Tại lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011 diễn ra tại Thư viện Hà Nội sáng 9/3/2012, gần như một cách chính thức, Trần Dần đã được gọi bằng danh xưng “nhà văn” thay vì “nhà thơ” mà mọi người vẫn gọi ông từ trước đến nay. Cũng nhân dịp này, gia đình nhà văn Trần Dần đã trao tặng cho Hội Nhà văn Hà Nội bức ảnh chân dung ông.


Bức ảnh cố nhà văn Trần Dần được anh Trần Trọng Văn, con trai ông chụp năm 1981. Dương Tử Thành chụp lại.

Đại diện gia đình nhà văn Trần Dần gồm vợ và con trai nhà văn đã có mặt nhận sự tôn vinh dành cho ông ở thể loại văn xuôi, bên cạnh đó, nhà thơ Trương Đăng Dung và dịch giả Thụy Anh cũng đã có mặt để nhận sự vinh danh cho tác phẩm của mình ở thể loại thơ và văn học dịch. Rất nhiều những bó hoa, những lời chúc mừng của những nhà văn thế hệ sau, những người yêu quý và trân trọng tài năng và nhân cách của Trần Dần đã được dành cho gia đình. Người thân và bạn bè, đồng nghiệp của các tác giả đoạt giải và những người được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội lần này cũng có mặt để chúc mừng. “Ba tác phẩm được giải, mỗi cuốn đặc biệt theo cách của mình, nhưng đều có chung những giá trị của sáng tạo và nhân văn” là nhận định của Hội Nhà văn Hà Nội khi nói về Giải thưởng năm 2011 của Hội.

“Những ngã tư và những cột đèn” của nhà văn Trần Dần là cuốn tiểu thuyết có một số phận độc đáo. Tiểu thuyết được ra đời vào giữa những năm 1960, khi đó Trần Dần được Bộ Công an cấp giấy phép đi thực tế tại một số trại giam ngụy binh thời Pháp thuộc trên địa bàn Hà Nội sau ngày tiếp quản Thủ đô. Sự táo bạo quyết liệt và mới mẻ trong từng câu chữ đã khiến cho những nhà văn Việt Nam sau nửa thế kỷ đọc “Những ngã tư và những cột đèn” vẫn thấy ngạc nhiên vì sự cách tân của Trần Dần. Năm 1988, bản thảo tiểu thuyết mới đến tay gia đình và năm 2011 nó đã được Công ty Nhã Nam xuất bản và ngay sau đó nhận được nhiều lời khen ngợi dành cho tác phẩm và sự khâm phục đối với cố nhà văn. Nhà báo Trần Trọng Văn, con trai của nhà văn Trần Dần chia sẻ những suy nghĩ về cuốn sách của cha mình: “Cuốn sách cho thấy một bức tranh sống động về đường phố và con người Hà Nội. Ai từng sống ở thời kỳ ấy đều thấy thích thú vì Hà Nội qua con mắt của Trần Dần không giống như Hà Nội qua con mắt của Thạch Lam, Tô Hoài hay Bùi Xuân Phái… Con người Hà Nội hiện lên trong tác phẩm đúng tính cách của người Hà Nội xưa. Một điểm quan trọng nữa là cuốn tiểu thuyết viết theo lối trinh thám hấp dẫn nhưng lại thấy rõ những vấn đề mà đến nay vẫn còn tính thời sự…”

Giải thích lý do Hội Nhà văn Hà Nội quyết định trao giải văn xuôi cho cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của cố nhà văn Trần Dần, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2011 trao cho “Những ngã tư và những cột đèn” là khẳng định một cá tính sáng tạo độc đáo, là đề cao một tác phẩm có lối viết khác lạ, là kêu gọi sự đổi mới nghệ thuật phải trở thành một bản năng thường trực trong mỗi người viết.”


Vợ và con trai cố nhà văn Trần Dần với hoa và giải thưởng. Ảnh: Dương Tử Thành.

Về tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã nhận xét: “Những câu thơ, những bài thơ giàu chất suy tưởng trong mạch cảm xúc tầng sâu được thể hiện bằng từ ngữ có khả năng gợi mở, phát lộ ý niệm và tư tưởng.”. Đây là tác phẩm của một nhà nghiên cứu lý luận được cho là hàn lâm khi tuổi đã xế chiều mới cho ra mắt tập thơ đầu tay và ngay lập tức tạo hiệu ứng mạnh, khiến các nhà thơ, nhà phê bình phải đọc và đi sâu phân tích, khám phá và đều đánh giá cao.

