Có những con người rất thành danh nhưng lúc sống bị xã hội rẻ rúng hoặc không rạng ngời bằng khi đã mất, lần dở lại những trang lòng khó hiểu mà thu hút của Bùi Giáng ta cũng nhận ra giá trị sâu thẳm đó ở ông. Bùi Giáng một nhà thơ lớn mang tâm hồn trong sáng muôn thu…

Thi sĩ Bùi Giáng – tranh của hoạ sĩ Đinh Cường

Thi sĩ Bùi Giáng – tranh của hoạ sĩ Đinh Cường

Kỷ niệm ngày mất nhà thơ Bùi Giáng 07.10.1998 – 2012

Tôi biết tên Bùi Giáng trước năm 1975 qua sách báo lúc đó ông ở Sài Gòn làm thơ viết văn. Thời đó tôi đang còn là một thiếu niên ham thích thơ văn nhưng chưa có trình độ am hiểu cõi lòng sâu thẳm Bùi Giáng bàn bạc trên các sạp báo hay trong các nhà sách. Thơ Bùi Giáng mang triết lý siêu nhiên, khó hiểu nên ngày trước không hấp dẫn lắm với tôi so với những nhà thơ đa tình lãng mạn khác có chất đau khổ, sầu muộn, rực lửa con tim…

Năm 1977, lên Tp Hồ Chí Minh tình cờ tôi gặp một ông lão “điên” mang mùng, mền, chiếu, gối… quì lạy bất tận trước cửa một tiệm sách (tôi không còn nhớ con đường nào). Thấy lạ tôi nhìn ông. Lúc đó ít ai chú ý đến thái độ của một người điên bên đường chỉ có tôi và một đứa bé trai độ mười tuổi đứng lại nhìn. Đứa bé tỏ ra thân thiện với tôi như những kẻ quen nhau từ kiếp nào, không cần tôi hỏi nó nói: “Ông Bùi Giáng đó, viết sách nhiều lắm, bị người ta đốt hết nên khùng!”. Tôi hỏi: “Ông Bùi Giáng sao?”. Ông ngưng không lạy nữa, quay lên nhìn tôi với ánh mắt rất sắc. Chỉ một chốc thôi rồi ông tiếp tục lạy, tôi có cảm giác ông giả điên ngay từ hôm gặp đó nhưng những năm tháng ấy cuộc sống mọi người còn nhiều khó khăn phải biết lo toan và nỗ lực đóng góp tâm sức cho xã hội mưu cầu đất nước phát triển về kinh tế nên đầu óc mọi người ít chú trọng đến văn chương cũng như các nhân vật có tiếng trong nền văn học nước nhà. Tôi bỏ đi song suy nghĩ số kiếp “nhà thơ điên” phải về đâu khi cuộc đời ông còn nhiều duyên nợ với thơ văn, với trần ai khổ lụy?

Năm 1998, đọc một số báo thấy người ta viết về Bùi Giáng, phần lớn ca ngợi ông là một nhà thơ “kỳ vĩ xuất chúng” lúc ông vừa qua đời. Tôi trở nên chú tâm đến ông hơn nên say mê đọc các tài liệu ấy. Có một tác giả trên báo Tuổi Trẻ nói đến mối liên quan giữa nhà thơ với một nữ kịch sĩ lừng danh trên đất Sài thành trước và sau giải phóng suốt mấy chục năm, tác giả cho biết: mỗi ngày nhà thơ Bùi Giáng đi ngang nhà nữ nghệ sĩ tài hoa ấy quăng vào cửa sổ một bài thơ tình tự viết, khi ông qua đời bà ấy gom lại rất nhiều! Và thời gian Bùi Giáng “điên”, mỗi lần nằm giữa đường gây ách tắc giao thông bị công an bắt phạt ông đều nhờ người gọi bà ấy đến lãnh và cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy! Cho đến ngày gần đất xa trời, Bùi Giáng mới thú thật với nữ nghệ sĩ là ông chỉ giả vờ chớ không điên thật!

Đưa tiễn “nhà thơ điên xuất chúng” đến nơi an nghỉ cuối cùng, “người yêu trong mộng” của Bùi Giáng đọc một bài cảm tưởng có đoạn: “Kính thưa anh Bùi Giáng, dù nghèo hay giàu, dù già hay trẻ, dù điên hay tỉnh… chúng ta ai cũng có quyền ôm ấp vào lòng một tình yêu để sống!…”. Câu cảm tưởng của bà cũng mang đậm triết lý sống sâu sắc đồng cảm như Bùi Giáng khi nhìn về thân phận con người, về kiếp sống trầm luân vui buồn sướng khổ bằng một nghĩa cử sẻ chia, san bằng tầng nấc giữa giai cấp và số phận…

Sau mười bốn năm Bùi Giáng vĩnh viễn ra đi, bây giờ người ta nhắc nhiều và tha thiết với thơ ông. Bùi Giáng hấp thụ triết lý thanh cao tuyệt diệu của Phật giáo, ông viết trong nguồn cảm hứng siêu thoát. Dù đương đầu với bao nghịch cảnh chua chát đắng cay thế nào tâm tư nhà thơ vẫn lạc quan lắm lúc tới mức bỡn cợt đùa nghịch với nhân gian, xem biển khổ không là miên viễn, trần ai là một trận địa vui, xong đường ai nấy về!

Một vài đoạn thơ Bùi Giáng dễ làm tôi nhớ nhất như:

“Em về mấy thế kỷ sau.

Nhìn trăng còn thấy nguyên màu ấy không?…”

***

“Hãy mang tôi tới bất ngờ,

Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên…”

***

“Ông vua kỳ vĩ thập thành,

Vi vu quá độ nên thành ra điên…”

***

“Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu,

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa…

Hỏi người quê ở nơi đâu?

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà!”

***

“Anh thương em như thương một bà trời

Em thương anh như thương hại một ông trời bơ vơ!”

***

“Tuổi thơ em có buồn nhiều

Thì xin cứ để bóng chiều đi qua!”

***

“Còn hai con mắt khóc người một con”

***

“Trước khi về chín suối

Em xin gởi đá vàng

Của trăm năm buồn tủi

Về trở lại nhân gian…”

***

Có những con người rất thành danh nhưng lúc sống bị xã hội rẻ rúng hoặc không rạng ngời bằng khi đã mất, lần dở lại những trang lòng khó hiểu mà thu hút của Bùi Giáng ta cũng nhận ra giá trị sâu thẳm đó ở ông.

Bùi Giáng một nhà thơ lớn mang tâm hồn trong sáng muôn thu mà có một lần tôi may mắn gặp nhưng lại lạnh lùng đi lướt qua ông.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Exit mobile version