François Weyergans là nhà văn, nhà làm phim Pháp, ông không chỉ lạ đời bởi là người duy nhất cho đến nay đã nhận giải Renaudot và Goncourt. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hầu hết tất cả các tiếng ở châu Âu, cũng như tại Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Đài loan, Isael, Ai cập, Tunisie và ở châu Mỹ la tinh… và tiếng Việt như Trois jours avec ma mère (Ba ngày ở với mẹ tôi) (giải Goncourt). Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã cho ra đời gần hai chục cuốn tiểu thuyết và hơn chục bộ phim.
Ông được mệnh danh là “người chậm trễ kinh niên và vướng bệnh lạc đề”. Các nhà xuất bản, từ Gallimard đến Grasset đều đã thuộc lòng tính cách của ông. Họ không thể biết trước khi nào ông sẽ hoàn thành tác phẩm, mặc dù đã ký hợp đồng xuất bản. Họ đôi khi phải đợi ít nhất là vài tháng, có khi cả vài năm. Lịch sử Hàn lâm viện Pháp sẽ có một giai thoại thú vị: ngay trong buổi lễ đón tiếp trọng thể dành cho mình thì chính tân thành viên ấy đã đến muộn, và người đó là François Weyergans. Ông đã đến muộn 15 phút, khi tất cả các đồng nhiệm đã chỉnh tề và nhà văn Erik Orsenna đang đọc diễn văn đón tiếp ông đã phải dừng lại và nói vui “Ngài đây rồi. Cuối cùng thì ngài cũng đã đến! Chúng tôi đã hơi sốt ruột đấy”. Ông được đón tiếp trọng thể vào viện “Bất Tử” ngày 16/06/011, sau khi đã được bầu vào phô tơi số 32 ngày 26/03/2009, bị bỏ trống từ tám năm nay. Hai mươi bảy tháng kể từ ngày được bầu mới được đón tiếp chính thức, chuyện hy hữu! Và lịch sử chiếc ghế số 32 của ông cũng ít nhiều huyễn hoặc và được mệnh danh là chiếc phô tơi “bị nguyễn rủa”. Ông phải cám ơn hai người tiền nhiệm mình, chuyện hiếm khi xảy ra! Người thứ nhất là Maurice Rheims, qua đời năm 2003, và “giáo hoàng” của luồng tiểu mới mới Alain Robbe-Grillet, qua đời năm 2007. Được bầu năm 2004, nhưng Alain Robbe-Grillet đã chưa bao giờ đến dự họp ở Viện cả, do ông không muốn phát biểu bài diễn văn được tấn phong của mình, và nhất là chứng “sợ trang phục”, ông không muốn vận bộ trang phục thêu xanh truyền thống dành cho các thành viên Hàn lâm viện mà ông cho là đã lỗi mốt. Điều này đã gây ra ít nhiều bức xúc cho các đồng nhiệm khác. Ông qua đời trước khi người ta tìm ra giải pháp.
Sự “lạc để” của François Weyergans là điển hình và điều đó rút cục đã trở thành một nghệ thuật trong văn chương của ông. Bằng lối viết đơn giản, dễ hiểu đôi khi dửng dưng, để cuối cùng lại đưa ra lời kết thúc bất ngờ. Một nhà văn đã thốt lên “Thật khó để làm ra vẻ dễ dãi như văn phong của F. Weyergans…”. Bạn đọc muốn hiểu tường tận tác phẩm của ông, phải đọc đến dòng cuối cùng. Ông luôn chậm trễ, nhưng không phải do lười viết như một số người tưởng, mà đó là sự mong muốn tìm kiếm sự hoàn hảo, nó vốn luôn ám ảnh ông. Sự chậm trễ và lạc đề của ông được thể hiện rõ rệt trong mỗi tác phẩm và chúng được biến thành một nghệ thuật văn học đặc sắc. Mỗi khi tấn công một vấn đề gì đó, François Weyergans không vào trực diện mà đi vòng. Ông có một kỹ thuật viết của riêng mình, nhưng nó chẳng bao giờ lộ ra ngoài mà ẩn nấp dưới phong thái đĩnh đạc của câu văn mà hình như câu văn ấy chẳng bao giờ muốn thôi chảy.
