Ngày xưa và bây giờ giống, khác nhau ra sao. Ai và vì sao lại “gì cũng biết trừ hạnh phúc”. Lý giải của nhà văn Lê Minh Khuê nhân xem một số thước phim tư liệu về quá khứ.

Nhà văn Lê Minh Khuê.

Xem vài tập phim tài liệu “Ký ức Việt Nam” trên VTV1 (5 phút/tập, người Nhật quay), lại hiện ra một thời mà nhu cầu, mức sống chỉ tối thiểu. Cốc cà phê đá, sữa đá là món giải khát sang trọng. Chiếc xe đạp- cả gia tài. Thậm chí trong những thước phim này, những viên đá vụn uống với cà phê được đựng trong rổ sề!

Nhớ lại, có nhà làm phim nước ngoài nhận xét: Cả Hà Nội (hồi ấy) nom như cuốn phim đen trắng pha chút cỏ úa. Cỏ úa- màu của quân phục, còn đen trắng là bởi đời sống ảm đạm ăn mặc thiếu thốn. Có vẻ sức chịu đựng của con người trong đó có người Thủ đô ta, từng là vô hạn? Xem lại chẳng biết nên vui hay buồn.

Buồn. Trả lời ngay được thôi.

Nhắc cái rổ sề đựng đá lại cũng nên nhớ cái thìa nhôm bị đục thủng để tránh mất cắp. Có lần, dẫn mấy sinh viên miền Nam đến Quán Gió uống nước. Không có đường, bỏ vài viên kẹo vào cà phê. Một anh nâng cái thìa cho cà phê chảy qua lỗ thủng rồi bảo: Hay hề! Thế ni chắc Mỹ sắp chạy! Quả là tiên tri.

Nhắc lại Hà Nội thời chiến tranh không ai không nói tới cảnh xếp hàng mua dầu mua gạo, cảnh sơ tán đi rồi về… Sao lúc đó không thấy tủi cực? Có lẽ có cái để mà chờ đợi. Rồi lại nghĩ mình khổ nhưng ở mặt trận bao người chết chóc khổ hơn mình. Nhưng đến thời hậu chiến, thời bao cấp như người ta vẫn gọi, thì không thể hiểu được? Rất nhiều xứ sở, sau chiến tranh người ta lấy lại thăng bằng ngay. Ở ta phải hơn mười năm.

Năm 1982 mình hay đi qua một căn nhà mới ở Bà Triệu thấy người đàn ông cứ đứng ngoài nhìn vào. Nghe nói ông ta xây ngôi nhà, bị ghép vào tội gì đó, bị tịch thu. Trên ti vi đầy cảnh tịch thu nhà vì người ta lát nhà tắm bằng gạch men kính. Những năm 80 của thế kỷ 20 mà có chuyện như thế. Chả bao giờ quên được.

Thời chiến tranh đói khát nhường nhịn cho việc lớn của đất nước, người Hà Nội đã hóm hỉnh khi thấy lấp ló đâu đó hàng viện trợ của phương Tây: Một yêu anh có Sen-kô/ Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng…Nhưng đến thời bao cấp bài ca dao đổi khác: Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần…

Đời sống khốn khổ trượt từ cái đồng hồ Sen-kô sang cái áo may ô mà không có người động lòng không có ai lo là cái đáng giận. Rồi khủng khiếp cái cảnh ngăn sông cấm chợ. Hà Nội thời đó, sợ nhất cái chợ sau Tết. Mọi thứ vét hết như qua trận bão. Khâm phục thay sức chịu đựng của con người.

Những nhà văn viết nhiều về chiến tranh và quá khứ như chị, hình như có khuynh hướng cho rằng “hòn vàng thì mất, hòn đất thì còn”, nghĩa là những con người đẹp đẽ ưu tú nhất đều đã hy sinh cả rồi?

Không hẳn thế. Ai chả có thói quen xem mọi thứ đã qua đã mất là đẹp nhất. Không riêng người Việt đâu. Bây giờ nhiều người già vẫn nói những người đã hy sinh là người đẹp nhất. Bao người đẹp nhất đã chết vì họ ra đi ở tuổi thanh xuân giữa lúc cuộc chiến cần họ nhất. Họ đẹp đẽ và không ai có quyền hạ thấp sự hy sinh của họ.

