Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh.
Gồm các truyện sau:
1. Đàn bà
2. Đứa bỏ làng
3. Gã nhà quê
Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ các tối thứ Tư, Năm, Sáu trong tuần.
NHÀ VĂN TỪ NGUYÊN TĨNH
Quê quán: Bàn Thạch, Xuân Quang, Thọ Xuân, Thanh Hóa
Ông tham gia quân đội từ năm 1965 -1975
Năm 1967, tại khẩu đội 5 trận địa đồi C4 Hàm Rồng anh hùng, pháo thủ Lê Văn Tĩnh nay là nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã tận mắt chứng kiến đồng đội của mình gục trên mâm pháo vẫn không rời vị trí chiến đấu.
Anh đã viết lên bờ công sự khẩu đội 5 câu khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục”.
Với khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục”, góp phần cho bộ đội ta chiến đấu hết mình, bảo vệ thành công cầu Hàm Rồng, vị trí huyết mạch nối 2 miền Nam – Bắc.
Sau đó ông Học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội
Ông là hội viên sáng lập Hội văn nghệ Thanh Hóa 6/1974
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội Viên Hội Nhà báo Việt Nam
Ông từng là Phó chủ tịch, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã xuất bản 30 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, kí sự và thơ
* Giải thưởng văn học
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.
Giải thưởng Hội Nhà văn VN tập truyện ngắn Mối tình chàng Lung mù
Trường ca Hàm Rồng giải của HLHVHNTVN
Tặng thưởng tiểu thuyết Cõi Người, cuộc thi tiểu thuyết 2004 – 2006, Hội Nhà văn Việt Nam…
Giải nhì truyện ngắn Mẹ (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Sông Hương năm 1993
Gần 20 giải A và B của tỉnh Thanh Hóa cho các tác phẩm của nhà văn.
Và nhiều giải thưởng khác.
Nghĩ về nghề: Đến với Văn Chương có nhiều con đường khác nhau, Văn Chương cũng khác nhau như mỗi cuộc đời. Cái Tính và Cái Nết làm nên giọng nói, học hành cùng cảnh ngộ tạo nên nông sâu làm người đọc nhận ra giọng điệu – Cá tính Nhà văn.
Nhà Văn được cuộc đời rủ rê, xô đẩy và mê hoặc để cầm bút. Cầm bút rồi lại muốn đời mê văn mình… Cái được mất, còn lại là “số phận” nhà văn.
Người để lại cho tôi nhiều ấn tượng mà mỗi khi nhớ đến là cứ muốn cầm bút, viết một cái gì đấy là lão Cao, làm nghề chăn vịt. Suốt từ thời thơ ấu đến khi rời làng ra đi, lão luôn gần gũi tụi tôi. Lão là một người lạ hoắc thu hút bọn trẻ chăn trâu chúng tôi bằng đủ thứ chuyện. Người đời bảo lão ác, nhưng tụi tôi lại yêu quý lão. Có lão chúng tôi rất sợ, tưởng chừng mọi chuyện quỷ quái nào lão cũng biết tuốt. Lão tọc mạch từ chuyện ăn cắp vặt của cán bộ, đến chuyện bóp vú đàn bà của họ. Nhưng lão lại hiền từ tới mức mỗi đứa trẻ “môn đệ” của lão được một quả trứng vịt. Thử tưởng tượng xem, cái thời đói khát lúc đó được chén một quả trứng vịt là sướng run lên.
Người ta sợ lão một lý nữa, lão chỉ còn một con mắt, nhưng lại tinh hơn tất cả mọi con mắt của người đời gộp lại. Con mắt hỏng chẳng thèm nhìn ai hết nhưng cứ như bắn vào người ta, có sức ma lực làm cho người khác phải chờn – Lão chột đấy, nhưng biết khối chuyện và kể chuyện lại hay đáo để.
