… Mỗi lần tôi đặt dấu chấm hết cho một tác phẩm, tôi nghĩ đó là tác phẩm hay nhất mình đã viết vì nó tương ứng với tuổi mình và thời điểm đó và tôi cho rằng trong khi đi xuyên qua cuộc đời, tôi bỏ lại sau lưng những cuốn sách của mình….
Nhà văn Garcia Marquez – Ảnh: internet
– Ông thật là rầy rà, Gabriel Garcia Marquez, người được giải Nobel về văn học năm 1982, bảo tôi, vẻ sốt ruột và rõ ràng là khó chịu với sự bao vây của tôi đêm hôm ấy, khi tôi trở thành cái bóng của ông. Né tránh là tách biệt tác giả “Trăm năm cô đơn” giống như một vị thần bị xúc phạm.
– Nhưng bản thân ông cũng là một nhà báo, ông phải hiểu chứ, tôi đáp.
– Phải, tôi đã từng là nhà báo, song nếu ông xem hết sáu tập những bài báo của tôi, ông sẽ không tìm thấy một bài phỏng vấn nào. Tôi không bao giờ phỏng vấn ai. Tôi chỉ thích dựng lại không khí…
Garcia Marquez, nhìn thẳng vào mắt tôi và sự im lặng của ông khiến tôi tưởng cuộc trò chuyện của chúng tôi đã dứt khoát hỏng. Cho nên tôi hầu như không nén nổi kinh ngạc khi thấy ông kéo một chiếc ghế trên sân thượng và ra hiệu cho tôi cũng làm thế.
– Tôi xin báo để ông biết là tôi đã hứa song ca một bài với người ca sĩ (trong những năm 50 ông đã từng hát ở một câu lạc bộ Paris), nhưng tôi nghĩ là nên dứt điểm hẳn với chuyện này đi cho rồi. Nào, ông muốn biết gì?
Như vậy, bắt đầu cuộc phỏng vấn Gabriel Garcia Marquez mà con đường dẫn tới nó dài đằng đẳng 5 năm trời.
CÂU CHUYỆN VỀ CUỘC PHỎNG VẤN NÀY
Hồi đó là tháng 9-1981, ngày bế mạc cuộc họp mặt lần thứ nhất giữa các trí thức vì quyền tự chủ của nhân dân các nước Châu Mỹ La-tinh. Tôi đề xuất với nhà văn về cuộc phỏng vấn này. Ông mặc một chiếc áo khoác công nhân cơ khí hoặc lái xe tải gì đó. Không do dự hoặc bác bỏ yêu cầu của tôi, ông cho tôi số buồng khách sạn và đề nghị tôi đừng quên gọi dây nói cho ông. Sau đó, những cố gắng của tôi để tìm ông đều vô ích.
Gần một năm sau, lịch sử lặp lại ang áng như thế, trừ một điểm là lần ấy tôi hỏi được ông trên dây nói : “xin lỗi”, ông nói “nhưng đúng lúc này tôi đang sửa soạn hành lý để ra về. Sang năm mới tôi sẽ trở lại, lúc đó, thế nào ông cũng tìm tôi nhé”.
Mấy tuần sau, các máy télex của thế giới phát đi tin Viện hàn lâm Thụy Điển tặng giải Nobel cho G.M, một vinh dự mà, theo lời của bản thân ông, đã “ngẫu nhiên” rơi vào ông nhưng ông đã thực sự mong muốn từ nhiều năm.
Vài giờ trước khi tin này được công bố, chính phủ Mêxicô đã tặng ông huy chương Đại Bàng Aztec và Hội đồng nhà nước nước Cộng hòa Cu-ba đã quyết định tặng ông Huân chương Felix Varela, phần thưởng văn hóa cao nhất ở Cu-ba.
Tháng 1-1983, khi ông trở lại La Ha-ba-na, tôi nhớ lời dặn của ông. G.M thì chẳng còn nhớ gì hết.
Một hôm tôi rình hàng mấy giờ liền bên ngoài Nhà Châu Mỹ và khi ông tới, tôi phải chạy để đuổi kịp ông ở hành lang và cuối cùng dồn được ông vào thang máy. “Đây, số điện thoại của tôi” ông nói, “Hãy gọi cho tôi vào một trong những ngày tới”.
Tôi gọi, và một người nào đó ở đầu dây bên kia nói là nhà văn không có trong phòng. Tôi thử lại lần nữa và vẫn được trả lời là ông đã ra ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn gọi tiếp và lần này người ta bảo ông đang nghỉ. Lần sau thì ông đang có khách. Một lần nữa đích thân G.M. đến máy điện thoại.
