Những câu hỏi loại này tất nhiên mang tính muôn thuở. Cuộc gặp gỡ với một người nào đó, với nhiều người khác, luôn là một trải nghiệm quan trọng, cơ bản của nòi giống chúng ta. Các nhà khảo cổ học nói với chúng ta rằng những nhóm người đầu tiên là các gia đình, các bộ lạc nhỏ chỉ gồm khoảng từ ba mươi đến năm mươi người. Khi một xã hội như thế tăng dần số lượng, nó gặp khó khăn trong việc di chuyển nhanh và thuần thục. Nhưng khi số người giảm đi, nó lại gặp khó khăn trong việc tự vệ, trong việc đấu tranh sinh tồn.
Chúng ta hãy hình dung: cái gia đình nhỏ – bộ lạc của chúng ta lên đường đi tìm thức ăn và bỗng nhiên gặp một gia đình – bộ lạc khác. Thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử loài người và là một phát hiện vô cùng trọng đại. Đó là sự phát hiện ra rằng trên thế giới này, ngoài ta ra còn tồn tại những người khác nữa. Bởi vì cho đến nay thành viên của cái nhóm người đầu tiên nêu trên có thể sống với một niềm tin tuyệt đối rằng khi anh ta di chuyển cùng với một nhóm gồm từ ba mươi đến năm mươi người toàn là anh em họ hàng gần xa của mình, anh ta biết mặt tất cả mọi người trên thế giới. Nhưng té ra không phải như vậy – trên thế giới này còn có những người khác, những sinh linh khác giống hệt mình!
Vậy phải xử sự như thế nào đây khi phát hiện ra điều mới mẻ này? Phải có thái độ ra sao cho phải phép? Phải đưa ra quyết định như thế nào?
Lao đến ôm ghì lấy những người vừa gặp chăng? Hay lạnh lùng tránh mặt họ và tiếp tục bước đi trên con đường của mình? Hay cố gắng làm quen và tìm cách hiểu nhau?
Vẫn là sự lựa chọn mà hàng ngàn năm trước những nhóm người thuộc tổ tiên chúng ta phải đối mặt, nay đặt ra đối với chúng ta và mức độ cấp thiết của nó thì không hề giảm bớt. Sự lựa chọn ấy ngày xưa mang tính nền tảng ra sao và đòi hỏi quyết định dứt khóat thế nào thì ngày hôm nay vẫn như vậy. Phải cư xử với những Người khác ra sao? Phải có thái độ như thế nào với họ?
Có thể dẫn đến ẩu đả, đến mâu thuẫn, đến chiến tranh. Bằng chứng về các sự kiện như thế này vẫn còn được lưu giữ trong kho tư liệu, tên biết bao nhiêu chiến trường được ghi lại, những đống đổ nát do chiến tranh gây ra vẫn nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Tất cả những cái đó là bằng chứng về sự thất bại của con người – con người đã không biết cách hoặc cố tình không muốn đạt tới sự hiểu biết cần thiết trong quan hệ với những người khác. Văn học nghệ thuật của tất cả các quốc gia và tất cả các thời đại đều đã nắm bắt tình huống này để làm thành đề tài phong phú, đa dạng và không bao giờ nguội.
Nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp thứ hai là cái gia đình – bộ lạc chúng ta đang theo dõi kia, thay vì lao vào ẩu đả, đánh giết nhau, sẽ quyết định sống khép kín, cách ly, tránh xa những người khác. Bằng thái độ sống ấy, cùng với thời gian, bắt đầu xuất hiện những công trình xây dựng được cân nhắc kỹ càng, chẳng hạn như Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, các tháp và cổng Babilon, những bức tường thành La Mã hay những bức tường đá của người Ink.
