TVVHĐ – Sự nghiệp văn học của Francoise Sagan được bắt đầu bằng một sự thăng hoa. Khi đó cô gái mới ở tuổi 18 vì buồn chán bỗng nhiên nổi hứng viết truyện và cuốn truyện đã trở thành một tiếng vang thực sự tại nước Pháp thiên chúa giáo. Câu chuyện dung dị của một cô gái trẻ muốn được thưởng thức mọi niềm vui cuộc sống (kể cả tình dục) đã làm chấn động xã hội Pháp. Cuốn truyện Buồn ơi, chào mi của Francoise Sagan lúc đó được đông đảo mọi người biết đến đã phát hành được hơn 1 triệu bản và đem lại cho cô một món tiền thù lao khổng lồ là 1,5 triệu frank. Cuốn sách đã được dịch ra 22 thứ tiếng và bán được trên 5 triệu bản, nhân vật nữ chính trong đó đã trở thành biểu tượng của cả một thế hệ.

Một cảnh trong phim “Buồn ơi chào mi” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Sagan.

Tuy vậy, cô gái gầy gò và không được gợi cảm F. Sagan- con gái của nhà công nghiệp giàu có Francoise Kuarez lại không bao giờ khao khát hư danh và sự giàu có. Cô đã có tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống và không bao giờ phải nghĩ đến những nhu cầu này. Sagan tốt nghiệp trường Công giáo danh giá, học ở thành phố Sorbonn nổi tiếng, được gặp gỡ với nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu Paris. Tuy nhiên vào một thời điểm may mắn có một số sự kiện bất ngờ đã đến với cô cùng một lúc: nào là sự thất vọng khi học về Thượng đế, sự say mê văn học, giao thiệp với các họa sỹ và văn sỹ ưa tự do, nào là thi trượt rồi kỳ nghỉ hè buồn tẻ cùng với cha v..v…Sau tất cả những điều đó là sự ra đời của một câu chuyện về cuộc sống- những niềm say mê trong sáng của con người thông qua nữ nhân vật của mình, được viết với một sự già dặn sắc sảo của một cô gái ở tuổi vị thành niên.

Kể từ đó cuộc đời của Sagan đã quện chặt với văn học. Bút danh của bà đã được lấy từ cuốn sách của nhà văn Pháp Marcel Proust mà Francoise say mê. Một trong số những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của ông là nữ bá tước Saganskaia. Còn người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành triết lý cả cuộc đời của bà là Jean-Paul Sartre, người mà bà đã kết thân một cách thân ái và trọng nể. Tuy nhiên cần thẳng thắn thừa nhận rằng tất cả câu chuyện cuộc đời của Francoise Sagan giống với đề tài của một trong những cuốn sách của bà hơn cả, nó có thể đã khác đi nếu như bản thảo (bà đã tự mang đến một trong những nhà xuất bản ở Paris) không rơi vào tay của một ngài Jiuaru nào đó, người có sự nhạy bén không chỉ đối với những tài năng văn học mà còn đối với cơ hội doanh thu. Vụ scandal lớn mà ông hoàn toàn ý thức được xung quanh cuốn tiểu thuyết của một cô gái Paris hóa ra là một chiến dịch quảng bá tuyệt vời.

Còn bản thân Francoise thì dần dần sống theo gương những nhân vật của mình, tiếp tục hưởng thụ cuộc sống. Bà nhớ là có lần đến xin lời khuyên của cha sẽ làm gì với những khoản tiền đầu tiên lên đến hàng triệu của mình, ông đã thản nhiên trả lời: “Hãy tiêu nó ngay bởi vì đồng tiền đối với con là sự rắc rối lớn”. Ông đã quá hiểu con gái mình, đồng tiền mà chắc hẳn Sagan hoàn toàn không biết cách sử dụng  một cách hữu ích đã không chỉ một lần gây ra tai họa cho bà. Nói chung, cả cuộc đời của Francoise Sagan (kể từ lần đầu tiên tới công chúng bằng sự ra đời của truyện “Buồn ơi, chào mi”) là một chuỗi các scandal chồng chất. Sau khi nổi tiếng bà gần như đã vội lấy chồng là một người làm công tác xuất bản có tiếng nhất của Pháp và hơn bà đến 20 tuổi. Thế nhưng cuộc sống của người đàn bà có chồng nhanh chóng trở nên nhàm chán đối với Sagan và hai vợ chồng đã chia tay. Bà đã mua những chiếc du thuyền và biệt thự, những chiếc xe thể thao đắt tiền (một chiếc trong số đó đã làm cho bà bị tai nạn nhưng may mắn sống sót). Mặc dù cho vẻ ngoài không được hấp dẫn cho lắm- gầy gò, mũi to với đôi mắt to màu xám không được trong trẻo trên khuôn mặt nhỏ với chiếc cằm nhọn, nhưng bà vẫn có khá nhiều mối tình, một vài lần đã thử thưởng thức cuộc sống gia đình và thậm chí đã sinh một đứa con trai. Và bà vẫn tiếp tục viết.

