Già làng Phan Chí Thành (SN 1927, trú thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định) có niềm say mê đặc biệt với nhạc cụ truyền thống. Ông đang ngày ngày góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc trưng trong âm nhạc của đồng bào Ba Na.
Ăn ngủ với âm nhạc
Căn nhà của già làng Phan Chí Thành ở làng Trà Hương rộng chưa đầy 40m2, trên bốn bức tường treo đầy bằng khen… về những đóng góp của ông cho âm nhạc truyền thống trong mấy chục năm qua. Trong nhà còn có 20 loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, như Bơ-răng, Bơ-ró, Bơ-lá, Hơ-đoong, Roong-boong, Pơ-lơng-khơng, Tơ-rưng… và nhiều loại sáo dài, ngắn khác nhau. Tất cả những nhạc cụ này, già làng Thành đều biết chơi và có thể làm ra hoặc sửa chữa chúng.
Già làng Phan Chí Thành say sưa theo điệu múa mà ông thích. Ảnh: D.T
“Âm nhạc Ba Na không chỉ là đam mê của tôi, nó còn là máu thịt, là cuộc sống của tôi trong mấy chục năm qua” – già làng Thành chia sẻ.
Già Thành kể, hơn 10 tuổi, ông đã tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người dân Ba Na. Ngoài việc sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, ông còn tự tay làm nên một loại đàn rất độc đáo mà ông gọi là đàn Cổ vũ.
“Khi săn bắn, Cổ vũ có tiết tấu nhanh thúc giục người săn tiếp cận con thú. Khi tiết tấu Cổ vũ ở mức trung bình, nếu thổi vào buổi sáng là báo cho mọi người thức dậy để lên nương lên rẫy, nếu thổi khi ông mặt trời xuống núi là kêu gọi mọi người hãy về nhà sau một ngày lao động. Khi người ta thổi Cổ vũ có tiết tấu chậm rãi, đó là lúc cuộc sống thanh bình, no ấm…” – già làng Thành cho hay.
Những “bữa tiệc” âm nhạc đậm chất Ba Na
Không chỉ am hiểu, có khả năng chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, già làng Thành còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ và có đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na tại thôn Đại Khoan (xã Cát Lâm). |
Làng Trà Hương là mảnh đất mà người dân Ba Na di cư từ huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) đến để an cư, lập nghiệp. Nằm cạnh con đồi cao vút, ngôi làng hiện ra với những mái nhà sàn bình yên, lúc nào cũng rộn ràng tiếng đàn, cồng chiêng.
Già làng Thành tâm sự: “Hơn 10 năm trước, tôi là người tiên phong di cư về làng Trà Hương. Chúng tôi mang theo cơm, nước uống, băng rừng, lội suối trong nhiều ngày liền để đến đây. Khi sống ở Trà Hương, thực sự chúng tôi đã về với nơi chôn rau cắt rốn, mảnh đất quê hương của mình”.
Để người Ba Na lưu giữ được bản sắc văn hóa, già làng Thành đã khởi xướng gây dựng khu nhà rông, nơi hội họp và cả những bữa tiệc âm nhạc mang đậm chất Ba Na giống như vùng đất cũ. Lễ hội, đám cưới, đám hỏi, tết… người dân Ba Na tại làng Trà Hương đều đánh cồng chiêng, trống và sinh hoạt tại nhà rông. Làng còn có đội hình cồng chiêng 16 người, do già làng Phan Chí Thành gây dựng.
Ông Nguyễn Tấn Đạt- Bí thư Đảng ủy xã Cát Lâm cho biết: “Không chỉ am hiểu, có khả năng chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, già làng Thành còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ và có đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na tại làng Đại Khoan (xã Cát Lâm). Năm 2013, già làng Phan Chí Thành được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian”.
Theo Dũ Tuấn – Dân Việt