Nàng có một nốt ruồi bẩm sinh ở gần mép, cỡ gần bằng hạt đỗ xanh. Ngày bé, khi chưa được một tuổi, mỗi lần ai hỏi “Nốt ruồi xinh đâu”, dù chưa biết nói, nhưng theo phản xạ, tay nàng chỉ ngay vào chấm đen ở mép. Sau đó là tiếng vỗ tay và xuýt xoa tán dương của người lớn.

Mẹ nàng bảo, mỗi lần đi chơi xa không phải lấy son hay nhọ nồi đánh dấu vì có cái nốt ruồi không lẫn vào ai. Dù nàng ngủ say thế nào, cái phần hồn lỡ rong chơi ở đâu cũng sẽ tìm về đúng với thể xác có cái nốt ruồi ở mép.

Tóm lại là từ lúc sinh ra, cho đến khi nàng bắt đầu đi học thì cái nốt ruồi không gây phiền toái gì. Thậm chí nàng thấy mình có gì hơi đặc biệt khi được họ hàng làng xóm nhiều khi cố tình thơm vào cái nốt ruồi đó.

Mọi rắc rối bắt đầu xảy ra khi nàng bước vào cấp hai.

Lúc tan học, Huy – một thằng bạn học cùng lớp, cười nắc nẻ khi nhìn vào mặt nàng mà nói: Khiếp, ăn xôi đỗ đen từ sáng mà không lau mồm.

Nàng rân rấn nước mắt, cho đến khi nhìn thấy mẹ đứng ở ngoài cổng trường thì gào lên khóc. Mẹ nàng sợ quá, lao vội vào ôm con, lau nước mắt và hỏi con sao thế. Nàng nấc lên nấc xuống bảo: Bạn Huy bảo con ăn xôi đỗ đen từ sáng mà không lau mồm. Mẹ nàng ân cần: Mai mà bạn nói thế thì con bảo: Ừ, tớ ăn xôi đỗ đen đấy, còn hơn bạn chẳng có xôi mà ăn.

Đúng là sáng hôm sau Huy và mấy thằng con trai khác lại giở trò cũ. Bọn chúng đứng ở ngay cửa lớp như có ý chờ nàng. Chỉ cần nhìn thấy bố mẹ nàng đã đi khuất còn nàng tiến sát lớp là chúng nhao nhao: Ha ha, hôm nay lại ăn xôi đỗ đen không lau mồm. Khiếp. Hay là cậu cầm tạm giẻ lau bảng lau đi, tớ giặt sạch rồi. Nàng nhớ lời mẹ dặn, bĩu môi: Ừ, tớ ăn xôi đỗ đen đấy, còn hơn khối đứa phải ăn cám lợn để đi lớp. Quả là hiệu nghiệm, ngay lập tức mọi tiếng cười đổ dồn vào Huy.

Các cặp mắt nhìn chằm chằm vào Huy dò xét. Huy da đen, người gầy, nhỏ, nhà nghèo, quần áo mặc đi học không mới, chắc mặc lại của anh hay chị. Một đứa nói: Xem này, quần nó còn thủng một lỗ! Ha ha, thế thì đúng là nhà nó nghèo phải ăn cám lợn thật rồi chúng mày ơi.

Thực ra thì hồi đấy, nhà nàng cũng chẳng khá giả gì. Sáng sớm mẹ dậy nấu cám cho lợn ăn. Cám là vài đấu cám gạo, rau thài lài với khoai bi băm lẫn vào nhau. Khoai cho lợn mẹ mua hàng gánh loại rẻ tiền. Về nhà thì phân loại, củ nào khá khá nhặt riêng để cả nhà làm đồ lót dạ buổi sáng. Khi cám sôi vùi mấy củ khoai khá khá ấy vào. Thế là đến giờ ăn, cả lợn, cả người đều có cái no bụng. Còn xôi, dù xôi trắng đã là xa xỉ chứ đừng nói xôi đỗ đen, đỗ xanh hay xôi lạc… Vì thế được ai biết mình có xôi ăn là oách lắm, có thể vênh mặt lên mà nhìn bạn bè xung quanh.

