Đoản khúc (Nxb Văn học, 2013) của Fan Tuấn Anh tập trung kiến tạo ba thi ảnh chính thế giới – tình yêu và bản thể. Toàn bộ thi cảm, thi liệu của người viết đều bị hút vào ba đối tượng này. Thế giới – tình yêu và bản thể được nhìn qua các mảnh, phần đoạn, các phiên bản, lát cắt, cái chốc lát, bấp bênh… mọi thứ đều bị vỡ ra, cắt mảnh, chia tách nhỏ, không còn nguyên gốc, nguyên nghĩa, tức là bất định, khó đoán nhận, nắm bắt, ghi lại đầy đủ.

Trong bối cảnh hiện nay, để đọc thơ của “thế hệ mới”, thế hệ nổi loạn, những người can đảm tuyên bố khước từ thi pháp truyền thống và không dành thơ của họ cho độc giả phổ thông, trước hết, người ta cần định nghĩa lại thơ là gì? Tiếp tục đặt ra những chất vấn ví như cái gì là thơ, tính thơ thể hiện ở đâu, sự cách tân – sáng tạo dành cho ai, hoặc phải tuyên bố thơ vần điệu đã sáo rỗng cũ mòn, không còn khả năng chuyên chở những tình cảm mới, vùng hiện thực mới, thậm chí cần nhấn mạnh ngay lúc nhập cuộc rằng nó đã chết, cần phải chôn vùi nó, xa lánh nó, cự tuyệt nó – những “nhà thơ đích thực”, “mới nhất” bây giờ thường làm vậy. Họ luôn ưa thích tung ra những kết luận có tính cách khu biệt những gì là cũ, là thơ cũ, tức là họ tiến hành một cách có ý thức loại trừ một lối viết, một cách đọc trước khi họ đặt bút viết thơ, làm ra những “cái mới” khiêu khích thị hiếu thẩm mỹ và những cảm nghĩ thông thường về thơ của đa số chúng ta. Người viết thơ nào cũng có tham vọng dãn nới được những giới hạn hiện tại của văn bản, tạo ra lời nói mới, ngôn ngữ mới, một cõi riêng. Họ tự tin xem mình nắm trong tay quyền năng mở ra được những viễn cảnh nghĩa mới, nhưng cũng thường xuyên khiêm tốn nói với ta rằng họ vẫn đang tìm đường, thử nghiệm, đang trong công cuộc tìm kiếm mình, tìm kiếm bản thể, cái tôi: nhiều người vẫn tưởng ngoài cái tôi ra, văn bản thơ không còn đích nào để đến nữa, và chừng như để một văn bản – lối thơ nào đó có chỗ đứng nhất định trong thời điểm này không còn cách nào hơn là tuyên bố khai tử những lối viết, lối nghĩ khác.

Bìa tập thơ Đoản khúc của Fan Tuấn Anh

Thơ Fan Tuấn Anh tạo sinh trong bối cảnh những tri thức về văn học thay đổi mạnh mẽ. Sự sáng tạo và tiếp nhận thơ diễn ra giữa lúc mọi thứ đều trở nên đáng ngờ, phân mảnh, bất định, không hứa hẹn điều gì đáng tin; nguồn thi cảm, thi liệu cũng gần như cạn kiệt và trở nên bão hòa; giữa lúc thơ được sản xuất hơn sáng tạo; người làm thơ thường tuyên bố về hành động thơ nhiều hơn thực hành kiến tạo những thi tính đủ sức cuốn hút độc giả. Người đọc bị đặt vào khung diễn ngôn chính thống, loại diễn ngôn luôn muốn đứng lên trên tất cả, độc quyền kiểm soát, điều khiển các văn bản, tạo ra những văn bản “kiểu mẫu” nhưng họ lại thường tỏ ra hứng khởi với những diễn ngôn lệch tâm, ngoại biên, tinh thần khai phóng và sự đa nguyên văn học. Sự đọc không dừng lại ở việc tự do bộc lộ khoái cảm cá nhân, góp phần kiến tạo nghĩa và làm lan tỏa nghĩa, mà đang trở thành một thách thức trong sự cạnh tranh loại trừ giữa các diễn ngôn; phê bình thơ cùng với số phận của thơ cứ dần bị thu hẹp vào trò chơi trích dẫn, nhà phê bình phải trình ra “những bằng chứng” cho thấy lý do tồn tại, tính độc đáo của văn bản. Trước phê bình hiện diện nhiều quy chế, thử thách khắc nghiệt, chẳng hạn như: nếu không lẩy ra được những “câu thơ hay”, những “cái mới hoàn toàn” thì sự đọc ấy coi như không có hiệu lực, không được hợp thức hóa… Sáng tạo và phê bình bị đặt vào chung một bình diện, một số phận. Diễn giải về chất lượng sáng tạo của văn bản mới ra đời bất kỳ nào, ở ngữ cảnh hiện thời, rất dễ bị đặt thành vấn đề của các diễn giải khác, cái mới bởi vậy trở nên rất khó nhận diện. Vậy đọc Fan Tuấn Anh như thế nào?

