ vào đầu. Nàng lạnh cóng. Thân thể nàng lạc vào một cảm giác quặn đau, nhức nhối. Nàng hiểu rằng, chồng nàng đã có người đàn bà khác. Chồng nàng đã có con riêng. Nước mắt trào ra. Mặt mũi nàng tối sầm. Có ai, có người đàn bà nào trên cõi đời này lại khổ cực và đau đớn đến như nàng hay không! Nàng nghĩ về tuổi thơ của mình. Nàng nghĩ về thân phận và sự xuất hiện một cách trớ trêu trên cõi đời này của nàng. Chiến tranh đã lùi xa. Những người tham gia cuộc chiến còn sống đã yên vị với cuộc sống đời thường của mình. Vậy mà dư âm, sự nghiệt ngã mà chiến tranh mang đến cho nàng vẫn ăm ắp những nỗi buồn trong lòng nàng.
Nàng đã thẳng thắn nói chuyện với chồng nàng về cái tin nhắn ấy. Khác với dự đoán của nàng là anh sẽ gạt phắt đi, sẽ bào chữa, sẽ phủ nhận tất cả, vì còn e nể nàng, còn sợ các con bị tổn thương, thì anh ấy đã nói thẳng thắn với nàng tất cả. Rằng gia đình anh có gien độc đinh. Tới anh bây giờ là đời thứ năm độc đinh.Với anh, nếu không có một thằng con trai nối dõi tông đường, thì đó sẽ là tội bất hiếu với cha mẹ anh, với tổ tiên anh. Nàng nói về tình yêu, về hạnh phúc, về việc các con anh sẽ tổn thương, thì anh nói thẳng thừng rằng, mọi thứ rồi sẽ quen đi. Dù cuộc sống hiện đại đến đâu, anh vẫn cần có một người nối dõi tông đường. Nàng không sao tranh luận nổi với anh. Anh luôn thắng. Nàng chỉ còn biết ôm chiếc chăn chiên trên giường thật chặt vào lòng mà nằm khóc. Nàng đưa ra một đề nghị là đưa đứa bé về nuôi, nhưng anh không đồng ý. Anh không muốn mọi chuyện vỡ lở. Anh vẫn còn tuổi phấn đấu. Vẫn còn tuổi quy hoạch cho nhiệm kỳ nữa. Nàng đau đớn, gạt nước mắt chấp nhận. Rồi hai người, sau mười sáu năm chung chăn chung gối, lại mỗi người một nơi. Đêm đêm anh nằm trên chiếc đi văng đốt thuốc cho tới lúc chìm vào giấc ngủ. Mặc nàng nằm trên chiếc giường chăn gối thơm nức mà rộng thênh thang chỉ một mình nàng.
Bây giờ các con nàng đã lớn. Đứa con gái đầu học khoa tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại thương, sau khi tốt nghiệp nàng đã thu xếp cho sang Nhật làm việc. Đứa con gái thứ hai đã học hết năm thứ hai trường đại học kinh tế quốc dân. Các con đều đã lớn. Nàng đã đặt vấn đề ly hôn để giải phóng cho chồng, nhưng vẫn chưa được thuận tình. Nàng chỉ thấy lạ tại sao con người ấy vẫn còn muốn bưng bít cái sự thật hiển hiện ấy mãi. Khi tình yêu đã chết sao còn phải ràng buộc nhau làm gì. Phải chăng, chỉ vì một cái chức anh ta đang giữ mà phải bưng bít sự thật hiển hiện như vậy…!