Lúc ngật ngưỡng cút rượu ở lều vịt, lão chỉ vào một vì sao nào đó, nhấp nháy trên trời là có thể thành một câu chuyện hay vãi đái – như lời lão vẫn hay tự phụ khi gọi chúng tôi:
– Bọn con nít! Lại đây tao nói cho nghe chuyện này, hay lắm… hay vãi đái ra…
Lão nói thật đấy, lão chỉ cho một vũng nước có cá. Thế là cả lũ tụt ngay áo xống xuống, dùng nón mê mà tát ì òm suốt ngày, lúc mặt trời lặn cũng chia nhau mỗi đứa một xâu cá dài hí hửng lùa trâu ra về. Lão bấm vào tay tôi bảo ở lại.
Lão lùa đàn vịt đến cho ăn bữa chiều. Con mắt độc nhỡn lướt trên những chú vịt có bộ lông xốp có vẻ hài lòng. Lão giơ sào lùa chúng vào một cồn nổi có chiếc lều nhỏ dùng làm đại bản doanh, như một vị tướng hét toáng lên:
– Các! Cạc! Cạc!… Lão tung tay không nhưng tụi vịt ăn no chán tôm tép và quáng mắt nên cứ rúc xuống cỏ, cuộn tròn lấy một đám, réo lên nghe thật vui tai: – Quác… cắc… Quạc!
Tôi như bị ma ám theo lão ra cái vũng vừa mới tát.
– Trổ nước bắt cá về kho tương cháu ạ! – Nói chưa xong lão đã ném tung chiếc quần nâu vá chằng vá đụp vào bờ. Nồng nỗng lội ùm xuống hộc đấu, những hộc này vốn do lấy đất đắp đê mà thành. Lão dúi vào tay tôi quả trứng vịt nướng được bọc bằng đất sét – ăn đi không đói.
Tiếng nước réo rì rồ nghe đến vui tai – Đã thấy lũ cá phơi lưng ra. Tôi và lão hớt vào đầy giỏ. Còn lại những chú tôm nhẩy tanh tách lão bảo để sáng mai điểm tâm cho đàn vịt.
Lão chia làm hai, cho tôi phần nhiều, còn lấy phần ít. Lão vỗ vào bờ vai đen cháy của tôi – cháu đem cá về cho thím nhé.
Tôi mệt lử theo lão lên bờ sông Đào. Thật sợ hãi khi trời đã nhập nhoạng mà phải bơi qua con sông rộng hơn trăm mét. Nhưng biết làm sao được, tụi bạn đi theo đường thẳng qua cầu. Bơi qua sông mới đón đầu được chúng. Biết tôi sợ ma, thuồng luồng kéo chân do ám ảnh bởi chuyện lão kể, lão cười khà khà:
– Chú đứng trên bờ này hô liên tục, cháu cứ thế mà bơi, đừng vì sợ mà bỏ mất xâu cá nghe chưa!…
– Tiến!… Tiến!… Tiến!… Tôi mệt nhoài thoát chết, nhưng lão cũng khát cổ vì đứng trên bờ giơ cao lá cờ chăn vịt hô tiến.
Tụi trẻ chúng tôi sợ cán bộ tét roi vào đít do để trâu bò ăn lúa ít hơn sợ lão. Bao giờ lão cũng nghĩ ra một điều gì cho chúng tôi nghịch ngợm, giúp chúng tôi bí bách trong đánh nhau cùng trẻ chăn bò làng khác. Nhưng có lẽ sự cuốn hút tụi tôi là hàng trăm con vịt cứ sáng ra đẻ hàng thúng trứng trắng lốp. Túp lều nằm trên cồn đầy mả, chỉ mình lão như một anh hùng.
Thật ra chuyện riêng về đời lão, mãi trước đêm rời làng vào bộ đội mới được nghe, nhưng con người lão đã thu hút bọn trẻ chúng tôi từ thời chăn bò.
