Sự chuyển đổi kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh mở cửa, hợp tác, giao lưu, hội nhập với nước ngoài từ sau đổi mới (1986) đến nay, không tránh khỏi kéo theo sự chuyển đổi của nhiều quan niệm giá trị về văn hóa, đạo đức, lối sống… trong xã hội, có lúc dẫn đến hiện tượng rối loạn về giá trị, thậm chí đã xuất hiện những hiện tượng phản giá trị, gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người.
Để điều chỉnh nó, không thể chỉ thuần túy bằng các biện pháp quản lý hành chính, mà phải bằng giáo dục, nâng cao nhận thức, nghĩa là cần trang bị cho thế hệ trẻ hiện nay một giá trị quan khoa học, tiến bộ, hiện đại, nhân văn; phải đưa ra được một bảng giá trị mới, kết hợp trong đó cả xu thế đổi mới, phát triển của thời đại với tinh hoa truyền thống của dân tộc. Đây không phải chỉ là trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lý văn hóa, mà là trách nhiệm chung của nhà trường và xã hội, của các nhà nghiên cứu lý luận – sáng tác – phê bình, tổ chức và biểu diễn văn hóa – nghệ thuật, nói chung là những người có trách nhiệm trang bị giá trị quan đúng đắn, thông qua những món ăn tinh thần lành mạnh mà họ cung cấp cho xã hội, trước hết là cho lớp trẻ.
Giá trị quan – một bộ phận quan trọng của thế giới quan – xét đến cùng, là nhân tố quyết định tư duy và hành xử của con người. ở những thời kỳ xã hội diễn ra sự chuyển đổi có tính bước ngoặt như: từ chiến tranh sang hòa bình, từ nông thôn vào thành thị, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, từ một xã hội khép kín sang mở cửa,… đều là những bước chuyển rất lớn, tác động rất mạnh đến ý thức và hành vi của con người, dẫn đến những thay đổi nhất định về quan niệm giá trị. Trước đây, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, Người thường chủ động đón trước tình hình, kịp thời mở các lớp học tập, trang bị nhận thức, nêu ra những yêu cầu, chuẩn mực cần rèn luyện để mỗi người có thể vững vàng vượt qua những thử thách, tác động của hoàn cảnh mới.
Từ sau 1975 tới nay, nhiều biến cố lịch sử diễn ra quá nhanh, có sự kiện xảy ra quá bất ngờ, ngoài khả năng dự báo của chúng ta, khiến chúng ta không kịp chuẩn bị, chủ động đối phó. Thông thường, trong mỗi phong trào, mỗi cuộc vận động cách mạng , tư tưởng – văn hóa phải đi trước dọn đường, nhưng hiện nay dường như ta vẫn đang phải chạy theo sau. Công tác nghiên cứu – giảng dạy lý luận nói chung vẫn chưa khắc phục được nhược điểm mà nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra là còn lạc hậu, không theo kịp yêu cầu của thực tiễn, đôi lúc rơi vào khuynh hướng kinh viện, chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong cuộc sống hàng ngày, nên khi xã hội xảy ra những hiện tượng tiêu cực, không quản lý được thì ta cấm! Cấm hay phạt không thể là giải pháp lâu dài, hiệu quả trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa – đạo đức – lối sống. Sự rối loạn về quan điểm giá trị trong một bộ phận xã hội hiện nay, rõ nhất là trong một số người trẻ thuộc giới showbiz, chỉ có thể được khắc phục bằng nhận thức, giáo dục và nêu gương. Nói cách khác, lẽ ra giá trị học từ sớm cần được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy trong hệ thống giáo dục của chúng ta, bởi con người vốn hành động theo những định hướng giá trị mà họ theo đuổi, tư duy và hành xử của họ phụ thuộc rất nhiều vào cách họ hiểu cái gì là giá trị đích thực cần hướng theo, cái gì là phản giá trị cần phê phán, bác bỏ. Thiếu đi một sự hướng dẫn, họ không tránh khỏi bị lệch chuẩn.