Chơi được một vố đau cho Huy biết mặt, nàng thấy mình hả hê lắm, không còn cảm giác ngại ngùng khi đến lớp. Nhưng ngay hôm sau Huy lại chặn ở cửa lớp, tiếp tục không buông tha nàng. Vừa thấy nàng, Huy đã khiêu khích: Ruồi bậu ở mồm mà không đuổi đi.

Nàng uất nghẹn, từ đỗ đen chuyển sang ruồi, thật quá quắt. Ruồi, ruồi… sao lại thô thiển thế cơ chứ. Nàng cảm thấy như có ngàn con ruồi đang vo ve khắp người. Nàng bặm môi, lôi xềnh xệch Huy được một đoạn rồi dừng lại, định thụi nó vài quả cho bõ tức nhưng nó tóm được nắm đấm của nàng. Cơn tức càng bị dồn nén, nàng trợn mắt lên: Mày có bỏ ngay cái kiểu trêu trọc ấy được không? Ruồi hay cứt gì ở người tao thì kệ tao, liên quan gì đến mày. Bây giờ mày muốn gì? Huy lục túi quần, đưa ra cái giẻ lau bảng trước mặt nàng và nói: Mày cầm cái giẻ lau này, lau vào cái nốt ruồi ấy rồi từ giờ tao không trêu nữa. Nàng vứt toẹt cái giẻ lau xuống đất, quay ngoắt vào lớp.

Từ đấy giữa nàng và Huy tồn tại một mối thâm thù. Nàng không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt Huy. Còn Huy lại luôn cố ý gây sự với nàng. Có lúc Huy bảo, hôm nào sinh nhật sẽ mua tặng cho nàng liều thuốc diệt ruồi. Nàng từ một đứa con gái hiền lành, nhưng hễ ai động đến cái nốt ruồi là nàng chua ngoa đanh đá không ai bằng. Ai đời, mới có lớp chín mà nàng đã ngoa ngoắt lại với Huy rằng: Mày trêu tao vừa vừa thôi, không con ruồi ở mép tao nó bay sang mày, đậu đúng cái chỗ khiến mày không đái không ỉa được đâu.

Sau lần ấy, Huy không còn trêu nàng nữa. Mới lại, kỳ thi chuyển cấp đã đến giai đoạn nước rút. Đứa nào đứa ấy vùi đầu vào học, còn tâm trí đâu mà trêu trọc người khác. Thời ấy, cả huyện của nàng chỉ có bốn trường cấp ba. Trường gần nhà thì lấy điểm thấp, trường xa nhà thì lấy điểm cao. Nếu theo cách chọn thông thường của lũ con gái và nguyện vọng của bố mẹ nữa thì phần lớn đều chọn trường gần nhà. Nhưng nàng thì khác. Nàng nghe ngóng xem Huy chọn trường nào rồi trừ cái trường ấy ra, bất kể xa hay gần, điểm cao hay thấp.

Năm ấy, Huy chọn trường xa, có điểm thi đầu vào cao nhất huyện. Nàng yên tâm với lựa chọn trường gần, điểm thấp và học ở lớp chọn. Nhưng được đến học kỳ một thì Huy lại chuyển về gần nhà, vì thấm thía cảnh đi xa vất vả thế nào. Và trớ trêu, Huy lại vào đúng lớp của nàng.

Ngó đi ngó lại, hoá ra với nàng, Huy là đứa bạn duy nhất học cùng cả ba cấp với nàng. Đúng là cảnh “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, sau buổi học đầu tiên ở lớp mới, Huy đã bắt chuyện với nàng khá thân thiết, người lớn và đặc biệt là không đếm xỉa gì đến chuyện cái nốt ruồi. Tuy nhiên, đến lúc này, lại chính nàng thấy cái nốt ruồi của mình là một sự bất tiện, một sự phi lý trên gương mặt.

Những lúc cắm mặt vào làm một việc gì thì không sao. Nhưng lúc không làm gì, ngồi một mình, cái mắt hiếng hiếng xuống, nàng cảm thấy rất rõ cái nốt ruồi đó cứ vướng vướng, thật giống một mẩu thức ăn còn dính ở mép. Hiếng mắt lâu hơn thì như nhìn rõ cái nốt ruồi thật chả khác một con ruồi lúc nào cũng bậu ở mép.

