Tôi nhớ cậu ta (mặc dù tôi không có cái quyền nói lên động từ linh thiêng đó – chỉ duy nhất một người trên cõi đời này có quyền, và người đó đã chết) cầm một bông hoa khổ nạn [1] đen sẫm trên tay, ngắm nhìn nó như thể chưa ai từng nhìn nó, thậm chí cậu ta có thể ngắm nhìn nó trong suốt cả quãng đời từ lúc buổi bình minh bắt đầu chiếu tia sáng đầu tiên cho đến lúc chiều tà khi tia sáng cuối cùng đã tắt. Tôi nhớ đến cậu ta – gương mặt lầm lì, có nét của dân da đỏ, có cái vẻ xa cách khác thường – phía sau điếu thuốc lá. Tôi nhớ (tôi nghĩ) đến những ngón tay mảnh khảnh, những ngón tay như của một người chuyên đi bện da thuộc. Tôi nhớ, ở gần đôi tay đó, là một tách trà mate, với cái huy hiệu của vùng Dải đất Phía Đông (Banda Oriental) [i]. Tôi nhớ, trong cái cửa sổ nhà cậu ta, một tấm rèm vàng cùng với khung cảnh hồ nước mờ ảo. Tôi nhớ rõ ràng giọng nói cậu ta – một giọng nói chậm rãi, phẫn nộ, phát bằng âm mũi, của một người thô bạo của thời đó, không có âm tiết mang kiểu Ý nào người ta có thể nghe được vào thời nay. Tôi gặp cậu ta không quá ba lần, lần cuối là vào năm 1887… Tôi tán thành ý kiến rằng tất cả chúng tôi những ai mà có mối liên hệ với người đàn ông đó thì nên viết cái gì đó về cậu ta; bản tường trình của tôi có lẽ sẽ là bài mô tả ngắn nhất (và dĩ nhiên là sơ sài nhất) trong cuốn sách mà bạn chuẩn bị xuất bản, nhưng nó khó có thể là bài viết ít trung lập nhất. Thật xui khi tôi là người Argentina, và do vậy không thể nào mặc nhiên cho ra một bài thơ tán tụng vốn là thể loại bắt buộc tại Uruguay, đặc biệt khi chủ đề là một người Uruguay. Bọn trí thức sách vở, công tử bột, bọn thành thị – Funes không thốt ra những ngôn từ có tính nhạo báng như thế, nhưng tôi biết với một điều chắc chắn hợp lí rằng tôi sẽ trình bày những điều bất hạnh đó giùm cậu ta. Pedro Leandro Ipuche [ii] viết rằng Funes là tiền bối của giống nòi siêu nhân – “một Zarathustra quái dị và riêng biệt” – và tôi sẽ không tranh cãi về luận điểm đó, nhưng người ta không được quên rằng cậu ta cũng là một kẻ thô bạo đến từ Fray Bentos [iii], với những nhược điểm nào đó mà không thể cứu vãn được.