Về giá trị và giá trị học
Khái niệm giá trị (value) đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử. Đầu tiên, nó được dùng trong kinh tế học để chỉ công năng, thuộc tính của vật phẩm đem ra trao đổi. Sau đó, nó đi dần vào các lĩnh vực hoạt động xã hội, trở thành một khái niệm phổ biến. Người ta thường chia giá trị ra làm ba loại hình lớn: giá trị vật chất (hay giá trị tự nhiên, như phong cảnh, tài nguyên, môi trường…), giá trị tinh thần (hay giá trị nhân văn, như văn hóa, đạo đức, tôn giáo…) và giá trị con người; trong đó giá trị con người – kẻ sáng tạo ra mọi giá trị – là quý giá nhất, vì con người chứa đựng giá trị nhân sinh (sinh mệnh) và giá trị sáng tạo (tất cả đều do con người làm ra, mọi giá trị vật chất và tinh thần đều chỉ là đối tượng hưởng thụ của con người).
Giá trị học (Axiologie) là một chuyên ngành của triết học chuyên nghiên cứu về bản chất của giá trị; về ý nghĩa, mục đích, giá trị cuộc sống con người; về các lĩnh vực giá trị khác nhau (giá trị văn hóa, khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, chính trị, pháp luật,… và mối tương tác giữa chúng). Người đề xướng ra giá trị học là nhà logic học người Đức Lôtze, thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, ở phương Tây xuất hiện nhiều trường phái giá trị học, nói chung đều có khuynh hướng duy tâm, mỗi trường phái gắn liền với một học thuyết triết học, như chủ nghĩa Kant mới, hiện tượng học Husserl, chủ nghĩa Thomas mới,…
Chúng ta nghiên cứu giá trị học theo quan điểm của Marx, coi giá trị là kết quả của sự tác động tương hỗ giữa chủ thể và khách thể; là con đẻ của thực tiễn, hướng tới con người và phục vụ con người; coi quan niệm giá trị là hạt nhân của văn hóa, là bộ phận quan trọng của thế giới quan, là động lực cơ bản chỉ đạo hành vi của con người.
Chuyển đổi quan niệm giá trị là một vấn đề có tính quy luật
Hệ giá trị của một xã hội cũng như của mỗi con người luôn mang tính lịch sử. Là một hình thái của ý thức xã hội, mỗi hệ giá trị gắn liền với cơ sở kinh tế – chính trị – xã hội đẻ ra nó. Khi đời sống xã hội thay đổi, hệ giá trị đó không thể đứng yên. Quá trình chuyển đổi quan niệm giá trị này thường diễn ra theo hai hướng: chuyển đổi tiệm tiến và chuyển đổi đột biến.
Sự chuyển đổi đột biến thường diễn ra sau những biến động xã hội lớn, sau những cuộc cách mạng thay đổi chế độ xã hội, từ cũ sang mới, từ phong kiến sang tư bản, từ tư bản sang chế độ xã hội chủ nghĩa,… Trong điều kiện đó, các quan niệm giá trị không có sự cạnh tranh bình đẳng, mà dưới áp lực của ý thức hệ và thể chế chính trị, một số quan niệm cũ bị phê phán, đẩy lui, nhiều quan niệm mới được hình thành và tiến lên địa vị chủ đạo.
Nói chuyển đổi giá trị quan không có nghĩa là xóa bỏ sạch trơn, một số giá trị cũ sẽ không còn vị trí như trước, nhưng nhiều giá trị khác vẫn được bảo lưu, bởi trong mỗi hệ giá trị, bên cạnh những nhân tố chịu sự chi phối của ý thức hệ giai cấp vẫn có những nhân tố mang giá trị dân tộc và giá trị nhân loại, nên vẫn nằm trong bảng giá trị mới, có khác chăng là thứ bậc quan trọng có thể được sắp xếp lại. Ví như, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc thời nào cũng vẫn là nhân tố đứng đầu bảng giá trị truyền thống Việt Nam, nhưng chủ nghĩa tập thể, mình vì mọi người, tinh thần quốc tế vô sản,… nay đã không còn được nhấn mạnh nhiều như trước.
Sự chuyển đổi giá trị quan ở nước ta từ sau cách mạng tháng Tám, nhất là từ sau 1954 khi miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đã diễn ra theo con đường đột biến. Nhưng từ khi đổi mới (1986), ta chấp nhận kinh tế thị trường, nhất là từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, nước ta mở cửa, hợp tác làm ăn, giao lưu, hội nhập với tư bản nước ngoài, thì hệ thống quan niệm giá trị truyền thống cũng bắt đầu có biến động, một số trở nên mờ nhạt rồi mất thiêng; trong khi một vài quan niệm giá trị cũ từng một thời bị phê phán lại có cơ trỗi dậy và từng bước lên ngôi. Hiện nay ở ta, một quá trình chuyển đổi tiệm tiến đang diễn ra. Đó cũng là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật. Bởi hệ giá trị nào cũng được nảy sinh và củng cố trên một nền tảng chính trị – kinh tế – xã hội nhất định. Nếu cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của nó đang mất dần đi, trong khi các quan niệm mới được du nhập ào ạt từ nước ngoài vào lại có phần tương thích với đời sống kinh tế – xã hội đang diễn ra, thì vai trò và ảnh hưởng của những quan niệm đó có khả năng sẽ dần dần được thừa nhận và phát triển.