– Cho tôi số dây nói của ông và đừng có đi đâu. Lát nữa tôi sẽ gọi cho ông, nói vậy song tôi rất nghi ngờ và tôi đoán đúng. G.M. không hề gọi. Khi tôi gọi lại thì ông đã trở về Mêxicô.
Lại hai năm cô đơn nữa qua đi, trong thời gian đó, nhà văn nổi tiếng có trở lại Cu-Ba mấy lần.
Tháng 11-1985, trong cuộc họp mặt lần thứ hai của các trí thức, tôi bắt gặp ông trong một hành lang của Trung tâm hội họp ở La Ha-ba-na, nơi diễn ra cuộc họp mặt. Ông có một mình, nhưng rất vội, ông nói, vì ông phải gặp một người nào đó hẹn ăn trưa. Tôi nhắc để ông nhớ lời đề nghị của tôi muốn phỏng vấn ông. Ông có vẻ quan tâm, ông có vẻ đồng ý nhưng rồi ông trịnh trọng lấy ở trong túi ra một mảnh giấy nhàu nát có ghi một số điện thoại. “Nhớ gọi dây nói cho tôi, đừng quên đấy!” ông nói.
Một lần nữa, câu chuyện cũ lại bắt đầu và tôi phải huy động toàn bộ đức kiên nhẫn bởi vì chính tôi là người muốn cuộc phỏng vấn này chớ không phải ông.
– Tôi sẽ hết sức không làm phí thời gian của ông. Tôi nghĩ mình không thể hỏi ông điều gì mà trước đây người ta chưa hỏi ông. Tôi chỉ cần hai câu trả lời…
– Hãy quay dây nói, quay dây nói cho tôi :
Tôi không gọi dây nói, nhưng lại gặp may. Xí nghiệp CONTEX của Cu-Ba tổ chức một cuộc trưng bày thời trang dành cho các đại biểu cuộc họp. Một lần thứ hai và số phận muốn cho chúng tôi gặp nhau ở đó.
– A, người có hai câu hỏi, ông nói khi trông thấy tôi, đó là những câu hỏi gì vậy ?
Tôi trình bày với ông, ông hỏi tôi có mang máy ghi âm theo không. Không, tôi không mang, và câu trả lời ấy làm cho ông mất hứng. Lại một điều không may nữa, vừa lúc ấy, một người phục vụ tới.
Sau cuộc trình bày các “mốt”, tôi đến ông ngay. Lẽ ra ông đã có thể tránh mặt tôi, nhưng ông không làm thế. Cái cớ cuối cùng ông viện ra để tháo thân thật ngộ, gần như trẻ con.
– Tôi đang định đi “toalét” và nếu có lối ra khác, ông sẽ không gặp lại được tôi nữa.
Tuy nhiên, buồng tắm chỉ có một cửa và tôi đợi ở đó cơ hồ đến một thiên thu.
– Quả là ông làm tôi ngấy đến mang tai… ông nói vậy khi bước ra.
Mà tôi chỉ muốn hỏi ông về những dự định tương lai và ý kiến của ông về những tác phẩm đã xuất bản của chính mình.
TẤT CẢ CÁC SÁCH CỦA TÔI ĐỀU NÓI VỀ TÌNH YÊU
Vì tình đoàn kết, tôi không bao giờ nói “không” với các nhà báo, nhưng tôi cố tránh những người làm phỏng vấn, bởi vì các cuộc phỏng vấn không phải bao giờ cũng bắt trúng điều mình muốn, hoặc lại nói quá nhiều. Cái đó không nhất thiết là lỗi tại phóng viên, mà nhiều khi là lỗi tại chính mình. Mình nói quá nhiều và hôm sau, khi thấy in trên báo thì đã quá muộn.
Ông lại nói rằng ông thích dựng lại không khí hơn là làm phỏng vấn. Tiếp tục bàn đến sự nghiệp của báo chí của mình, ông nói rằng việc xuất bản Các chuyện về người thủy thủ đắm tầu của ông, là do sự bất đồng của mấy ông biên tập. Họ đề xuất ý đó với ông và ông cứ ào ào mà không nghĩ ngợi sâu xa gì, thế rồi ông không thể hãm bộ máy xuất bản lại được nữa. Ông nói thiên phóng sự đó có cái giá trị đặc biệt là kể một câu chuyện như nó đã xảy ra, là đã nói toàn bộ sự thật.
Ông nói, chẳng hạn, rằng thiên phóng sự “chiến dịch Carcotta” của ông về sự viện trợ quốc tế của Cu Ba ở Angola không làm cho người Angola vừa lòng lắm.
– Trái lại, thiên phóng sự “Việt Nam từ bên trong” đã làm người Việt Nam rất thích thú. Tôi đã viết nó bằng tình yêu mãnh liệt đối với dân tộc ấy.
