.ROMAN KARMEN (Nhà văn, đạo diễn điện ảnh, Liên bang Nga)

Việc quay phim ở các trại tù binh kết thúc. Còn lại việc quay viên tướng Đờ Cát, hiện đang ở cách đây mấy cây số. Ban chỉ huy trại thấy cần có sự đồng ý của Đờ Cát. Hôm nay tôi được thông báo, rằng ông ta đã đồng ý, nhưng trước đó muốn gặp riêng tôi, bàn luận về việc quay sắp tới.

Chúng tôi phải đi chừng ba tiếng đồng hồ mới tới ngôi làng nơi Đờ Cát ở. Trời đã về chiều, khi chúng tôi an tọa trong căn nhà lá, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp mặt giữa chúng tôi với viên chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông ta bước vào, người cao, gầy, miệng ngậm tẩu, tay chống gậy tre. Từ hàng trăm bức ảnh trên các trang tạp chí ảnh họa Pháp với đôi mắt lạnh lùng màu rong biển, đã từng nhìn tôi. Tôi nhìn lên gương mặt dài ngoằng với cái mũi dài, khoằm khoằm. Cái cổ gầy, những ngón tay thanh tú của con người quý tộc Pháp từng được coi là lao nhanh trên thang bậc danh vọng nhà binh.

Trên những bức ảnh đen trắng, bằng những chiếc máy bay cuối cùng từ Điện Biên Phủ về, Đờ Cát trông thật khủng khiếp bộ mặt gầy gò, đầy râu ria xồm xoàm, đôi mắt trũng sâu. Đặc biệt bức ảnh ông ta chia tay cùng vợ qua radio trước khi đầu hàng thì thật bi thảm. Bên cạnh đăng kèm bức ảnh chụp tại Hà Nội, người đàn bà khóc lóc thảm thiết trước máy phóng thanh.

Lê Hòa giới thiệu nhà quay phim Xô-viết với Đờ Cát. Chúng tôi chào nhau, ông ta chăm chú và thiện cảm nhìn ngắm tôi.

So với những bức ảnh khủng khiếp ở Điện Biên Phủ nay Đờ Cát trông quả thực khác hẳn. Ông ta đã cạo râu nhẵn nhụi, cử động thanh thoát. Không rời cái tẩu ngậm ở góc miệng, đôi môi mỏng, nhợt màu của ông nhếch một nụ cười lịch thiệp.

Tướng Đờ-cát tại Điện Biên Phủ năm 1954 – Ảnh: TL

Cuộc đối thoại, tôi dự tính sẽ rất ngắn. Nhưng hóa ra đã kéo khá dài. Lần đầu tiên trong đời làm quen với nhà báo Xô-viết, Đờ Cát muốn nói về nhiều điều. Cuộc chuyện trò này không những đã lôi cuốn ông ta, mà còn hấp dẫn cả tôi nữa. Chỉ đến đêm khuya tôi mới chia tay với ông ta.

Tôi hỏi ông ta về tình trạng sức khỏe. Ông ta nhanh nhảu và nhiệt tình tuyên bố rằng chỉ có thể bày tỏ niềm cảm ơn sâu sắc của mình đối với các sĩ quan và binh lính Việt Nam vì sự đối xử nhân đạo đối với tù binh Pháp.

– Thoạt đầu do sự thay đổi các điều kiện sống nhiều người trong chúng tôi không được khỏe. Nhưng người Việt Nam bằng mọi biện pháp đã chữa chạy cho chúng tôi. Các nhà lãnh đạo các trại tù binh – đó là những người có văn hóa, có giáo dục. Chúng tôi cảm nhận được một thái độ đối xử hiệp sĩ trên từng bước đi.

– Các ông có điều kiện viết thư về nước không?

– Trong trại chúng tôi được phép viết thư. Bản thân tôi sau khi bị bắt làm tù binh đã một lần viết thư về Hà Nội, nhưng còn chưa nhận được thư trả lời của vợ. Có thể bà ấy đã về Pháp và thư của tôi lại “đuổi” theo bà.

