VNQĐĐT – Văn học kì ảo, giả tưởng, tạm gọi với cái tên văn học dòng fantasy, sci-fi (Science Fiction) dù đã qua thời đỉnh cao trên thế giới với những tác phẩm đình đám đánh động bạn đọc khắp toàn cầu thì vẫn là một dòng văn học nhiều hứa hẹn, đã từng bước vươn lên mạnh mẽ, làm thay đổi những nhìn nhận, định kiến về nó. Còn ở Việt Nam, cơn bão fantasy thổi đến kể từ khi Harry Potter đổ bộ và oanh tạc, mang lại một hiệu ứng đọc mạnh mẽ, cùng với doanh thu lớn cho nhà phát hành cũng như mở ra một con đường sáng nhiều hấp dẫn cho những người viết trẻ. Các tác giả trong nước đã nhìn nhận và nhập cuộc với dòng văn học này thế nào? Tiềm năng của nó đến đâu? Và liệu có làm nên một dòng sách fantasy Việt? Độc giả Việt đón nhận các sản phẩm fantasy madein Việt Nam ra sao? Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 sắp tới, VNQĐ Online tổ chức loạt bài viết này, chúng tôi mong muốn phác thảo bức tranh toàn cảnh cho một dòng sách văn học có vẻ còn nhiều hứa hẹn với cái nhìn từ nhiều chiều, nhiều phía.
Bài 1: Fantasy, luồng gió mới cho văn đàn Việt
Nếu lấy mốc từ khi bộ sách kì ảo đình đám Harry Potter vào Việt Nam thì trong khoảng 20 năm trở lại đây, văn học kì ảo, giả tưởng đã có một cuộc đổ bộ ngoạn mục. Thị trường sách văn học Việt đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của dòng sách fantasy, sci-fi.
Nữ văn sĩ JK Rowling với tác phẩm đình đám Harry Potter. Ảnh: TL
Trong dòng chảy văn chương thế giới, có một thể loại hiện nay chưa được xếp vào hàng chính thống, thậm chí còn không được giới hàn lâm đánh giá cao, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn, đến mức khó mà không thừa nhận. Đó là văn học kì ảo, giả tưởng.
Để làm rõ khái niệm văn học kì ảo, giả tưởng, chúng tôi đã tìm đến một số nhà phê bình, nhưng có vẻ như ở Việt Nam, không có nhà phê bình nào tập trung nghiên cứu chuyên sâu và theo dõi có hệ thống dòng văn học này.
Theo nhà phê bình Phan Tuấn Anh, thuật ngữ văn học fantasy có thể chỉ chung cho mọi tác phẩm văn học có xuất hiện yếu tố huyễn ảo. Về cơ bản, các nhà lí luận văn học chia văn học huyễn ảo ra thành ba giai đoạn, bao gồm giai đoạn văn học huyền thoại (myth), văn học kì ảo (fantastic) và văn học huyền ảo (magical). Theo đó, đặc tính thẩm mĩ tương ứng của giai đoạn phát triển của kiểu sáng tác văn học huyễn ảo là: huyền thoại: không sợ hãi; kì ảo: sợ hãi; huyền ảo: vừa sợ lại vừa không sợ, mang tính giễu nhại. Thời đại tương ứng của từng nền văn học là thần/huyền thoại: cổ đại, kì ảo: trung đại đến cận – hiện đại (từ thế kỉ XV đến XIX, mà tập trung chủ yếu vào thế kỉ XVIII đến XIX), và huyền ảo: hậu hiện đại (cuối XX đến nay).
Còn văn học giả tưởng, theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, một người viết dòng fantasy, sci-fi từ khá sớm, nó không phải chỉ đơn thuần là một thể loại, mà còn là một dòng chảy trong suốt tiến trình lịch sử với nhiều giao thoa, biến đổi về hình thức và phân nhánh về đề tài. Theo quan niệm truyền thống, văn học giả tưởng là thể loại văn học sử dụng hoặc toàn bộ, hoặc nhiều chi tiết không thực, được tạo dựng bởi trí tưởng tượng và giả thuyết của tác giả. Với riêng Hà Thủy Nguyên, văn học giả tưởng là thể loại tác phẩm văn học mà trong đó tác giả thể hiện sự lí giải về bản chất của thế giới, thực tại và con người thông qua hệ thống biểu tượng của riêng mình hoặc đi xa hơn, họ đưa ra những giả thuyết về tương lai. Điều này khiến các nhà văn giả tưởng gần gũi với các triết gia siêu hình. Thế giới được mô tả trong các tác phẩm này không đơn thuần là sự tưởng tượng, mà: hoặc là được hình tượng hóa, hoặc là họ thiết kế nên một thế giới của riêng mình như một gợi ý cho tương lai.