– Này bay… Gã nhà quê này kể cho nghe chuyện hay lắm… vãi đái ra cho mà xem! – Gã cười, quệt ống tay áo bông cáu bẩn lên mặt.
… Thời ấy, dân mình ngu hơn bây giờ. Chỉ biết nai lưng ra làm cho bọn chánh, lý hào mục hưởng. Ruộng đất vốn thế nhưng một sào ruộng được ba bốn chục cân thóc. Quanh năm đói kém. Thèm ăn đến cả củ khoai củ sắn. Một năm may ra được nhìn thấy miếng thịt một lần. Tôm cá đầy đồng nhưng không được đánh bắt. Con người, không bằng con chó của nhà giàu. Nằm ngủ quanh năm không màn, chăn. Rét mướt thì có ổ rơm. Không có tấm khố lành lặn, chấy rận phải dùng răng mà nhằn.
Lão Cao muốn ngóc đầu dậy, nhưng bọn chánh hào, lý, mục… đâu có chịu. Khốn nạn cho thân thằng Cao, không có miếng đất cắm dùi, đi ở cho nhà chánh Thành lại dòm dỏ con gái nhà mụ Liên. Có ai thừa của để chúng nên vợ nên chồng. Chánh Thành sai bọn trương Luận: “Chúng mày phải cùng thằng Thành trị cho thằng Cao thân tàn ma dại, mà có đánh chết cũng được. Ai cần lũ khố rách áo ôm ấy”.
Chúng phục sẵn ở gốc cây sung già đầu chùa Con Tran, chờ lúc Cao đến gặp Liên hô hoán ầm lên:
– Ối… làng nước ôi! Kẻ trộm ăn trộm khoai của làng ta!
Gậy tre nhằm vào Cao mà phang cho đến gục đổ như cây chuối bị bão. Chánh Thành bắt bốn thằng trương tuần giữ tay và chân cho thằng Thành cưỡi lên con Liên trước xác thằng Cao.
Sáng ra, chánh Thành làm lễ cưới cho thằng Thành. Đám cưới về sau không ai làm to bằng. Có cả quan huyện xuống ăn cỗ. Còn Cao được cô Nuôi, người tàn tật không đi được chỉ lết từng bước, nhặt về thuốc thang, và họ ăn ở với nhau nên vợ nên chồng.
Những đêm trăng, bao giờ Cao cũng đến gốc cây sung ngửng mặt lên nhìn những vì sao mà than:
– Đời hỡi đời! Có số phận nào tốt đẹp cho người nghèo được mở mày mở mặt ra không?
Một đêm, Cao ngủ quên ngay gốc sung thì có người đánh thức dậy, ghé vào tai Cao thì thầm “Cứ thế… cứ thế… mà làm”. Sáng ra Cao đến nhà chánh Trương thật sớm. Cha con lão đang ngồi bên bàn uống trà tàu. Lão bố quát:
– Đỏ Cao mày đến làm gì sớm?
– Dạ thưa ông, con muốn đến hầu chuyện ông ạ!
– Nói đi, tao nghe xem có lọt tai không nào!
– Thưa, ông không còn lạ gì thân con. Mối thù của con cùng cha con chánh Thành. Con muốn làm nô lệ cho ông, đào ao thả cá, giàu có bạc vàng, mà trị cha con nhà chánh Thành ạ!
– Là thế nào? – Nói rõ tao nghe.
– Người ta vẫn nói: “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”.
Bây giờ ruộng vườn ông thiếu chi, ý con muốn ông nên đào một ao lớn vài chục mẫu mà nuôi cá quanh năm. Cái lợi không biết đâu mà kể. Máu địa chủ ham giàu bốc lên, lão chánh Trương vỗ đùi khen phải. Lại được thằng con đã được Cao nhiều lần giúp sức đánh bọn Ba làng nên việc coi như xong.