Kí ức của tôi về Funes khá rõ ràng. Tôi gặp cậu ta vào một buổi chiều tháng ba hoặc tháng hai năm ’84. Năm đó, cha tôi dắt tôi đi nghỉ hè ở Fray Bentos. Tôi trở về từ trại gia súc ở San Francisco với người anh họ Bernardo Haedo. Chúng tôi cưỡi ngựa cùng nhau, hát hò vui vẻ – và ngồi trên lưng ngựa không phải là lí do duy nhất khiến tôi cảm thấy phấn khởi. Sau một ngày ngột ngạt, một cơn bão xám xịt to lớn, được gió từ phương nam thổi đến, trước đó đã che phủ cả bầu trời. Cơn gió quật vào mấy cái cây một cách điên cuồng, tôi thì tràn ngập bởi nỗi sợ (sự hi vọng) rằng cơn mưa bão dữ dội kia sẽ chộp lấy chúng tôi ngay giữa vùng đồng quê trống trải này. Chúng tôi chạy như đang đua với cơn bão. Chúng tôi tấp vô làn đường hẹp nằm giữa hai lề đường bằng gạch được xây cao hơn khỏi mặt đất. Trời đột nhiên tối sầm lại; tôi nghe thấy tiếng chân chạy nhanh, nom rất bí ẩn ở phía trên – tôi ngước mắt lên và thấy một cậu trai đang chạy dọc theo lề đường hẹp và vỡ nát ở phía bên trên, cứ như là đang chạy ngay trên bức tường hẹp và đổ nát vậy. Tôi nhớ đến cái quần tây ngắn, rộng lùng thùng mà cậu ta mặc – như là của bọn cao bồi miền nam Hoa-kì – đôi dép bông với đế giày rơm, điếu thuốc trên diện mạo khắc khổ, tất cả mấy thứ đó lộ hẳn lên trên đám mây bão tố đang kéo dài bất tận. Bỗng nhiên, Bernardo hét to về phía cậu ta – Mấy giờ rồi, Ireneo? Chẳng cần nhìn lên bầu trời, không dừng lại một khắc, cậu trai đáp lại, Tám giờ thiếu bốn phút, hỡi Bernardo Juan Francisco trẻ trung. Một giọng nói gây chói tai và mang vẻ chế giễu.
Tôi đã lãng quên đến mức tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới thêm lần nào nữa về cuộc trao đổi mà tôi vừa kể, nếu như anh họ tôi không gợi lại sự quan tâm đó, anh ấy bị thúc đẩy bởi một niềm kiêu hãnh cục bộ nào đó, và bởi sự thèm muốn tỏ ra mặc kệ trước lời đáp trả ba mặt của người khác.
Anh ấy bảo tôi rằng cậu trai trên dải đường hẹp đó là Ireneo Funes, và rằng cậu ta nổi danh với những tính lập dị nào đó, trong số đó là lảng tránh mọi người và luôn biết bây giờ là mấy giờ, như một cái đồng hồ vậy. Anh ấy còn thêm rằng Ireneo là con trai của một phụ nữ làm nghề giặt ủi ở làng, tên là María Clementina Funes, và rằng trong khi người ta nói cha của cậu ta là một bác sĩ ở vùng làm muối (một người Anh tên là O’Connor), người khác thì nói ông ta là người thuần hoá ngựa hoặc lái xe bò để kiếm sống ở vùng Salto. Cậu trai sống với mẹ, anh họ tôi bảo thế, nằm ở góc sau căn nhà của gia đình Laurel.
Vào năm ’85 và ’86, chúng tôi nghỉ hè ở Montevideo; mãi đến năm ’87 thì tôi mới quay lại Fray Bentos. Tự nhiên là, tôi hỏi thăm tất cả mọi người mà tôi biết, và cuối cùng là hỏi thăm đến “Funes chính-xác-như-đồng-hồ”. Người ta bảo là cậu ấy bị một con ngựa chưa được thuần hoá hất ngã tại trại gia súc ở San Francisco và đã bị thương tật không còn cách chữa. Tôi nhớ lại cảm giác lạ lùng mà cái tin mang lại cho tôi: lần duy nhất tôi gặp cậu ta, là lúc chúng tôi quay về nhà trên lưng ngựa từ trại gia súc ở San Francisco, và cậu ta thì đang chạy dọc ở phía trên cao. Sự việc mới này, mà anh họ Bernardo đã kể cho tôi nghe, đã làm tôi vô cùng ấn tượng, cứ như một giấc mơ được ghép lại bởi những yếu tố của quá khứ. Người ta bảo rằng Funes không bao giờ rời khỏi cái giường xếp của cậu ta, đôi mắt thì dán chặt vào cây sung ở đằng sau nhà, hoặc là vào cái mạng nhện. Vào lúc chạng vạng, cậu ấy sẽ để người ta đưa mình đến cửa sổ. Cậu ta quả là một người đàn ông trẻ đầy kiêu hãnh đến độ cậu ấy vờ rằng cú ngã tai hoạ kia thật sự là một điều may mắn… Tôi gặp cậu ta được hai lần, trên chiếc giường xếp ở phía sau khung cửa sổ có chấn song sắt, khiến cậu ta cứ như là một tù nhân vậy – một lần thì cậu ta nằm bất động, đôi mắt nhắm lại; lần thứ hai cũng bất động, đắm chìm vào việc suy ngẫm về mùi thơm của cành cây ngải.
