Trong chuyến đi Huế dự lễ kỷ niệm ba mươi năm Tạp Chí Sông Hương vừa rồi, tôi được Tổng Biên Tập Hồ Đăng Thanh Ngọc ghé tai thông báo: “Chị cứ đi chơi Sông Hương và thăm quan quanh cố đô Huế những chỗ chưa biết, nhưng đừng nên khám phá hết để còn có cái thôi thúc mình lần sau vô  Huế mà khám phá tiếp  nữa. Nhưng dù đi đâu các anh chị cũng đừng quên đến thăm Gác Trịnh mới khánh thành nhé, hay lắm đấy, dù bận mấy  cũng nên tranh thủ ghé thăm Gác Trịnh dù là vài phút ”.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – TBT Tạp chí Sông Hương – giới thiệu về Gác Trịnh

Tôi là người luôn ái mộ cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và bao năm luôn mê mẩn với các ca khúc nhạc Trịnh, nghe nói vậy thì sướng quá rồi. Thật may mắn vì chúng tôi lại cùng đi với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, người nhạc sỹ bao năm nặng lòng với Huế và có nhiều kỷ niệm gắn bó với cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Thế là anh hào hứng  đưa  chúng tôi đến thăm Gác Trịnh” ngay lập tức. Cùng đi với chúng tôi có nhà thơ trẻ Vũ Thiên Kiều đến từ Kiên Giang và một nhà thơ trẻ đến từ Ninh Thuận. Chúng tôi háo hức cùng nhau đi đến con phố có hai hàng long não cổ thụ tỏa rợp bóng mát với tán lá xanh mỡ màng, ấy là con phố mang tên Nguyễn Trường Tộ của thành phố Huế và dừng lại ở căn nhà 11/3 ở địa chỉ 203/19 .

Tôi thực sự xúc động bởi khi quan sát căn “Gác Trịnh” nẳm ở tầng hai  vẫn như còn đủ đầy cái  dáng dấp của một thuở nghèo nàn gắn với người nghệ sỹ tài hoa  khi xưa mà những tình khúc bất hủ của ông luôn làm say đắm lòng người. Bây giờ “Gác Trịnh” đã trở thành nơi lưu giữ một vài kỷ vật và là một không gian văn hóa nho nhỏ để trưng bày một số bức tranh, ảnh kỷ niệm về ông và là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sỹ và bạn bè yêu mến và luôn ngưỡng mộ nhạc Trịnh.

Chúng tôi cùng những người bạn thơ đang lặng lẽ quan sát và cùng nhau chụp một vài bức hình lưu niệm tại nơi đây. Bên tai tôi bất chợt hiện lên những giai điệu âm nhạc trữ tình đầy triết lý về cuộc đời và như đâu đây vẫn còn lãng đãng khói sương của “Một cõi đi về”:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về…”( Một cõi đi về)


Vẫn còn nguyên chiếc ghế gỗ mun cũ kỹ, chiếc ghế gắn liền với những kỷ niệm của Trịnh Công Sơn cùng với những người bạn là họa sỹ Bửu Chí và Đình Cường mà họ từng ngồi vẽ tranh chung. Bên cạnh là chiếc đàn ghi ta, hình ảnh của người nghệ sỹ lang thang. Không gian Gác Trịnh, nơi mà trước kia người nhạc sỹ đa tình Trịnh Công Sơn thường ngồi uống cà phê hay ngồi nhâm nhi từng li rượu cùng bạn bè và thả tầm mắt để trông ngóng xuống con đường bốn mùa đầy mưa nắng:

“Gọi nắng
Cho cơn mưa chiều
Nhiều hoa nắng bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say…”( bài Hạ Trắng)


Trong các ca khúc của ông, ta vẫn thấy hiện lên mơ hồ về hình ảnh một tà áo dài trắng thiếu nữ tự thuở xa xưa với “ Đóa hoa hồng cài lên tóc mây” hàng ngày đi học về qua cầu Phú Cam và  nỗi đợi chờ của chàng  nhạc sỹ  Trịnh thời trai trẻ vẫn còn tha thiết cho đến khi “Trời ươm nắng cho mây hồng” chăng?