Trong quá trình chuyển đổi tiệm tiến hiện nay, một số quan niệm mới đã xuất hiện và dần được khẳng định, nhưng mặt trái của nó cũng đồng thời phát sinh:
– Cá nhân trở thành chủ thể của giá trị, mỗi con người từ nay trở nên năng động, sáng tạo hơn, biết tự phấn đấu vươn lên bằng bàn tay và khối óc của mình, nhờ đó đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc. Song mặt trái của nó là sự quay lại với chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vị kỷ, lấy cái “tôi” làm trung tâm, coi nhẹ tập thể, bỏ rơi đồng đội.
– Lấy hiệu quả thực tế làm mục tiêu của giá trị, tích cực truy tìm hiệu quả, coi hiệu quả và sự thành đạt là thước đo chính xác nhất về giá trị của mỗi hành động cũng như mỗi con người; nó vô cảm với mọi thói lãng mạn, viển vông, không thực tế,…Nói cách khác, quan niệm này đã từ bỏ vương quốc lý tưởng để chuyển sang vương quốc thực dụng, quá chú trọng vào mục tiêu vật chất.
– Đa dạng hóa sự lựa chọn giá trị, con người tìm ra nhiều hướng tiếp cận giá trị trong cuộc sống. Đây là một quan niệm tiến bộ, tích cực, mở ra chân trời rộng lớn cho mọi người tìm kiếm và khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế xã hội, hệ thống pháp luật, chế độ phân phối, chưa tạo điều kiện để quan niệm này trở thành hiện thực phổ biến.
– Tương đối hóa tiêu chuẩn giá trị: chuyển sang kinh tế thị trường, đời sống kinh tế – xã hội nay đã trở nên đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều so với thời bao cấp; do đó cái nhìn về nhân cách, về giá trị con người cũng trở nên cởi mở, dân chủ, bình đẳng hơn, ai có năng lực gì đều có thể tìm được chỗ đứng thích hợp cho mình. Nhưng cùng với xu hướng phi chính trị hóa đó thì những vấn đề về lý tưởng, đạo đức, niềm tin,… cũng mất dần đi tác dụng điều chỉnh của chúng. Quan chức tham nhũng nay đã không còn cảm giác xấu hổ, kẻ giết người tàn bạo vẫn nhâng nháo trước pháp đình…
ở thời điểm “quá độ” này, khi một số giá trị truyền thống đang mất dần đi vị trí thượng tôn, trong khi hệ thống quan niệm mới về giá trị chưa hình thành đồng bộ, đã là nguyên nhân gây nên hiện tượng mất thăng bằng, rối loạn về giá trị như báo chí đã từng nêu lên và cảnh báo. Chính vì vậy, lúc này rất cần đến vai trò điều chỉnh của giá trị học.
Vai trò định hướng của giá trị học
Giá trị học là triết học về giá trị, có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo tư duy và hành động của con người, nhất là ở bối cảnh quan niệm giá trị đang diễn ra có phần hỗn loạn, thiếu đi một sự định hướng, con người có thể rơi vào ngộ nhận, mắc phải những hành động sai lầm, đáng tiếc.
Có một số người hiện vẫn chân thành lưu luyến mối quan hệ thân tình, ấm áp, chia sẻ, đùm bọc giữa người với người ở thời kỳ trước đây, và tỏ ra hoài nghi, thất vọng trước những quan niệm giá trị xa lạ với truyền thống dân tộc, đang lôi cuốn một lớp người chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất, hưởng lạc, chạy theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, dẫn đến lệch lạc về nhân cách. Họ thật tâm lo lắng rằng: liệu sự sụp đổ của hệ giá trị truyền thống – chứ không phải là sự sụp đổ về kinh tế – có thể là một nguy cơ đưa đến sự sụp đổ của chế độ xã hội hay không? Trong khi đó một số khác thì rơi vào bế tắc, tuy thừa nhận một số giá trị cũ không còn phù hợp với hiện nay, nhưng cũng không tin vào những gì gọi là “giá trị mới” đang lây lan, do mất phương hướng, họ trở nên bi quan, chán nản, thất vọng, mất niềm tin vào lý tưởng, thờ ơ với chính trị, cảm thấy mọi cái hầu như đã trở nên vô nghĩa!
