Fantasy được tạm hiểu là văn học kỳ ảo, giả tưởng. Những năm gần đây, số lượng các tác phẩm của dòng văn học mới mẻ này xuất hiện ngày càng nhiều trong làng văn Việt Nam. Song dường như, văn học fantasy nước ta vẫn bị ngầm mặc định là dòng văn học dành cho người trẻ, trẻ ở lực lượng cầm bút lẫn độc giả.

Sức hút của văn chương kỳ ảo

Định nghĩa về dòng văn học fantasy hiện nay còn mang tính tương đối. Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, một trong những đại diện tiêu biểu của dòng văn học này, thì fantasy phải có hai thế giới trở lên, yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên là khúc xạ của thế giới thực. Câu chuyện diễn ra ở thế giới thực và ảo song song tồn tại, nhân vật di chuyển theo một lối thông nhau giữa hai thế giới.

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng cần phân biệt giữa dòng tác phẩm fantasy thuần túy và tác phẩm có yếu tố fantasy. Fantasy thuần túy không có lời giải thích khoa học nào về sự tồn tại song song của thế giới thực, ảo. Riêng những tác phẩm có giải thích khoa học (dù thuyết phục hay còn mơ hồ, khoa học hiện tại chưa thể giải thích được, song hiện tượng đó có khả năng xảy ra) về sự tồn tại của thế giới ảo; tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thì cả hai đều được coi là tác phẩm có yếu tố fantasy chứ không phải fantasy thuần túy.


Tác giả Phạm Bá Diệp (ngoài cùng bên trái) và nhà văn Phan Hồn Nhiên trong một cuộc tọa đàm về văn học fantasy tại TP Hồ Chí Minh( ảnh)

Trên thế giới có nhiều tác phẩm fantasy trở thành kinh điển như “Chúa nhẫn” của J.R.R. Tolkien, “Alice ở xứ thần tiên” của Lewis Carroll, “Peter Pan” của J.M. Barrie, “Phù thủy xứ Oz” của L. Frank Baum, “Harry Potter” của J.K. Rowling, “Biên niên sử Narnia” của C.S Lewis… Dễ nhận thấy văn học fantasy trên thế giới thường gắn với tác phẩm điện ảnh “bom tấn” vì các yếu tố kỳ ảo càng trở nên thu hút khi dựng bằng kỹ xảo điện ảnh. Đình đám nhất phải kể đến phim “Harry Potter”, “Chúa Nhẫn”, “Alice ở xứ thần tiên” … Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên: “Trên thế giới, văn học fantasy tồn tại lâu đời và phát triển rất mạnh. Nó chia làm nhiều thể loại khác nhau và phân loại cho từng đối tượng như dành cho thiếu nhi, người trưởng thành, nam, nữ… Trong khi đó, văn học fantasy ở Việt Nam chỉ mới chập chững khoảng 10 năm trở lại đây”.

Đếm các tác phẩm và tác giả viết fantasy ở Việt Nam chỉ được trên đầu ngón tay. Thành công nhất phải kể đến nhà văn Phan Hồn Nhiên với các tác phẩm mang tính phiêu lưu, ma mị như “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth”, “Xuyên thấm”, “Máu hiếm”… Trong cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 5 – 2014, xuất hiện rất nhiều tác phẩm fantasy hoặc mang yếu tố fantasy như: “Urem – Người đang mơ” của Phạm Bá Diệp, “Hạt hòa bình” của Minh Moon, “Người ngủ thuê” của Nhật Phi… Nhiều tác phẩm fantasy gây được chú ý như “Kim cương” của Thùy Dương, “Thiên Mã” của Hà Thủy Nguyên, “Huyền thoại lục địa MU” của Tô Đức Quỳnh…

Fantasy Việt Nam vẫn chỉ là kiểu thể nghiệm bước đầu hoặc chủ yếu nặng tính giải trí để đáp ứng bạn đọc chứ chưa chú trọng chất văn chương, sự thần bí và tính tư tưởng. Các tác phẩm đỉnh cao gần như không có. Do đó, nếu ở phương Tây, dòng văn học này đã lên đến đỉnh cao và dành cho mọi đối tượng thì ở Việt Nam nó vẫn bị coi là dòng văn học của người trẻ – những người bị cho là thường mơ mộng hão huyền.

Giới trẻ dễ tiếp nhận thể nghiệm mới, luôn muốn tìm tòi, khám phá và thể hiện. Văn chương phản ánh hiện thực ít nhiều làm người trẻ cảm thấy cũ mòn hay quá mệt mỏi, không có hứng thú trong khi thế giới ảo luôn bay bổng cho trí tưởng tượng và mang lại nhiều bất ngờ khó đoán. Cũng có ý kiến cho rằng, mê đắm với fantasy chứng tỏ người trẻ đang tìm cách trốn chạy, “cứu rỗi” mình trước thực tại tha hóa, đầy rẫy cạm bẫy. Fantasy khiến cho người đọc cảm thấy thế giới trở nên tốt đẹp hơn, họ nhìn cuộc sống đầy mơ mộng, yêu đời. Thậm chí nó có thể giúp tác giả tạm giả thuyết về những hiện tượng kỳ lạ mà khoa học vẫn chưa giải thích được.

Phạm Bá Diệp cho rằng thế hệ trẻ như mình đều sống trong thế giới fantasy từ game, các loại phim khoa học viễn tưởng, mang yếu tố kỳ ảo. Say mê các tác phẩm điện ảnh kỳ ảo nổi tiếng của thế giới cũng chủ yếu là họ. Vậy nên, tác giả fantasy đa số là người trẻ. Họ thuộc thế hệ 8x, 9x và hứa hẹn các tác phẩm của lứa 10x.

Viết fantasy, người trẻ cần gì?

