Các giai đoạn của hành trình ấy chắc không có gì là tình cờ, nhưng không phải giai đoạn nào cũng có chung một nghĩa: việc chuyển sang Socialisme ou Barbarie với tôi là một pha quá độ và giải phóng, một cách thức “mác xít” để từ bỏ chủ nghĩa Marx; sau đó, những giai đoạn khác im ắng hơn thực sự đã hoàn thành công việc “giải trừ chính trị” cho tôi – hay, để nói một cách thẳng thừng và như Baudelaire [từng nói], đã giải chính cho tôi [dépolitiquer] – rồi giúp tôi khám phá những cách thức diễn giải thế giới khác: cấu trúc luận ([Claude] Lévi-Strauss, [Roman] Jakobson) về mặt phương pháp, ký hiệu học ([Ferdinand de] Saussure, [Roland] Barthes) về mặt góc độ của nhận thức, và lý thuyết văn học như là địa điểm dành cho thực hành. Cũng như các tạp chí khác, thực sự thì ở trên con đường mới này Tel Quel chỉ là một nơi chốn, còn có tính chất quá độ hơn, gần như ngẫu nhiên, dành cho phát biểu và xuất bản.
Việc chuyển từ Tel Quel sang Poétique có hàm ý một sự đoạn tuyệt, hay đó là một sự tiếp nối? Thi pháp có khác biệt với cái lý thuyết không?
Việc tạo ra tờ tạp chí và tủ sách Poétique là một sản phẩm phái sinh (theo lối nghịch lý một chút, vì “tinh thần” của phong trào này rất xa lạ với chúng tôi) của Tháng Năm 1968, khi một thời điểm ngắn ngủi cởi mở của định chế (đặc biệt với sự thành lập Trung tâm Thực nghiệm Vincennes) đã kêu gọi những phương thức suy tư mới cho đến khi ấy vẫn bị Đại học Pháp đặt ra bên lề, và sự thực hành các phương thức suy tư ấy trong nghiên cứu văn học đã mang, ở Pháp cũng như những nơi khác, cái tên (rất cổ) là “thi pháp”, về cốt yếu là đồng nghĩa với “lý thuyết về văn học”. Trong việc thành lập tờ tạp chí chúng tôi không hề hình dung ra một sự đoạn tuyệt nào với Tel Quel hết, với chúng tôi thì tờ tạp chí ấy [tức Tel Quel] không đại diện cho bất kỳ điều gì khả dĩ định nghĩa được trên bình diện lý thuyết. Chính những người điều hành tờ tạp chí đó đã chọn cách đón nhận nó như vậy. Nhưng dù sao thì đó cũng không phải một cuộc chiến tranh, mà cũng chưa bao giờ là vậy hết. Những đối thủ thực thụ của chúng tôi, nếu muốn dùng tới một từ khá là thái quá, ở chỗ khác cơ: là cái mà Sorbonne biểu tượng cho, cũng vẫn giống như thời của [Charles] Péguy, của [Paul] Valéry hay của [Albert] Thibaudet.
Mối liên hệ của ông với “hậu cấu trúc luận”, với giải cấu trúc theo kiểu Derrida, với tâm phân học, v.v…, những thứ đã dần dà chiếm lấy mặt tiền của lý thuyết, là như thế nào?