Nhưng rất may là đã tồn tại những bằng chứng về cách cư xử khác, gần gũi với sự trải nghiệm mang tính con người hơn. Đó là những bằng chứng về sự hợp tác, về sự tồn tại các chợ, các bến sông, những nơi tập trung đông người và những nơi lưu giữ vật thờ cúng, những thứ linh thiêng, những nơi còn ghi dấu trụ sở của những các đại học và những học viện cổ xưa hoặc còn lưu lại dấu tích những con đường buôn bán, như Con đường tơ lụa, Con đường hổ phách hoặc Con đường sa mạc Sahara. Ở tất cả những nơi đó người ta gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau suy nghĩ của mình, ý tưởng và hàng hóa, buôn bán với nhau và giải quyết chuyện làm ăn, ký kết thỏa thuận lập nên các liên minh, đồng minh, tìm ra những mục tiêu chung và những giá trị chung. Người khác, tức người thứ hai, thôi không còn là một người nào đó vô danh, không quen biết, thù địch, đầy đe dọa và xấu xa nữa. Mỗi người đều tìm thấy trong bản thân con người mình một phần người khác kia, và anh ta tin vào điều đó, anh ta sống trong niềm tin tưởng sâu sắc đó.
Vậy là ba khả năng có thể xảy ra như vừa nêu trên luôn luôn đứng trước con người mỗi lần anh ta gặp người thứ hai. Anh ta đều có thể lựa chọn hoặc chiến tranh, hoặc xây bức tường ngăn cách hoặc thiết lập quan hệ đối thoại.
Từ khoảng cách thời gian lịch sử nhìn lại, có thể thấy con người luôn trong tình trạng phải cân nhắc ba khả năng trên và tùy thuộc vào hoàn cảnh và nền văn hóa cụ thể mà lựa chọn khả năng thứ nhất hay khả năng thứ hai, thứ ba. Chúng ta thấy rằng trong các sự lựa chọn này con người cũng thường thay đổi quan điểm vì không phải lúc nào anh ta cũng cảm thấy chắc chắn, không phải lúc nào đất dưới chân anh ta đứng cũng vững chắc.
Chiến tranh là thứ khi đã xảy ra rất khó thanh minh; tôi nghĩ tất cả chúng ta đều thất bại trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, bởi vì nó là sự thất bại của bản chất con người, nó bộc lộ sự bất lực trong việc tìm ra sự hiểu biết lẫn nhau, bất lực trong việc cảm nhận người khác, bất lực về thiện chí và về trí tuệ. Bởi vì trong trường hợp này cuộc gặp gỡ với người khác luôn luôn kết thúc một cách bi kịch, kết thúc bằng màn kịch đầy máu và chết chóc.
Tư tưởng thúc đẩy con người xây dựng những bức tường lớn và đào những cái hào sâu để bảo vệ mình và ngăn cách mình với những người khác, ở thời hiện đại được gọi tên là chủ nghĩa apartheid. Khái niệm này đã được gói gọn một cách không chính đáng trong chính sách của chính quyền da trắng hiện không tồn tại ở Nam Phi. Bởi vì trong thực tế chủ nghĩa apartheid chỉ được áp dụng vào thời kỳ gần đây. Nói cho thật đơn giản, ngắn gọn, đây là quan điểm mà những người ủng hộ cho rằng mỗi người có thể sống tùy theo ý mình, cốt sao anh tránh xa tôi ra, nếu anh không cùng màu da, tôn giáo và văn hóa với tôi. Nếu chỉ có vậy thôi thì khỏi phải nói làm gì! Bởi chúng ta thực sự phải tiếp cận với một chính sách và cơ cấu chứa đựng sự bất công dai dẳng và dai dẳng chia rẽ con người.
Trong các câu chuyện thần thoại của rất nhiều bộ lạc và nhiều dân tộc luôn tồn tại một niềm tin vững chắc rằng chỉ có chúng ta – thành viên của nhóm mình, cộng đồng mình – mới là những con người, còn tất cả những người khác, là ngợm hoặc nói chung không phải là người.
Hình ảnh con người khác kia trong thời đại tín ngưỡng nhân cách hóa, nghĩa là các tín ngưỡng trong đó các vị thần có thể cải dạng làm người và xử sự như con người. Bởi vì khi đó không bao giờ có thể biết được liệu cái con người hành khất, con người du ngoạn đang đi đến gần ta kia là thần hay thần giả dạng người. Sự nghi ngờ, sự không chắc chắn này, sự song hành hai cảm giác trái ngược nhau gây khó chịu này là một trong số những nguồn gốc của văn hóa hiếu khách, khuyến khích người ta bày tỏ tấm lòng tốt đối với một người từ nơi khác đến.