Nàng bảo với mẹ, con ghét cái nốt ruồi lắm rồi. Mẹ cho con đi tẩy nốt ruồi đi. Mẹ nàng trừng mắt. Làm sao mà phải tẩy. Mới tí tuổi đầu đã đòi tẩy. Sau này lớn, tự kiếm ra tiền thì thích làm gì thì làm. Còn giờ không có tẩy tiếc gì hết.

Thế là nàng lại phải chung sống với cái nốt ruồi.

Thời gian cứ trôi cho đến khi nàng học hết cấp ba, đại học rồi xin được việc đi làm thì cũng vừa lúc Huy từ bạn học cùng trở thành bạn trai của nàng. Gần đến lúc cưới nhau, một buổi tối nàng đến nhà Huy ăn cơm. Ăn xong, bố mẹ Huy cùng đi họp cựu chiến binh. Chỉ có nàng với Huy ở nhà, nàng ngồi sát vào Huy nói về chuyện đi tẩy cái nốt ruồi. Nàng đoán, Huy sẽ đồng ý ngay và đưa nàng đi. Vậy mà Huy phản đối. Huy bảo “Đừng”, rồi ôm chặt nàng hơn. Nàng hơi ngạc nhiên, giọng hơi dỗi, hỏi lại “Sao?”. Huy thì thầm, có biết vì sao anh yêu em không, vì cái nốt ruồi đấy. Hồi bé cứ trêu, rồi suốt ngày nghĩ, nhớ đến cái nốt ruồi, yêu lúc nào không biết. Giờ nhìn quen, không khéo không có cái nốt ruồi lại không yêu được ấy chứ. Nàng vẫn vùng vằng, nhưng em ghét. Anh không cho đâu, Huy nói thêm, rồi bàn tay đã luồn vào trong áo nàng. Huy bảo, ngày xưa em chua ngoa kinh, bảo anh không được trêu, kẻo con ruồi từ mép bay vào chỗ… Chỗ nào, chỗ nào? Nàng nhéo vào ngực Huy một cái. Huy cầm tay nàng, đặt vào chỗ nhạy cảm nhất của đàn ông “chỗ này”. Nàng rụt tay. Anh nói thật mà. Anh cho em xem nhé? Rồi không đợi nàng trả lời, Huy đã nằm lên người nàng từ lúc nào.

Cuộc yêu lén lút vội vàng nhanh chóng kết thúc. Cả hai ngồi dậy. Má nàng ửng đỏ vẫn nép sát vào người Huy. Em thấy chưa, anh cũng có nốt ruồi.

Huy bảo, anh cũng không thích cái nốt ruồi ở chỗ ấy, mặc dù mẹ bảo, đó là nốt ruồi sinh quý tử, nhiều người mơ mà không có. Sau này ai là vợ con sẽ chết mê chết mệt cái nốt ruồi đấy. Đó cũng là bí mật mà chỉ có vợ con biết.

Nhưng suốt cả thời thơ ấu Huy luôn bị ám ảnh bởi cái nốt ruồi. Hồi đó, Huy vào bệnh viện để cắt amidan thì chứng kiến một vụ cấp cứu kinh hãi. Nạn nhân là một người đàn ông bị chính vợ mình cắt phăng của quý khi đang ngủ say. Khuôn mặt ông ta tái nhợt, lả đi. Phía dưới không mặc quần, được che bằng chiếc khăn bông to nhoe nhoét máu. Thế là mấy ngày ở bệnh viện chủ đề về người đàn ông bị cắt của quý tràn ngập khắp nơi. Mấy bà sồn sồn thì bĩu môi, đáng đời cái giống ngoại tình, xẻo đi cho hả giận. Có bà ngẫm ngợi một lát rồi băn khoăn, xẻo đi thì hả dạ lúc đấy thôi, chứ đàn ông có đi ngoại tình thì nó vẫn về nhà chiều mình, khi mình cần đến thì cũng gay đấy. Bà bên cạnh nguýt dài, ôi giời, cái giống chung chạ ấy thèm làm gì nữa. Có cũng như không, có cũng chả thèm. Bà ngẫm ngợi nói thêm, cái giống đàn bà biết mùi đàn ông rồi, bỏ sao được. Giờ tự mình làm, lại phải mất cả đống tiền… Những cuộc đối thoại hả hê, căm phẫn, bênh vực, thương hại… muôn hình muôn vẻ, cứ rối tinh cả lên, chả biết ai đúng ai sai.

