“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm”, hình ảnh về đoàn quân Tây Tiến, về sông Mã, về viễn xứ có lẽ sẽ nằm mãi trong hình dung nếu như tôi không bất ngờ được tham dự tọa đàm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mường Láp – Hủa phăn (Lào) diễn ra cách đây không lâu. Tại đây, tôi được gặp những nhân chứng sống của đoàn quân Tây Tiến, những người dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng trong họ vẫn dâng lên niềm tự hào và tinh thần chiến đấu rực lửa khi nhắc về hành trình của đoàn binh những năm gian khó.

Nhân chứng lịch sử ấy là cụ Nguyễn Văn Khuông (94 tuổi) và cụ Nguyễn Văn Uyển (95 tuổi). 70 năm trôi qua, hai cụ Việt kiều vẫn nhớ như in trận đánh Mường Láp thành công vang dội cũng như quãng thời gian hoạt động cách mạng tại nước bạn Lào.


1. Cách đây gần 70 năm, ngày 27.2.1947 vào mùa xuân Đinh Hợi, tại vùng Tây Bắc xa xôi, hiểm trở và khắc nghiệt, được gọi là “miền Việt Tây”, đã diễn ra một sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử của quân đội, đó là Trung đoàn Tây Tiến ra đời (sau đổi tên là Trung đoàn 52 Tây Tiến). Trải qua 70 mùa xuân, Trung đoàn Tây Tiến vẫn còn vang mãi những chiến công oanh liệt của “Đoàn binh không mọc tóc” gắn liền với lịch sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc và liên mình chiến đấu Việt – Lào trong những năm kháng chiến chống Pháp. Một trong những chiến công vang dội ấy là chiến thắng lịch sử Mường Láp – Hủa Phăn.


Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi ở biên giới Việt – Trung, lính Pháp kéo từ Vân Nam (Trung Quốc) tiến vào Bắc Lào, tràn sang đánh chiếm Lai Châu. Ở Bắc Lào, chúng đánh chiếm vùng Xiêng Khoảng, kiểm soát dọc sông Mã. Đầu 1946, giặc Pháp và quân ngụy chiếm giữ Hát Lót, Mai Sơn, cho lính nhảy dù xuống Mộc Châu, còn lính bộ binh đánh gọng kìm từ Sơn La, Pa Háng xuống.


Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của địa bàn chiến lược miền Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định hình thành đơn vị vũ trang, đưa nhiều cán bộ lên Tây Bắc. Đó là đội quân Tây Tiến hùng dũng, trẻ trung, hăm hở, tràn đầy nhiệt huyết, nhiều chiến sĩ tình nguyện đang ở tuổi 15 – 17 phơi phới sức xuân, vô tư và giản dị. Đội quân do đồng chí Lê Hiến Mai – đại diện chính phủ – và đội trưởng Anh Đệ, đội phó Tuấn Sơn, chính trị viên Lam Ngọc hành quân từ Hà Nội lên Mộc Châu, vượt cửa khẩu Pa Háng tiến về Sầm Nưa thủ phủ tỉnh Hủa Phăn – Lào.


2. Tham gia buổi tọa đàm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mường Láp, những chàng trai, cô gái chiến đấu năm nào nay đã thành ông, thành bà, gặp lại nhau bồi hồi, xúc động. Những con người già yếu, chân đi còn không vững như cụ Khuông, cụ Uyển thì được con cháu dắt đi từng bước, ấy vậy mà trí nhớ của các cụ vẫn còn rất minh mẫn, kể lại chuyện cách đây 70 năm rành rọt từng chữ, từng lời.


Cụ Khuông kể: Năm 7 tuổi, tôi đã phải theo cha lên sinh sống ở Sầm Nưa, khi trưởng thành được giáo dục theo cách mạng, sau đó công tác thường xuyên tại Hủa Phăn từ 1945 – 1976 mới rời đất nước triệu voi về hẳn Việt Nam.