***
Nàng miên man trong suy nghĩ. Không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nước mắt chảy tràn trên má. Nước mắt ùa vào bờ môi mặn chát. Nước mắt nàng nhỏ từng giọt, từng giọt. Trong vắt như những hạt sương đọng trên bờ môi hắn. Trong mê man tưởng như vô vọng, hắn cảm nhận thấy vị mặn quen thuộc nơi đầu lưỡi. Vị mặn hắn đã nếm một lần duy nhất trong đời khi đặt môi lên hôn khoé mắt nàng lần đầu hắn gặp, lần đầu được nàng cho yêu. Hắn thấy phía trước là biển xanh bát ngát, dập dờn những con sóng xô bờ. Những cánh chim hải âu bay chấp chới. Xa tít ngoài khơi kia là những cánh buồm nâu no gió lấp lánh ánh bạc của những tia nắng chiều vàng xuộm. Và, ngân nga đâu đây quanh hắn là tiếng hát thì thầm của nàng đang vọng vào tâm khảm hắn. Hắn bỗng lạc vào không gian của những năm tháng trận mạc. Những thảm bom B52. Những gầm rú trên đầu của hàng đàn máy bay địch quần xới. Và lửa bùng cháy dữ dội nơi những cánh rừng hắn đã đi qua. Những rải thảm chất độc làm khô héo từng cánh rừng, từng lá cây ngọn cỏ… Rồi hắn nhớ đến người vợ hắn. Người đã chờ đợi hắn từ khi hắn nhập ngũ đến khi cuộc chiến chấm dứt, để cưới hắn làm chồng với một sự hãnh diện đến cao ngạo, lại đã từ bỏ hắn sau hai lần sinh nở đều là những đứa con không nguyên vẹn hình người vì hắn mang trong mình chất độc da cam…
Hắn đưa đầu lưỡi liếm lên bờ môi mặn chát nước mắt của nàng. Hai mí mắt từ từ hé mở. Ánh sáng đèn nê ông trong phòng hậu phẫu làm hắn ngỡ ngàng, đó không phải là những ca từ của một bài hát mà nàng đang hát, mà là tiếng nức nỏ của người đàn bà khóc thương yêu hắn. Hắn cố hình dung ra mình đang ở đâu mà mãi vẫn chưa xác định được nơi hắn nằm là đâu. “Anh! Em đây! Trời ơi, anh, em đây..! “Ngọc đấy à…”
Hắn nhận ra nàng. Nhận ra vị mặn trên bờ môi hắn mà hắn vừa nếm được, cảm giác được, giúp hắn tỉnh dậy, khát vọng với cuộc sống, chính là nước mắt của nàng. Người đàn bà đã khóc thâu đêm bên hắn. Hắn đưa bàn tay phải lên khẽ vuốt lên má nàng. “Em. Nín đi em đừng khóc nữa. Anh…”. Hắn thều thào. Giọng hắn lạc vào tiếng đêm, trộn với tiếng kêu tích tắc đều đặn của chiếc đồng hồ treo tường, đánh dấu sự dịch chuyển của thời gian đang tiến đến bất tận…
Nàng cúi xuống, ôm lấy thân thể hắn.Trong khoảng cách mong manh giữa mê và tỉnh, hắn cảm nhận được tất cả. Nàng đã yêu hắn. Nàng đã từng nói: “Khi tình yêu của hai mình đủ lớn, em sẽ trao gửi cuộc đời mình cho anh mà không một chút ân hận nào!”
Nàng cầm tay hắn. Bàn tay chai sạn từng cầm súng đi qua cuộc chiến tàn khốc, từng cầm bút viết nên những bài thơ tình làm nàng được sống lại tuổi đôi mươi, bỏ lại phía sau mình tất cả, không tính toán, không tị nạnh ganh đua, không bon chen trong cuộc đời ồn ã và nhộn nhịp ngoài kia.
Chưa bao giờ nàng có cái cảm giác yên tâm đến thế. Nàng ôm lấy hắn. Ôm lấy tình yêu của mình. Nơi ẩn nấp cuối cùng của nàng. Vai nàng lại rung lên. Nức nở. Nàng muốn ôm chặt lấy hắn như thế. Suốt phần đời còn lại sẽ không bao giờ rời xa hắn. Tiếng người đàn bà khóc rung lên vì hạnh phúc vì yêu và được yêu.