Cao hăng hái cùng lũ cùng đinh ra nhổ lúa đào ao. Đào ròng rã một năm trời, một hồ cá rộng mênh mông ra đời. Nước mưa, phân chảy ráo xuống hồ nên cá của lão Trương rất chóng lớn. Cá béo đến nỗi biếu quan huyện ngài cứ tấm tắc khen và thưởng cho sáng kiến làm lợi kinh tế và dân trí của lão Trương. Vì dân mấy làng chưa bao giờ được tắm táp thoải mái như vậy.
Sáu làng còn lại Cao cũng đến khích vào đầu óc hiếu thắng và hám lợi nên thi nhau đào ao. Thế là một đồng lúa mênh mông ba bốn chục mẫu ruộng thành ao hồ liền nhau.
Lão Cao không mất gì nhưng có nơi mà chăn vịt. Nhìn đàn vịt của lão bay kín cả mặt nước bọn chức dịch tức lắm, bàn nhau phải bắt Cao nộp thuế. Thế còn chưa đủ, chúng bắt từ trai gái già cả, trẻ con trong làng phải nộp thuế ra hồ để tắm. Dân căm thù lắm nhưng đành thở dài mà chịu đựng.
Cao không ngủ được vì hàng năm phải chọn vịt béo nộp cho bọn hương lý của sáu làng để nuôi nhờ hồ nước. Như có trời xui, Cao nghĩ ra được mẹo. Xui cho bọn trai tráng các làng đến kỳ mưa bão, bơi ra các bờ ao dùng que mà bới cho không còn ranh giới nữa.
Thật lạ lùng, một sáng cả làng mở mắt ra ao rửa ráy đã thấy mênh mông không còn bờ nhỏ như con trạch ở đâu. Bảy thằng lý trưởng của bảy làng không thằng nào chịu nhau về ranh giới địa phận. Mà lúc đào thì dễ, lúc đắp con trạch đào đâu ra đất. Thôi thì mạnh cánh nào cánh ấy ra mà quét cá, tranh phần.
Bảy làng đánh nhau chí tử – chúng cho tay chân đến ỉa đầy cổng nhà hào mục. Tình hình náo loạn kéo dài một năm, quan huyện mới thị sát truyền rằng: – Tất cả không được để hồ ao cho cá nhân, giao về cho hàng xã quản lý. Hàng năm đánh bắt chia cho các làng. Nhưng bù lại phải nộp trả lại cho quan và xã bằng lúa.
Bọn hương lý, kỳ hào lạ gì lòng tham của quan lớn – cái cảnh cha chung không ai khóc lấy ai ra mà lo. Chỉ khổ mấy thằng đầu sai mà thôi.
Người ta nhớ đến cái tội đi vận động đào ao của lão Cao nên lập một án là đuổi cổ khỏi làng đi đâu thì đi. Hễ mò mặt về làng là mọi người có quyền đánh, dù chết cũng phải chịu.
Nói vậy thôi nhưng dân đen có ai đụng đến, chỉ bọn chức sắc là đầy lòng thù oán cũng do cái tham bị chạm đến.
Nhưng cũng tại cái số lão Cao phải bỏ làng ra đi. Bởi trong lòng lão đam mê Liên đến không ăn không ngủ được. Đến nhà lão không dám. Gặp nhau bất chợt trên đường đến chào hỏi cũng không được huống chi cầm tay, nói chuyện.
Chiều về mệt mỏi đến chết người, lão cởi trần mặc chiếc quần đùi vá chằng vá đụp ra hồ tắm. Lão cố trương mắt nhìn sang bên kia hồ. Dù xa đến hút mắt lão vẫn nhận ra người con gái trắng mẩng đang khỏa nước dưới hồ. Làm sao được, trận đòn ngày xưa lúc trở trời vẫn làm lão đau ê ẩm. Nhưng trái tim không tha cho lão niềm đam mê. Lão nhìn đăm đăm vào thân thể trắng toát mà mỗi lần động nước đang lan sang lão. Ước gì ta được ôm thân thể Liên nhỉ? Lão hít thật căng lồng ngực và nhằm về phía bên kia bờ mà lặn sang.