Nhưng điều đáng chú ý trong các lời bàn ra tán vào là vì ông ta có cái của quý khác người. Khác thế nào, không phải vì hình dáng, kích cỡ mà vì có một cái nốt ruồi thịt màu đen khá to ở đấy. Ban đầu, ông ta không biết công dụng huyền diệu từ cái nốt ruồi chỗ đó. Cho đến khi làm ở công trường xây dựng biền biệt xa nhà, xa vợ. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, trong khi cánh thợ đi cùng muốn được thoả mãn nhu cầu sinh lý phải bỏ ra một khoản tiền thì ông ta lại có một bà goá đến xin giống mà không mất xu nào. Có lẽ tại nhìn ông cao to, mặt mũi lại sáng sủa. Sau lần ăn nằm với nhau đầu tiên, bà goá tru lên sung sướng khi nhìn thấy cái nốt ruồi sinh quý tử của ông. Thế là thành nghiện. Ai đời, đi xin giống mà chửa ễnh bụng ra rồi, thỉnh thoảng vẫn đòi đến gặp ông vì… nhớ không chịu được!. Tiếng lành đồn xa vì cái nốt ruồi sinh quý tử không hiểu vì sao mà công trường nào ông đến đàn bà goá bụa cũng biết. Quen mui ăn sẵn, nhiều lần lại còn được cho tiền bồi bổ cộng với hao mòn tuổi xuân, ông trượt dài vào các vụ xin giống đẫm nước mắt và đầy rẫy hoàn cảnh éo le của đàn bà quá lữa lỡ thì.

Khi các công trình xây dựng thưa thớt, ông tạm nghỉ vài tháng ở nhà. Nhưng nào có yên, các bà xin giống từng thề thốt vĩnh viễn không gặp lại ông khi đã mẹ tròn con vuông, hứa hẹn không bao giờ bắt ông phải có trách nhiệm… giờ đây đồng loạt vả vào miệng những lời hứa thề. Họ bắt ít nhất vài tháng phải được gặp ông. Họ muốn ông chu cấp cho tí tiền vì con đang nằm viện. Họ bắt đền ông khi vừa sảy thai… ung hết cả đầu. Xin ông không được họ doạ mách vợ con. Mà không phải doạ, họ làm thật. Họ eo éo gọi điện cho vợ ông. Ban đầu rất nhã nhặn xin tiền. Sau không được thì ăn vạ tung toé đủ thứ ngôn từ. Bà vợ kinh hãi nhưng vẫn từ tốn, bảo rằng khó tin, làm sao biết chắc là con của ông. Họ bảo rằng, bằng chứng ADN thì họ không làm được vì không có tiền đi thử mà chỉ có bằng chứng là của quý chồng chị có cái nốt ruồi rất chi là hấp dẫn. Thế có lộn ruột không cơ chứ. Không chỉ một bà, hai bà, mà bà nào cũng nói vậy. Ôi giời ơi, quý tử ơi là quý tử. Lũ con của ông ở nhà đây này. Học thì dốt, suốt ngày lêu lổng nghiện game. Ở nhà với chúng bạc hết cả mặt. Đã thế, khi bà truy hỏi ông, ông lại bảo, thế bà tưởng cái lũ đàn ông ở công trường chay tịnh hết à? Tôi thoả mãn cái con người của tôi, không động đến xu nào nuôi bà nuôi con ở nhà không được à? Tức khí. Ba máu sáu cơn mà không làm gì được vì bà cũng chỉ ở nhà ngồi không đợi từng đồng ông đi làm mang về nhà. Nuốt cơn ức vào người. Đợi ông đi uống rượu về ngủ say bà cầm dao cắt phăng cái của quý tội nợ sinh quý tử của ông.

