Khi đọc một tập thơ hay một trang thơ nhiều tác giả, tôi thường thích tìm đọc những bài thơ của phái đẹp trước. Cái thói quen ấy nhiều khi tôi tự “chất vấn” mình nhưng không bỏ được. Và giữa đông đảo những nhà thơ nữ xuất hiện cuối thế kỷ XX đầu XXI, tôi chú ý đến những bài thơ ký tên Đinh Thị Như Thuý. Những bài thơ mới lạ, giàu cá tính, tạo dựng không gian thẩm mỹ riêng, ít lặp lại lối mòn của thơ những đàn chị đi trước.


Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Ảnh: Đỗ Hiếu.

Thoạt tiên tôi chỉ nghe Đinh Thị Như Thuý là cô giáo ở Tây Nguyên. Về sau lần đầu có dịp gặp nhau tại Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ 7 ở Hội An năm 2006, tôi mới biết chị là người sinh ra ở Huế, lên dạy học và sống ở Đắc Lắc. Dù vùng đất mới Tây Nguyên không phải nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng nó lại là nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ Đinh Thị Như Thuý, từ tập Cùng đi qua mùa hạ (2005), Phía bên kia cây cầu (2007) cho đến Ngày linh hương nở sáng (2011) – tập thơ được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.

Nguồn cảm hứng chủ đạo ở đây không phải Đinh Thị Như Thuý chăm chăm viết về Tây Nguyên, mà Tây Nguyên rộng lớn, hay thu lại là thị trấn Krông Pắc nơi chị đang sinh sống, và chi tiết hơn là cái khu vườn nhỏ mà chị và gia đình đang trú ngụ, đã trở thành điểm khơi mở cho xúc cảm thăng hoa, mạch thơ dâng trào. Hãy nghe Đinh Thị Như Thuý thổ lộ từ khu vườn của mình:


“Đã nghĩ đến những ngày không mưa

Những cánh bọ que giòn vỡ

Rào rào khô tiếng mối

Thảm lá rục trong vườn

Đã lần theo từng cảm xúc

Trong dịch chuyển của từng con chữ


Đã chờ đợi những câu thơ

Như chờ đợi những cuộc trò chuyện

Chờ đợi một người”

(Mơ vườn lạnh)

Lần theo từng cảm xúc của khu vườn và chờ đợi. Một sự chờ đợi ở tư thế chủ động để đối thoại với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ thơ. Ấy cũng là cái tâm thế xuyên suốt trong tập Ngày linh hương nở sáng. Một tâm thế cô đơn tột cùng mà cũng tự do tột cùng, tự do như ngọn gió đầy quyến rũ: “Đêm thẫm tối dịu dàng chỉ có gió là tự do trong khu vườn rộng, gió đi qua những hàng rào kết bằng các loài dây leo tóc tiên bìm bìm hoàng dã thảo, những níu giữ nơi này thật nồng nàn da diết nhưng cũng đành buông bỏ không sao thắt buộc được vì tự do đồng nghĩa với gió, gió đi qua các vòm cây đi qua những bông hoa để được tặng những hương thơm mà gió sẽ đánh mất ngay trên đường, gió là vậy có vẻ như nồng nhiệt nhưng lại rất ơ hờ vô tâm…” (Và… gió đêm lại đến).

Gió ở đây dường như đã nhập thân hoá thành bản ngã của thi sĩ!

Từ khu vườn nhỏ của mình, thơ Đinh Thị Như Thuý truyền đi những thông điệp tâm hồn đến với thế giới đồng điệu bao la, và khát khao chờ đợi nhận về từng tín hiệu đồng cảm, từng tia hy vọng sẻ chia tươi tắn như khu vườn toả hương sau mưa:


A ha! Vườn sau mưa. Những ngổn ngang rậm rạp. Những hớn hở khác thường. Những rêu xanh. Những cỏ chỉ. Những rau càng cua. Những bụi tóc tiên, bướm đêm. Những cành nhánh xấu hổ. Những mịn màng. Những non tơ háo hức. Những thơ dại. Những giăng mắc dọc ngang.

Dưới tán mimosa những nụ li ti bạc trắng rải rắc rụng dày.


Có cảm giác vườn đang cười. Vườn đang thách thức. Vườn đang dâng lên điệu sống nồng nàn. Và màu nắng mới đang làm tất cả toả hương…” (Rơi như là giọt nước).