Có lúc mệt quá lão định ngoi lên để thở nhưng lại sợ lộ. Cao cố thêm từng giây. Từng giây. Đây rồi, mở mắt ra nhìn thấy cơ thể của nàng nồng nỗng vàng chóe dưới nước. Nhưng cốt nhất đừng làm cho nàng sợ. Cao ngoi lên từ phía sau nàng, khẽ nói:
– Liên đừng sợ nhé!
– Ôi trời ơi! Anh Cao…
– Tôi xin em! Mai tôi đã bỏ làng này rồi. Liên cho tôi gặp lần cuối cùng!…
Liên đổ vào hai cánh tay Cao. Nước trong hồ cũng rùng mình đón những giọt nước mắt của họ đang tan ra.
– Đừng… Nó đánh chết anh mất!
– Có chết cũng được… Vì đằng nào anh cũng phải chết mà em!
Tiếng la lối ở trên bờ. Liên đẩy Cao ra nói hổn hển:
– Anh chạy đi mau lên nào!
Tiếng mõ khua liên hồi từ trong điếm nổi lên. Tiếng lội ào ào xuống hồ mở cuộc càn quét. Cao nổi lên nơi một bờ dứa cạnh hồ, nhưng bị bọn dân vệ đổ xô ra tóm được. Cha con lão chánh Thành gào lên:
– Bắt sống lấy nó!
– Trói, gô cổ nó vào trong đình kia cho tao.
Cả làng xã nổi mõ trống lên như động rồ. Tất cả dân hàng xã được lùa đến đình. Người hiếu kỳ đã đành, kẻ sợ đòn roi và sợ máu không muốn nhìn cũng không thoát.
Chánh Thành, lúc này thế lực lớn nhất xã vì giàu có, lại được huyện cho cai quản hồ cá nên có coi ai ra gì. Nó thét lác:
– Phải xử chém vì tội hiếp dâm gái đã có chồng!
– Không được phải xẻo buồi nó đi cho hết gây ra cái tội đéo rông! – Nói rồi thằng Thành vớ lấy con dao nhọn chọc vào một mắt Cao. Cả con mắt phụt máu vào người làm nó rú lên ôm lấy mặt, đánh rơi con dao. Bọn đàn em hồn xiêu phách lạc không dám cầm dao để cắt buồi của Cao. Thành ra Cao còn có cái để mà vui. Với lại bọn quan làng động lòng thù địch với cha con lão chánh Thành nên mới truyền:
– Mất một mắt là được rồi!
– Cút mẹ cái thằng hiếp vợ người ta ban ngày ban mặt đi!
Cao được người vợ tật nguyền chữa chạy cho khỏi bệnh. Từ đó, chỉ có độc một con mắt. Một hố còn lại luôn nhìn đời một cách ngạo mạn. Hễ ai nhìn thấy con mắt ấy là y như giật mình, phải ngoảnh đi nơi khác.
Cao ra đám cồn hoang cắm lều chăn vịt. Người làng chỉ nhớ đến Cao mỗi khi có việc gì khó nhọc. Bọn quan lại cố đặt điều kể về chiếc hồ rộng ba mươi sáu mẫu do trời sinh ra. Nhưng dân làng biết rất rõ, cái hồ ấy là cái hồ lão Cao… cái hồ ấy mang tên lão Cao như một danh nhân.
*
Đến dạo cải cách người ta tìm người khổ nhất để về làm chủ tịch xã. Những người khổ nhất, tố nhiều nhưng đội chưa ưng. Mãi sau người ta mới à lên, nhớ đến lão Cao nơi cồn vịt là xứng đáng làm chủ tịch. Nhưng có kẻ lại đặt điều. Dù sao lão cũng đã ngủ với vợ địa chủ ở dưới hồ nước. Mới lại lão có độc một con mắt thôi, làm sao nhìn thấu đáo được công việc. Nhưng người ta cũng thừa nhận, lão là người bị ăn đòn roi của địa chủ nhiều nhất. Lão có công xui cho lũ địa chủ đào hồ cá để dân làng có lúc đói ăn trộm được con cua con tép mà lót dạ. Người ta công nhận lão trung thực vì lão đã tố đứa nào đâu mà tội của chúng ai cũng biết.