Lại có một số người, lại vẫn chạy theo những giá trị ảo, chạy theo hư danh, hư vinh. Bệnh háo danh vốn là di căn của thói trọng danh hơn trọng thực của xã hội nông nghiệp – nho giáo thời xưa. Đây là điều rất khác với tập quán phương Tây…
Liên quan đến các quan niệm về giá trị, ý thức về giá trị bản thân cũng cần được nhận thức đúng đắn, nếu huênh hoang vô lối sẽ trở thành kệch cỡm, nhưng tỏ ra quá khúm núm thì lại đánh mất giá trị của chính mình. Vấn đề này cũng đang cần có sự điều chỉnh. Giá trị bản thân là những gì tỏa ra từ nhân cách bên trong (trí tuệ, tâm hồn, cách đối nhân xử thế,…) chứ không phải từ những danh hiệu được khoác thêm vào…
Trên đây chưa phải là toàn bộ hiện trạng quan niệm giá trị đang diễn ra ở ta. gợi lên một vài sự việc chỉ muốn nói rằng không nên để chậm hơn nữa, vấn đề lựa chọn giá trị và xác lập hệ quan niệm giá trị mới đã đến lúc cần được đặt lên bàn nghị sự. Cần có những cuộc hội thảo, cần khẩn trương nghiên cứu, biên soạn “giáo trình giá trị học” để đưa vào nhà trường, cần hơn là lựa chọn những giá trị mới nào để xây dựng nên bảng giá trị đáp ứng được yêu cầu ở thời kỳ hiện nay? Đây quả là một thách thức không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu triết học, giảng dạy lý luận ở ta, bởi lâu nay bộ môn giá trị học còn ít được quan tâm nghiên cứu.
Nhiều năm trước đây, GS Trần Văn Giàu trong công trình “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” (1980) đã từng đưa ra một bảng giá trị rất khái quát, gồm 7 điểm: Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa. Ông coi đó là những giá trị truyền thống chứ không phải đương đại, tuy đã được bổ sung thêm bằng tấm gương Hồ Chí Minh – biểu tượng của các giá trị dân tộc và nhân loại. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng từng đưa ra quan niệm của mình. Hội nghị TƯ 5 khóa VIII (7-1998) ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, trong phần về xây dựng con người, cũng sơ bộ đưa ra một số giá trị, xuất phát từ hoàn cảnh lúc bấy giờ, như yêu nước, tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết cộng đồng; nhân ái, bao dung; có đầu óc thực tế; cần cù, sáng tạo; giản dị trong lối sống.
Nay bối cảnh thế giới cũng như trong nước đã thay đổi rất nhiều, cần có một bảng giá trị mới kết hợp trong đó cả tinh hoa truyền thống dân tộc lẫn xu thế của thời đại toàn cầu hóa, để có thể hội nhập thành công mà không đánh mất giá trị, bản sắc của mình. Đây là một việc lâu dài và khó khăn, không dễ gì đạt ngay được sự nhất trí. Trước mắt, vai trò định hướng của giá trị học là cần trang bị cho giới trẻ một giá trị quan khoa học đúng đắn, giúp họ phân biệt được cái chân với cái giả, cái ảo với cái thực, cái giá trị với cái phản giá trị, cái được phép với cái không nên làm,…giúp họ có thể lựa chọn và theo đuổi những giá trị chân chính, để có thể sống đẹp, sống lương thiện trong một xã hội nhân ái, khoan dung, hòa hợp, biết tôn trọng sự đa dạng của các giá trị.
Lạm bàn về giá trị và sự chuyển đổi giá trị hiện nay có thể là một sự liều lĩnh, bởi đây là một vấn đề vừa mới, vừa phức tạp, hiểu biết của người viết còn hạn chế, nên không tránh khỏi có sai sót, mong được các bậc thức giả trao đổi và chỉ giáo thêm.
(Nguồn: Văn nghệ Số 4/2013)