Câu chuyện ở bệnh viện đã khiến Huy kinh sợ khi thấy mình cũng có một cái nốt ruồi giống như người đàn ông kia. Huy không biết, liệu đàn ông có nốt ruồi ở chỗ đó kín ấy có sinh quý tử thật như lời mẹ từng nói hay không nhưng Huy không muốn sự xuất hiện của nó. Huy không muốn mình đặc biệt. Huy muốn mình bình thường như tất cả mọi người để được yên thân và không phải bận tâm. Nhưng nỗi kinh sợ này của Huy chưa qua thì nỗi kinh sợ khác lại ập đến. Tin đồn đã đến tai lũ con trai trong lớp. Chúng bình luận sôi nổi. Có đứa bảo, tao chưa từng nhìn thấy ai có nốt ruồi ở đó. Mấy đứa nhao nhao, tao cũng thế. Nếu phát hiện ra ai có, tao sẽ cho báo cho chúng mày. Một đứa gật gù ra vẻ hiểu biết, báo là báo thế nào, phải theo dõi những thằng như thế, xem nó có dê không nữa chứ. Đúng rồi, sẽ có khối trò để xem, hi hi, lũ con trai nhao nhao hưởng ứng.

Từ sau hôm đấy, nỗi sợ và mặc cảm về cái nốt ruồi ở chỗ kín càng tăng lên, đeo bám Huy. Lúc nào Huy cũng phải nghĩ cách che đậy để mỗi lần đi vệ sinh không thằng bạn nào nhìn thấy. Chứ chỉ cần một đứa nhìn thấy là chúng lại bô bô với nhau rồi chẳng mấy chốc ai cũng biết. Nàng không thể biết được, lũ con trai có nhiều trò dễ bị lộ lắm; nào thi tè xem đứa nào tè được xa, trốn học đi bơi là phải trần truồng, lúc hứng lên chúng còn cởi ra thi xem của đứa nào to hơn, đứa nào bé nhất phải chịu trận chui qua háng đứa to nhất. Chưa kể, hàng ngày đi tè, đứa nào đứa ấy cứ thản nhiên nhìn của nhau. Huy đã phải khổ sở như thế nào để giữ không cho ai biết bí mật của mình. Thậm chí Huy phải chịu nhục một lần.

Đó là vào cuối năm cấp hai. Khi chuẩn bị vào tiết thể dục, lũ con trai còn đang mải thay dép quai hậu bằng giày ba ta thì Huy lẻn vào nhà vệ sinh. Đang đứng tè thì gặp thằng Thái lùn đi vào. Huy sợ quá, định không tè nữa, lấy tay quần, nhưng dòng nước thì không thể ngăn được. Quần bị ướt. Thái lùn quay ra hỏi mày bị sao thế. Sao nhìn tao mày sợ sun vòi thế? Rồi nó nhớ ra, Huy rất ít khi đi tè ở trường. Bằng chứng là Thái chưa bao giờ nhìn thấy Huy vào nhà vệ sinh. Thái nhìn Huy kết luận: Chắc chắn Huy có gì bất thường, hay là Huy là đứa đái bằng ống chứ không phải bằng chim. Huy tức điên, chìa ngay ra trước mặt Thái và đái tiếp. Nó nhìn chăm chăm và nói: Ối giời ơi, mày có nốt ruồi to như con nhặng ấy nhỉ. Nhìn đểu không thể tả. Thế mà cứ trêu con Hậu – tức nàng có cái nốt ruồi ở mép. Phải báo tin này cho cả lớp biết mới được. Huy đã phải van xin Thái đừng để ai biết. Cuốn vở mới, cái thước kẻ, cây bút chì, bút bi… đều phải cống nộp cho Thái để đổi lấy sự im lặng. Vậy mà thỉnh thoảng Thái vẫn khiêu khích sẽ tiết lộ sự thật. Huy phải bấm bụng đưa cho nó cả cây bút máy mới mà Thái không thèm. Thái bảo, tao chán bút rồi, tao thích cái khác. Nếu Huy thực hiện được thì từ giờ sẽ chấm dứt chuyện này. Thái bảo, hắn lúc nào cũng thua cuộc trong các trò chơi không giống ai của lũ con trai và chịu sự nhục nhã với biệt danh Thái lùn, Thái teo. Giờ đây, Thái muốn được nếm thử cảm giác của kẻ thắng cuộc. Thái muốn Huy phải chui qua háng mình ba lần. Huy phải chấp nhận thực hiện điều đó vào ngày chủ nhật để bí mật về cái nốt ruồi không bị lộ.