Cùng thời điểm đó, với một sự ngạo nghễ nào đó, thì tôi bắt đầu việc học tiếng Latin một cách có hệ thống. Trong cặp của tôi luôn có cuốn De viris illustribus của Lhomond, Thesaurus của Quicherat, những bài nói chuyện của Julius Caesar, và một tập mang số lẻ trong bộ Naturalis historia của Pliny – một tác phẩm vượt quá (và hiện vẫn còn vượt quá) khả năng khiêm tốn của tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu tiếng Latin. Chẳng có bí mật nào trong ngôi làng nhỏ này; Ireneo, ngụ trong căn nhà ở rìa khu làng, đã sớm biết được sự có mặt của những cuốn sách kì lạ đó. Cậu ta gửi cho tôi lá thư đầy trịnh trọng và thơm mùi hoa, gợi nhắc cho tôi về cuộc gặp gỡ “ngắn ngủi một cách đáng tiếc”, “vào ngày bảy tháng hai, năm 1884”. Cậu ta nói vắn tắt, với giọng u sầu, về “sự phục vụ vinh hạnh” mà chú tôi, Gregorio Haedo, đã mất cùng năm đó, “đã tạo ra đối với hai vùng quê cha đất tổ của ông ấy trong chiến dịch anh dũng của Ituzaingó”, và rồi cậu ta xin tôi cho cậu ấy mượn một trong những cuốn sách mà tôi mang theo, cùng với cuốn từ điển “để có thể thông hiểu trọn vẹn văn bản, vì tôi thừa nhận là mình không biết tiếng Latin”. Cậu ta hứa là sẽ hoàn trả mấy cuốn sách lại trong tình trạng tốt, và “ngay lập tức”. Lối viết chữ bằng tay hoàn hảo, những kí tự đuợc sắp xếp đặc biệt tốt; lối sắp chữ là kiểu được đề nghị bởi André Bello: i thay cho y, j cho g. Lúc đầu, dĩ nhiên là, tôi nghĩ bức thư chỉ là đùa thôi. Mấy anh em họ của tôi thì chắc chắn rằng không phải đùa, rằng điều này “chỉ là… là kiểu của Ireneo”. Tôi không biết phải cho rằng cái ý đó là tính tự phụ trơ tráo, sự ngu dốt, hay là hành vi ngớ ngẩn nữa, khi mà thứ tiếng Latin rất khó nắm được lại không cần một sự dạy dỗ bằng một cuốn tự điển có thể mang lại; để hoàn toàn làm cho Funes tỉnh ngộ, thì tôi đã gửi cậu ta cuốn Gradus ad Parnassaum của Quicherat và cuốn của Pliny.
Vào ngày 14 tháng 2, tôi nhận một bức điện tín từ Buenos Aires khẩn cầu tôi về nhà ngay; cha tôi đang “không khoẻ chút nào”. Chúa tha tội cho tôi, nhưng cái địa vị của một người nhận được bức điện tín khẩn cấp, sự ham muốn truyền đạt đến tất cả mọi người ở Frey Bentos về sự mâu thuẫn giữa dạng tin tức tiêu cực với tính tuyệt đối của trạng từ, sự cám dỗ về việc thổi phồng lên nỗi đau của mình bằng cách giả vờ chịu đựng mà vẫn tràn trề sinh lực – tất cả điều này có thể đã làm tôi xao lãng khỏi bất kì tình huống đau khổ nào. Khi tôi gói ghém đồ đạc, tôi nhận ra là tôi không có cuốn Gradus ad Parnassum và tập đầu tiên trong bộ sách của Pliny. Con tàu Saturn sẽ nhổ neo vào buổi sáng hôm sau; đêm hôm đó, sau khi ăn tối, tôi đi bộ đến nhà Funes. Tôi ngạc nhiên khi buổi tối chẳng hề bớt bức bối hơn ban ngày.