Tôi đề cập đến vấn đề chủ yếu. Chúng tôi đang làm bộ phim phản ánh các sự kiện ở Việt Nam. Tôi muốn quay Đờ Cát trong các điều kiện mà ông ở trong trại tù binh.

– Tôi không phản đối.

– Ngoài ra, tôi muốn được phỏng vấn có ghi âm ngài, ngài nói vài lời trước máy ghi âm, máy quay phim của tôi.

Đờ Cát mỉm cười.

– Ông muốn rằng tôi phát biểu với một tuyên ngôn nào ư?

– Không hề như vậy! Ngài có thể nói mọi điều ngài thích nói.

– Nhưng dù sao, cụ thể phải nói gì?

– Chà, nếu như ngài cứ hỏi tôi về điều này, thì tất nhiên, không phải nói về thời tiết, về khí hậu của Việt Nam! Mong muốn được nghe ý kiến của ngài về cuộc chiến tranh và hòa bình ở Đông Dương.

– Được, tôi sẽ nói. Tôi rất dễ dàng nói về điều này, bởi vì cái thử thách rơi vào số phận tôi, sự tham gia của chính tôi trong cuộc chiến tranh hoàn toàn hình thành cho tôi các quan điểm về chiến tranh và hòa bình. Tôi sẽ nói.

Qua mọi dấu hiệu vẫn thấy rõ là viên tướng còn muốn tiếp tục cuộc đàm thoại. Tôi đã trả lời một số câu hỏi của ông ta, rằng tôi không chỉ làm phim mà còn định viết một cuốn sách về những ngày tháng có mặt ở Đông Dương.

– Sau chiến tranh, nếu như ông cần tài liệu cho cuốn sách, tôi có thể kể cho ông nhiều điều. Tôi cần được tin rằng cuộc đàm thoại của chúng ta hôm nay không công bố trước khi chiến tranh kết thúc. Ông có thể hứa với tôi như vậy không? Như vậy tôi sẵn sàng có thể kể cho ông nhiều nhiều.

– Thưa tướng quân, tôi hứa – tôi nói.

Vậy là trong một căn nhà tranh tre đã diễn ra một cuộc chuyện trò bình dị và cởi mở với viên tướng người Pháp bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, người mà tên tuổi trong những ngày này không rời các mặt báo và tạp chí Pháp; viên tướng đã cùng đạo quân đồn trú của mình đầu hàng làm tù binh và tạo nên niềm thích thú cho những ấn tượng mạnh của giới truyền thông về người hùng của nước Pháp.

Cơn mưa nhiệt đới ào ào đổ xuống. Trên bàn là cái chai với những nhãn hiệu hấp dẫn “Đuybone” và bình cà phê với cà phê đặc.

Tôi kể cho Đờ Cát nghe về cuộc chuyện trò chớp nhoáng hôm qua với một đại úy Pháp. Viên đại úy nói với tôi, rằng Điện Biên Phủ nói chung không phải là chiến thắng của người Việt Nam, chẳng qua đó là hệ quả của một sự tập trung binh lực lớn của quân đội nhân dân chống lại một quân đồn trú ít ỏi của pháo đài.

Đờ Cát mỉm cười.

– Hình như ông đã nói là ông không phải là nhà quân sự. Tôi có thể nói với ông rằng viên đại úy đó đơn giản là vô học. Bởi vì chính nghệ thuật chiến tranh là nằm ở đó! Napôlêông đôi khi cũng đã biết tập trung những lực lượng lớn và ập xuống những lực lượng nhỏ bé của kẻ địch. Quân đội Việt Nam đã thể hiện chiến lược cao trong trận chiến này. Tướng Nava đã tập trung ở Điện Biên Phủ những lực lượng khá lớn, nhưng chiến thuật tập trung quân của ông ta bị chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp phá tan. Điều đó đã buộc Nava phải phân tán quân sĩ ra. Những hoạt động quân sự ở Luông Pha Băng và ở châu thổ đồng bằng buộc Nava phân tán lực lượng của mình và phá tan kế hoạch của ông ta.