Năm 1944, ở Sầm Nưa có ông Nguyễn Hữu Hanh (Nghệ An) làm giáo viên dạy tiếng Pháp và ông Bùi Ngọc Tuệ (Hải Dương) làm ký phán ở Bệnh viện Sầm Nưa đứng ra vận động Việt kiều thành lập Hội Việt kiều ái hữu cùng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, bố tôi lúc ấy được tín nhiệm bầu làm hội phó của hội. Tôi được phân công phụ trách đội thanh niên Lào – Việt. Thời gian sau, đội được tăng thêm quân số và vũ khí, chuyển thành đội tự vệ.


Cuối tháng 8.1945, khi Nhật rút hết khỏi tỉnh Hủa Phăn thì bọn Pháp khoảng trên 60 người ở mạn Lai Châu, Sơn La kéo về chiếm Sầm Nưa.


Nói đoạn, cụ đưa tay lên trán vỗ nhẹ như để gọi ký ức, rồi kể tiếp: “Cuối tháng 9, ông Hanh, ông Tuệ cử tôi và anh Kính mang thư về Mộc Châu liên lạc với quân đội Việt Minh. Chúng tôi đi bằng xe đạp, đến Mộc Châu thì gặp một người cao to như người Tây lai – chính là Lam Ngọc ở bộ phận chỉ huy quân đội giải phóng quân – vừa từ Hà Nội lên.


Ngày 17.10, ông Tuệ lại cử tôi và anh Kính mang thư cấp tốc lên Mộc Châu. Đường sá cheo leo, dốc núi cao, vực sâu nhưng chúng tôi hồi đó mới hơn 20 tuổi không ngại gian khó, có chỗ vác xe đạp lên vai trèo lên dốc cao mà đi hăng hái lắm. Lần này, chúng tôi được gặp đồng chí Tuấn Sơn, đẹp trai lắm (cụ Khuông cười), hai anh em đến Mường Pua cách Sầm Nưa khoảng 40km thì gặp bộ đội ta, liền được thượng cấp tiếp, tôi đưa thư và bản đồ Sầm Nưa. Thủ trưởng Lê Hiến Mai – đặc phái viên của Chính phủ – đọc thư, xem bản đồ xong thì phấn khởi lắm, ông bắt tay, ôm chặt hai chúng tôi rồi nói: “Tôi thay mặt đơn vị biểu dương hai đồng chí, các đồng chí đi đã mệt, hãy nghỉ đi”. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được gọi là “đồng chí”, dù chưa biết ý nghĩa ra sao nhưng thấy thiêng liêng và thân thương vô cùng, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết”.


Rồi cụ háo hức: “Hai ngày sau, ông Tuấn Sơn cùng một người nữa chỉ huy đoàn quân đuổi theo hướng Pháp rút chạy, đội tự vệ chúng tôi cũng được đi theo. 7h rưỡi tối hôm sau thì quân Pháp đã tập trung ở Mường Láp. Quân ta bủa vây, tấn công nhanh gọn, tiêu diệt một tên lính, thu toàn bộ vũ khí, thuốc men và lương thực chúng mang theo. Quân ta đã hơn 200 con ngựa thồ và hơn 200 người gùi gánh mới hết số chiến lợi phẩm chuyển về Sầm Nưa. Đến Sầm Nưa đã thấy nhân dân xếp hàng chào đón đoàn quân chiến thắng trở về”.


Con gái cụ Khuông – bà Nguyễn Thị Biên (SN 1958) – kể về bố trong niềm tự hào: “Đây là tôi nghe các cụ kể lại. Hồi Pháp đánh Lào, mọi gia đình Việt Nam sống tại Sầm Nưa phải sơ tán hết. Gia đình tôi gồm ông bà, bố mẹ phải gánh đồ đạc, gánh con – chị gái tôi mới 2 tháng tuổi, đi suốt 2 tháng trời mới về đến Nam Định. Đến cuối 1946, bố tôi lại trốn sang Lào hoạt động, đi khắp các bản để vận động nhân dân chiến đấu, 10 năm sau mới trở về. Gia đình cứ tưởng cụ đã chết. Chị gái tôi khi thấy bố đeo súng, vác balô về thì chạy đi gọi mẹ, còn làm mẹ tôi nghĩ là đồng đội về báo tin bố hy sinh. Năm 1960, bố tôi được mời đi Sơn La thành lập Ban miền Tây giúp Lào. Trở về nơi công tác cũ, cụ chọn lọc, đưa 35 thanh niên là con bạn chiến đấu ngày xưa sang Việt Nam học tập. Giờ, các anh đều là lãnh đạo cốt cán của Lào, gọi cụ là bố. Mẹ tôi trước lúc mất cứ tưởng bố có con ở Lào nên ghen lắm”.