Tại căn nhà nhỏ khiêm tốn, bà mẹ của Fune mở cửa cho tôi vào.
Bà bảo rằng Ireneo đang ở phía nhà sau. Tôi không nên ngạc nhiên nếu tôi tìm thấy được một căn phòng tối tăm, bà ấy nói như thế với tôi, bởi vì Ireneo thường không thắp nến khi trải qua hàng giờ đồng hồ vô nghĩa. Tôi đi băng qua hiên nhà lát ngói và di xuống hành lang nhỏ ở phía xa, và đi đến hiên nhà thứ nhì. Có một cây nho, và bóng tối dường như phủ lên tôi hoàn toàn. Rồi đột nhiên tôi nghe thấy cái giọng cao vút và đầy vẻ chế giễu của Ireneo. Giọng nói đó đang nói tiếng Latin; với niềm thích thú bệnh hoạn, giọng nói nổi lên từ cảnh tối tăm đang diễn thuyết một bài nói chuyện hoặc một lời cầu nguyện hoặc một câu thần chú. Các âm tiết La-mã vang vọng trong hiên nhà với nền đất cứng cáp này; sự lo lắng của tôi đã khiến tôi cho rằng chúng không thể hiểu nổi, và kéo dài bất tận; sau đó trong cuộc đối thoại to tát của tối đó, tôi nhận ra chúng là đoạn đầu của chương hai mươi bốn trong cuốn sách số bảy của Pliny, cuốn Naturalis historia. Chủ đề chương này là về trí nhớ; những từ cuối cùng là ut nihil non iisdem verbis redderetur auditum.
Không hề dịu giọng đi, Ireneo kêu tôi vào. Cậu ta đang nằm trên chiếc giường xếp, và hút thuốc. Tôi không nghĩ là tôi thấy được gương mặt cậu ta cho đến khi mặt trời ló dạng vào buổi sáng hôm sau; khi tôi nghĩ lại, tôi tin là tôi nhớ cái ánh sáng mờ ảo vụt lên trong chốc lát từ điếu thuốc. Phòng cậu ta có mùi ẩm thấp gì đó. Tôi ngồi xuống; tôi kể cho cậu ta nghe về bức điện tín và về tình trạng bệnh tình của cha tôi.
Tôi đi đến ngay vấn đề khó nhằn nhất trong câu chuyện, câu chuyện mà nguyên do tồn tại duy nhất của nó (mà độc giả nên được kể ngay từ phần đầu) là đoạn hội thoại đó vào nửa thế kỉ trước. Tôi sẽ không cố lặp lại những ngôn từ đó, những từ mà giờ đây mãi mãi không thể khôi phục lại được. Thay vào đó, tôi sẽ tóm tắt, một cách thành thật, một số điều mà Ireneo đã kể cho tôi nghe. Bài nói chuyện gián tiếp thì xa vời và yếu ớt; tôi biết là tôi đang bỏ đi tính hiệu quả trong câu chuyện của tôi. Tôi chỉ yêu cầu rằng độc giả hãy cố gắng nghe bằng sự tưởng tượng của mình những câu rời rạc và ngắt quãng đã làm tôi sửng sốt tối hôm đó.
