Bài 2: Trăm hoa đua nở có thành mùa hoa?

VNQDĐT – Sự bung nở của dòng sách kì ảo, giả tưởng, nhất là ở phía các tác giả trẻ đã như những tín hiệu đáng mừng. Nhưng mong muốn tạo một điểm nhấn, một dấu ấn trong đời sống văn học, hay tạo hiệu ứng về mặt thị trường có vẻ như vẫn còn xa xôi…

Xin phép được nhìn nhận cụm từ fantasy, sci-fi Việt theo hướng là do tác giả Việt viết, mang những đặc trưng thể loại, được nhìn nhận như tác phẩm fantasy, sci-fi hay ít nhất cũng mang đậm yếu tố kì ảo, giả tưởng.

Có thể nói, sự tham gia vào thị trường sách fantasy, sci-fi có đủ các thế hệ viết Việt ở những “phân khúc” tuổi khác nhau.


Bạn đọc có vô vàn lựa chọn. Ảnh: Duzy


Ở phía các tác giả lớn tuổi, đã thành danh, như đã nói, cũng có những tác giả nhập cuộc, từ Nguyễn Nhật Ánh, Phan Hồn Nhiên và sau này là Nguyễn Đình Tú. Nhà văn Phan Hồn Nhiên được coi là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng văn học fantasy Việt Nam. Chị có cách làm việc khá chuyên nghiệp, coi trọng đặc trưng thể loại, nắm chắc kĩ thuật viết để kiến tạo những thế giới kì ảo của riêng mình. Có thể nói, những tác phẩm của chị đã đưa fantasy Việt gần hơn với thế giới cũng như chinh phục được bạn đọc trong nước.

Bên cạnh đó, với những tác giả chuyên nghiệp, do có kinh nghiệm sáng tác, có những trải nghiệm văn hóa nên tác phẩm thường mang đậm yếu tố Việt, hồn cốt Việt, khá gần gũi với người đọc Việt Nam. Chuyện ở xứ LangBiang của Nguyễn Nhật Ánh (Nxb Trẻ) với yếu tố thần thoại, kì bí với cảm hứng từ sử thi được coi như “Harry Potter Việt Nam” được nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Bộ sách 2 tập Bãi săn của Nguyễn Đình Tú (Alphabook và Nxb Hội Nhà văn) sau này cũng được nhìn nhận như một ví dụ điển hình về fantasy mang màu sắc văn hóa Việt, với câu chuyện hoàn toàn thuần Việt, của người Việt, được kết hợp các nguồn tư liệu và cảm hứng từ chính sử, dã sử, những truyền thuyết của dân tộc Việt cùng một lối thể hiện đậm chất fantasy. Cũng ở hướng viết huyền sử, đào sâu vào những khoảng mờ trong lịch sử Việt Nam để thả trí tưởng tượng đến tận cùng còn có Phan Cuồng với 2 tác phẩm Đại Nam dị truyện và Lý triều dị truyện (Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn) khai thác yếu tố kinh dị trong cổ sử, được Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc. Đây là một trường hợp thành công hiếm hoi, được cộng đồng đọc fantasy dành cho những lời ngợi khen thỏa đáng. Gần đây còn có tác giả Vũ Phiên với “Thần chiến triều Trần” (Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn), một tác phẩm khá lớn về dung lượng pha trộn giữa fantasy và sci-fi.

Với đội ngũ những người viết trẻ, có thể nói, họ chính là lực lượng kiến tạo nên vị trí của văn học kì ảo, giả tưởng tại Việt Nam những năm gần đây. Các tác giả trẻ đã nhanh chóng nắm bắt, nhập cuộc, bung xõa nhiệt thành với những sáng tác mang nhiều tính thể nghiệm ở những mức độ thành công khác nhau. Từ Đỗ Nhật Phi hiện diện từ khá sớm với Người ngủ thuê đoạt giải Nhất Văn học tuổi hai mươi, Minh Mun với Hạt hòa bình cũng xuất hiện ở cuộc thi nói trên, tiếp sau đó là hàng loạt những cái tên quen thuộc trong cộng đồng viết và đọc fantasy, sci-fi như Tô Đức Quỳnh, Maik Cây, Phạm Bá Diệp, Nguyễn Dương Quỳnh, Ngân Zeta… xuất hiện trên những kênh xuất bản tạm gọi là chính thống.