Nghệ thuật quân sự trước hết là ở chỗ, lợi dụng thời cơ và tập trung số lực lượng cần thiết để tiêu diệt kẻ địch. Nava đã không làm được việc đó. Tôi nói điều này là bởi vì tôi không tôn trọng Nava như một vị tướng lĩnh. Trong chiến lược ông ta khá mạnh. Tôi biết rõ ông ta. Từ người lính binh nhì lên cấp tướng, tôi đã ở dưới quyền chỉ huy của ông ta. Chính ông ta đã thuyết phục tôi đến Việt Nam. Nhưng Nava đã sai lầm một cách thảm hại. Ông ta đã đánh giá thấp bộ binh và pháo binh Việt Nam và quá tin cậy vào hai yếu tố của quân đội Pháp – máy bay và pháo binh. Mà quân đội Pháp đã không thể hành động được do pháo binh Việt Nam, do sức mạnh của nó. Pháo binh của Pháp bị pháo binh Việt Nam đè bẹp. Máy bay của chúng tôi không thể bay thấp hơn 3.000m vì hỏa lực chính  xác của cao xạ Việt Nam. Ở Điện Biên Phủ có tiểu đoàn dù của trung tá Bigia – tôi không nhầm, nếu tôi gọi tiểu đoàn này là đơn vị quân sự chủ lực ưu tú nhất của quân đội viễn chinh. Tiểu đoàn này về mặt tinh thần đã hoàn toàn bị sức mạnh pháo binh Việt Nam đè bẹp.

Ngày 23 tháng 3 tôi gửi điện cho Nava, đề nghị xin ông ba tiểu đoàn nữa. Tôi đã viết cho ông ta rằng nếu không được thế thì kế hoạch giữ Điện Biên Phủ của ông ta không thể thực hiện được. Phải, trong lĩnh vực chiến lược Nava quả là yếu. Ông ta tập trung được lực lượng của mình, đã chiếm được các cứ điểm cần thiết, nhưng ông ta không thể bảo đảm được những lực lượng cần thiết để giữ những cứ điểm ấy. Mất chủ động và hóa ra bị phụ thuộc vào chủ kiến của Bộ chỉ huy quân đội Việt Nam. Chiến lược và chiến thuật đối phương của chúng tôi hóa ra đúng. Chúng tôi, những người thuần túy quân sự, cần phải chân thực thừa nhận chúng tôi thua ở Điện Biên Phủ.

Một thoáng im lặng. Đờ Cát đưa lên môi tách cà phê, và tôi nhận thấy bàn tay ông ta hơi run run.

– Thưa tướng quân, ngài có cho rằng sự thất bại của quân đội Pháp đồn trú tại Điện Biên Phủ mở đầu cho cả một chuỗi xích những thất bại tiếp theo? Liệu sự thất bại ở Điện Biên Phủ có mở đầu cho sự sụp đổ tinh thần của quân đội viễn chinh Pháp?

– Tôi không cho Điện Biên Phủ là mở đầu. Đây là sự tiếp diễn của chiến thuật thắng lợi của quân đội Việt Nam, bắt đầu từ ở Cao Bằng. Điện Biên Phủ rõ ràng là ảnh hưởng lớn đến tinh thần quân đội viễn chinh Pháp. Việc tiêu diệt Điện Biên Phủ cho thấy một cách cụ thể là nếu như quân đội Pháp còn nằm trong tình trạng hiện nay thì nó sẽ phải đi khỏi vùng châu thổ. Kinh nghiệm này, theo ý kiến của tôi, khá là rõ ràng. Tôi xin nói với ông một cách chân thành và cởi mở.

– Có thể, thưa tướng quân, xin hỏi thẳng ngài một câu: Không hiểu ý kiến của ngài thế nào về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, liệu có phải là vô vọng đối với quân viễn chinh Pháp?