Tất cả những tác phẩm của François Weyergans đều được viết trong sự chắt lọc câu chữ, trong sự trăn trở, đó là sự làm việc cần mẫn viết thảo, gạch xóa, xé đi rồi lại bắt đầu, đi từ nghi ngờ đến hy vọng, chỉnh sửa rồi lại từ bỏ, để sau đó lại tiếp tục viết… Chính vì thế mà theo như lời nhà văn Jean d’Ormesson: “Weyergans hầu như luôn kết thúc tác phẩm của mình trong một xưởng in nào đó dưới tỉnh, nơi mà Xuất bản gia phải “nhốt” ông ấy lại để hoàn thành nốt phần sửa bản thảo cuối cùng…” và thậm chí cũng theo Jean d’Ormesson: “Sự dửng dưng và dáng điệu thư thái của ông ấy khiến tôi thấy vui vui. Cả bài diễn văn đọc tại buổi tấn phong vào Viện của ông ấy thì cũng chỉ là một sự lạc đề dài dặc và từ chuyện nọ xọ chuyện kia không ngớt.” Điển hình trong sự lạc đề đến tài tình của nhà văn là cuốn Tôi là nhà văn. Một câu chuyện về một tác giả đã cam kết viết Tiểu sử đại nguyên soái Toyotomi Hideyoshi và ông ta đã không sao viết nổi, nên quay sang viết về cách thức và những giá trị của trà xanh, về vẻ đẹp của phụ nữ Nhật Bản trên đường phố Tokyo. Và mới đây trong tác phẩm Thiên tình ca (tháng tư/2012), đó là một câu chuyện tình yêu, nhưng ông lại mất cả nhiều đoạn liền để miêu tả những đồ vật dụng hàng ngày.
François Weyergans sinh ngày 02-08-1941 tại Etterbeek, vương quốc Bỉ. Ông nội của ông là thợ rèn, người Đức đã từng sống ở Cologne, và đến làm việc tại Liège, Bỉ năm 1914 và đã nhập quốc tịch Bỉ trong có “24 tiếng đồng hồ” để tránh bị bắt giữ. Cha của ông, Franz Weyergans, là một nhà văn, mà sau này ông đã khắc họa rõ nét chân dung cha mình trong tác phẩm Franz và François. Mẹ ông là người Pháp, sinh ở Avignon. Thuở học đường, ông học tại trường Saint-Michel, gần Bruxelle, sau đó ông học cùng với Hergé (cha đẻ của loạt truyện tranh nổi tiếng Tintin) tại học viện Saint-Boniface-Parnasse cũng tại Bruxelle. Ông ngưỡng mộ Robert Bresson – một nhà làm phim nổi tiếng người Pháp (25/09/1901 – 18/12/1999) và Jean-Luc Godard (03/12/1930) – một nhà làm phim người Pháp/Thụy sỹ.
Ông bắt đầu viết cho tạp chí Sổ tay điện ảnh khi còn rất trẻ và ký tên Franz Weyergans. Năm 1961, khi mới hai mươi tuổi, ông thực hiện bộ phim ngắn đầu tiên về Maurice Béjard. Năm 1968, ông xuất bản cuốn Salomé, nhưng không thu hút được bạn đọc và ông đã quyết định viết lại và tác phẩm tái bản năm 2005. Tên tuổi ông dần được khẳng định trong làng văn học vào năm 1973, khi ông cho ra đời tác phẩm Le Pitre (Gã hề), và được trao giải Roger Niminer. Trong thời gian đó, ông vẫn tiếp tục làm khá nhiều phim, tiểu biểu là phim ngắn Voleuses (Các nàng ăn trộm) (1967), Baudelaire is gestorven in de zomer (1967) (tiếng Hà Lan: Baudelaire đã qua đời vào mùa hè), và phim dài Robert Bresson ni vu ni connu (Robert Bresson một con người kín đáo) trong chủ đề Chân dung các nhà làm phim trong thời đại chúng ta, Je t’aime et tu danses (Anh yêu em, còn em thì khiêu vũ) (1977). Năm 19980, ông cho xuất bản cuốn Les Figurants (Những người làm vì), tác phẩm giật giải Société des Gens de Lettres và giải Sander Pierron của viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ về Ngôn ngữ và văn học Pháp.
