Có lần, tôi vào Facebook của nhà thơ Lê Khánh Mai bất ngờ đọc được một khổ thơ về Hà Nội thật lạ, những hình ảnh và ẩn dụ như rút ra từ gan ruột của một người con Hà Nội tha hương. Tôi vội bình luận mấy câu để chia sẻ và dò hỏi duyên cớ nào mà Lê Khánh Mai lại viết về Hà Nội hay thế. Sau đó, Lê Khánh Mai chỉ nhắn lại với ý rằng, khi nào tôi vào Nha Trang thì sẽ được nghe kể, vì chuyện về Hà Nội của Mai dài lắm. Ngỡ nói đùa thế thôi. Vậy mà, mãi gần đây tôi mới có dịp vào Nha Trang, và cái hẹn ngỡ như bâng quơ hồi nào ấy thôi thúc tôi gặp Lê Khánh Mai. Chúng tôi đến Quán Văn nghệ, nơi mà Lê Khánh Mai đã uống cà phê ở đây suốt 30 năm qua.
1- Ký ức Hà Nội cuộn sóng Nha Trang
Ấy thế rồi, Lê Khánh Mai không biết bắt đầu như thế nào, bởi lẽ bao kỷ niệm về thủ đô ùa về như sóng biển vậy. Lặng đi một hồi rồi bất ngờ Mai đọc những câu thơ viết về Hà Nội mà tôi đã biết qua. Giọng chị nghẹn đi, vì nỗi nhớ của một thời tuổi trẻ dâng trào, những câu thơ day dứt làm sao: “Hà Nội trong tiền kiếp của tôi- ám ảnh đêm dài cơn mơ chăn nệm- căn nhà tập thể chín mét vuông- tôi chen nhau với sách vở, bếp dầu, chai lọ. Mẹ tôi gương mặt mùa đông góa bụa- thức dậy bốn giờ sáng, ra đi hun hút gió- đón chuyến xe đầu ngày…”
Mai kể, đó là những ngày theo cha mẹ ra tập kết ngoài Bắc, hồi năm 1954, khi mới có 7 tháng tuổi. Mai sáng tác bài “Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ”, khi nhớ lại ngôi nhà tập thể mà gia đình ở tại 138A Giảng Võ, hồi 13 tuổi. Thế rồi, chính qua bài thơ Mai kể lại tuổi thơ côi cút co ro của mình cứ quẩn quanh với tem phiếu, xếp hàng mua thực phẩm và những tiếng còi báo động thời chiến. Đó là những ngày cả nước vào cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ ném bom Hà Nội.
Mai lại nhớ những ngày theo nhà trường đi sơ tán, khi ở Đan Phượng, khi đến Hưng Yên, sống với những người nông dân hiền lành chất phác. Chính những ký ức đồng quê này đã hiển hiện trong những bài thơ viết về người đàn bà, mà Lê Khánh Mai đã gây ấn tượng nặng trĩu tâm tư qua các hình ảnh “Người đàn bà lặng im như cát”, “Người đàn bà đi chợ”, hay “người đàn bà gom rác”, và “cho một người đàn bà”.