Ngồi nơi Gác Trịnh để nhìn xuống đường thật thú vị. Dẫu dòng người có tất tả ngược xuôi hay lặng lẽ qua lại ở bên dưới thì nhịp sống nơi đây vẫn lãng mạn bởi con đường in đầy bóng lá và màu xanh nõn nà của loài cây Long Não vẫn ánh lên những đốm nắng . Trong cõi dịu dàng và trầm tư ấy, chắc hẳn là nơi khơi nguồn để Trịnh Công Sơn viết nên nhiều ca khúc để đời về tình yêu và cuộc sống, về cõi người trầm luân với cả niềm hạnh phúc lẫn khổ đau.

“Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi…”- ( Đêm thấy ta là thác đổ)


Tình yêu quê hương đất nước trong nhiều ca khúc của ông luôn gắn liền từ nơi đây với những nỗi niềm dân tộc người Việt da vàng và ngay cả từ thân phận của những con người bình dị nhất với cả sự hạnh phúc hay vô vọng. Dù có thế nào, nơi đây cũng luôn ngời lên thứ ánh sáng tuyệt diệu:

“Lung linh nắng thủy tinh vàng
Chợt buồn, hồn dâng mênh mang
Chiều đã đi vào vườn mắt ai?”  ( bài Nắng thủy tinh)


Huế là nơi quê hương sông nước hữu tình đầy sự ngọt ngào, sâu lắng mà ông thường đi về sau những ngày tháng “ Ở Trọ” nơi thành phố phương Nam. Ông là người nghệ sỹ nghèo những có tâm hồn vô cùng rộng mở và bao dung. Chúng ta không thể quên những ca từ hết sức độc đáo và những giai điệu với vẻ đẹp lãng đãng mà da diết trong âm nhạc của ông. Ngôn từ trong thơ của ông cũng khá đặc biệt, phong phú và mang đậm sắc thái triết lý trước vũ trụ. Sự tinh tế và óc tài hoa ấy của nhạc Trịnh luôn được trải dài và ngân rung trong muôn giai điệu trữ tình và không giống với bất cứ ai. Những ca từ trong các ca khúc của ông còn mang đậm màu sắc Phật Giáo và tâm linh có lẽ cũng được khởi nguồn từ vùng đất Huế linh thiêng. Ông hay nói về kiếp người, dẫu cho sự sống và cái chết là những điều rất mong manh:

“Sống chết có mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non”

Ngay cả trong sự lãng mạn và mê đắm giữa cõi thực và cõi mơ, Trịnh Công Sơn cũng luôn phải lang thang và lăn lóc trong cõi người và cõi đời dằng dặc đầy thăng trầm:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi mệt nhoài…”


Ông đã  thổi hồn vào từng ca khúc với những ngôn từ đẹp và lãng đãng và bất cứ ở đâu, ngay khi bắt gặp  những con người cần lao trong thơ và nhạc của ông, ta cũng thấy lấp lánh một vẻ đẹp u  buồn:

“Người phu quét lá bên đường
Quét cả nắng  hồng, quét hạ buồn tênh…” ( Góp lá mùa xuân)


Có lẽ thế mà trong nhiều ca khúc của ông, chúng  ta luôn thấy hình ảnh lãng đãng của sông nước, sự huyền bí của cỏ cây, sự vô thường của hoa lá. Ngay tại con phố của “Gác Trịnh” bây giờ ta vẫn hình dung đâu đó có thấp thoáng bóng dáng tà áo dài của cô nữ sinh Đồng Khánh trong “Diễm Xưa” năm nào với “đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”của ông.  

“Trên bước chân em
Âm thầm lá đổ
Chợt nghe rét buốt
Cho mình xót xa…”


Thơ và nhạc của Trịnh Công Sơn đầy tính triết lý giữa muôn vàn những cặp phạm trù đối nghịch. Ấy là: vui và buồn, yêu thương và tuyệt vọng, sự sống và cái chết, hạnh phúc và đau khổ,  gần và xa, nhớ và quên, vơi và đầy, đi và về…như sự xoay vần bốn mùa của vũ trụ:

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng…”( Một cõi đi về)


Sự trăn trở vui buồn, những nốt nhạc muôn thuở của cõi người còn là những phút bất ngờ đầy ảo ảnh và huyền diệu nhất của tình yêu:

“Tình ngỡ đã phôi pha
Nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã xa xăm
Bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng
Xóa một ngày đìu hiu…”


Có lẽ ở nơi này, vùng đất cố đô Huế với những lăng tẩm Vua chúa và ngôi Chùa Thiên Mụ nổi tiếng với bao địa danh Xứ Huế đã đi vào trong thơ và thấm đẫm trong từng giai điệu nhạc Trịnh. Khi ông viết những ca khúc da diết và u buồn về thân phận con người và đến nay ai cũng có thể hát lên đôi câu nào đó và trở thành những tác phẩm để đời trong lòng công chúng.