Nhà thơ Ba Lan nổi tiếng, Cyprial Norwid, đã viết về vấn đề này trong lời nói đầu tác phẩm Ôđixê của Homer khi ông cân nhắc nguyên nhân lòng hiếu khách mà nhân vật chính của trường ca này nhận được trên con đường trở về Itaka.
Ở đó trong mỗi con người khốn khổ, trong mỗi người xa lạ đi lang thang – người ta đều lấy làm nghi ngờ, không biết liệu anh ta có phải là một vị thần hay không? (…) Không thể nào đón tiếp ai bằng cách hỏi thẳng: người qua đường kia là ai? – nhưng đến khi đã có sự trân trọng chất thần thánh trong con người đó thì những câu hỏi rất con người được đặt ra và cái đó người ta gọi là lòng hiếu khách, và lòng hiếu khách thì được tính đến trong số những sự ngoan đạo và trong số các đức tính đáng quý. Làm sao Homer có thể là người cuối cùng có mặt ở nhà những người Hy Lạp! – ông luôn là người đầu tiên, và là người mang đầy đủ tính thần linh.
Trong cách hiểu văn hóa Hy Lạp như cách hiểu của Norwid vừa được trích dẫn trên đây, các vấn đề bộc lộ rõ ý nghĩa về lòng thiện chí đối với con người. Cánh cổng và cánh cửa vào nhà không phải chỉ để phục vụ việc khép lại trước mặt người khác – mà chúng có thể rộng mở trước mặt anh ta, mời anh ta vào nhà. Con đường không chỉ để phục vụ bước chân của các đoàn quân mà cũng có thể là lối mòn để cho một vị thần nào đó, ăn mặc giống như một người hành hương, đến với chúng ta. Nhờ cách phân tích ý nghĩa như thế này, chúng ta bắt đầu bước chân vào một thế giới không chỉ giàu có hơn và đa dạng hơn mà còn thiện chí với chúng ta hơn, một thế giới mà tự bản thân chúng ta mong muốn được gặp những người khác.
Emmanuel Levinas gọi cuộc gặp gỡ với Người khác là một “sự kiện”, thậm chí là “sự kiện mang tính nền tảng”, vì đây là trải nghiệm quan trọng nhất, mở ra một chân trời rộng lớn nhất. Ông Levinas, như chúng ta đã biết, là một người thuộc nhóm các nhà triết học theo quan điểm đối thoại, giống như Martin Buber, Ferdinand Ebner hay Gabriel Marcel (gia nhập nhóm này sau đó còn có nhà thơ, linh mục Ba Lan Jozef Tichner), những người đã phát triển ý tưởng về người khác với danh nghĩa sự tồn tại hiện tượng duy nhất, không lặp lại ở bất cứ đâu, ít nhiều trực tiếp đối lập với hai hiện tượng xuất hiện trong thế kỷ XX, tức là sự ra đời của của xã hội truyền thông không chấp nhận những khác biệt cá nhân và sự bành trướng tư tưởng độc đoán có sức mạnh huỷ hoại mọi thứ. Các nhà triết học có tên trên đã cố gắng cứu vớt cái giá trị họ cho là lớn nhất là cá nhân con người: Tôi, Bạn, Người khác, Những người khác, khỏi ảnh hưởng của các hoạt động truyền thông và sự độc đoán nhằm xóa nhòa bản sắc con người (từ đó họ phổ cập khái niệm “Người khác” để xác định sự khác nhau giữa cá nhân với cá nhân, một sự khác nhau về đặc tính không trao đổi được và không bao giờ thay thế được.
Đó là một trào lưu vô cùng quan trọng, trào lưu cứu vớt và nâng cao địa vị con người, trào lưu cứu vớt và nâng cao địa vị người khác. Con người đó, nói như Levinas, tôi không chỉ đối mặt và phải đối thoại, hơn thế nữa, tôi phải “chịu trách nhiệm thay”.