Ấm ức chịu trận với Thái lùn nên mới có chuyện ngày xưa Huy hay trọc tức nàng. Khi lớn hơn, nghĩ lại mới thấy thật trẻ con. Hoá ra cả Huy và nàng đều muốn trở thành những người bình thường và luôn dằn vặt vì sự khác biệt vốn có của bản thân. Còn người bình thường thì có khi lại cố tạo ra khác biệt cho riêng mình. Nào, như vậy được chưa, không cần phải đi tẩy nốt ruồi nhé, Huy thì thầm. Nàng không nói gì nữa, vẫn ngoan ngoãn dụi mặt vào ngực Huy.

Về nhà, nàng ngồi trước gương, ngắm kỹ hơn cái nốt ruồi của mình. Cũng cảm thấy nó không xấu như trước đây mình nghĩ.

Nhưng mỗi lần ăn cơm xong, ngồi xỉa răng, nàng cứ có cảm giác như có một con ruồi thực sự bậu vào mép, rất khó chịu. Tay nàng sờ vào nốt ruồi, mâm mê một hồi rồi muốn cấu quách nó đi. Ai đời, trên mặt lại nổi lên một cái chấm đen thế này. Có lẽ nàng vẫn phải quyết định tẩy cái nốt ruồi đi, không thì chính bản thân nàng ăn không ngon ngủ không yên.

Có nhiều cái nàng không lý giải nổi. Cái nốt ruồi cũng thế, mọi người, bố mẹ và cả Huy hàng ngày nhìn thấy chẳng thấy ảnh hưởng gì. Nhiều người còn khen, còn ghen tị. Mà thực sự là nó không gây đau đớn gì cho nàng, không vì thế làm nàng trở nên quá xấu. Nhưng nàng khó chịu, nàng không thích. Nàng muốn toàn quyền định đoạt số phận cái nốt ruồi miễn sao chính bản thân nàng thấy thoải mái. Chỉ vậy thôi. Nàng lăn tăn về sự khác biệt và tự hỏi liệu cái vẻ bên ngoài có thực sự quan trọng không?

Nàng nhớ đến đứa em dâu. Nó chỉ học trung cấp có hai năm mà mới được một năm đã tót lấy em trai nàng. Việc thì chưa xin được, suốt ngày nằm dài cổ trên giường. Ở nhà thì vụng thối vụng nát. Thành ra, có con dâu, mẹ nàng đầu tắt mặt tối gấp đôi, vất vả gấp đôi lo miệng ăn. Nàng càng ngày càng không ưa cô em dâu. Mẹ nàng cũng dần dà ghét cô con dâu. May sao đúng lúc ghét cay ghét đắng, mâu thuẫn đỉnh điểm thì bà phải nhịn vì nó có bầu. Mà cái bầu lại là con trai đúng như ao ước của mẹ nàng. Thế là bà nhịn, bà chiều con dâu. Nhưng rồi đẻ ra, đứa cháu nội lại có cái mặt giống y nhà ngoại, giống y mẹ nó. Mẹ nàng tâm sự với nàng: Nhiều lúc bế cháu cứ như thấy mặt nàng dâu dụi vào ngực mình, khó chịu lắm. Rõ ràng, nó là cháu nội, nó là dòng giống nhà bà, chỉ vì nó có gương mặt cô con dâu bà không ưa thành ra bà không quý cháu. Nàng cảm thấy mẹ nàng có cái gì không ổn, thậm chí hơi quá đáng. Đến lúc đứa cháu sà vào lòng nàng, nàng mới thấy gượng gạo. Cứ định đặt môi thơm vào má cháu lại thấy nó giống mẹ quá, ghét quá nên thôi, quay đi chỗ khác. Nàng thấy mình thật tệ.