Thế là một đồn lên mười, mười khuếch lên trăm, rằng lão Cao sắp làm chủ tịch đến nơi rồi. Kẻ nịnh nọt đến cầu lợi, kẻ có dính tội ác muốn được tha thứ đều tìm đến gian lều của lão. Từ lúc mờ sáng đến khuya khoắt, không lúc nào lão được yên. Không giường chiếu họ ngồi bệt xuống cỏ rả mà nói chuyện mà trình bày. Họ xin ý kiến cụ chủ tịch về định lấy quả thực nhà thằng địa chủ nào. Có người khuyên nên lấy nhà chánh Thành cho nó oách và cho hả mối thù. Có người chân thật lại khuyên nên lấy quách luôn vợ nó vì đằng nào có thời “cụ chủ tịch” đã yêu cơ mà. Với lại thế mới bõ hờn cho kẻ thù. Nhưng ai lại cách mạng mà làm như thế. Bộ cách mạng không phải sống hay sao, hơn nữa đây là “quả thực” chứ có phải là ăn không vợ của quân bóc lột đâu.
Ông Cao nghe mà sướng cái bụng. Thật ra ông cũng muốn làm một keo thử xem sao, ông tưởng tượng giở chiếc xà cột vải ra lấy sổ sách, quát vào mặt những thằng mất dạy. Xung quanh ông sẽ có nhiều kẻ hầu người hạ – cả xã phải xu nịnh ông. Đi đâu chúng phải dùng võng mà cáng. Dẫu không biết chữ, cần quái gì chữ nghĩa, đông như đàn vịt mà ông còn đếm được nữa là. Mới lại, bắt mấy đứa có chữ nó làm hộ, cần gì.
Nhưng một sự kiện làm cho cả xã phải ngạc nhiên. Là vị chủ tịch tương lai có liên hệ với địa chủ. Mà với ai chứ nhà thằng chánh Thành. Lực lượng nòng cốt đã gác toàn bộ kho tàng, đuổi chúng xuống chuồng lợn mà tại sao chúng lại có trứng vịt mà ăn? Đã bắt cả nhà nó phải cởi truồng ra để soát rồi, có đồng xu nào đâu? Có người phát hiện ra, vợ chồng nhà thằng Thành mò ra cồn vịt.
Ông Cao bị đội và lực lượng cách mạng làm giấy gọi về tổng đội để tra hỏi. Ông không biết chữ, ông cóc phải về, thằng nào cần ông thì ra. Thế là có cả tự vệ đeo súng trường cùng mấy vị đeo xà cột ra cồn vịt. Họ giở sổ sách ra khảo:
– Họ tên ông là gì?
– Không biết được!
– Tên thường gọi?
– Cao!
– Văn hóa?
– Lớp 0.
– Thành phần?
– Không có.
– Tuổi?
– Không nhớ. Đẻ rơi…
Một vị nói thầm với vị đeo kính. Thành phần cơ bản rồi.
– Ông có liên quan gì với tên Thành?
– Có!
– Ông cung cấp cái ăn cho nó ngoan cố với cách mạng phải không?
– Phải?
– Vật chất gì?
– Đào ao thả cá!
– Là đội hỏi, có dư luận ông cho nhà nó cái ăn. Vì đã tịch thu toàn bộ tài sản của chúng rồi sao lại có?
– Chắc có ông cán bộ nào cho nó.
Người ta không moi được gì ở ông Cao. Nhưng uy tín của ông cũng bị giảm đi trông thấy.