Ireneo bắt đầu bằng việc liệt kê, nói bằng tiếng Latin lẫn tiếng Tây-ban-nha, về những trường hợp của những trí nhớ phi thường được nêu trong cuốn Naturalis historia: Cyrus, vị vua xứ Ba-tư, người mà có thể gọi tất cả các binh lính trong đội quân của ông ta bằng chính tên của họ; Mithridates Eupator, người ban hành công lí bằng hai mươi hai ngôn ngữ của vương quốc mà ông ta đang cai trị; Simonides, người phát minh thuật ghi nhớ; Metrodorus, người mà có thể lặp lại một cách thành thật những gì mà ông ta đã nghe được, mặc dù chỉ nghe được một lần duy nhất. Với lòng chân thành rõ ràng, thì Ireneo nói rằng cậu ta ngạc nhiên khi những trường hợp kiểu đó lại được mọi người xem là điều vô cùng ngạc nhiên. Cậu ta kể rằng trước buổi chiều mưa khi con ngựa lông xanh hất ngã cậu ấy xuống, thì cậu ta là những gì mà mọi người đàn ông vốn có – mù, điếc, rối trí, và hầu như thiếu khả năng ghi nhớ. (Tôi đã cố gắng gợi nhắc cho cậu ta nhớ về cái khả năng tri giác của cậu ta về thời gian, cũng như trí nhớ của cậu ta về các tên riêng chính xác ra sao – cậu ta phớt lờ tôi.) Cậu ta kể, cậu ta đã từng sống mười chín năm cứ như trong giấc chiêm bao: nhìn chứ không thấy, nghe chứ không lắng nghe, quên lãng đi mọi thứ, hoặc gần như là mọi thứ. Khi cậu ta ngã, cậu ta bị va đập đến bất tỉnh; như khi cậu ta tỉnh lại, thì hiện tại rất phong phú, rất rõ ràng đến nỗi không thể kiềm nén được, các kí ức cũ kĩ nhất và thậm chí cả những kí ức vặt vãnh nhất của cậu ta cũng hiện ra như thế. Một khoảnh khắc ngắn ngủi sau đó thì cậu ta nhận ra là mình bị tàn tật; về việc đó thì cậu ta gần như không để tâm đến. Cậu ta lí giải (hoặc cảm thấy) rằng sự bất động là một cái giá nhỏ phải trả. Giờ đây thì tri giác và trí nhớ của cậu ta đã trở nên hoàn hảo.
Bằng một cái lướt nhìn, bạn và tôi ý thức được ba li rượu vang trên bàn; Funes thì nhận thức được từng trái nho đã được ép để làm thành rượu vang và còn biết toàn bộ các cuống và tua của cây nho đó. Cậu ta biết các dạng hình thù của các đám mây ở trên bầu trời phương nam vào buổi sáng ngày 30 tháng Tư năm 1882, và cậu ta có thể so sánh chúng ngay trên kí ức với những dải màu của bìa sách có khảm cẩm thạch mà cậu ta từng thấy duy nhất một lần, hoặc với những bọt nước mà tay chèo làm tung toé lên tại Rio Negro vào thời điểm trước trận chiến Quebracho. Những kí ức đó cũng chẳng phải dạng đơn giản – mọi hình ảnh trực quan được liên kết với những xúc cảm cơ thịt, những xúc cảm về nhiệt, v.v.. Cậu ta có thể tái dựng lại mọi giấc mơ, mọi mộng tưởng mà cậu ta từng có. Có hai hoặc ba lần thì cậu ta tái dựng lại toàn bộ một ngày; chưa bao giờ cậu ta mắc lỗi hay là phải ngập ngừng, nhưng mỗi sự tái dựng cũng tự nó tốn mất cả ngày trời. “Tôi, chính tôi, một mình, có nhiều kí ức hơn toàn bộ nhân loại kể từ khi thế gian này được khởi sinh,” cậu ta bảo tôi như thế. Và thêm vào: “Giấc mơ của tôi giống như khoảng thời giờ thức tỉnh của những người khác.” Và một lần nữa, hướng về bình minh: “Trí nhớ của tôi, thưa ngài, giống như là một đống rác.” Một hình tròn vẽ trên tấm bảng đen, một hình tam giác vuông, một hình thoi – tất cả mấy thứ này là những hình dạng chúng ta có thể hoàn toàn trực giác được; Ireneo thì có thể làm y như vậy với cái bờm mạnh mẽ của một chú ngựa non, một bầy nhỏ các gia súc ở phía cạnh dốc ngọn núi, một ánh lửa lập loè và mớ tro tàn không thể đếm xuể của ánh lửa đó, và nhiều gương mặt của một người chết vào cái đêm tưởng niệm trước đám tang. Tôi không biết được có bao nhiêu vì sao mà cậu ta thấy được trên bầu trời.