“Nhiều bạn trẻ cho rằng đây là dòng văn học dễ viết, chỉ cần tưởng tượng phong phú thì dễ dàng làm nên một tác phẩm. Thực ra, fantasy cực kỳ khó viết dù nó không bó buộc như các thể loại khác. Trí tưởng tượng chỉ là cánh cửa để bạn bước vào mê cung fantasy. Nếu không có kiến thức và nền văn hóa vững để tạo lập đường dây câu chuyện và hệ thống những gì mình viết thì chắc chắn bạn sẽ lạc vào mê cung đó. Rất nhiều thứ bị nhồi nhét vào tác phẩm khiến cho nó lủng củng, rối rắm. Phải làm sao khi xây dựng thế giới ảo dù phi lý nhưng được người đọc chấp nhận và diễn tiến, hành động của nhân vật trong thế giới đó được sắp xếp logic, hấp dẫn theo một cách vận hành nhất định” – nhà văn Phan Hồn Nhiên phân tích.

Chị cho hay, chính bản thân chị khi bắt đầu viết fantasy cũng đã có thời gian dài viết các thể loại khác. Đó là cách để rèn tay nghề từ từ, vì fantasy là sự pha trộn của hiện thực lẫn tưởng tượng nên người viết phải bắt đầu tập viết truyện lấy chất liệu từ hiện thực rồi mới đến truyện pha yếu tố kỳ ảo và truyện fantasy thuần túy. Mỗi tác phẩm là một cách nhà văn Phan Hồn Nhiên tự nâng mình.



Một số tác phẩm văn học fantasy Việt Nam(ảnh)

Với “Những đôi mắt lạnh” chị chỉ dừng lại ở việc xây dựng hai thế giới thực và ảo. Đến “Chuỗi hạt Azoth”, chị học cách cài cắm các yếu tố huyền thoại, hệ thống biểu tượng để câu chuyện thu hút, hấp dẫn. Cuối cùng, với “Xuyên thấm”, Phan Hồn Nhiên bắt đầu phân tích nội tâm, đi sâu vào tâm lý nhân vật. Chị thú nhận: “Mỗi cuốn fantasy mới phải là một nấc thang mới, hay hơn cuốn cũ. Do đó, lâu lâu tôi mới ra cuốn mới vì phải luôn tự nâng cấp mình”.

Phạm Bá Diệp nói vui: “Nếu không viết fantasy thì tôi không biết viết cái gì”. Nhưng bắt tay viết “Urem – Người đang mơ”, Diệp mới “toát mồ hôi”. Mất một năm chuẩn bị và một năm viết. Khi cuốn sách ra mắt và đoạt giải khuyến khích của cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5, anh nhận được rất nhiều luồng ý kiến khen chê. “Cuốn sách kể về ngày thế giới sắp tận thế với sự hoành hành của căn bệnh Urem. Ai bị nhiễm bệnh đều rơi vào giấc ngủ sâu và không thể tỉnh dậy.

Kiên – nhân vật chính, người duy nhất tỉnh dậy sau giấc mơ dài năm năm, với những năng lực tỉnh thức đặc biệt đã được chọn mang trọng trách tìm lối thoát cho căn bệnh này. Chọn giấc mơ là cách dễ nhất để xây dựng thế giới kỳ ảo. Chính tôi cũng nhận thấy tác phẩm của mình còn đụng đâu viết đó, nhồi nhét rất nhiều thứ thập cẩm nhiễu loạn để tạo nên yếu tố kỳ ảo trong truyện như game, “Tam quốc chí”… Thành ra khi một nhà báo hỏi tôi lấy nền văn hóa hoặc cảm hứng nào để xây dựng thế giới ảo trong cuốn sách này thì tôi lúng túng” – Diệp nói.

Nếu đọc qua các tác phẩm văn học fantasy ở Việt Nam sẽ dễ dàng nhận thấy nó mang đậm nền tảng văn hóa, kho tàng văn học châu Âu. Nhiều cây bút trẻ đưa những yếu tố này vào như cách học làm sang. Bản sắc dân tộc trong fantasy Việt gần như là con số 0 trong khi nền văn hóa, kho tàng văn học dân gian của ta đa đạng và hấp dẫn không thua kém. Nếu phương Tây có nàng Lọ Lem, người lùn, tiên, các vị thần… thì chúng ta có nàng Tấm, Sọ Dừa, ông Bụt, các vị thần như Sơn Tinh, Thủy Tinh…  Nhưng rất tiếc những câu chuyện huyền thoại của cha ông lại không khiến nhiều cây bút trẻ mặn mà.

Một nhà văn cho rằng, thời đại của sự giao thoa văn hóa thì nếu chỉ chăm chăm vào văn hóa Việt sẽ không tạo được những tác phẩm mang đặc trưng của sự giao thoa đó. Hơn nữa việc vận dụng kho tàng thuần Việt để tạo thế giới ảo cho tác phẩm fantasy rất khó vì nhiều người không muốn truyện cổ tích, truyền thuyết quen thuộc bị thêm thắt, sáng tạo. Nhưng không thể vin lý do đó để lạm dụng vay mượn văn hóa ngoại lai (mà chính tác giả chưa chắc đã am hiểu) và thoái thác tác phẩm fantasy mang hồn cốt Việt. Phạm Bá Diệp cho biết anh đang liều lĩnh thử sức với một tác phẩm fantasy lấy Đạo Mẫu – một tín ngưỡng dân gian lâu đời của dân tộc –  làm nguyên liệu xây dựng thế giới ảo. Đây là một thức thách khó khăn song có thể coi đó như tín hiệu đầy hứa hẹn cho fantasy đậm bản sắc Việt.
Theo Mai Quỳnh Nga – Văn nghệ công an