Mối liên hệ cá nhân của tôi với tâm phân học từng, và vẫn vậy, là thờ ơ và né tránh, còn mối liên hệ [cá nhân ấy] của những người đồng sự của tôi thì không có nhiều liên quan tới công trình chung của chúng tôi. Tác phẩm của [Jacques] Derrida, như hồi nó bắt đầu phát triển, với chúng tôi là một thực tế tồn tại bên cạnh (tôi không nói “bên lề”), mà mối liên hệ với công trình đã nói ở trên gồm cả những điểm thông hiểu và những điểm bất đồng, hoặc ngộ nhận, tất cả những cái ấy chỉ gợi lên một mối quan hệ hoàn toàn có tính chất bạn bè, hàng xóm tốt. Còn về khái niệm cái gì cũng nhét vào được, “hậu cấu trúc luận”, tôi chưa bao giờ nhìn ra được tính xác đáng của nó; với tôi nó đã làm rối tung, thậm chí lẫn lộn, các thái độ tư duy không mấy kề cận với nhau, nếu như không phải là thuần túy ở khía cạnh trình tự, việc nó đến sau giai đoạn ngắn ngủi của “mốt” cấu trúc luận, cũng như “chủ nghĩa hậu ấn tượng” rất thiếu thuần nhất đến sau mốt chủ nghĩa ấn tượng. Về sắc thái xấu mà tiền tố “hậu” chứa đựng, tôi không mấy quan tâm. Như Barthes đã nói trong giai đoạn tích cực tranh đấu của ông, “chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến” – và ngược lại thì cũng đúng thôi.
Ông thích gì trong cuộc phiêu lưu lý thuyết, và không thích gì?
Trên địa hạt nghiên cứu văn học, tôi từng rất thích ở nó (giờ vẫn thích) một sự giải thoát từ các thực hành đầy thiển cận của “văn học sử” hậu Lanson (đến lượt tôi cũng dùng tiền tố “hậu”, vì bản thân Lanson xưa kia từng có những cách nhìn rộng hơn), và một khả năng về mặt ý niệm trong việc làm cho lịch sử văn học, các hình thức của nó, các chủ đề của nó và các thể loại của nó, và nhìn rộng hơn là lý thuyết nghệ thuật, và còn rộng hơn nữa là mối quan hệ mỹ học, tất cả những thứ ấy trở nên có thể tri nhận. Tôi đã yêu quý cả đến những lệch lạc của nó, hay những điều thái quá, vốn đã rất nổi tiếng, như một xu hướng nghiêng về chứng cuồng định danh và cơn say sưa thuật ngữ. Nhưng trên tất cả, tôi yêu quý ở nó sự ứng dụng của một nguyên lý nền tảng, với những hậu quả thực tiễn với tôi là rất quan trọng: xem văn chương như một nghệ thuật.
Ngày nay thi pháp có còn mang một chức năng ý hệ-chính trị nữa không, hay chỉ có một thiên hướng thuần túy khoa học-hàn lâm?
Tôi không hề thấy ở nó một chức năng ý hệ nào hết, chính trị thì càng ít hơn, mà chỉ độc nhất một vai trò soi sáng về mặt lý thuyết và sự mở rộng về mặt tri thức. Thiên hướng “hàn lâm” của nó thì tôi khá là thờ ơ: gần như lúc nào tôi cũng làm việc theo lối “bắn tỉa”, ở bên lề Đại học (Pháp), với cảm giác về sự tự do hoàn toàn. Tôi nhận ra đó là một cơ may hiếm hoi, mà rất ít đồng nghiệp chuyên gia thi pháp của tôi được hưởng.
Ngày nay liệu có chỗ cho cái lý thuyết không? Một tương lai? Một cơ may sống sót? Ông đánh giá như thế nào về vị trí hay chức năng của nó trong văn hóa văn học hiện nay? Trong mối quan hệ với chủ nghĩa thực chứng mới, chủ nghĩa Lanson mới?
Thi pháp tồn tại từ hơn hai nghìn năm nay rồi, với những thời điểm bị chìm khuất và những thời điểm vụt sáng, và tôi không mấy nghi ngờ về sự sống sót của nó, trong khi đó tôi lại có những nghi ngờ hết sức to lớn về khả năng sống sót của loài người. Tôi cảm thấy “cái lý thuyết”, trong lĩnh vực của tôi và những lĩnh vực khác, là cần thiết bất kể thời điểm và về mặt tiềm năng, nếu dám sử dụng cái từ không tồn tại này, là “bất khả kết hạn”. Từ đây, tôi tin rằng nó, xét về điểm cốt yếu, là độc lập với mọi sự đi kèm và mọi thứ thời sự văn chương hay ý hệ.