Cái đáng buồn ở phía những người đang sống kia. Thế hệ cha anh của thanh niên ngày nay. Họ đã truyền cái xấu cái ích kỷ sang cho con cháu mà không ý thức được. Người Việt có thời đã rất tốt đẹp. Những năm sau 1945 đến 1954, những năm chống Mỹ 1965-1975.

Ngoài âm hưởng chính là ngậm ngùi, vẫn có một xu hướng luôn nhìn cái ngày xưa đẹp, hay hơn bây giờ. “Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn cái bánh bao bây giờ” (Lỗ Tấn). Trong trí nhớ của tôi thì thời bao cấp đó, xung quanh tôi và xung quanh họ hàng, bạn bè tôi, đầy những ổ Thénardier (Những người khốn khổ). Cuộc mưu sinh nhọc nhằn khiến nhiều gia đình lấp ló những ông bố kiểu ông Jérôme (Không gia đình), lạnh lùng cục súc. Trường sở đẹp cổ kính nhưng nền giáo dục giáo điều, như môn Văn dưới mái trường thời chiến và hậu chiến có công thức “ yêu, căm, chiến, lạc” nổi tiếng. Học trò học kiểu đối phó… Theo chị hồi đó có niềm nào gọi là sung sướng không hay nghĩ lại chỉ thấy “tỉnh lại em ơi qua rồi cơn ác mộng”?

Cái hay của Hà Nội thời chiến là thành phố vắng người. Cây cối xanh um. Nhà hai tầng chìm dưới cây. Sáng sáng có thể đến quán cà phê trong sân sau. Vì mọi thứ phải kín đáo, gặp gỡ bạn bè, hoặc buổi tối đến nhà ai đó có phòng riêng ngồi với nhau bụng đói nghe đọc thơ. Những bài thơ nhớ đến hôm nay. Hà Nội lúc đó nghèo khổ đến mức rổ rác của cả nhà một ngày lơ thơ vài cọng. Nhưng đi lại chậm rãi dù còi báo động đã rít lên. Thực phẩm sạch, yên tâm.

Còn cái khổ thì vô biên. Nhiều nhà cãi nhau vì con còn nhỏ mà điện cả đêm không có trong nhiệt độ trên 30. Nước có cả giun trong đường ống. Lỡ một chút là mất cái phiếu thực phẩm do hết hạn… Vô vàn cái khổ không thể nói hết. Tất cả những điều đó nhân lên gấp trăm lần sau chiến tranh, thời bao cấp. Nhiều khi khâm phục mình nhưng cũng tự khinh mình.

Hình ảnh quen thuộc Hà Nội một thời, được dùng để trang trí cho một nhà hàng hồi nhớ thời bao cấp
Hình ảnh quen thuộc Hà Nội một thời, được dùng để trang trí cho một nhà hàng hồi nhớ thời bao cấp.

Nghĩa là hồi đó, vừa khổ vừa sướng. Còn bây giờ thì sao? Riêng chuyện đồ ăn thức uống độc hại mà không cách nào kháng cự, nhiều người bảo họ ở vào tâm thế “lợn chết không sợ nước nóng”, “chết có số”. Nghĩa là cùn, buông xuôi rồi.

Đúng thế rồi. Hồi đó có cái sướng là sự sạch sẽ của phố phường cây cối. Rồi sau chiến tranh bắt đầu “tự sướng”. Cả một thời phụ nữ không dám mặc quần màu quần hoa. Sau chiến tranh gần nhà mình có một chị đi Nam ra. Trong một buổi chiều, thấy chị mặc bộ quần áo hoa đạp xe quanh hồ Hale. Một vòng. Chị về nhà thay bộ khác. Lại một vòng quanh hồ. Buổi chiều đó chị ấy đi 5 vòng 5 bộ. Mặt mũi phởn phơ. Tự sướng để quên đi nhiều thứ nhưng cái khổ cực vẫn vây bọc có tới 10 năm.

Bây giờ chả ai màng đến quần áo made in Chợ Lớn như thời đó. Cũng chả ai màng cái xe đạp rách, mà xe đạp bây giờ là thứ trang trí. Nhưng mình kinh ngạc ở cái cách đàn ông Hà Nội “tự sướng” vì cái xe máy. Leo lên cái xe máy sao mà hãnh diện thế như làm chủ cả đất trời, gầm rú loạn phố phường chả nhìn đến ai.