Còn với tập thơ “Olga Berggoltz của tôi” của Thụy Anh lại được đánh giá rằng “chị đã nhập thân, hòa mình vào từng câu chữ tiếng Nga thơ Olga, lắng nghe và cảm nhận từng mạch đập tâm hồn của nhà thơ để đưa lại những bài dịch sát hợp và tinh tế.”. Đại diện Hội Nhà văn Hà Nội nói rằng, việc trao giải cho tập sách dịch nói về cuộc đời của “cây ngải đắng của nền thi ca Xô Viết” đúng vào dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của Olga Berggoltz cũng như việc đánh giá cao công lao dịch thuật của Thụy Anh là hành động “ghi nhận sự trở lại của những giá trị văn học Nga-Xô Viết từ một lớp người dịch mới”.

Dịch giả Thụy Anh cũng là người có niềm vui song trùng, bởi cùng với việc đoạt giải chị có còn tên trong danh sách 29 hội viên mới của Hội Nhà văn Hà Nội vừa được kết nạp tại buổi lễ, ngay trước phần trao giải. Thụy Anh đã dùng từ “sang trọng” để nói về giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho mình. Chị chia sẻ, chính nhờ những tác phẩm đầu tiên của Olga được chuyển ngữ thành công tại Việt Nam đã giúp người đọc biết đến một Olga Berggoltz để bây giờ chờ đợi và đón nhận những tác phẩm tiếp theo của bà. “Với tôi, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội hôm nay có một ý nghĩa rất lớn để tôi có thể tiếp tục dấn thân vào công việc dịch thuật rất khó khăn này”, Thụy Anh nói.

Từ trái qua: Dịch giả Thụy Anh (giải thưởng dịch thuật), phu nhân cố nhà văn Trần Dần (giải thưởng văn xuôi), nhà thơ Trương Đăng Dung (giải thưởng thơ), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) và nhà báo Trần Trọng Văn (con trai của cố nhà văn Trần Dần). Ảnh: Dương Tử Thành.

Tại Lễ trao giải, Bà Bùi Thị Ngọc Khuê, phu nhân cố nhà văn Trần Dần đã phát biểu, bà và gia đình rất xúc động khi Trần Dần được Hội Nhà văn Hà Nội công nhận và tôn vinh những đóng góp của ông không chỉ một lần. Phu nhân cố nhà văn có số phận khá thăng trầm tỏ ra tiếc nuối: “Chúng tôi vinh dự được thay mặt nhà thơ Trần Dần, thay mặt gia đình lên đây nhận phần thưởng của nhà thơ nhưng đáng tiếc là Trần Dần đã qua đời mười lăm năm nay rồi, không được hưởng phút vinh dự này.” Bà cũng gửi lời cám ơn Công ty Nhã Nam, đơn vị đã giúp cuốn sách được ra đời. Thay mặt gia đình, bà Khuê cũng gửi tặng Hội Nhà văn Hà Nội bức chân dung của nhà văn Trần Dần như một món quà nhỏ tại Lễ trai giải. Bức ảnh Trần Dần được chính nhà báo Trần Trọng Văn, con trai cố nhà văn chụp. Anh Văn cho biết, bức anh được chụp năm 1981, ngày ấy gia đình anh ở trong ngôi nhà trên phố Vũ Lợi, gần phố Yết Kiêu nơi có gia đình nhạc sĩ Văn Cao sinh sống, khi ấy anh đang học Khóa I quay phim của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và đã chụp một số bức ảnh cho bố mình. Tuy nhiên, gần đây anh Văn mới tìm thấy bức ảnh này và đã phóng lại để tặng cho Hội Nhà văn Hà Nội.


Bức ảnh cố nhà văn Trần Dần được bà Bùi Thị Ngọc Khuê, phu nhân của ông tặng cho Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thay mặt Hội đón nhận. Ảnh: Dương Tử Thành.

Giải thưởng văn học năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội là giải thưởng có uy tín nghề nghiệp được đánh giá cao. Theo thông lệ giải được xét và trao vào ngày giải phóng Thủ đô 10/10 cho duy nhất mỗi thể loại một tác phẩm (với điều kiện đạt số phiếu quá bán của Ban Giám khảo) nhưng năm nay, vì một số lý do nên việc xét và trao giải đã bị chậm lại khiến dư luận khá trông chờ, thậm chí đã có người đặt câu hỏi, liệu giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay có hay không? Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thẳng thắn thừa nhận, “năm nay thời gian trao giải bị chậm lại là do khuyết điểm của Chủ tịch Hội, nhưng giải năm 2012 sẽ được xét và trao đúng hạn”, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội “hứa” trước toàn thể quan khách.

Nguyễn Xuân Thuỷ

Nguồn: Yume.vn.

Exit mobile version