Gần đây nhất, tác giả Nguyễn Dương Quỳnh đã giới thiệu tới bạn đọc tập 1 của bộ truyện fantasy có tên Thiên cầu ma thuật (Nxb Phụ nữ Việt Nam) tiếp sau Thỏ rơi từ mặt trăng (Nxb Trẻ) trước đó. Ngân Zeta cũng xuất hiện với Bất diệt – Vũ điệu của lửa (Nxb Văn học). Phạm Bá Diệp sau màn chào hỏi ấn tượng với tiểu thuyết Urem – Người đang mơ gần đây đã trở lại với sự chín chắn và ý thức sâu sắc hơn với việc viết bằng tiểu thuyết thứ hai, Yagon – Những kẻ vô cảm (Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh)


“From Zero to Hero”, tác phẩm fantasy được in và phát hành từ cuộc thi của công ti sách Chibooks. Ảnh: TL



Bên cạnh những đơn vị xuất bản lớn đã đầu tư chiều sâu cho dòng fantasy, sci-fi một cách nghiêm túc, không chỉ vì lợi nhuận xuất bản mà còn ở góc độ nhiệm vụ chính trị của những đơn vị xuất bản nhà nước, một số đơn vị nhỏ hơn về quy mô nhưng cũng có những cách làm hiệu quả, dành sự quan tâm cho tác giả trẻ và dòng văn học này. Năm 2018, công ti sách Chibooks cũng đã phát động cuộc thi để tìm kiếm bản thảo fantasy, từ đó tìm ra một số tác phẩm như From Zero to Hero (Ray Đoàn Huy và Toàn Juno), Những cánh cổng kỳ bí (Đông Thảo), Hồ sư (Q)…. Nxb Phụ nữ Việt Nam cũng dành sự quan tâm cho dòng fantasy và ưu ái cho tác giả trẻ. Đầu năm 2021, khi dịch bệnh vừa lắng xuống nhà xuất bản này đã tổ chức ra mắt tác phẩm của Nguyễn Dương Quỳnh kết hợp một tọa đàm về sách fantasy với sự tham gia của các tác giả trẻ Nguyễn Dương Quỳnh, Ngân Zeta, Đỗ Nhật Phi, Đức Anh. Những luận bàn sôi nổi về văn học fantasy và những cơ hội dành cho nó đã được các tác giả cùng chia sẻ. Chú trọng sự tương tác với bạn đọc, fanpage của Nxb Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức các games nho nhỏ trong cộng đồng đọc cũng như khuyến khích họ nói lên ý kiến, nhu cầu đọc cũng như những nhìn nhận về fantasy Việt.

Nhìn vào hệ thống giải thưởng văn học cũng phản ánh một phần về bức tranh fantasy, sci-fi Việt do người Việt trẻ viết. Giải thưởng Văn học tuổi hai mươi do Nxb Trẻ, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức đươc coi là sân chơi cho những người viết trẻ và hướng tới bạn đọc trẻ, mặc nhiên có một sự tương thích với dòng văn học fantasy. Trong hai lần tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 và 6 (2012-2014, 2015-2018), Nxb Trẻ đều nhận được nhiều tác phẩm fantasy và trong các lần tổ chức đều có tác phẩm fantasy đoạt giải thưởng. Ví dụ, Nguyễn Nhật Phi với Người ngủ thuê đoạt giải Nhất Văn học tuổi hai mươi lần 3; Phạm Bá Diệp với Urem – Người đang mơ đoạt giải Tư Văn học tuổi 20 lần 5, Yagon – Những kẻ vô cảm đoạt giải Ba Văn học tuổi 20 lần 6; Nguyễn Đinh Khoa với Độc hành đoạt giải Tư Văn học tuổi hai mươi lần 6; Nguyễn Dương Quỳnh với Thỏ rơi từ mặt trăng, chung khảo Văn học tuổi hai mươi lần 6); Maik Cây với Wittgenstein của thiên đường đen đoạt giải Nhì Văn học tuổi hai mươi lần 6; Bùi Cẩm Linh với Chuyện bên rìa thế giới, chung khảo Văn học tuổi hai mươi lần 6…


Một số tác phẩm vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần 6 được trưng bày giới thiệu trang trọng. Ảnh: TL