Bỗng nhiên, giọng Mai nghẹn lại khi kể đến chuyện người cha của mình, vì mộ của ông, có thời vẫn còn để ở nghĩa trang Yên Kỳ, Sơn Tây, Hà Nội đến mấy chục năm, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất toàn quốc. Không bao giờ Mai quên được khi còn nhỏ, thường nghe cha gảy đàn măng-đô-lin và hát cho con gái nghe: “Quê tôi ở miền Nam, có hàng dừa biển xanh, có dòng sông uốn quanh…”. Những nỗi niềm thương nhớ người cha còn nằm lại đất Bắc, Mai đã có dịp bày tỏ khi gọi cha: “Vượt đường xa đến thăm cha, nghĩa trang Yên Kỳ đồi hoang trắng xóa, san sát mộ bia trải ra như phố, ngôi thấp ngôi cao, có tên, có số, cùng nổi chìm bao kiếp giầu nghèo…”
Hà Nội đã lưu giữ những ký ức mãnh liệt nhất, không chỉ là đạn bom, khói lửa mà đó là hình ảnh người cha trong tâm hồn Lê Khánh Mai. Thêm nữa đó là tình yêu đầu đời của Mai cũng nảy nở từ mái trường trung học Trưng Vương, trên phố Hàng Bài. Ngay cả cơn lũ khủng khiếp sông Hồng, năm 1971, gieo tai họa cho mọi người cũng đã hằn sâu trong ký ức thơ ca, với những câu thơ tưởng như tình cờ nhưng thực tế lại là tâm trạng liên kết đến không ngờ: “Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ- bờ ngực tôi con đê sắp vỡ-run rẩy, lo âu, linh cảm, đợi chờ…” Và khi ấy nỗi hoài niệm trong Lê Khánh Mai, không thể giấu được trong cơn khát tình yêu thiếu nữ ngày nào ở thủ đô: “Hà Nội tái sinh- sao người không sống lại- tôi biết cất vào đâu quả tim mười sáu”.
Xem ra cái chất Thành đô đã ngấm vào dòng máu miền Trung này; không chỉ giọng nói, ngôn ngữ diễn đạt, mà đến cách nghĩ hay nét suy tư cảm xúc cũng rất Hà Nội cho dù Mai làm thơ về quê biển. Bởi nhà thơ đã viết trong một khổ thơ nhớ đất bắc, nhớ Hà Nội thật chân thành: “Bát cơm trung du tôi nhớ suốt đời- Lát chuối thơm bùi, hạt cơm đỏ ngọt- Đã nuôi tôi, đứa con miền Nam- Hai mươi năm sống trên đất Bắc- Với tấm lòng thơm thảo bao dung”. Đúng vậy, tính đến năm 1975, tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Lê Khánh Mai đã là người Hà Nội đến 21 năm, trọn vẹn tuổi trẻ tràn ngập ước mơ của mình.
2- Người về với ngọn gió Tu Bông
Tôi đã nghĩ đúng khi chính nhà thơ Lê Khánh Mai cũng tự nghĩ trong cốt cách tinh thần của mình, một nửa cảm xúc trên nền phù sa đỏ sông Hồng. Cho dù mạch nguồn thơ ca ở thời sinh viên, chỉ là mộng mơ hồn nhiên, nhưng lại là cơ sở căn bản cho tư duy hình tượng phát triển khi bài thơ đầu tiên được in trên Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, trong những ngày đứng trên bục giảng. Khi nhắc đến những ngày về, Lê Khánh Mai luôn nhắc đến quê hương của mình ở Tu Bông, nơi có một mùa gió khắc nghiệt, kéo dài tới ba bốn tháng, và mạnh như gió bão. Từ xa xưa, trong dân gian đã có câu “Mưa đồng cọ, gió Tu Bông” để nói lên sự vất vả của người nông dân vùng quê này. Lê Khánh Mai đã từ Hà Nội về với bao nỗi yêu thương và đã viết lên những câu thơ xót lòng: “Xa hai mươi năm, giờ trở lại Tu Bông- tôi đâu ngờ quê tôi nhiều gió thế- gió đầy ắp trong căn nhà của mẹ- giật mái tranh nghèo- giằng cây trái vẹo nghiêng- lúa xơ oằn rạp trên đồng- con gái Tu Bông suốt ngày tóc rối”.
