Giải thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 đã chính thức có chủ. Nhân dịp này, các nhà văn, nhà thơ ba miền của đất nước đã chia sẻ cảm xúc với Báo điện tử Tổ Quốc.


Các nhà văn từ bên trái xuống: Ngọc Bái, Lê Thành Nghị, Tô Nhuận Vỹ và Lê Văn Thảo.


PV: Là người được vinh danh Giải thưởng cao quý năm nay – Giải thưởng Hồ Chí Minh/Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhà văn thấy giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của cá nhân mình?

Nhà văn Lê Văn Thảo (Giải thưởng Hồ Chí Minh): Nhận được giải thưởng là một vinh dự, giải thưởng mang tên Bác Hồ càng vinh dự hơn. Tôi rất xúc động và tự hào. Trong đời tôi có hai lần tên tôi được gắn sau tên Bác Hồ. Trong kháng chiến chống Mỹ tôi là “bộ đội Cụ Hồ”. Giờ đây trong sự nghiệp sáng tác tôi được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ hai điều đó ở hai quãng đời khác nhau lại liên hệ với nhau. Chính vì có những năm dài đi kháng chiến, sống trong lòng nhân dân, trải qua những gian lao khổ cực tôi mới có vốn sống hiểu biết, có được những trang viết chân thật nhân bản được người đọc yêu mến. Được Giải thưởng là một niềm vui lớn, nhưng cũng là trách nhiệm lớn. Tôi tin rằng từ đây tôi sẽ viết với một động lực mới, tự tin hơn, có trách nhiệm hơn, kỷ càng tỉnh táo hơn.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (Giải thưởng Nhà nước): Tôi được Giải thưởng về bộ tiểu thuyết 3 tập “Dòng sông phẳng lặng”, in từ năm 1974-1984, tái bản 6 lần, đã chuyển thành phim truyền hình nhiều tập và tiểu thuyết “Ngoại ô” in năm 1982. Nghĩa là các tác phẩm đã xuất bản cách đây từ 30-38 năm.Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, tôi là nhà văn gần như cuối cùng của “Văn nghệ giải phóng” tham gia Giải thưởng này. Tôi cảm ơn nhân dân và đồng đội đã cho tôi sức mạnh và thực tế để có những tác phẩm này để hôm nay vinh dự được Nhà nước trao thưởng.

Nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị (Giải thưởng Nhà nước): Như những đồng nghiệp khác, tôi rất vui khi được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lần này. Đây là sự đánh giá của tập thể các Hội đồng sơ khảo, Chung khảo và sự phê duyệt của các cơ quan thẩm quyền. Một sự đánh giá qua nhiều cuộc bỏ phiếu kín và không thể nói là dễ dàng. Đây cũng như một sự sơ kết những chặng đường đã qua và là cột mốc để có thể vươn tới. Trong đời sống sáng tạo của mỗi người, những niềm vui như vậy không có nhiều. Vì thế tôi rất cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan Đảng và Nhà nước nhân dịp này.

Nhà thơ Ngọc Bái (Giải thưởng Nhà nước): Sự nghiệp sáng tác của cá nhân là việc cả đời của người đã mang nghiệp vào thân, nhất là nghiệp văn chương! Cái đích là tác phẩm. Niềm vui là lao động. Bằng lao động nghiêm túc để khẳng định, cống hiến. Mong tác phẩm đến được công chúng, được công chúng yêu mến, chia sẻ. Thế là mừng! Ai sáng tác văn học chắc đều mong muốn điều đó. Được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm thơ và trường ca của mình, tôi nghĩ đấy là điều thật đáng quí, bởi lao động của mình đã được xã hội thừa nhận. Đó là niềm động viên lớn để mình tiếp tục cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa vốn không dễ dàng, và luôn đòi hỏi khắt khe.

PV: Nhà văn nhìn nhận những tác phẩm trong Danh sách Giải thưởng năm nay như thế nào?

Nhà văn Lê Văn Thảo: Không thể cùng một lúc nhớ hết những sáng tác của anh em, mỗi người mỗi vẻ, đa dạng, phong phú. Tôi cũng chỉ là bạn văn, không phải nhà phê bình. Tôi cũng nghĩ giải thưởng chấm cho tác phẩm, nhưng cũng để tưởng thưởng cho cả một quảng đời sáng tác, đợt chấm giải như thế này gần như đánh giá một phần của nền văn học. Tôi chỉ có thể nói lên đôi ý nghĩ, cảm xúc. Tôi thấy có điều thú vị, các nhà văn đoạt giải lần này, đa số thuộc thế hệ chống Mỹ chúng tôi, ngoài cảm xúc một thời gian khổ như tôi đã nói ở trên, tôi còn bắt gặp nhưng tên tuổi tôi hằng mến phục. Ma Văn Kháng, bậc đàn anh trong văn xuôi, viết đều đặn, mỗi tập tập truyện ngắn, quyển tiểu thuyết đều là một cống hiến, ghi dấu trên văn đàn. Đỗ Chu nhỏ hơn tôi cả “nửa con giáp”, nhưng tôi đọc và hâm mộ anh khi tôi viết những truyện đầu tiên. Lê Minh Khuê là cây viết truyện ngắn hàng đầu, văn chương sinh động, thấy tên là tôi đọc. Phạm Tiến Duật trạc tuổi tôi, nhưng tôi đã chép thơ anh mang trong ba lô thuở còn đi bộ đội. Không am hiểu nhiều về thơ, nhưng tôi vẫn thấy tập “Thương lượng với thời gian” của anh Hữu Thỉnh là một tập thơ hay. Tôi vừa mới đọc xong tiểu thuyết “Minh sư” của anh Thái Bá Lợi, một tập tiểu thuyết lịch sử công phu dày dặn, văn chương khúc chiết, chỉ riêng tập đó thôi anh cũng xứng đáng nhận giải. Còn nhiều nữa, Nguyễn Thành Long, Phù Thăng, Ngô Văn Phú, Duy Khán, Triệu Bôn, Hữu Loan, Tô Nhuận Vỹ, Cao Tiến Lê, Thanh Quế, Hồng Nhu, Xuân Cang, những tên tuổi từ lâu đã được khẳng định. Nhưng cho phép tôi điểm sơ qua, chỉ cốt nói lên lòng hâm mộ của mình. Thẩm định chính xác nhất vẫn là thời gian và công chúng bạn đọc.

Nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị: Như các bạn biết, các Hội đồng sơ khảo và Chung khảo đã làm việc nghiêm túc và công bằng, từng cá nhân đã được cân nhắc kỹ lưỡng và phải chiếm một tỷ lệ phiếu kín khá cao mới có thể đi đến kết quả cuối cùng, cho nên theo tôi những tác giả được giải thưởng lần này đều xứng đáng.

Nhà thơ Ngọc Bái: Những tác phẩm trong Danh sách Giải thưởng năm nay là kết quả của cả chặng đường dài, hoặc cả đời sáng tác, sáng tạo của các nhà văn. Tôi rất trân trọng các tác phẩm này.

* Xin cảm ơn và xin chúc mừng các nhà văn!

Hiền Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: Vanhocquenha.vn.