Dù còn khá mập mờ và có những nhầm lẫn về cách gọi ở phía đại chúng nhưng có thể hiểu một cách chung nhất là chúng đều thuộc thể giả tưởng tư biện. Và một thực tế không thể phủ nhận là những năm qua, văn học kì ảo, giả tưởng đã làm mưa làm gió trên thị trường thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, như một lẽ tất nhiên, nó đã nhanh chóng tác động đến Việt Nam. Có lẽ dấu mốc rực rỡ nhất, đó là bản dịch Harry Potter qua phần chuyển ngữ của nhà văn Lý Lan đã gây nên một hiện tượng xuất bản cũng như tạo nên cơn sốt suốt một thời gian dài với không chỉ một lớp thế hệ độc giả trẻ tuổi Việt. Hiện tượng Harry Potter như một lời khẳng định về một xu hướng đọc mới của độc giả Việt Nam. Các đơn vị xuất bản với sự nhanh nhạy của mình tiếp tục dịch và giới thiệu các tác phẩm fantasy nước ngoài khác, dù thành công ở những mức độ khác nhau nhưng đã tạo ra một thị trường cho văn học kì ảo, tập hợp được một lượng bạn đọc Việt đa phần là những người trẻ tuổi đông đảo, hợp thời, hợp xu hướng thời đại.
Nhà xuất Trẻ là đơn vị có thể coi là tiên phong trong việc đưa dòng sách fantasy vào Việt Nam cũng như tiếp tục giới thiệu những tác phẩm thuộc dòng văn học này tới độc giả Việt trong những năm qua, góp phần khiến văn học kì ảo đã hiện diện và phổ biến ở Việt Nam một cách mạnh mẽ. Có thể nói, bộ truyện Harry Potter do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu những năm 2000 đã mở đầu cho làn sóng văn học kì ảo bung nở và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Nhà xuất bản này cũng đã rất thành công với nhiều bộ truyện fantasy khác, dành cho cả thiếu nhi lẫn tuổi mới lớn và thanh niên, như Eragon – Cậu bé cưỡi rồng, bộ Chạng vạng, bộ Pendragon, Bí mật của Nicholas Flamel bất tử… … Về sau số đơn vị sách tư nhân cũng nhanh nhạy vào cuộc như Nhã Nam, “Sống” của Alphabook, Chibooks và một số nhà sách khác. Như vậy, nếu lấy sự kiện Harry Potter làm dấu mốc thì văn học fantasy đã vào Việt Nam rầm rộ và tạo nên trào lưu đọc – viết fantasy tầm 20 năm nay.
“Bí mật của Nicholas Flamel bất tử”, bộ sách 6 tập của nhà văn người Iceland Michael Scott luôn nằm trong top bán chạy trên Amazon được Nxb Trẻ dịch và giới thiệu với bạn đọc trong nước từ rất sớm. Ảnh: TL
Tác phẩm “Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine” đã được Nhã Nam dịch và giới thiệu đến bạn đọc Việt. Ảnh: TL
Phải nói 10 năm đầu của thập kỉ đầu tiên trong thế kỉ mới, độc giả Việt Nam đã thực sự được mãn nhãn với nhiều tác phẩm fantasy hay của thế giới. Lúc đó, văn học kì ảo, giả tưởng chiếm một tỉ trọng khá lớn trong số đầu sách văn học, lẫn doanh số trên thị trường xuất bản tại Việt Nam nói chung, và ở Nxb Trẻ nói riêng. Thành công đó được cộng hưởng thêm nhờ các bộ phim được chuyển thể và cũng mang lại hiệu ứng lớn trong thời gian đó.
Tuy nhiên, trong khoảng 7-10 năm trở lại đây, mảng văn học kì ảo dịch từ Âu – Mĩ trầm lắng trở lại. Trào lưu này không còn nóng nữa. Dù có một vài tác giả đình đám trên thế giới, nhưng khi xuất bản ở Việt Nam thì lại không thành công. Tuy vậy, văn học kì ảo, giả tưởng vẫn giữ một tỉ trọng nhất định trong mảng sách văn học được xuất bản ở Việt Nam. Đơn cử như tại Nxb Trẻ, theo khảo sát của chúng tôi ở thời điểm hiện tại, khi mà văn học giả tưởng được nhìn nhận đã qua thời làm mưa làm gió thì vẫn có khoảng 30% tổng số lượng sách văn học xuất bản thuộc dòng fantasy. Như vậy, dù không có được số lượng phát hành mơ ước như trước đây, nhưng vẫn có một lượng độc giả nhất định quan tâm và yêu thích dòng sách văn học này.