Đó là những điều mà cậu ta kể tôi nghe, tôi chưa bao giờ nghi ngờ gì về tất cả mấy thứ đó vào lúc đó lẫn cả sau này. Vào thời điểm đó thì không có kĩ thuật quay phim, không có máy ghi âm; dù vậy đột nhiên tôi có cảm giác khó tin, thậm chí không thể tin nổi, rằng không có ai từng tiến hành một thí nghiệm với Funes. Nhưng rồi, trong cuộc đời chúng ta, chúng ta trì hoãn mọi thứ mà có thể trì hoãn được; có lẽ tất cả chúng ta đều chắc chắn, tận sâu trong thâm tâm, rằng chúng ta là bất tử và sớm hay muộn gì thì mọi người đều sẽ làm mọi chuyện, sẽ biết tất cả những thứ cần biết.
Giọng nói của Funes, từ trong bóng tối, cứ tiếp tục vang lên.
Cậu ta kể cho tôi nghe rằng vào năm 1886, cậu ta sáng chế ra hệ thống đếm số đặc biệt dành cho cậu ta, và trong vòng vài ngày thôi mà cậu ta đã đặt ra được hai mươi bốn ngàn nhãn hiệu. Cậu ta không ghi nó ra, vì bất kì điều gì mà cậu ta từng nghĩ, thậm chí chỉ một lần, cũng sẽ còn dính chặt trong đầu cậu ta. Cảm hứng ban đầu của cậu ta, theo tôi nghĩ, là từ sự bực tức rằng ba mươi ba người yêu nước Uruguay [iv] nên cần hai con số và ba từ ngữ thay vì chỉ một con số đơn lẻ, một từ ngữ đơn lẻ. Cậu ta bèn áp dụng nguyên tắc điên rồ đó vào các con số khác. Thay vì là bảy ngàn mười ba (7013), thì cậu ta sẽ nói, ví dụ là, “Máximo Pérez”; thay vì bảy ngàn mười bốn (7014), thì sẽ là “đường ray xe lửa”; các số khác là “Luis Melían Lafinur”, “Olimar”, “lưu huỳnh”, “cây gậy”, “con cá voi”, “chất khí”, “xoong hầm thịt”, “Napoleon”, “Agustín de Vedia”. Thay vì năm trăm (500), cậu ta nói “chín”. Mọi từ đều có một con số cụ thể kèm theo, một dạng nhãn đánh dấu; những vật về sau thì cực kì phức tạp… Tôi cố giải thích cho Funes rằng bài ca về những từ ngữ không liên kết nhau chính xác là đang đi ngược lại với hệ thống số. Tôi bảo cậu ta rằng khi người ta nói “365” thì người ta sẽ nói “ba trăm, sáu chục, và năm đơn vị”, một sự tách rời mà không thể làm được với “các số” như Nigger Timoteo hoặc một nồi thịt. Funes hoặc là không thể, hoặc là sẽ không hiểu được tôi nói gì.
Vào thế kỉ mười bảy, Locke [2] đã đề xuất (và bác bỏ) một dạng ngôn ngữ bất khả mà trong đó mỗi sự vật đơn lẻ – mỗi cục đá, mỗi con chim, mỗi cành cây – đều sẽ có một cái tên dành cho riêng nó; Funes một lần nữa suy xét về thứ ngôn ngữ tương tự vậy, nhưng loại bỏ đi cái ý quá tổng quát, quá mập mờ. Sự thật là, Funes nhớ không chỉ từng chiếc lá của từng cái cây trong từng mảng rừng, mà trong mọi lúc cậu ta còn nhận thức được hoặc tưởng tượng ra được chiếc lá đó. Cậu ta quyết tâm giảm đi mỗi ngày trong quá khứ của mình xuống còn bảy mươi ngàn nhóm sự vật, mà cậu ta sau đó sẽ định nghĩa tất cả bằng những con số. Hai vấn đề cần suy nghĩ đã ngăn cản cậu ta: nhận ra rằng công việc đó sẽ là vô hạn, và nhận ra rằng điều đó vô nghĩa. Cậu ta biết rằng đến lúc cậu ta chết đi, thì cậu ta cũng không hoàn thành được việc phân loại toàn bộ kí ức thời thơ ấu của mình.