Trong quan hệ với người khác, với những người khác, những người theo xu hướng đối thoại đã vứt bỏ con đường chiến tranh với danh nghĩa con đường dẫn đến huỷ diệt, phê phán thái độ thờ ơ và thái độ ngăn cách mình với người khác bằng bức tường cao, mà thay vào đó, họ tuyên bố nhu cầu của mình, thậm chí hơn thế nữa – tuyên bố về trách nhiệm đạo đức của mình, nhiệm vụ của chúng ta là phải gần gũi, cởi mở và thân thiện.
Chính trong khuôn khổ những suy nghĩ và niềm tin tưởng sâu sắc này, giống như trong khuôn khổ những tìm kiếm và suy ngẫm, trong khuôn khổ một thái độ tương tự, đã nảy sinh và phát triển công trình nghiên cứu vĩ đại của một con người lúc đầu chỉ là thính giả, sau thành vị tiến sĩ triết học của Trường Đại học Tổng hợp Krakow, thành viên Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan – Bronislaw Malinowski.
Vấn đề ông Malinowski quan tâm là: làm thế nào để xích lại gần người khác, nếu đây không phải là sinh linh thuần tuý mang tính giả thuyết, trừu tượng mà là con người cụ thể thuộc màu da đối lập với ta, người có những tín ngưỡng, những giá trị khác hẳn ta, người thuộc nền văn hóa và phong tục tập quán riêng so với ta?
Chúng ta cần lưu ý rằng khái niệm người khác thường được dùng theo quan điểm của người da trắng, người châu Âu. Nhưng ngày nay, khi tôi đi qua một ngôi làng trên vùng núi Etiopia, bọn trẻ chạy theo tôi, chỉ tay vào tôi và thích chí kêu to: Ferenczi! Ferenczi! Nghĩa là – người lạ, người khác kìa. Đây là ví dụ cụ thể về sự phân chia lại đẳng cấp thế giới và các nền văn hóa của nó. Thực ra những người khác bây giờ cũng đã khác trước. Đối với những người trước đây là người khác của tôi, giờ chính tôi mới là người khác của họ.
Trong cái ý nghĩa vừa nêu tất cả chúng ta đều đang đi trên một cỗ xe. Tất cả mọi cư dân trên hành tinh của chúng ta chúng ta là những người khác trong quan hệ với những người khác – Tôi đối với Họ và Họ đối với Tôi.
Trong thời đại của Malinowski và trong những thế kỷ trước ông, người da trắng, người châu Âu, đã tiến hành những chuyến đi ra ngoài khu vực châu Âu hầu như chỉ nhằm mục đích khai thác những thứ có lợi cho mình – ngự trị những vùng đất mới, chiếm nô lệ, buôn bán hay lật đổ. Thường thì đây là những chiến dịch đẫm máu – như cuộc chinh phục châu Mỹ của Columb, sau đó là chinh phục các vùng đất mà người da trắng sau đó định cư, cuộc chinh phục châu Phi, châu Á, Australia.
Ông Malinowski hành trình đến các đảo ở Thái Bình Dương với mục đích hoàn toàn khác – tức là để làm quen với Người thứ hai. Ông làm quen với những người hàng xóm của mình, làm quen với phong tục tập quán và ngôn ngữ của họ, để xem họ sống ra sao. Ông muốn thấy tận mắt và muốn đích thân trải nghiệm điều này, đích thân trải nghiệm để sau đó cống hiến một cái gì đó cho đời.
