PNO – Năm 2007, tôi biết Văn Thành Lê, lúc ấy là sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế.
Đó là một chàng thanh niên đang “tập tành văn chương”, vừa lo học vừa mải mê sáng tác. Lê thường viết những tản văn nhẹ nhàng và rất có hồn, nói về quê hương, về những gì mộc mạc và máu thịt của tuổi thơ…
Tác giả Văn Thành Lê
Bẵng đi một dạo không gặp, rồi chẳng bao lâu sau tôi thấy cái tên Văn Thành Lê xuất hiện đều trên các báo. Cây bút sinh viên ấy đã tiến rất nhanh để trở thành một tác giả quen thuộc và giờ đây, sau bốn tập truyện đã in, Văn Thành Lê lại cho ra mắt bạn đọc tập truyện này.
Biết tới khi nào mưa thôi rơi, cái tựa đề rất gợi của tập truyện làm tôi nghĩ đến những cơn mưa dài lê thê của miền Trung, quê hương của tác giả, nơi người ta sống nhiều ngày trong nỗi khắc khoải chờ cơn mưa dầm ủ ê chấm dứt… Hóa ra không phải thế. Trong tập truyện này là mưa của Sài Gòn. Và Lê cũng không còn viết những đoạn hồi ức mượt mà đầy chất thơ như trước. Có chăng là ấn tượng mưa đè nặng trong ký ức, và cơn mưa này là để nói về một nỗi trăn trở, một nỗi buồn dài hơn, sâu hơn nhiều lắm! Khác với một Văn Thành Lê man mác nhẹ nhàng mà tôi đã biết, ngòi bút Lê giờ đây dường như cũng đã cùng chủ nhân của nó nếm trải đủ thử thách của cuộc đời để viết lên những trang văn gân guốc và trĩu nặng suy tư, trong đó có cả kinh nghiệm dạn dày, có cả tổn thương mất mát và những phát hiện đôi khi đau đớn đến tưởng chừng không chịu nổi. Những nhân vật của Lê là những nhân vật rất thật, được đặt trong những hoàn cảnh rất thật. Họ là những con người gần gũi quanh ta, họ là chính ta, với những vấn đề tưởng chừng tầm thường nhỏ bé mà thật ra lại lớn, những vấn đề của xã hội hiện tại mà tuổi trẻ đang phải đối mặt từng phút từng giờ.
Ta thấy ở đó hình ảnh một khu xóm trọ nghèo nàn, nhếch nhác, nơi người ta sống cuộc đời tạm bợ vá víu…Trong đó có những sinh viên trẻ đang ngày ngày học bài và mơ nghĩ đến tương lai…
Ở đó cũng có những chuyện đảo điên, ngay trong môi trường tưởng chừng thanh khiết của học đường. Ở nơi đâu sự bất công cũng đều đáng ghét, nhưng đáng sợ nhất là sự bất công, dối trá và ám muội đã mọc rễ bắt mầm từ ngay dưới mái trường, nơi lẽ ra phải tinh khiết như một thánh địa của tâm hồn thơ trẻ.
Ta đọc được trong truyện của Lê nỗi nhọc nhằn của những người trẻ tuổi trước ngưỡng cửa cuộc đời: “Tao không tưởng tượng nổi cảnh vác hồ sơ đi xin việc. Không khác gì đi… xin ăn. Ở đâu cũng lắc.” Ta gặp ở đó những con người sống ở một huyện ô nhiễm khói bụi đến nỗi luôn phải đeo khẩu trang, rọ mõm tối ngày để rồi phải thốt lên “Sống như thế khác gì chó!”. Truyện của Lê phác họa bức tranh của khoảng cách giàu nghèo chênh lệch trong xã hội Việt Nam, độ cách biệt quá lớn giữa tỉnh lẻ và thành phố lớn (Biết tới khi nào mưa thôi rơi), giữa thị thành và miền núi (Hoa núi). Từ sự cách biệt đó người ta đổ xô thành dòng chảy về đô thị, hối hả tìm sự sống, tất bật từng ngày trong guồng quay, đánh đổi rất nhiều, trả giá rất nhiều nhưng vẫn chấp nhận vì đấy chính là tiếng gọi của cuộc sống.
Chưa đến ba mươi tuổi, Văn Thành Lê có đủ sự lăn lộn giữa cuộc đời để biết rất nhiều và nói rất thật. Lê viết thật lắm, dám đưa ngòi bút lục lọi xáo xới cả hiện thực ngoài đời lẫn những nỗi niềm trong nội tâm từng nhân vật. Trang viết của Lê vì thế mà đượm một nỗi buồn, một thứ buồn tỉnh táo và hơi tàn nhẫn, nhưng biết sao được vì sự thực thì bao giờ cũng thế, đòi hỏi người ta phải dũng cảm để đương đầu. Có lúc bạn sẽ thấy rợn người vì những mẩu đối thoại nghe được trước phòng khám phụ khoa, sẽ nổi da gà khi chia sẻ cảm giác của chàng trai ngồi chờ bạn gái nạo thai, hay cảm thấy gớm ghiếc trước lời lẽ đê tiện của gã lưu manh chuyên dụ gái… Có thể bạn sẽ kêu lên rằng tác giả đã pha cho bạn những liều thuốc quá đậm đặc, nhưng nghĩ cho cùng, những chuyện ấy có gì xa lạ đâu, chúng vẫn ngày ngày xảy ra nhan nhản bên bạn đấy thôi!
Thực ra trên tất cả những cái lôm côm mà Lê đã lột tả về cuộc đời, niềm hy vọng của tuổi trẻ vẫn tiềm tàng rất rõ trong từng câu chữ. Tôi nhớ ngày trước khi còn là sinh viên, Lê đã viết một tản văn về cây si cổ thụ ở đầu làng. Với Lê, cây si là cái hồn của ngôi làng, gắn bó với ký ức dài lâu và sâu thẳm của một cộng đồng, một vùng đất. Có thể nói nó chính là biểu tượng tình yêu của Lê đối với làng và nước, hay nói rộng thêm nữa, của cả cõi người.
Trong tập truyện này ta lại gặp hình ảnh cây si ở truyện Vỡ đất, truyện mà tôi cho là hay nhất. Ngôi làng hiền hòa từ khi được khám phá ra có chất quặng vàng đen đã trở thành đối tượng cho lòng tham, để rồi trong sự mê mải theo đuổi đồng tiền người ta đã đành lòng bán cả cây si cổ thụ. Cây si mất, mạch nguồn sự sống cũng rạn vỡ, kéo theo bao nhiêu tai họa…
Giữa bao nhiêu ngổn ngang của chuyện đời điên đảo, hình ảnh cây si cổ thụ xanh tươi chính là hình ảnh mạch nguồn sự sống vĩnh cửu mà Lê yêu quý.
Tập truyện của Lê, bên dưới những dòng miêu tả khô lạnh về một thời xao động, vẫn luôn tiềm tàng khát vọng sâu thẳm về sự sống tinh khôi và một tấm lòng nồng nàn với cuộc đời.
Trần Thùy Mai