Năm 1981, ông ra mắt Macaire le Copte. Ông chọn khung cảnh thế kỷ IV sau công nguyên để khắc họa chân dung một người đàn ông đi tìm kiếm sự thanh bạch trong tâm hồn. Một tác phẩm mà như Erik Orsenna đã nhận xét: “… Một cuốn sách không giống bất kỳ cuốn sách nào, một cuốn sách mà khi đọc nó, ta không cười được, ta không nằm được[…], ta không trả tiền cho một Grand Vizir (Bộ trưởng trong vương quốc Hồi giáo) để khám phá những huyền bí của tâm hồn. […] Đó là một tác phẩm đầy tâm huyết”. Nhân vật chính Macaire le Copte đã trải qua đủ loại khổ ải trong đời: từ nô lệ đến kẻ học việc trong đoàn ảo thuật và cuối cùng là thợ làm bánh mì. Nhưng những mảnh đời đó khép lại khi bất ngờ, anh gặp một thầy tu trong sa mạc và người này đã nói với anh về cuộc đời Chúa Jésus. Như một khám phá, anh bắt đầu học cách sống mà không phụ thuộc vào gì hết, nhất là vật chất. Một ngày, anh quyết định đi vào sa mạc, và đã thực hiện ngay ý tưởng đó: “Vừa ra khỏi làng, Macaire đã để lại tất cả những gì đem theo cho một bà cụ, đang nằm phủ phục, nửa thức nửa ngủ dưới một gốc cây sung già, bà cụ chẳng hiểu điều gì xảy đến với mình. Còn Macaire thì chỉ nhìn thấy nước…” Và chính điều ấy đã giúp anh băng qua sa mạc. Khi đi tìm hiểu để khám phá cuộc sống của Đấng Toàn Năng thì anh đã nhận ra rằng Người hiện diện trong chính mỗi chúng ta: “Đấng Tối Cao mà anh tìm kiếm ấy mà, -anh nói với người đàn ông đầu tóc bu xù, – thì chính là anh đấy. Nếu anh đi tìm Người ở nơi khác, thì con đường sẽ còn rất dài và vô bổ.” Tác phẩm đã xứng đáng nhận giải Victor Rossel và giải Deux Magots.
Năm 1983, ông xuất bản tác phẩm Le Radeau de la Méduse, và giật giải Meridien des quatre jurys. Đây là tác phẩm cùng tên với bức tranh của danh họa nổi tiếng người Pháp, Théodore Géricault (1791 – 1824). Tiểu thuyết được bắt đầu bằng câu chuyện kể về con tàu La Méduse bị đắm và cuộc phiêu lưu huyễn hoặc của những người sống sót. Phần sau tác phẩm diễn ra ở thế kỷ XX, nhân vật chính là Antoine, sống và làm việc tại Paris, đang chuẩn bị dựng một bộ phim về Le Radeau de la Méduse. Các nhân vật trong tác phẩm đều có những nguyện vọng và ước mơ riêng, lúc thê lương, khi phơi phới, được tác giả diễn đạt bằng giọng văn mỉa mai, châm biếm và hài ước.
Năm 1986 là năm chào đời của tác phẩm La vie d’un bébé (Cuộc sống của một đứa trẻ sơ sinh. Kế đến là Je suis écrivain (Tôi là nhà văn) xuất bản năm 1989, Rire et Pleurer (Cười và Khóc) năm 1990.
Năm 1992, tác phẩm La démence du boxeur (Hành động điên rồ của võ sỹ quyền anh) đã được trao giải Renaudot. Nhân vật chính là Melchior, ông mong muốn đừng phải chết trước năm 2000. Khi ấy đang là giữa thập kỷ 80, và ông rất khỏe mạnh, dẫu cái chết của vợ đã đã khiến ông giảm ít nhiều nhuệ khí, dẫu ông vừa dự lễ an táng của anh trai mình. Vốn là nhà sản xuất phim trong nhiều năm, ông quen biết rất nhiều người nổi tiếng, các đài truyền hình ráo riết muốn ông công khai kể chuyện đời mình. Ông lưỡng lự. Ông thích viết hồi ký hơn và trao công việc đó cho con trai, là nhà thơ và cho đến tận hiện tại, ông vẫn phải nuôi báo cô hắn. Vào ngày sinh nhật, ông khiến mọi người ngạc nhiên khi hủy buổi tiệc mà gia đình đã tổ chức cho ông, và tuyên bố sẽ quay một bộ phim mà ông sẽ vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn và đồng thời là nhà Sản xuất, bộ phim ấy có tựa đề Hành động điên rồ của võ sỹ quyền anh. Nhật báo Le Monde đã viết: “…Bằng cách kín đáo và quanh co, François Weyergans tâm sự, thổ lộ nỗi lo sợ trước sự tiêu tan danh phận mà nó cứ không ngừng ám ảnh ông: với câu “tôi là ai?” mà Melchior đặt ra, thì sau tất cả những nhân vật chính trong các cuốn tiểu thuyết của của mình, Weyergans đã chỉ đơn giản trả lời: tôi là nhà văn.”
Tiểu thuyết Franz và François (1997) đoạt giải Grand Prix de la langue français, và Trois jours chez ma mère (Ba ngày ở với mẹ tôi) (2005), đã đoạt giải Goncourt.
Tháng ba năm 2012, sau bảy năm nghiền ngẫm, ông cho ra đời tác phẩm Thiên tình ca, một cuốn tiểu thuyết kể về những chuyện tầm thường bằng một văn phong cuốn hút.
Chúng ta chắc sẽ còn được khám nhiều điều “lạ đời” nơi François Weyergans.
Paris tháng bảy năm 2012
Hiệu Constant
Nguồn: PHONGDIEP.NET