“Sau chiến đấu, bố tôi nhiều lần đi tìm hài cốt đồng đội, đặc biệt là việc tìm thấy hài cốt cụ Tuấn Sơn – chỉ huy trận Mường Láp. Vừa rồi, cụ còn xin được huân chương cho cụ Tuấn Sơn, tìm được quê quán của cụ Bân (Bí thư huyện Xiềng Khọ), rồi lặn lội sang Lào làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho cụ. Cụ Bân vốn là người Việt Nam sang Lào sinh sống từ nhỏ rồi lấy vợ bên ấy. Khi cụ hy sinh, vợ cụ đi bước nữa nhưng bà không biết mình là người Lào cho đến khi bố tôi kể lại chuyện, đưa cụ trở lại Lào nhận quê hương. Mỗi lần nghe tin có lãnh đạo Lào mất, bố tôi lại thắp hương thờ ở nhà”, bà Biên kể tiếp.


Mắt rưng rung nước, cụ Khuông nói: “Chức tước tôi không có gì, chỉ là cán bộ dân vận thôi, nhưng tôi có nhiều năm làm ở Lào nên tôi như người Lào. Giờ sang thăm lại các mế ở bên đó, chỉ biết ôm nhau mà khóc, nhớ lắm”.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng những người lính nay năm xưa vẫn cố gắng tham gia tọa đàm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mường Láp – trận chiến thành công vang dội của đoàn quân Tây Tiến. Ảnh: C.T.L


3. Giữa cái lạnh cuối năm của miền Bắc, cụ Uyển ngồi co ro, bàn tay run run nhưng vẫn háo hức kể về năm tháng hào hùng của đoàn quân Tây Tiến. “Tôi thành thạo tiếng Lào, tiếng Mèo (H’Mông), tiếng Khạ (Kh’Mú) nên được giao làm phiên dịch cho đồng chí Tuấn Sơn. Trận đánh Mường Láp cũng là trận đánh đầu tiên trong đời nên hồi hộp lắm. Đơn vị hành quân cấp tốc, khoảng 7h tối ngày 20.10.1945 tới bản Mường Láp. Bản không rộng lắm, hai bên là đồi dốc, dân thưa thớt nhưng số người phu và ngựa thồ khá đông. Trên ngôi nhà sàn gỗ to, xung quanh có cổng rào, quân Pháp đang ăn uống, hát hò ầm ĩ. Quân ta lặng lẽ áp sát, bộ phận xung kích ném một quả lựu đạn khiến tên lính Pháp gác ở chân cầu thang hoảng quá nổ một phát súng, quân ta bắn tiêu diệt ngay. Bọn Pháp trong nhà sàn bất ngờ quáng quàng mạnh ai nấy lao vào rừng, rồi cắm cổ chạy về phía Hủa Mường. Quân ta truy kích trong bóng đêm vài cây số khiến bọn địch phải cao chạy xa bay”, cụ Uyển cười tươi, nụ cười móm mém xế chiều như xua tan hết cái rét buốt của Hà Nội những ngày đông giá.


Trong những năm tháng hoạt động tại Lào, có một kỷ vật được cụ và gia đình vô cùng trân quý, đó là chiếc nồi đồng cỡ 20 vào loại to nhất Sầm Nưa thời đó. Cụ khoe: “Nó được mẹ tôi dùng làm bún, tráng bánh cuốn góp phần nuôi sống cả nhà. Những ngày tháng đơn vị “Võ trang trinh sát miền Tây” hoạt động ở Sầm Nưa, mẹ tôi dùng nó để nấu ăn phục vụ bộ đội”.


“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”, hành trình gian khó mà oai hùng của “đoàn binh không mọc tóc” đã lùi vào dĩ vãng nhưng vẫn mãi là hồi ức oanh liệt trong lòng người còn sống. Để mỗi lần được ngồi lại, họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc cũ, hồi hộp, tự hào, nhớ thương mà xúc động.
Theo Lao động