Còn người viết trẻ, rất trẻ, đúng hơn là các tác giả nhí, ở dòng văn học này đã nổi lên một loạt tên tuổi vẫn được báo chí gọi là các “thần đồng văn học” trong mảng sách kì ảo, giả tưởng dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Cũng dễ hiểu, bởi thời đại và những tiện ích hôm nay khiến một đứa trẻ vài tuổi đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ, sống trong không gian của thời đại 4.0, thay vì những lời ru, thay vì những trò chơi dân gian là những phương tiện giải trí số hóa, một dạng đồng phục phổ cập toàn cầu. Điều này mang đến nhiều hệ lụy, nhưng ở một khía cạnh tích cực, đó là đã kích thích trí tưởng tượng của các em về một thế giới giả tưởng. Đến mức một số em với khả năng thiên bẩm, đã có thể kiến tạo một không gian bay bổng của riêng mình. Đây cũng là mảnh đất tốt để fantasy, sci-fi gieo mầm.

Dàn tác giả nhí này thường là theo hướng chọn một câu chuyện với cốt chuyện ở tầm nhân loại, trí tưởng tượng được sinh ra từ những câu chuyện giả tưởng khác, từ phim ảnh, games và những sản phẩm văn hóa nghe nhìn mà thế hệ mình tiếp thu từ thế giới. Và các tác phẩm fantasy, sci-fi Việt ồ ạt nổi lên từ những tác giả nhí, ban đầu còn gây ngạc nhiên trong xã hội, sau đó trở nên bão hòa và người ta nhìn nhận nó như một xu thế tất yếu. Tiêu biểu nhất là tác giả Nguyễn Bình với bộ tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom (Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh) dài 5 tập từ gần mười năm trước, nổi lên như một hiện tượng. Gần đây nhất là tác giả nhí Cao Việt Quỳnh với tác phẩm Người Sao Chổi – Cuộc chiến vòng quanh thế giới (Chibooks và Nxb Lao Động). Tác phẩm này cũng nhận được khá nhiều lời khen về sự sáng tạo có thể là trùng hợp với khả năng và bản năng cũng như lứa tuổi của tác giả. Điểm mới ở tác phẩm này là đã kết hợp cả yếu tốt kì ảo và yếu tố khoa học viễn tưởng trong nhìn nhận về thể loại (và rất nhiều tác phẩm fantasy cũng có sự pha trộn giữa fantasy và sci-fi), tất nhiên đó có thể là một lựa chọn không chủ động của cậu bé 12 tuổi. Chia sẻ với báo chí, tác giả cuốn sách cũng nói rằng, nhân vật cậu bé Thành ham mê khoa học, được xây dựng dựa trên tính cách và sở thích ngoài đời của chính cậu. Được đặt trong bối cảnh Việt, nhân vật Việt, thế giới giả tưởng ấy cũng phần nào gần gũi hơn với độc giả Việt. Cao Việt Quỳnh cũng được khen trong cách dựng truyện, ngôn ngữ kể chuyện cũng như cách khắc họa nhân vật sinh động. Những kiến thức về khoa học, thiên văn, và quan trọng nhất là trí tưởng tượng bay bổng trong một logic đòi hỏi của một tác phẩm văn học.


Tọa đàm về tác phẩm fantasy do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức đầu năm 2021. Ảnh: PNVN


120.000 cuốn sách văn học fantasy, sci-fi đã được in và bán ra trong khoảng hai mươi năm qua là con số chúng tôi khảo sát tại Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh. Có lẽ cũng là đầu ra lớn nhất cho những cuốn sách fantasy, sci-fi tại Việt Nam. Cùng với sự cởi mở, đa dạng về sách trong môi trường xuất bản, có thể bắt gặp nhan nhản những đầu sách kì ảo, giả tưởng đa phần của ngoại tại các nhà sách, các trang bán sách trực tuyến, các trang đọc có trả phí và rõ nhất, trực quan nhất khi chúng tề tựu tại các hội chợ sách quy mô lớn trong Ngày hội đọc sách những năm qua.

Tại những không gian đó, bên cạnh các tác giả nước ngoài, các tác phẩm fantasy nội cũng chen chân với số lượng đầu sách và danh sách tác giả ngày càng dài. Nhưng khát vọng tạo nên hiện tượng đọc trong nước có vẻ vẫn chỉ là khát vọng. Bởi thế, dù trăm hoa đua nở, nhưng có làm nên mùa hoa văn học kì ảo, giả tưởng hay không thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

DƯƠNG TỬ – DUZY