*

Công việc nhân viên văn phòng nhàn rỗi hàng ngày đủ để chị em trong cơ quan bàn tán về cách trưng diện thế nào cho hợp mốt, bắt kịp xu hướng. Một cái váy dài quá gối hay ngắn trên đầu gối cũng nhanh chóng trở thành đề tài cho cả phòng. Và cái nốt ruồi của nàng cũng không nằm ngoài chủ đề của chị em. Người thì bảo lẽ ra nó bé hơn một tí thì duyên hơn có ý chê. Người lại nói chính cái nốt ruồi là điểm nhấn trên khuôn mặt nàng khiến ai nhìn cũng nhớ, cũng có cảm tình. Nàng chịu, chẳng biết đâu mà lần, nhưng cảm thấy không thực sự thoải mái.

Một lần, đang tụ tập cà phê với mấy chị em ở gần cơ quan. Bỗng có tay đạo diễn đi qua rồi đứng khựng lại, nhìn nàng. Sau phút ngỡ ngàng, vị đạo diễn lịch sự giới thiệu tên tuổi và ngỏ ý mời nàng đảm nhiệm một vai chính trong bộ phim truyền hình chuẩn bị bấm máy mà lâu nay cả đoàn làm phim chưa tìm ra người thích hợp để đóng. Cơ hội như từ trên trời rơi tõm xuống nàng. Trong khi nàng còn đang lúng túng thì đám chị em hào hứng động viên nàng thử sức. Sếp của nàng cũng đồng ý ngay. Chả gì thì công ty cũng có cơ hội được thiên hạ biết đến thông qua nàng.

Quả thật, từ sau bộ phim đó, nàng nổi tiếng nhanh chóng. Tên tuổi và gương mặt nàng tràn ngập trên báo với những mĩ từ. Các hợp đồng quảng cáo, mời đóng phim, làm gương mặt đại diện… liên tiếp dành cho nàng. Nhưng nàng chú ý một bài báo phỏng vấn vị đạo diễn nọ. Ông đã tiết lộ câu chuyện tình cờ gặp nàng và quyết định cho nàng thử sức vai chính trong phim, dù nàng không học qua trường lớp điện ảnh nào, chỉ vì ông nhìn thấy cái nốt ruồi không giống ai của nàng. Bằng linh cảm, ông đã tin tưởng nàng sẽ thành công với vai diễn. Từ sau bài báo đó, nàng được các nhà báo gọi với cái tên: mĩ nhân có nốt ruồi may mắn, người đẹp có nốt ruồi định mệnh, diễn viên có nốt ruồi trứ danh… tóm lại là bất kể cái tên mĩ miều nào đều được gắn với nốt ruồi. Nàng cảm thấy bất công, bực mình. Hoá ra, bao nhiêu công sức của nàng, bao nhiêu nỗ lực của nàng không được ghi nhận, không bằng… một cái chấm đen vô thưởng vô phạt trên mép? Sao không thấy tờ báo nào viết về những buổi đi diễn phải nhịn đói nhịn khát, ấm ức khát khóc vì bị đạo diễn quát mắng, bắt diễn đi diễn lại hàng bao nhiêu lần những cảnh hôn hít… Cả những bức hình chụp nữa, sao bức nào cũng làm nổi bật cái nốt ruồi của nàng? Cứ làm như không có cái nốt ruồi, nàng không có được mọi thứ như ngày hôm nay. Nàng căm tức cái nốt ruồi, nàng xé vụn các tờ báo có trong tay. Tại sao, chỗ nào nàng xuất hiện thì tất cả con người nàng đều lu mờ trước cái nốt ruồi? Lúc nào trong đầu nàng cũng ong ong từ “nốt ruồi”.

Chiều nay, nàng quyết định đi tẩy nốt ruồi.