Ông nói là đã bỏ ý định viết một cuốn sách về Cu Ba mà ông đã ôm ấp từ mấy năm trước, “vì ở đây là một thực tế đang thay đổi vượt quá sức tưởng tượng”.
– Tôi nghĩ, chúng ta gặp nhau không phải để nói chuyện về việc làm báo của tôi.
– Vậy, thì chúng ta bắt đầu chứ?
– Vâng, ta hãy dứt điểm về chuyện này đi.
– “Ký sự về một cái chết được báo trước” là một phóng sự hư cấu hay một truyện trinh thám thuộc loạt riêng biệt?
– Không, không chẳng phải là thế nọ cũng không phải là thế kia.
– Một chuyện trinh thám theo kiểu đảo ngược; ngay từ đầu ta đã biết nạn nhân là ai và bọn sát nhân là ai. Điều ta chưa biết – và đó chính là cốt truyện – là chúng sẽ giết Santiagô Nasas vào lúc nào.
– Điều ta chưa biết là chúng giết anh ta như thế nào.
– Phải, hoặc chúng giết anh ta bằng cách nào. Sau cuốn sách này và tiếp theo việc xuất bản muốn. “Tình yêu trong thời dịch tả” mà ông mô tả như “một vở kịch truyền hình ướt át”, là đến cái gì nữa?
– Tôi nghĩ tất cả các cuốn sách của nó đều nói về tình yêu. “Ký sự về một cái chết được báo trước” là một tiểu thuyết về tình yêu. “Tình yêu trong thời dịch tả” là một chuyện tình phủ phàng, không có gì sướt mướt cả. Tôi đang định viết một hai tiểu thuyết ngắn, sau đó sẽ bắt tay vào hồi ký.
Giờ đây, ở tuổi 57, nhìn lại, tôi nghĩ mỗi cuốn sách của tôi là một chứng thực cho những giai đoạn khác nhau của đời tôi, thành thử suy cho cùng, toàn bộ tác phẩm của tôi không phải là gì khác ngoài những hồi ức đã được lập mã của tôi.
Và vì thế nếu sắp tới tôi bắt tay vào viết hồi ký, thì thay vì viết theo trật tự thời gian, tôi sẽ thử lấy trật tự xuất bản các cuốn sách của tôi để làm thước đo thuật lại cái hiện thực đằng sau mỗi cuốn.
Đó sẽ là tự truyện của tôi. Chắc chắn, nó sẽ mang tính xúc cảm, nhưng sẽ chân xác hơn là một tự truyện theo trật tự thời gian.
Vì vậy, tôi muốn viết hồi ký ngay trong khi tôi còn nhớ mọi sự. Tôi hình dung nó thành nhiều tập, xong tập nào ra tập ấy, cho đến khi ta thấy cuộc đời tôi chấm dứt ở tập nào.
– Ông nghĩ thế nào về các tác phẩm của mình?
– Tôi không bao giờ đọc lại sách của mình một khi chúng đã rời khỏi máy in. Tôi đọc chúng lần cuối trên bản in thử, sau đó tôi không bao giờ đọc lại nữa.
Tôi nghĩ mình ở trong một trạng thái luôn luôn tiến hóa. Mỗi lần tôi đặt dấu chấm hết cho một tác phẩm, tôi nghĩ đó là tác phẩm hay nhất mình đã viết vì nó tương ứng với tuổi mình và thời điểm đó và tôi cho rằng trong khi đi xuyên qua cuộc đời, tôi bỏ lại sau lưng những cuốn sách của mình. Tôi không bao giờ đọc lại vì sợ sẽ không thích chúng nữa.
Nói chung, kể ra tôi có thể thỏa mãn với những tác phẩm của mình, nhưng không bao giờ quên rằng một cuốn sách là có thể hoàn chỉnh đến vô tận, có thể thay đổi sửa chữa tùy thích.
Đến đây, G.G. Marquez đứng dậy:
– Tôi đã hứa trả lời ông hai câu hỏi và tôi đã làm đúng như vậy. Tôi sẽ không nói thêm một lời nào nữa vì tôi đã cố gắng nói hết trong những cuốn sách của mình… sau đó, tôi thấy khó mà nói được về chúng, ông nói thêm.
Và như ông đã báo trước, ông đi thẳng ra ngoài tìm người ca sĩ đã giúp vui các vị khách trước cuộc trình diễn “mốt”.
Người phỏng vấn
CIRO BIANCHI ROS
D.T. dịch (theo tạp chí Cu Ba – 8-1986)
(SH25/6-87)
Nguồn: Tạp chí Sông Hương