Có lần thấy một anh giai phóng xe máy lên vỉa hè suýt đâm vào một ông cụ, anh giai quát: Ông đi thế hả ông đến hoàn vũ là vừa rồi đấy! Chiếc xe máy chả có tội mà mang tiếng cho cái cách người ta biến nó thành hung thần. Có lẽ cái xe máy -tội cho nó- là nguyên cớ trực tiếp làm cho tính cách người Việt trở nên dữ tợn ích kỷ đã hoang dại lại hoang dã hơn. Đường sá như địa ngục còn gì?

Đi lại rồi đến ăn uống. Sướng thì sướng vì cái gì cũng nhiều- với một số ít người chứ còn nhiều người vẫn thiếu lắm. Nhiều nhưng đụng vào là sợ. Vừa ăn vừa run chứ đâu như thời chiến tranh rau rửa một nước là ăn được. Khổ vì bẩn. Thành phố nào bước chân ra cửa là đụng rác? Người Hà Nội thời chiến không bừa phứa thế. Bây giờ thì miệng cống, hốc trên cột điện, một chút gờ tường đều là chỗ nhét rác. Mình xem phim thấy loài chim nó nhặt rác để dọn chỗ ở của nó mà phiền thay cho con người. Bảo ở Hà Nội hôm nay mình kính trọng ai nhất? Người dọn rác. Nhìn cái túi ni lông chứa gạch vỡ chứa cả miếng sắt đổ cùng với xương xẩu rau dưa cơm thừa mà thương cho người dọn rác. Người nữa đáng kính là người lái xe buýt. Ngồi nhìn xuống đường người ta có máu “trì” như mình mà cũng ba máu sáu cơn nhưng người lái xe buýt thản nhiên nhẫn nại. Cũng nhiều lúc họ phạm lỗi nhưng trong thành phố thế này mà cứ lái xe đúng cả thì lại là chuyện lạ. Rồi thợ điện thợ nước. Họ xoay xở được trong một thành phố thế này thật…xuất sắc.

Nói đôi ba điều như vậy để thấy người Hà Nội có thời vừa khổ vừa sướng. Rồi sang thời vừa sướng vừa khổ. Bây giờ có ăn có mặc nhưng thành phố gì mà sùng sục, hậm hực chả ai ngửng mặt lên. Sùng sục, cắm cúi, chen lấn. Buồn cho các “công tử” ra đường chỉ thấy dáng Kiều sùm sụp trong áo chống nắng khẩu trang kính to tròng. Một cô đến Hà Nội vào đại học không có tiền đi xe máy nhưng mẹ cũng sắm cho áo chống nắng để lên xe buýt. Cổng trường đại học tưng bừng áo chống nắng mà có khi chả phải ra nắng.

Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến một người gốc Hà Tĩnh- một thời gọi là Nghệ Tĩnh- nhận định “Người Nghệ Tĩnh gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Hình như không chỉ người Nghệ Tĩnh thôi đâu?

Nhưng cũng phải nghĩ tới cái phần sống được. Xem ra hỗn loạn vậy nhưng ai vẫn việc nấy. Vài ba tuần trở lại một đường phố đã thấy khác. Công trường vẫn vận hành. Thợ cầu thợ may thợ điện thợ nước vẫn làm việc của họ. Tất cả vẫn quay cái vòng quay của cuộc sống, cũng có thành quả. Buồn ở cái chỗ người ta không đếm xỉa gì đến giá trị của chính mình, không hưởng thụ. Nhiều khi nhìn thanh niên làm những việc tốt mà run. Họ được cha mẹ bảo cho mà ích kỷ- làm tốt thì cũng vừa phải thôi. Ông Hiến nói rất đúng. Không phải về người Nghệ An, Hà Tĩnh mà người Việt Nam hôm nay.

Sống không tôn trọng môi trường, không biết là trời cho không khí cho cây cối để hưởng thụ. Có tuổi trẻ có sức khỏe mà không biết hưởng. Rồi có hưởng cũng không xong vì ai cũng sùng sục cắm cúi, mình không thế sợ thiệt. Người này nhìn người kia và cùng phá. Hà Nội thời xưa sống chậm bao nhiêu, có khổ có sướng nhưng để trở lại ngày đó là điều không thể.

Đúng là như vậy. Cái gì cũng biết trừ hạnh phúc.

DƯƠNG PHƯƠNG VINH

Nguồn: Tiền phong