Các cuốn truyện của Sagan lần lượt ra đời với một ngòi bút sắc sảo gây sốc nhưng lại sự tuân thủ nghiêm ngặt những truyền thống cổ điển của việc viết tiểu thuyết. Không có gì ngạc nhiên là một số nhà phê bình thậm chí đã gọi bà là “người kế tục trực tiếp Rasin vĩ đại”- hẳn là bà đã bảo vệ được tinh thần văn học cổ điển. Những điều nhỏ nhặt, có cảm giác như đời sống của những người dân bình thường dưới ngòi bút với phong cách cổ điển của bà đã trở thành những bi kịch thực sự. Tuy nhiên, sự kết hợp của hình thức cổ điển và nội dung phá cách của Sagan đã gây nên sự bức xúc không giấu giếm đối với nhiều nhà phê bình. Hơn thế, Sagan cũng không tìm cách làm hài lòng tất cả mọi người, bà luôn luôn sống như mình muốn, ngay cả khi điều đó đi ngược lại dư luận xã hội. Chẳng hạn bà luôn ủng hộ những quan điểm của phái tả. Trong thời kỳ đầy thử thách của cuộc chiến Pháp- Algeri bà đã nhất mực ủng hộ cánh tả. Sagan đã giấu ở nhà mình vài người đang bị những kẻ cực đoan săn lùng, vì thế đã gây nên cơn phẫn nộ đến mức đã xảy ra một vụ nổ bom ở gần nhà bà. Tuy nhiên Sagan thú nhận rằng chưa bao giờ bà thực sự quan tâm đến chính trị. Đối với Sagan thì những điều mà bà hứng thú là ước vọng tự do và sòng bạc. Sòng bạc đã là tâm điểm cả đời của bà. Ngay từ khi mới nổi danh có lần bà đã thắng một món tiền lớn ở một sòng bạc với 8 triệu frank và ngay sáng hôm sau bà đã mua một biệt thự cổ. Từ đó trở đi Sagan luôn là khách thường xuyên của tất cả các sòng bạc, bà đặt những món tiền khổng lồ vào bàn chơi. Không một khoản nhuận bút nào đủ bù vào các khoản chi, mặc dù tất cả những cuốn sách của Sagan đều trở thành bestseller và hàng chục nhà hát trên khắp thế giới đã dựng các vở kịch của bà. Ngoài ra, bản thân Sagan lại không giữ được tiền. Bà đã chi những khoản không nhỏ cho các tổ chức từ thiện, cụ thể là đã cấp không ít tiền trợ giúp cho các nạn nhân của sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobưl, đã tặng đi cả những chiếc xe hơi đắt tiền và nhiều đồ trang sức.

Thái độ vô tư như vậy có lần đã suýt làm cho bà phải vào tù. Vào đầu thập kỷ 90 đã bùng lên một vụ scandal lớn. Chính phủ đã quy cho Sagan tội không đóng khoản thuế từ số doanh thu của hãng dầu mỏ quốc gia Pháp Elf. Nghe nói rằng nữ văn sỹ đã thuyết phục tổng thống Pháp Francoise Mitteran là người mà bà có một tình bạn rất thân thiết và trung thành, gây áp lực đối với chính quyền Uzbekistan để họ dành cho Elf những ưu đãi khi khai thác các mỏ dầu. Khoản tiền này dường như đã được chi vào việc sửa chữa ngôi nhà của nữ văn sỹ. Sagan có nguy cơ bị phạt một món tiền lớn và phải ngồi tù, chỉ có sự can thiệp trực tiếp của chính ông Mittran vào lúc Sagan đang bị ốm nặng mới có thể bưng bít vụ này và bà chỉ bị phạt án treo. Tuy nhiên thì vụ bê bối vẫn không kết thúc ở đó. Lúc thì bà bị giam vì đi chân đất chạy bộ trên các đường phố Paris, lúc thì bị phạt vì chạy xe quá tốc độ gần 200km, khi thì bà là một trong số các khách hàng của những kẻ buôn bán cocain đã bị bắt…

Để trả nợ, nữ văn sỹ đã bán ngôi biệt thự sang trọng của mình và căn hộ ở Paris mà tổng thống Pháp thích lui đến thăm, bị tước mất cả những chiếc xe của mình. Sau này nơi ở của bà là những căn hộ nhỏ kiểu tư sản khiêm tốn hoặc là những căn phòng trong khách sạn. Nhưng bà vẫn dành thời gian rỗi bên bàn sòng bạc, dễ dàng đặt hàng nghìn euro và bà không bao giờ từ chối giúp đỡ các họa sỹ, văn sỹ, nghệ sỹ trẻ. Còn khi bạn bè toan ngăn cản thì bà đã mỉm cười vô tư và nhắc đến Sara Bernar là nữ nhân vật của một trong những cuốn sách cuối cùng của bà: “Bernar là một trong số ít những phụ nữ đã sống cuộc đời mình một cách vui vẻ. Shara Bernar đã không bị trừng phạt vì đã sống không lệ thuộc vào Thượng đế. Mà các bạn cũng nên biết rằng cô ấy đã là một kẻ đam mê cờ bạc? Và cô ấy không coi trọng đồng tiền”.

Francoise Sagan cũng đã từng “sống không lệ thuộc vào Thượng đế”, không tiếc những đồng tiền đã mất, những căn hộ đã bán và những người tình không chung thủy. Bà đã trở thành biểu tượng của cả một thế hệ và cách đây không lâu đã mất vì bệnh phổi tại bệnh viện thành phố Honfleur ở miền bắc nước Pháp.

Ngọc Bích (theo báo phụ nữ Nga)

Exit mobile version