Vườn đang cười, đang thách thức hay cái đẹp của sự an nhiên, của trong veo tâm hồn nhà thơ đang thách thức cuộc sống đầy bụi bặm bon chen danh lợi này? Một cuộc sống mà nỗi buồn đau ngỡ như chế ngự cả ánh mắt mỗi số phận từ khi mới cất tiếng khóc chào đời:

“Ngày sinh ra

Ai đã làm nên đôi mắt buồn

Như vực thẳm”

(Cây ốc đảo quán văn)

Đâu chỉ khi sinh ra, vực thẳm buồn đau ấy còn đeo đẳng con người cả lúc vĩnh viễn khép mắt lại:

“Thời khắc thật sự đớn đau

Khi bạn

Chối từ cuộc sống


Lửa đã cháy

Lửa đã tham lam ràn rạt ngốn ngấu


Những xe ngựa xô nhau những tiếng ngựa hí vang những hoa pensée dựng đứng”

(Ngày linh hương nở sáng)

Đã lạc vào khu vườn thơ Đinh Thị Như Thuý, thật khó mà dứt ra được. Một khu vườn bình thường mà lại khác thường, gần gũi mà mới lạ, đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở đó tôi được đắm chìm trong nước mắt lẫn nụ cười, xót xa cay đắng lẫn bao dung độ lượng, hoài nghi tuyệt vọng lẫn trong ngần hy vọng. Ở đó tôi bước đi chênh vênh giữa bóng tối và ánh sáng, cô đơn bí ẩn núi rừng và ầm ào mơ hồ biển cả. Ở đó tôi trải nghiệm nỗi đớn đau cùng những số phận bất hạnh và thăng hoa cùng tiếng động từng giọt nước đang rơi hay từng bông hoa đang bung nở… Thế giới trong Ngày linh hương nở sáng là một thế giới vừa thực vừa hư, vừa dựng đứng đớn đau vừa quyến dụ cứu rỗi, vừa nhẹ nhàng tỏ bày vừa cháy bỏng ước mơ.

Khi xúc cảm dồn nén, bật nên những thi tứ tự nhiên và cô đúc, thơ Đinh Thị Như Thuý ẩn chức nhiều hấp lực, va động mạnh vào người đọc. Những bài như Mơ vườn lạnh, Đơn giản chỉ là sự vắng mặt, Hoa mồ côi trong núi, Từ cửa sổ căn phòng này, Ngày linh hương nở sáng, Mùa bướm, Ngày Đoan ngọ, Cây ốc đảo quán văn,… mới lạ, gợi cảm và ám ảnh tâm trí tôi.

Một đóng góp đáng ghi nhận khác của Đinh Thị Như Thuý là những bài thơ văn xuôi mang tính tuỳ bút thơ. Nằm trong vòng ảnh hưởng của dòng chảy đổi mới thơ hiện đại, nhưng thơ văn xuôi của Đinh Thị Như Thuý có giọng điệu riêng, ít lẫn vào những giọng thơ khác. Đọc những bài thơ này tôi có cảm giác như đang trực diện nghe giọng Huế dịu ngọt không bao giờ dứt của chị, dịu ngọt mời gọi và khơi dậy trong lòng người nghe những tưởng tượng mông lung dịu vợi. Tuy nhiên, cũng chính trên hành trình thơ văn xuôi ấy, đôi lúc không “điều khiển” được con chữ, hoặc cố tình làm “mới” câu thơ dài, bung thả trí tưởng tượng, chị đã sa vào “rậm” chữ, “rối” chữ, làm cho cảm xúc và ý tưởng trở nên lan man, thiếu hàm súc.

Một tập thơ không phải gồm nhiều bài thơ gom lại, mà nó có “không khí” nghệ thuật riêng biệt và xuyên suốt. Tập thơ Ngày linh hương nở sáng chứa đựng một không gian thẩm mỹ riêng. Tuy vậy, với gần 60 bài thơ, tôi nghĩ nó hơi “đậm đặc” trong một tập thơ, nhất là khi tập thơ có nhiều bài thơ văn xuôi khá dài. Chính sự quá dày dặn ấy đôi lúc làm gây “hẫng” không gian thẩm mỹ xuyên suốt tập thơ.

Tất nhiên, đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi, một đồng nghiệp và là một người đọc yêu thơ Đinh Thị Như Thuý. Và rõ ràng nhìn lại hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI, giữa dòng chảy mạnh mẽ và thậm chí đôi lúc hơi “cuống cuồng” của thơ trẻ, với không ít thơ đại ngôn và “phô” tình dục, thì Ngày linh hương nở sáng giàu cá tính sáng tạo có một vị trí riêng đáng trân trọng. Từ vùng đất Tây Nguyên, từ khu vườn của mình, Đinh Thị Như Thuý đã cất lên tiếng thơ trong trẻo như suối nguồn, huyền ảo như đại ngàn, nghiêm cẩn như bảng đen phấn trắng, mang đến cho nền thơ Việt đương đại một ánh chớp, một giấc mơ đẹp và quyến rũ.

Phan Hoàng

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.

 

Exit mobile version