Phải, một dự án tưởng như đương nhiên sau trở thành một dự án mang tính cách mạng, làm xôn xao thế giới. Bởi vì ông Malinowski đã vạch trần cái yếu, mặc dù nó xuất hiện không phải giống hệt nhau mọi chỗ mọi nơi, hay đơn giản hơn là vạch rõ đặc tính của mỗi một nền văn hóa có nét chủ yếu là gặp khó khăn trong việc hiểu rõ nền văn hóa khác, không những thế, những người thuộc nền văn hóa nhất định, tham gia vào các hoạt động liên quan đến nền văn hóa của chính mình, những người mang trong mình nền văn hóa dân tộc, cũng gặp không ít khó khăn. Chính tác giả cuốn Những khu vườn san hô đã khẳng định sau khi đến mảnh đất ông định nghiên cứu – tức là quần đảo Trobriand – rằng những người da trắng từng sống nhiều năm ở đó không chỉ không biết tý gì về cư dân địa phương và về văn hóa của họ mà còn hiểu hoàn toàn sai, vì hiểu theo hướng khinh bỉ và cư xử cục cằn. Rồi chính ông, bất chấp những luật lệ do thực dân đặt ra, đã cắm trại tại trung một trong những ngôi làng và sống “ba cùng” với những người dân địa phương. Những gì ông đã trải qua không phải là những trải nghiệm dễ dàng. Trong cuốn Nhật ký với đúng nghĩa của từ này còn lưu lại được của mình, càng về sau những ghi chép của ông càng đề cập đến những khó khăn lớn hơn, những tâm trạng tồi tệ hơn, trong đó có cả sự nản chí, chán chường.
Từ bỏ nền văn hóa của mình bao giờ cũng là việc làm phải trả giá đắt. Vì vậy điều quan trọng là phải sở hữu bản sắc riêng và rõ ràng, là phải cảm nhận sức mạnh của bản sắc, cảm nhận giá trị bản thân và sự trưởng thành. Chỉ khi đó con người mới có thể dũng cảm đương đầu với nền văn hóa khác. Trong trường hợp ngược lại, anh ta sẽ phải rúc sâu trong cái hang của mình và thường xuyên lảng tránh người khác, đặc biệt trong trường hợp người khác là tấm gương để ta ngắm lại mình – hay cái gương để người khác ngắm anh ta – đó là cái gương soi rõ mặt ta và làm bộc lộ tất cả những gì chúng ta muốn giấu kín.
Có điều thú vị là khi trong cái gia đình lớn châu Âu của Malinowski đang diễn ra cuộc chiến tranh thế giới thứ I, nhà nhân chủng học Ba Lan trẻ tuổi lại tập trung công sức cho các công trình nghiên cứu về văn hóa đối thoại, văn hóa các mối quan hệ và những lễ hội chung của cư dân quần đảo Trobriand. Ông đã dành hẳn công trình tuyệt vời nhan đề Những người đua thuyền buồm Tây Thái Bình Dương để viết về đề tài này và đã nêu thành một mệnh đề quan trọng ít khi được những người khác nhận ra rằng “để nghĩ về điều gì thì cần phải có mặt tại chỗ”. Người cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Krakow này còn có giả thiết thứ hai vào thời đó được coi là rất mạnh bạo, cụ thể là: không có văn hóa cấp cao và văn hóa cấp thấp – chỉ có những nền văn hóa khác nhau, những nền văn hóa bằng cách riêng của mình thoả mãn những nhu cầu và những mong đợi của người thụ hưởng chúng. Đối với ông Malinowski, người khác, người thuộc nòi giống và nền văn hóa khác rõ ràng cũng là con người có cách xử sự giống như mỗi người chúng ta, đáng được hưởng sự tôn trọng, sự quý trọng vì những giá trị được thừa nhận, mang trong mình những truyền thống và phong tục đáng được phát huy.
Nếu như Malinowski bắt đầu công việc của mình vào thời điểm xã hội truyền thông đại chúng mới ở giai đoạn đầu hình thành thì ngày nay chúng ta sống trong thời đại chuyển từ cái xã hội thông tin đại chúng này sang xã hội mới – xã hội toàn cầu hóa. Có nhiều cái tạo điều kiện tốt cho nó – cuộc cách mạng điện tử, sự phát triển chưa từng có của thông tin liên lạc, sự dễ dàng đặc biệt trong việc thông tin và đi lại, rồi liên quan đến những cái đó là sự thay đổi về ý thức của thế hệ trẻ và những thay đổi trong nền văn hóa hiểu theo nghĩa rộng. Điều này làm thay đổi như thế nào mối quan hệ của chúng ta – những người thuộc một nền văn hóa – đối với những người thuộc một nền văn hóa khác? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Tôi – Người khác trong phạm vi nền văn hóa của tôi và bên ngoài nền văn hóa của tôi? Rất khó đưa ra câu trả lời đơn nghĩa và dứt khóat bởi lẽ đã xuất hiện và đang tiếp diễn một quá trình khiến chúng ta chìm sâu vào và không có khoảng cách để mà suy ngẫm.