Hai dự án mà tôi đã đề cập (một kho từ vựng vô tận cho chuỗi số tự nhiên, và một bản danh sách vô nghĩa ở trong tâm trí của tất cả mọi hình ảnh trong kí ức) đều là ngu ngốc, thậm chí là ngớ ngẩn, nhưng chúng làm lộ ra một sự vĩ đại ngập ngừng nhất định nào đó. Chúng cho phép chúng ta có cái nhìn thoáng qua, hoặc để suy ra được, cái thế giới quay cuồng mà Funes đang sống. Funes, chúng ta không được quên, hầu như không thể có những ý niệm tổng quát, hoặc lí thuyết suông. Không chỉ là quá khó khăn cho cậu ta trong việc nhìn ra biểu tượng đặc trưng “con chó” sẽ bao hàm toàn bộ các con chó đơn lẻ khác nhau thuộc mọi hình dáng và mọi kích cỡ, mà cậu ta còn cảm thấy khó chịu khi “con chó” ở thời điểm ba giờ mười bốn của buổi chiều, nhìn từ bên cạnh, lại được đề cập với cùng một danh từ y như con chó lúc ba giờ mười lăm, nhìn từ chính diện. Gương mặt của chính cậu ta trong gương, đôi bàn tay của chính cậu ta, luôn làm cậu ta ngạc nhiên mỗi khi nhìn thấy chúng. Swift [3] viết rằng hoàng đế xứ Lilliput có thể nhận thức sự dịch chuyển của cây kim phút trên đồng hồ; Funes có thể liên tục nhận thức được các chuyển động thầm lặng của sự mục nát, của cái răng bị sâu, của sự kiệt quệ. Cậu ta thấy được – để ý được – tiến triển của cái chết, của độ ẩm ướt. Cậu ta là một kẻ quan sát cô độc, tỉnh táo của cái thế giới muôn hình, ngắn ngủi, và một thế giới chi tiết đến mức gần như không thể chịu đựng. Babylon, Luân-đôn, và New York đã làm mờ mắt sức tưởng tượng của nhân loại bằng vẻ tráng lệ mãnh liệt của chúng; không ai trong những toà tháp đầy những người hoặc trên những đại lộ hối hả ở những thành phố đó đã từng cảm thấy sức nóng và áp lực của thực tại một cách không biết mệt mỏi như Ireneo đụng phải, cả ngày lẫn đêm, tại một vùng ven biển Nam Mĩ. Cậu ta thật khó để có thể ngủ được. Ngủ chính là tách biệt tâm thức của một người ra khỏi thế giới; Funes, nằm ngửa ra trên chiếc giường xếp, trong cái khung cảnh lờ mờ của căn phòng, cậu ta có thể hình dung ra mọi kẽ nứt trên bức tường, mọi đường viền trang trí của từng cái nhà một xung quanh cậu ta. (Tôi lặp lại rằng những kí ức vặt vãnh nhất chính là những cái chi tiết nhất, sống động hơn cả nhận thức của chính chúng ta về một niềm vui thích về thể xác hay là một sự đau đớn thể xác.) Ở đằng xa hướng về phía đông, tại một khu mà chưa được phân thành từng lô nhà ở, có những căn nhà mới, lạ lẫm đối với Ireneo. Cậu ta hình dung chúng như là một màu đen, kết đặc, làm từ một bóng đêm thuần nhất; cậu ta sẽ xoay đầu về hướng đó mà ngủ. Cậu ta cũng có thể tượng tượng chính bản thân ở dưới đáy sông, bị những dòng nước đập vào (hoặc tiêu huỷ đi).
Cậu ta cố gắng hết mình để học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ-đào-nha, tiếng Latin. Mặc dù thế, tôi ngờ rằng cậu ta không giỏi trong việc tư duy. Tư duy chính là phớt lờ đi (hoặc quên đi) sự khác biệt, là tổng quát hoá, là trừu tượng hoá. Trong một thế giới đông đúc của Ireneo Funes, không có gì cả ngoại trừ những sự vật cụ thể – và chúng hầu như là những vật cụ thể ở liền cạnh nhau.