Ông nhớ như in, một đêm ông định đi ngủ thì tiếng vịt la lên như báo động. Tưởng có kẻ nào ăn trộm vịt, ông quát lên: – Đứa nào kia! Đứng im.
Một bóng đen rách rưới quỳ vọp xuống chân ông, khóc nức nở: – Anh thương lấy em… Anh Cao! – Ông hoảng hồn vì Liên tiều tụy như bóng ma ôm lấy ông. Ban đầu ông căm lắm. Quân bóc lột này lại muốn dở trò cám dỗ cách mạng đây, phải cảnh giác.
– Đến đây có việc gì?
– Em đến… vì các con em đói.
– Ai bảo đến?
– Dạ… do em ạ!
– Láo!… Có phải cha con thằng Thành xui không?
– Không ạ!
– Có nói thật đi không tao cho du kích bắt bỏ tù! Mẹ quân bóc lột, phá hoại cách mạng: – Nói cho oách chứ ông đã làm chủ tịch đâu, chỉ có lũ vịt là quân của ông ngoài kia, mà xã đang nợ đìa ra vì mua chịu làm thức ăn cho đội.
– Dạ… Chồng em… mà… thằng Thành xui ạ!
– Nó xui mày ra với tao để phá hoại cách mạng, đánh đổ chức chủ tịch của tao hả?
– Trời ơi! Anh tha tội chết cho em… Em van lạy anh em thề có mặt con em… Anh không thương thì thôi… Không có đánh đổ cách mạng… chủ tịch… mà… đói… cha nó đang hấp hối… chỉ thèm quả trứng vịt… vâng… Em không đi… nó đánh em sưng cả mặt mày đây anh…
Liên cầm bàn tay Cao đặt lên mặt. Anh rờ rẫm như một thói quen. Anh chửi thầm, ra đồ khốn nạn nó cướp vợ ta, cướp cuộc đời ta… Lại cho vợ ra ngủ với ta mong tìm đường sống… ơi nàng… nước mắt Cao chảy dài xuống hai gò má… Cao quát lên:
– Gọi nó ra đây!
– Em xin anh!
– Gọi nó ra đây cho tao không chết ráo!
Liên chạy về nhà. Cao ngồi thu lu chờ đợi. Hai bóng xiêu vẹo dẫn nhau đến lều vịt. Chúng bò bằng bốn chân đến quỳ vọp xuống chân Cao.
Ánh trăng vượt qua ngọn núi Nưa, soi rõ bộ mặt trắng bệnh của chúng. Lòng căm thù bốc cháy trong lồng ngực Cao. Hố mắt trống trơ đen ngòm quét vào mặt chúng. Cao quát:
– Thằng khốn nạn, cởi quần áo vợ mày ra!
Thằng Thành run run lúng túng giằng kéo mớ giẻ rách nơi người vợ hắn ra. Một cơ thể mịn màng phô bày dưới ánh trăng. Cao lấy con dao nhọn làm chúng run bắn ôm lấy đầu gối anh. Chạm vào hai đầu vú, làm toàn thân Cao run rẩy.
– Buông ra! – Cao đến lều vịt, xắn một bãi cứt vịt tanh tưởi.
– Thằng kia! Tao ngủ với vợ mày xong thì mày phải ăn hết bãi cứt vịt. Tao cho một thúng trứng và tha tội chết cho nghe chưa!
– Dạ… xin ông cứ sai khiến ạ!
Cao rùng mình, ớn lạnh. Anh nhìn thấy người yêu của mình trần truồng nằm ngửa ra bãi cỏ. Nước mắt chảy tràn ra làm ướt cả khuôn mặt. Còn thằng Thành mặt méo xệch… khổ não. Cái khổ não mà suốt đời Cao không bao giờ có dịp nhìn thấy lần thứ hai. Anh phải ngoảnh mặt đi không dám nhìn vào dáng quỳ như con chó. Chỉ cần anh nằm lên người Liên là nó phải nhai nuốt hết bãi phân vịt.
