Hiền Nguyễn 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với nhiều ưu đãi cho các tài năng văn hóa nghệ thuật.

Dành nhiều ưu đãi cho các tài năng nghệ thuật

Theo đó, Đề án dành cho các đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước có tài năng, năng khiếu vượt trội tại các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc và ngành Sáng tác văn học.

Là cơ sở đào tạo sinh viên Viết văn có chuyên ngành Sáng tác văn học với lịch sử gần 40 năm, trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện Đề án này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Khoa Viết văn- Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cơ chế đặc biệt: Miễn học phí, ưu tiên chương trình, chế độ mời giảng, đi thực tế, thực tập, xuất bản, giao lưu…

Nhiều ý kiến đóng góp cho trường Đại học Văn hóa để đi tìm hạt giống văn chương. Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền

Còn nhà thơ Trần Quang Quý – học viên khóa 2 của trường Viết văn Nguyễn Du cũng bày tỏ:  Rất mừng khi được biết, Bộ VHTTDL cho Trường Đai học Văn hóa Hà Nội, Khoa Viết văn – Báo chí cơ chế ưu tiên đặc biệt: miễn học phí, ưu tiên chương trình, chế độ mời giảng, đi thực tế, thực tập, xuất bản, giao lưu… Như tôi đã nói ở trên, đây là tuyển tài năng, đào tạo tài năng nên phải ưu tiên nhân tố năng khiếu, tài năng lên hàng đầu, phải đi “săn” nguồn đào tạo chứ không thụ động như các đào tạo khác. Và vì vậy phải minh bạch trong tuyển chọn, tránh những trường hợp không có năng khiếu nhưng bằng cách nào đó vào học để lấy cái bằng đại học.Khi tiếp nhận thông tin Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt và thực hiện, nhà văn Y Ban – học viên khóa 4 trường Viết văn Nguyễn Du chia sẻ: Với sự trải nghiệm của mình nên tôi đã khá vui mừng khi được biết Khoa Viết văn- Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang tiến hành “dự án đào tạo tài năng sáng tác văn học”. Với một bề dầy lịch sử do sự kế thừa kinh nghiệm của các khóa đào tạo chuyên tu của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây và sự nâng cấp đào tạo đại học chính quy hiện nay tôi tin rằng dự án này sẽ thành công rực rỡ để tạo tiền đề thành lập thêm các cơ sở đào tạo viết văn. Bởi hiện nay tôi biết, khá nhiều người viết muốn được đào tạo bài bản. Và một hi vọng nữa, những người viết văn được đào tạo ra phải có một sự khác biệt , dù có thần tượng nhà văn đi trước đến cỡ nào thì cũng đừng bao giờ cố gắng để giông giống họ, có giống đến bao nhiêu thì cũng chỉ là cái bóng của họ mà thôi.

Vẫn còn đó những trăn trở

Bên cạnh niềm vui của nhiều nhà văn, nhà thơ đã từng học tại đây và các cây bút nổi tiếng trên văn đàn cả nước,  thì vẫn còn nhiều nỗi trăn trở, nhất là việc tuyển đầu vào.

Nhà lý luận phê bình Văn Giá – trưởng khoa Viết văn – Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: Nhờ chủ trương của Chính phủ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tiến hành “Dự án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017-2030”. Đây là một nỗ lực, một quyết tâm to lớn của nhà  trường, theo đó là của khoa Viết văn – Báo chí. Với tư cách là đơn vị trực tiếp đào tạo, khoa chúng tôi lo lắng hơn là vui mừng. Bởi đây cũng là một trọng trách đòi hỏi phải hết sức bài bản, căn cơ, với một quyết tâm lớn, cùng với nó là những đầu tư lớn, với những  ưu tiên lớn.

Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà quản lý đang bàn cách tìm kiếm tài năng văn học. Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền

Bàn thêm về việc, tài năng văn chương có cần phải qua “đào tạo” không, nhà thơ Trần Quang Quý khẳng định: Có nhiều cách đào tạo: tự đọc và học qua sách, báo; tìm đến những nhà văn có uy tín, kinh nghiệm xin “truyền nghề”; đào tạo có tổ chức… Ở đây tôi chỉ nói về việc đào tạo có tổ chức và sự cần của loại hình đào tạo này. Vì các hình thức đào tạo kia như là đường “tiểu ngạch” vượt qua giới hạn, biên giới vậy. Tự nghiệm của bản thân tôi, từng là học viên Khóa II, Trường Viết văn Nguyễn Du (1983 – 1985), đào tạo là cần thiết. Không đào tạo giống như một người độc hành đi trên đường mà không có biển chỉ đường, không người để hỏi thăm, phải tự mò mẫm tìm đường lấy, cái đích rồi có thể đến nhưng sẽ mất nhiều thời gian cho sự ngộ ra con đường ấy, thậm chí là đi lạc, đi loanh quanh.Trưởng khoa Văn Giá cũng cho biết, việc đào tạo những người viết văn càng ngày càng khó bởi: Do xu hướng vận động của xã hội, viết văn không được coi là một nghề mưu sinh. Cùng với đó là quan niệm viết văn cốt để nổi tiếng chứ không phải viết vì nhân tâm, vì xã hội. Vì thế, không cần đào tạo cũng có thể viết văn và cũng nổi tiếng như thường, và sự nổi tiếng này phần lớn là nhờ/do truyền thông mà thành…

Với ba vấn đề quan trọng được đặt ra, trưởng khoa Văn Giá nhận định: Tiêu chí tuyển chọn sinh viên được đào tạo tài năng; Tiêu chí mời giảng dạy lớp sinh viên tài năng; Thiết kế chương trình đào tạo. Trong đó việc tuyển chọn đầu vào được xem là quan trọng nhất, có tính chất quyết định.

Một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình:  Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Văn Mật, Bùi Việt Thắng… đã “hiến kế” cho khoa Viết văn – Báo chí của trường cách để “mời gọi” được các tài năng văn chương như: nhờ các “con mắt xanh” của đội ngũ biên tập viên các báo văn chương, các nhà xuất bản uy tín, các Hội Văn học nghệ thuật địa phương giới thiệu, hoặc tìm kiếm các tài năng văn chương qua các cuộc thi văn chương, thậm chí trường Đại học Văn hóa phối hợp một số đơn vị tự tổ chức cuộc thi văn chương để tìm những “hạt giống”.

Ngày 12/12, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Đào tạo tài năng sáng tác văn học với các ý kiến đóng góp quý báu của các cựu học viên, các nhà văn, nhà thơ tên tuổi… để thực hiện Đề án có trọng tâm, đạt kết quả.  

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version