– Hoàn toàn đúng! Tôi nói điều này không chỉ bây giờ, mà đã nói nhiều lần với Nava, nếu như ngài thua ở Điện Biên Phủ là ngài thua cuộc ở Đông Dương. Bất luận kết quả Điện Biên Phủ thế nào, thắng hay thua, cũng sẽ là kết quả cuối cùng của cuộc chiến tranh. Chính phủ Pháp phái Nava sang Đông Dương tất cả chỉ trong mười tám tháng, tính trong quãng thời gian đó phải thắng được hai trận, để sau đó dễ dàng ký kết hiệp định hòa bình và bằng cách ấy ít ra gỡ được một cách hình thức thể diện cho nước Pháp. Ông chắc hẳn biết về hiệp định ký giữa chính phủ Pháp và Bảo Đại. Nước Pháp sẽ không vứt bỏ chính phủ Bảo Đại, vi phạm hiệp định đó tuy nhiên tôi cho rằng, không có một ông đại biểu nào của nghị viện lại ủng hộ tiếp tục cuộc chiến tranh. Sắp sửa có bầu cử ở Pháp và vấn đề về chiến tranh sẽ được quyết định.

– Tôi hy vọng, chúng ta sẽ còn có cơ hội tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng ta, – tôi nói – Tôi cũng xin được tha lỗi trước, nếu như tôi đã nói điều gì, có thể quá thẳng thừng. Chúng ta nói chuyện cởi mở, không ngoại giao. Tôi muốn một lần nữa nhắc lại với ngài, tôi sẽ làm đúng yêu cầu của ngài không cho công bố cuộc đàm thoại của chúng ta trước khi chiến tranh chấm dứt.

Chúng tôi chia tay nhau, hẹn gặp lại nhau vào ngày hôm sau.

Sáng ra tôi quay hình Đờ Cát. Ông cạo râu nhẵn nhụi, ăn mặc chỉnh tề. Trước khi quay ông đề nghị gửi vài tấm ảnh cho vợ ông ở Paris.

Vài khuôn hình tôi dành cho cuộc đi dạo của ông ta trên con đường mòn ngoạn mục trong rừng chuối, quay cảnh ông chuyện trò với một sĩ quan trẻ quân đội Việt Nam. Ông ta lại được đề nghị phát biểu trước máy ghi âm.

– Xin mời, tôi đã sẵn sàng.

Tôi bố trí máy ghi âm, và tướng Đờ Cát nói:

– Tám mươi nhăm phần trăm nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Toàn dân Việt Nam mong muốn chấm dứt cuộc chiến tranh này. Tôi cho rằng cần phải lập tức chấm dứt cuộc chiến tranh này.

Đoạn phỏng vấn điện ảnh này được đưa vào phim “Việt Nam”.

Tôi cảm ơn tướng quân. Chúng tôi chia tay.

Kết thúc việc quay phim, tôi nhớ ra một trong những người bạn đường của tôi có quan hệ trực tiếp đến số phận của tướng Đờ Cát, đó là anh bạn Vinh đã bao nhiêu ngày giúp đỡ chúng tôi trong việc quay phim.

– Ngài có nhận ra người lính này không? –  Lê Hòa hỏi Đờ Cát.

– Nếu tôi không lầm, anh ấy ở trong một số những người đã xông vào hầm chỉ huy của tôi ở Điện Biên Phủ. Không lẽ chính là anh ta.

Anh bạn Vinh bước lên trước.

Tướng Đờ Cát tiến đến trước người lính bé nhỏ và gần như nghiêm thẳng người, đưa tay ra trước.

Không rời mắt, tôi theo dõi Vinh trong giây phút này trên gương mặt không hề có nét gì bối rối.

Anh hơi tái đi một chút và mắm môi. Với một thái độ đường hoàng, anh ngẩng đầu lên một cách hãnh diện, đáp lại cái bắt tay của viên tướng Pháp bị bắt làm tù binh.

– Tôi có thể coi mình là viên tướng hạnh phúc nhất trên thế gian, nếu như tôi được chỉ huy những người lính như thế này, như người lính trẻ dũng cảm này, – tướng Đờ Cát nói, chuyển ánh mắt nhìn gương mặt tự hào của Vinh xuống tấm huân chương lấp lánh trên ngực người lính.

Tấm huân chương ghi chiến công bắt được tướng Đờ Cát làm tù binh.

 

Thúy Toàn dịch

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version