Mưa vẫn bay bay trên tầng tháp cổ
Dài theo em mãi khóe mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”


Tình yêu con người và thiên nhiên hòa quện nhuần nhuyễn trong thơ và nhạc Trịnh Công Sơn với những chất chứa mong manh, ngay cả khi “Ta mang cho em một đóa quỳnh”. Ông đã để cho đêm nở ra và khép lại những đóa đời trắng ngần và thanh khiết dưới  ánh trăng:

“Đêm, này đêm
Buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng
Vừa khép những đóa mong manh” -( Bài Quỳnh  Hương)


Hình ảnh những người con gái hay những người phụ nữ trong thơ và nhạc Trịnh luôn được ông nâng niu và trân trọng với lòng ngưỡng mộ thật đẹp và vô cùng ám ảnh:

“Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi…”- Bài Như cánh vạc bay)


Và khi mùa về, lời ru tình ngọt ngào vẫn say đắm để người nghệ sỹ  “Xin mãi ăn năn mà thôi”:

“Thôi ngủ đi em
Anh ru em ngủ
Tay em kết nụ
Ru trọn một đời
Ru một đời người
( bài “Ru em từng ngón xuân nồng)

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã mất từ năm 2011, đến nay đã trôi qua 12 năm, một vòng thời gian khá dài  mà ta tưởng như vừa mới hôm nào. Lời nhắn nhủ của người nghệ sỹ tài hoa như vẫn còn bàng bạc quanh ta một nét thiền nào đó bên sự linh thiêng của sông Hương núi Ngự:

“Cuộc đời đó
Có bao lâu
Mà hững hờ..”


Đó là sự dịu dàng và trầm tư, thanh thoát mà lãng mạn của những giai điệu nhạc Trịnh mang đậm nét văn hóa Huế. Ông  mãi là niềm tự hào của Xứ Huế về nơi cội nguồn đã sinh ra một con người tài hoa . Trịnh Công Sơn  một người con của Xứ Huế đa tình và mộng mơ, phiêu du và lãng tử, một nhà thơ và nhạc sỹ tên tuổi  mà Xứ Huế luôn mãi tự hào.

Trịnh Công Sơn từng có một thời tuổi thanh xuân gắn bó nơi đây với dòng chảy của nét văn hóa sông Hương thơ mộng. Vẻ đẹp ấy còn trở nên linh thiêng trước những lăng tẩm rêu phong, những thành quách trầm mặc của cố đô Huế. Những nét văn hóa làng quê nơi Ngự Bình, Kim Long, thôn Vỹ…, nơi mà dòng chảy sông Hương được giao hòa và đan xen với nét văn hóa cung đình để tạo nên những trầm tích văn hóa của Huế xưa.

Thăm Gác Trịnh, nhớ về một con người tài hoa để thêm yêu đời, yêu người và để thấy cuộc đời đáng sống hơn:

“Hãy ru nhau trên những lời gió mới
Hãy yêu nhau đi cho gạch đá có tin vui
Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
Dù mai nơi này người có xa người…” ( bài Hãy yêu nhau đi)


“Gác Trịnh”, bây giờ không chỉ là nơi lưu giữ những hình ảnh và những kỷ vật lưu niệm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi xưa  mà nó đã trở thành ngôi nhà ấm cúng để gặp gỡ, giao lưu của giới văn nghệ sỹ và những người yêu nghệ thuật, yêu văn chương, thi ca, nhạc họa và những ước mơ, những kỷ niệm gắn liền với tình yêu nhạc Trịnh. Gác Trịnh luôn gợi nhớ về ngôi nhà của người nghệ sỹ tài hoa với một thời tuổi trẻ và những khát khao với đam mê và sáng tạo không ngừng của một người con xứ Huế.

(Kỷ niệm Gác Trịnh và Huế tháng 6/2013)
P.T.P.

Nguồn: TCSH