Bất chấp sự phản đối của Huy, bố mẹ hay bất kỳ ai.

Đã đến lúc nàng phải tự quyết định cái bản mặt của mình có nốt ruồi hay không. Đã đến lúc nàng phải sống cho sự thoải mái của riêng mình mà không phụ thuộc vào ai. Tóm lại, đã đến lúc phải thay đổi cho dù thế nào đi chăng nữa.

Bước chân vào bệnh viện để tẩy nốt ruồi, nàng bất ngờ vì sự đông đúc. Già có, trẻ có, trung niên có. Người thì muốn tẩy đi, lại còn có người muốn can thiệp để có thêm một chấm đen trên mặt. Hoá ra thiên hạ cũng nhiều người có nhu cầu khác nhau. Buồn cười nhất là có ba đứa con gái tầm tuổi 17,18 đang giở tờ báo có hình nàng rồi hỏi nhau: Tớ chấm thêm cái nốt ruồi giống chị diễn viên này có hợp không nhỉ? Đứa khác bảo, hôm chủ nhật vừa rồi đến nhà tớ chấm thử trông rất cá tính còn gì. Nhưng nhỡ xấu thì sao? Ôi dào, xấu thì lại tẩy, lo gì. Hi hi. Biết đâu lại gặp may, lại được làm diễn viên rồi nổi tiếng

Cuối cùng, cái nốt ruồi bẩm sinh ở mép đã vĩnh viên rời bỏ khuôn mặt nàng. Nàng cứ lấy tay sờ mãi rồi ngắm nghía. Thật thoải mái. Khuôn mặt phải trơn tru thế này chứ. Nàng mơ màng tưởng tượng đến buổi ra mắt bộ phim mới ngày mai, cái nốt ruồi chết tiệt kia sẽ không có cơ hội song hành với nàng trên báo nữa. Nàng thấy người mình nhẹ tênh như thể vừa trút đi một khối u khổng lồ chứ không phải bằng một cái chấm đen bằng hạt đỗ xanh.

Sáng sớm nay, nàng dậy sớm để chuẩn bị cho buổi ra mắt phim. Nàng mặc một chiếc váy thật sang trọng. Nàng cũng trang điểm kỹ hơn. Thêm vài giọt nước hoa nữa khiến nàng vô cùng quyến rũ. Chính nàng đứng trước gương mà tự ngắm mình mãi không thấy chán. Nàng hớn hở quay ra, thì bất ngờ nhìn thấy Huy đã sẵn sàng đứng chờ để đưa nàng đi. Huy tròn mắt nhìn nàng. Không phải nhìn vào tóc váy mắt môi mà nhìn chằm chằm vào mép nàng mà không nói được câu gì. Nàng hỏi, em xinh không mà Huy như không nghe thấy, vẫn tròn mắt đứng im nhìn. Có lẽ khi nhìn thấy cái nốt ruồi của nàng biến mất, Huy bỗng thấy nàng như một người xa lạ, chứ không phải người yêu mình. Còn nàng thì cứ nghĩ, Huy bất ngờ khi nàng ăn mặc và trang điểm đẹp.

Khi nàng vừa dứt xong câu chào bố mẹ thì thằng cháu lon ton chạy ra chào nàng. Cái mặt thằng bé càng ngày càng giống mẹ khiến nàng cảm thấy hơi bực. Đã thế, nó lại còn nhìn nàng thật lâu. Nàng cố mỉm cười nhưng trong đầu nghĩ: “Không khiến chào, nhìn cái mặt đã thấy đen đủi”. Không thấy Huy đi bên cạnh, nàng quay ngoắt lại. Huy vẫn đứng đó mà không nhúc nhích. Nàng bực mình hỏi, anh có đi không rồi vùng vằng ngồi bịch xuống ghế. Bất ngờ, từ trong nhà, thằng cháu chạy ra, trèo lên ghế, víu cổ nàng xuống và rút cái bút dạ đen ở tay ra, chấm một chấm đen đúng vào chỗ cái nốt ruồi quen thuộc mà nàng vừa mất công đi tẩy.

Hiền Nguyễn (Nguồn: Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN)

Exit mobile version