Ở phía những người viết trong nước, không phải không có những sự chạnh lòng, khi miếng bánh fantasy có vẻ béo bở và được đón nhận hăm hở như vậy nhưng sách của các tác giả Việt in ra chỉ một vài ngàn bản. Mặt bằng chung, quá hai nghìn trên con số phát hành đã được coi như thành công và có chút ít dư luận, không bị hoàn toàn rơi vào im lặng. Một số tác giả Việt đã tiên phong nhập cuộc, trong đó có cả những tác giả đã thành danh, có lượng bạn đọc lớn, ở vào thế “viết gì cũng có người đọc”, và lượng sách in ra hứa hẹn con số phát hành lên đến đơn vị chục ngàn bản: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và quả thực bộ sách giả tưởng Chuyện xứ Langbiang cũng đã làm nên chuyện, đến nay, bộ sách 4 tập với dung lượng cỡ 2000 trang này đã được Nxb Trẻ in đến lần thứ 7 với lượng phát hàng hàng vạn bản. Có thể nói, bằng danh tiếng sẵn có, Nguyễn Nhật Ánh là trường hợp hiếm hoi đạt được thành công lớn với tác phẩm fantasy.
Bộ sách “Chuyện xứ LangBiang” với dung lượng khoảng 2000 trang đã được Nxb Trẻ in lần thứ 7. Ảnh: Nxb Trẻ
Ở dòng giả tưởng, năm 2004 Hà Thủy Nguyên đã nổi lên như một hiện tượng với tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian (Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2004), tác phẩm hư cấu về lịch sử nước Đại Việt với những câu chuyện thần tiên, ma quái ngày ấy thường được giới thiệu như tiểu thuyết dã sử nhưng thực ra đây là một tác phẩm giả tưởng dòng mythic. Cuốn tiểu thuyết dày xấp xỉ 1000 trang của cô bé 18 tuổi khi xuất hiện đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu trên báo Thanh niên và Tuổi trẻ. Hà Thủy Nguyên cũng là tác giả viết fantasy từ khá sớm. Năm 2011 chị đã xuất bản tác phẩm Thiên mã tại Nxb Kim Đồng.
Tiếp đó là sự vào cuộc của một số nhà văn. Một số người đã thử sức một cách nghiêm túc hay có những tìm tòi, tự đổi mới mình để thử bút trong những dòng luồng khác nhau, nỗ lực bắt nhịp với bạn đọc và thời đại, và fantasy đã được lựa chọn. Trong số này phải kể đến nhà văn Phan Hồn Nhiên. Sau khi tham dự một trại sáng tác tại Mĩ chị đã viết và công bố một loạt tác phẩm theo dòng văn học này. Các tác phẩm của Phan Hồn Nhiên được in và phát hành tại Nxb Trẻ cùng với danh tiếng của tác giả đã giới thiệu xứng đáng những tác phẩm fantasy đến công chúng Việt và những người yêu mến chị từ trước.
“Tôi cho rằng, đã là nhà văn, một khi có cơ hội thử sức, không nên từ chối bất cứ thể loại nào. Đôi khi, chính những thể loại xa lạ lại mang đến cho bạn những trải nghiệm khác biệt, đầy hứng khởi và thực sự quý giá cho con đường về sau”. Đó là chia sẻ của nhà văn Phan Hồn Nhiên trong một lần trả lời phỏng vấn. Những tác phẩm của Phan Hồn Nhiên như “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth” và “Xuyên thấm”, “Máu hiếm” đã thực sự có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Ở lực lượng các tác giả chính thống, một số đã tỏ ra thức thời cộng với tay viết có thể bao sân các đề tài khác nhau với biên độ khá rộng cũng như nhu cầu tự làm mới bản thân, muốn thử sức ở địa hạt mới, đã hào hứng nhập cuộc. Nổi bật trong số đó là Nguyễn Đình Tú gần đây trong một hợp đồng với Alphabook đã viết 2 tập Bãi săn như một sự làm mới ngoạn mục. Mỗi người một hướng đi, một tìm tòi, fantasy gần như được điểm danh trên mọi mặt trận.
Fantasy như một luồng gió mới thổi vào văn đàn Việt. Một loạt các tác giả trẻ đã nhập cuộc và công bố tác phẩm, cả bằng con đường xuất bản chính thống và các phương thức phổ biến, tiếp cận bạn đọc khác. Đấy là chưa kể ở mảng sách dành cho thiếu niên nhi đồng cũng có những sự bung nở và chứng kiến sự xuất hiện của không ít “thần đồng viết thế hệ mới” ở dòng giả tưởng. Quả thực, một phong trào fantasy đã được châm ngòi. Và cơn gió fantasy đã bắt đầu thổi trên văn đàn Việt.
“Ở thời kĩ trị hoặc lúc tư tưởng hệ lên ngôi, văn học kì ảo thường bị xem là thứ văn học hạng hai. Nhưng cái kì ảo vốn có nguồn cội sâu xa trong tư duy đời sống và tư duy nghệ thuật của con người”.
(PGS.TS, nhà phê bình La Khắc Hòa)
DƯƠNG TỬ – DUZY
Theo Văn nghệ Quân đội