Levinas đã cân nhắc mối quan hệ Tôi – Người khác trong phạm vi một nền văn minh thống nhất về mặt lịch sử và nòi giống. Malinowski nghiên cứu các bộ lạc Melanesia trong thời gian chúng vẫn giữ nguyên trạng thái nguyên thủy, không bị tác động của những ảnh hưởng về mặt công nghệ, tổ chức và thị trường phương Tây. Hiện nay điều này càng ngày càng ít có khả năng xảy ra. Văn hóa càng ngày càng mang tính pha trộn nhiều hơn và dễ thay đổi. Cách đây ít lâu tôi đã nhìn thấy ở Đubaj một cảnh tượng đáng ngạc nhiên. Trên bờ biển có một cô gái, chắc chắn là người theo đạo Hồi, đi dạo. Cô mặc một chiếc quần jeans bó sát người và chiếc áo blu mỏng cài kín đấn tận cổ, nhưng đầu lại trùm kín chiếc khăn đặc trưng của phụ nữ theo đạo Hồi, kín đến mức thậm chí đôi mắt cũng không nhìn thấy.
Hiện nay đã có cả những trường chuyên ngành triết học, nhân chủng học, phê bình văn học dành sự chú ý đặc biệt cho quá trình pha trộn, kết nối hay mở ra sự liên kết văn hóa. Quá trình này đặc biệt diễn ra ở những nơi mà biên giới quốc gia cũng là ranh giới của những nền văn hóa khác nhau (chẳng hạn như biên giới Hoa Kỳ – Mêhicô) hay trong những đô thị khổng lồ (như Sao Paulo, New York hay Singapur), nơi mà sự không thuần chủng của cư dân kéo theo sự khác biệt rất lớn về văn hóa và chủng tộc. Vả lại ngày nay chúng ta nói rằng thế giới trở nên đa văn hóa không chỉ vì số lượng các nền văn hóa và xã hội tăng hơn trước đây, mà bởi vì các xã hội hiện nay có điều kiện lên tiếng bằng giọng điệu đầy đủ, trọn vẹn vốn có của mình, các xã hội ngày càng trở nên độc lập hơn và có đủ quyền hạn hơn trong việc quyết định số phận chính mình, trong việc đòi hỏi sự chấp nhận, thừa nhận mình, đòi hỏi có vị trí xứng đáng bên cạnh cái bàn tròn dành cho sự hội tụ các dân tộc trên thế giới.
Nhưng thách thức thật sự của thời đại chúng ta, cuộc gặp gỡ với người khác, cũng xuất phát từ bối cảnh lịch sử sâu xa. Cụ thể là – nửa sau thế kỷ XX là khoảng thời gian trong đó hai phần ba nhân loại thoát khỏi sự phụ thuộc vào chủ nghĩa thực dân và trở thành công dân của các quốc gia ít nhất là độc lập về mặt hình thức. Dần dần con người ta bắt đầu tìm lại được quá khứ của chính mình thông qua những huyền thoại, những câu chuyện thần thoại, nguồn gốc và ý thức về bản sắc và tất nhiên họ cảm thấy tự hào về tất cả những điều nêu trên. Họ cũng bắt đầu ý thức rõ ràng hơn về bản thân, cảm thấy mình thật sự là chủ nhân, là người chèo lái con tàu số phận mình và họ nhìn với sự căm ghét tất cả những cố gắng coi họ là đối tượng, là vai phụ, là vật hy sinh và là kẻ thụ động, ai muốn làm gì thì làm.