Sau 15 năm dậy học ở trường Phổ thông, Lê Khánh Mai chuyển sang Sở Văn hóa, mới tập trung hẳn với sự nghiệp thơ ca. Cũng chính thời gian này chị xuất bản tập thơ đầu tiên. Đó là tập “Trái chín”, năm 1990. Đến lúc này, những quan niệm thi ca mới hình thành dần trong quá trình sáng tác của Lê Khánh Mai. Chồng chị, sinh thời cũng là bạn tri âm tri kỷ về thơ ca vì anh cũng làm thơ, nên có nhiều đồng cảm. Thơ Lê Khánh Mai ngày càng hay khi viết về quê hương đất biển, nhưng tôi nghĩ vẫn là mạch nguồn cảm xúc tài hoa của xứ Kinh kỳ mách bảo. Chính cái nét lãng mạn ấy mà Lê Khánh Mai đã có phong cách thơ có sự tìm tòi tinh tế trong câu chữ. Nhất là những bài thơ như: “Giấc mơ tôi hái”, “Đêm ở biển”, “Tâm khúc”, “Tôi sinh ra từ bùn”… Suy tư, nồng nàn, và sâu lắng, thơ Lê Khánh Mai là thế và chị trở thành hội viên Hội Nhà văn, năm 2002, cũng đầy sức thuyết phục ở chính phong cách thơ ca đó. Lê Khánh Mai còn là một tác giả nữ đầu tiên ở Nha Trang được kết nạp, lứa sau năm 1975. Với sức viết dẻo dai, hơn hai mươi năm qua, Lê Khánh Mai xuất bản được 6 tập thơ, và 3 tập văn xuôi, quả là sự thành công đáng nể phục với một cây bút nữ, nhưng lại hết sức bận rộn với công việc của một vị Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh như chị.
Giờ đây, Lê Khánh Mai đã chỉ còn dành tâm sức cho con cháu, sau khi về hưu cách đây 3 năm. Điều chị rất vui, khi cô con gái đã nối nghiệp văn chương của mẹ, cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ văn học nữ với mẹ. Thật mẹ nào con nấy, tôi hay tin truyện ngắn của Khánh Linh, con gái chị được bạn đọc đón nhận như một cây bút trẻ đầy triển vọng của tỉnh Khánh Hòa. Nói đến các con, chị như hái được giấc mơ trong đời mình vậy. Chị đã viết: “Giấc mơ của tôi hái từ cơn giông- Không hình thù, màu sắc- Nhưng tôi biết nó rất mỏng manh và tơ non. Tôi nâng niu cất giữ trong ngăn tủ tâm hồn- như báu vật”. Rồi chị tự sự: “Có ai biết- tôi đã vặn kiệt sức mình để nuôi một giấc mơ”. Chị đã thể hiện đúng những gì mình nghĩ về thơ; là vẻ đẹp của tình yêu, ánh sáng trí tuệ và thế giới tâm linh.
3- Mơ giấc hẹn hò
Ấy thế rồi chuyện loanh quanh thế nào, khi bất ngờ Lê Khánh Mai lại hỏi tôi về bạn bè ở Hà Nội. Những kỷ niệm của hơn 20 năm vẫn lang thang ở đâu đó trong tâm tưởng nhà thơ, chúng mơ hồ nhưng lại khi ẩn, khi hiện, với những hình ảnh bậc cầu thang nhà tập thể ngắn tũn, nếu bước nhanh là vấp. Lê Khánh Mai nhớ lại, rồi đọc cho tôi nghe một câu thơ rất thú vị, rất Hà Nội: “Bạn bè ơi bốn phương trời lưu lạc- kem Bốn Mùa còn nhức tận chân răng”.
Chuyện với nhà thơ đất biển Nha Trang, nhưng trong lòng tôi thấy gần gũi làm sao, và tưởng như đang cùng chị ngồi bên nhà hàng Thủy Tạ Bờ Hồ Hoàn Kiếm vậy. Và tôi chợt nghĩ, biết đâu lại có ngày chúng tôi gặp lại nhau ở Hà Nội, vào hiệu kem Bốn Mùa, cùng ăn kem que, và lại cùng nhau nói chuyện về biển Nha Trang. Khi ấy, tôi đoan chắc Lê Khánh Mai lại nói về mùa gió đầy sức tàn phá ở quê chị, Tu Bông. Vì khi xa quê bao giờ cũng rưng rưng nỗi nhớ. Cũng như lúc này đây, chị lại nhớ về Hà Nội thật da diết, vì chị luôn luôn coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, nơi đã nuôi dưỡng chị suốt hai mươi năm tuổi xuân.
Theo Vương Tâm – Văn nghệ TPHCM