Cái lý thuyết đã mang lại những gì? Nó có tạo thuận lợi cho văn hóa văn học không? Nó có trách nhiệm với sự suy tàn của văn hóa văn học không? Nó có phải là triệu chứng của suy tàn ấy không? Có suy tàn không?
Nếu ông hiểu “văn hóa văn học” là các nghiên cứu văn học nói chung và nói riêng là việc học văn chương trong trường học, thì tôi nghĩ thi pháp đã đóng góp khá lớn vào sự phong phú của nó, với duy nhất sự e dè mà đôi khi tôi cảm thấy khi chứng kiến một số hình thức nảy sinh từ sự phổ biến quá mạnh mẽ của nó [tức thi pháp] – tôi muốn nói là nó bị áp đặt mà không có chút để ý nào tới năng lực hiểu và “hành trang” văn chương (dĩ nhiên là) mỏng của giới trẻ, đối tượng mà người ta tìm cách dạy thi pháp cho. Nhưng tôi không hề thấy ở đó có gì gọi được là “suy tàn” hết.
Cái lý thuyết có gắn liền với một thứ văn chương được gọi là suy tư hay tự suy tư không? Văn chương ấy với ông có tầm quan trọng lớn không? Có một sự tiếp nối giữa lý thuyết và một số hình thức văn chương không? Với ông thi pháp có nằm trong phạm trù một “trò chơi văn chương” hay không?
Để đi ngược tới khởi thủy, thì thi pháp của Aristote chắc chắn từng “gắn liền”, thậm chí thuộc về (khi ấy còn chưa có tên gọi đó) “văn chương” thời của ông, thi pháp của Boileau với văn chương thời của ông, thi pháp của Hegel với văn chương thời của ông, thi pháp của Baudelaire với văn chương thời của ông, v.v… Nhưng tôi chưa có đủ độ lùi cần thiết để nói thi pháp “của chúng tôi” từng, đang hoặc sẽ gắn liền hay có mối quan hệ tiếp nối với những hình thức văn chương nào. Thi pháp “của tôi” – cho phép tôi đột nhiên được cá nhân hóa trước những câu hỏi đặt ra cho mình theo lối ngầm ẩn, mà không ngụ ý nói về bất kỳ ai – về một phần rất lớn thuộc phạm vi “trò chơi”, hoặc là cái mà tôi sẵn sàng gọi, giống như Claude Lévi-Strauss, là một “sắp xếp lặt vặt” [bricolage], nghĩa là một thực hành thứ cấp (phân tích, diễn giải, sắp xếp, bày ra viễn tượng hoặc đặt ra âm vang v.v…) ăn khớp vào với cái chất liệu đầu tiên mà tác phẩm văn chương tạo ra, hay nói rộng hơn là tác phẩm nghệ thuật. Và chắc hẳn chính đó là cái đã cho phép tôi gần đây không gặp vấp váp gì (tôi không nói là không gặp phiền hà nào) mà chuyển từ hoạt động ở độ thứ hai này sang một thức biểu hiện có tính chất tức thì hơn, nghĩa là lấy đối tượng, hoặc đúng hơn là chất liệu, trực tiếp từ trải nghiệm của tôi và các ý kiến riêng của tôi. Đó chính là nghĩa mà tôi sẽ cấp cho, qua đó mà có thể làm lộ ý đồ của nó, khái niệm “văn chương tự suy tư” của ông. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác rồi…
Cao Việt Dũng dịch
(trích từ Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 236-241)
_________________
[1] Còn gọi là “S ou B”, có thể hiểu là “Chủ nghĩa xã hội hay Dã man”: tên một nhóm chính trị cực tả tồn tại từ 1948 đến 1965, thoát thai từ Đệ tứ Cộng sản (Trotsky) rồi sau đó đoạn tuyệt với tư tưởng Trốt kít, với yếu nhân là Cornelius Castoriadis, còn gọi là Pierre Chaulieu hoặc Paul Cardan. Cụm từ “Chủ nghĩa xã hội hay Dã man” là của Friedrich Engels, sau này được Rosa Luxemburg sử dụng lại trong một tiểu luận đả kích nổi tiếng viết năm 1916.
Theo: Phongdiep.net.