Ngày nay hành tinh của chúng ta, cái hành tinh suốt bao thế kỷ là nơi sinh sống của nhóm nhỏ những người tự do và biết bao nhiêu người bị coi là nô lệ, đang được bổ sung bằng số lượng mỗi ngày một lớn hơn các dân tộc và xã hội cảm nhận mỗi ngày một đầy đủ hơn về bản thân, về giá trị riêng và vai trò, ý nghĩa của mình. Quá trình này thường diễn ra với những khó khăn, mâu thuẫn, bi kịch và mất mát lớn.
Cũng có thể chúng ta sẽ đi về phía cái thế giới hoàn toàn mới, hoàn toàn thay đổi đến mức những trải nghiệm lịch sử mà chúng ta có được cho đến nay cho thấy là chưa đủ để chúng ta hiểu được nó và chưa đủ để chúng ta có thể đi lại trong thế giới đó. Song nói gì thì nói cái thế giới mà chúng ta bước vào là hành tinh của một cơ hội vĩ đại, mặc dù không phải là hành tinh của một cơ hội vô điều kiện, ngược lại là hành tinh mở rộng cửa cho những người nghiêm túc coi trọng nhiệm vụ được giao phó và cũng chính bằng cách đó chứng minh cho mọi người thấy rằng mình nghiêm túc coi trọng bản thân mình. Đây là một thế giới một mặt chứa đựng rất nhiều tiềm năng nhưng mặt khác đòi hỏi rất cao, một thế giới mà bất cứ cố gắng đi đường tắt để tìm kiếm sự dễ dàng sẽ là con đường không dẫn đến thành công.
Trong thế giới đó chúng ta thường xuyên gặp gỡ với một người khác, một người bắt đầu xuất hiện từ từ giữa sự lộn xộn, giữa bão táp của thời hiện đại. Cũng rất có thể cái con người khác ấy sinh ra từ các cuộc gặp gỡ của hai dòng đối lưu tạo thành một nền văn hóa của thế giới hiện đại – từ trào lưu toàn cầu hóa thực tại chúng ta đang sống và từ trào lưu thứ hai mang đặc trưng gìn giữ sự khác biệt, sự khác nhau, sự không lặp lại mà chúng ta đang có. Con Người khác kia có thể là sản phẩm, là người thừa kế những khác biệt ấy. Chúng ta phải cùng anh ta tìm kiếm cuộc đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau. Kinh nghiệm sống qua nhiều năm tháng với những người khác ở xa mình đã dạy tôi rằng chỉ có tấm lòng đầy thiện chí dành cho người thứ hai mới là cái thái độ có thể làm rung lên trong anh ta cái dây đàn của tính người.
Vậy cái Con người khác trong thời đại mới này là ai? Cuộc gặp gỡ với anh ta sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ nói gì với nhau? Chúng ta sẽ chuyện trò với nhau bằng thứ ngôn ngữ nào? Liệu chúng ta có biết lắng nghe nhau không? Liệu chúng ta có hiểu được nhau không? Liệu chúng ta có muốn cùng nhau trích lời của Conrad mà nhiều người tâm đắc – là “làm theo cái phù hợp với năng lực cảm nhận về sự thích thú, ngạc nhiên, cảm nhận sự bí ẩn bao quanh cuộc sống chúng ta, phù hợp với sự nhậy cảm về lòng thương, về vẻ đẹp và nỗi đau, phù hợp với mối liên hệ bí hiểm giữa chúng ta và cả thế giới – và phù hợp với một niềm tin tinh tế nhưng không gì khuất phục được về sự đoàn kết, cái có đủ sức mạnh tập hợp vô số những trái tim con người cô đơn vào làm một, làm thành cộng đồng những người biết mơ ước, viết vui mừng, biết lo toan, biết vươn tới, biết hy vọng, có thể cũng biết hão huyền một chút, biết sợ hãi một chút, nhưng là cộng đồng kết nối con người với con người, liên kết toàn nhân loại – người đã mất với những người đang sống, người đang sống với những người chưa kịp sinh ra”.
RYSZARD KAPUSCINSKI
NGUYỄN CHÍ THUẬT dịch
(từ nguyên bản tiếng Ba Lan
Rút từ tập Các bài giảng ở Viên, Krakow 2006)
Nguồn: TCNV 03-2012.