Cao nhìn thấy rất rõ thân thể ngọc ngà của người yêu. Có lẽ sự phơi bày ra làm anh sửng sốt và đau đớn.
Anh quát lên:
– Mặc lấy quần áo… Đồ khốn nạn…
Thằng Thành lao đến chân anh như con chó ôm lấy chân chủ. Anh đạp nó ra, và chỉ vào đống trứng:
– Cho vào thúng mà đội về!
Tiềm thức mông muội của loài người mách bảo cho anh rằng – Anh có thể dùng quyền lực bắt thằng chồng ăn cứt và ngủ với vợ nó ngay trước mặt. Nhưng thà như Liên không phải là người yêu của anh. Và cuộc đời này, nó đã tước đoạt của ta, ta đoạt của nó lại như vậy ư?
– Cút đi! Đồ khốn nạn! – Cao gào lên như tắc nghẹn trong lòng.
Người ta cũng chán không muốn Cao làm chủ tịch. Cao tắt lịm ham muốn từ hôm đó. Anh cũng từ chối việc nhận nhà chia quả thực. Người ta đồn bảo anh ngu. Anh để ngoài tai mọi lời khen chê. Và cả một đời dù mùa đông hay mùa hè. Cao đều mặc áo bông nằm nơi lều vịt. Lão thích ăn tí cá khô, còn canh chiên bằng nước lã.
Tôi được nghe bao chuyện của lão, nhưng chuyện tha chết cho vợ chồng thằng Thành làm tôi thắc mắc. Tôi hỏi lão:
– Tại sao ông không ngủ với bà Liên? Ông không thích à?
– Có chứ cháu. Ông yêu bà ấy mà. Ông có thể làm ngay trước mặt thằng khốn nạn. Nhưng ông yêu bà ấy. Ông không muốn bà ấy bị sỉ nhục – ông cười buồn đến nẫu ruột. Có thể vì ông ngủ với bà ấy mà thằng Thành nó giết bà ngay đêm ấy. Nó sẽ bị tù tội… Con cái bơ vơ… và hận thù chồng chất lên nhau…
Tôi thiu thiu ngủ nơi lều vịt cùng lão Cao. Tôi vẫn nhìn thấy con mắt chột như một vì sao nhiều cánh sáng trên khuôn mặt đen đúa của lão.
*
Khi người ta phát hiện ra ông Cao chết thì đã muộn. Mối đã đùn lên thành gò không ai dám moi ra mà cho vào quan tài. Bầy vịt hơn một ngàn con của lão thì đã bay đi mất cả. Có lẽ nó về trời.
Còn lão Thành và bà Liên nghe đồn sau cải tạo về làm lại thành phần nông dân lao động, con cái họ khá lắm! Đứa đại học, đứa liệt sĩ, đứa thành đảng viên có chức có quyền. Nhưng hàng năm về mùa xuân họ vẫn đến lều vịt tảo mộ. Có người bảo, vì nhớ ơn lão Cao, có người nói vì lão thiêng lắm giúp cho con cháu nhà lão Thành làm nên. Có người đặt điều nói đứa con đầu giống hệt lão Cao, nó có chức vụ to nhất nhà. Nếu bấm tuổi vào cái ngày lão lặn qua hồ sang với bà Liên. Tất cả đều bịa đặt hết, chỉ có điều này là có thật. Cái hồ nước mà còn đến ngày nay là do sáng kiến của lão. Dân quanh vùng vẫn gọi là hồ Lão Chột. Nước ở đây quanh năm mát mẻ là công của lão, to lắm.
Còn tôi trong cuộc đời phiêu bạt của mình ở chốn thị thành, khi nghe người ta nhắc đến chữ “nhà quê” lại nhớ đến lão Cao – Gã nhà quê – mà lão vẫn tự nhận với giọng nói đai ra – Này… bay… Tao kể cho nghe chuyện này… Hay vãi đái ra cho mà xem…
Đội Cung 8- 11/6/1992