Ánh bình minh lờ mờ tiến vào hiên nhà có nền đất cứng cáp.
Rồi tôi thấy được gương mặt thuộc về cái giọng nói đã phát ra suốt cả đêm dài. Ireneo đã mười chín tuổi, cậu ta sinh ra vào năm 1868; cậu ta trông có vẻ uy nghi như một bức tượng đồng thiếc, cổ còn hơn cả Ai-cập, những lời tiên tri và những kim tự tháp. Tôi bỗng có ý nghĩ rằng mọi ngôn từ mà tôi nói, mọi biểu hiện trên gương mặt tôi, hoặc chuyển động của tay tôi đếu sẽ nằm trong kí ức không thể phai mờ của cậu ta; tôi trở nên vụng về bởi nỗi sợ của cái việc làm những cử chỉ vô nghĩa.
Ireneo Funes chết vào năm 1889 vì mắc bệnh tụ huyết trong phổi.
—-
Chú thích của Andrew Hurley (người dịch truyện này sang tiếng Anh)
[i] Banda Oriental: “Bờ sông phía đông” của River Plate (Dòng sông Mạ bạc), tên cũ của Uruguay trước khi nước này trở thành một quốc gia, và cái tên này được dùng trong nhiều năm sau đó bởi “những người kì cựu” hoặc được dùng như là một biệt danh.
[ii] Pedro Leandro Ipuche: Bạn của Borges thời trai trẻ, thời kì cực đoan chính trị (khoảng năm 1925), với Borges (cùng với Ricardo Guiraldes, tác giả cuốn tiểu thuyết quan trọng Don Segundo Sombra) thì ông làm việc cho tạp chí văn chương Proa (theo Fishburn & Hughes). Proa là một tạp chí nhỏ có tầm ảnh hưởng, Borges và những người bạn làm việc rất nghiêm túc; họ được lôi kéo tham gia, như Rodríguez Monegal trích dẫn trong cuốn “Autobiographical Essay” (Tiểu luận tự truyện), vào “việc làm mới tản văn và thơ ca”.
[iii] Fray Bentos: “Một ngôi làng nhỏ trên hai bờ sông của Sông Uruguay, nổi tiếng với ngành công nghiệp đóng thịt hộp. Vào thời trai trẻ, Borges là vị khách quen của trại gia súc của những người anh em họ ở gần Fray Bentos” (theo Fishburn & Hughes). Haedo thực ra chính là cái họ của những người anh em họ này.
[iv] Ba mươi ba người yêu nước Uruguay: “Nhóm ba mươi ba người”, họ được gọi như thế, là một băng của những người yêu nước kiên định dưới quyền lãnh đạo của Juan Antonio Lavalleja, người mà đã băng qua con sông River Plate từ Buenos Aires đến Montevideo để “giải phóng” vùng Banda Oriental (Uruguay) khỏi tay những người Tây-ban-nha. Kì công nhờ sự dũng cảm, mặc cho những khó khăn ghê gớm, đã làm tên tuổi họ trở nên bất tử trong huyền thoại của vùng Hình nón Phương nam (Southern Cone).
Dịch tại Sài-gòn.
Có tham khảo bản tiếng Anh của Anthony Kerrigan,
và tham thảo thêm bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Trung Đức.
Nguồn:
Borges, Jorge Luis. “Funes, His Memory.” Jorge Luis Borges: Collected Fictions. Trans. Andrew Hurley. New York: Penguin, 1998.
Chú thích của người dịch:
[1] Bông hoa khổ nạn: passion flower.
[2] John Locke (1632-1704): triết gia người Anh, là người mở đầu cho thời kì Khai sáng tại Anh và Pháp.
[3] Jonathan Swift (1667-1745): nhà văn người Ireland, là người viết tác phẩm nổi tiếng Gulliver’s Travels (1726, Những cuộc phiêu lưu của Gulliver).
Tác giả: Jorge Luis Borges – Duy Đoàn dịch theo bản tiếng Anh của Andrew Hurley
Exit mobile version