Đoản khúc (Nxb Văn học, 2013) của Fan Tuấn Anh tập trung kiến tạo ba thi ảnh chính thế giớitình yêubản thể. Toàn bộ thi cảm, thi liệu của người viết đều bị hút vào ba đối tượng này. Thế giới – tình yêubản thể được nhìn qua các mảnh, phần đoạn, các phiên bản, lát cắt, cái chốc lát, bấp bênh… mọi thứ đều bị vỡ ra, cắt mảnh, chia tách nhỏ, không còn nguyên gốc, nguyên nghĩa, tức là bất định, khó đoán nhận, nắm bắt, ghi lại đầy đủ. Ngay nhan đề tập thơ này đã phản ánh được phần nào cách hình dung thế giới và nguyên tắc tổ chức lời nói của Fan Tuấn Anh.

Thơ Fan Tuấn Anh là một nỗ lực tháo dỡ thế giới cá nhân để tìm nghĩa và ý nghĩa, một cách nhìn thế giới theo tâm thức hiện nay; một cách tái tạo thế giới từ những đổ vỡ, chấn thương có tính phức hợp và từ sự hình dung của cá nhân; là bản tường trình tái nhận thức “thế giới” xung quanh. Chủ thể phát ngôn trong Đoản khúc luôn cố gắng diễn giải thế giới, tra vấn mọi thứ đang diễn ra với một phổ rộng nhằm xác định những giá trị, những nguyên tắc tổ chức của nó, anh ta dò dẫm định vị sự tồn tại của mình. Thơ Fan Tuấn Anh bộc lộ sự hoài nghi, phô diễn những nghịch lí, phi lí, nhưng chưa rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin. Một người theo đuổi nghiên cứu văn học hậu hiện đại như Fan Tuấn Anh rất lạ là vẫn muốn bám víu vào một thứ gì đó, cho dù đó là những mảnh vỡ tình yêu, mảnh vỡ hiện thực, anh vẫn tin tưởng và mong muốn “một thế giới vẹn toàn, một tình yêu hoàn hảo”: “Anh vẫn ngắm nhìn thế giới này mỗi ngày trong những nỗi buồn, nhưng anh vẫn yêu thế giới của anh biết bao ngay trong chính bản mệnh nỗi buồn mà thế giới ấy vẫn hằng mang vác” (Đoản khúc 33). Thế giới đối với chủ thể phát ngôn trong Đoản khúc vẫn còn nhận thức được dù rằng nó hiển lộ qua nhiều dạng thức khác nhau.

Nhà thơ trẻ Fan Tuấn Anh

Có một điểm đặc biệt mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây: Fan Tuấn Anh là một người trẻ, nhưng thơ anh lại chất chứa nhiều khổ đau, lo lắng… nhất là cái chết, sự hủy hoại. Thế giới Đoản khúc ảm đạm, đầy ắp những tiếng khóc, tang tóc, những nỗi buồn triền miên không dứt, những trạng thái mong manh. Chủ âm của Đoản khúc toát lên từ chính giọng nói chấn thương, đau thương. Những chấn thương, và nỗi đau tưởng tượng thực hành chức năng của chúng trong Đoản khúc tạo ra một giọng nói ám ảnh mỗi khi chúng ta ngang qua. “Thế giới của anh là thế giới nhiễm phèn đau thương từ chân tóc của những điều giản dị mà mọi người vẫn vô tư và hồn nhiên mỗi ngày dẫm lên” (Đoản khúc 29).

Mỗi đoản khúc của Fan Tuấn Anh như một suy tư về thế giới, một sự phản tỉnh. Có khi ta đi lạc vào thế giới trống rỗng, vô nghĩa; có lúc ta bước sang “thế giới của nỗi buồn không người kiến tạo”; có khi hiện ra thế giới lạnh lẽo, âm u, đầy nhưng bi quan, tuyệt vọng; lại có lúc gặp thế giới hoang tàn, đang “hành trình về cái chết”, không khí căng thẳng, mệt mỏi; rồi trở về thế giới trong giấc mơ của nhân vật anh “ở đó em vẫn nguyên vẹn nụ cười, những con cá được chữa lành sau cuộc hành trình dấn thân và loài người đi tìm ý nghĩa nhân sinh từ những vết thương do chuột cắn xé trên thân xác” (Đoản khúc số 55)… Thất vọng, đau buồn, hoang mang, lo âu trước thế giới hiện thực, Fan Tuấn Anh trở về thế giới của những giấc mơ, suy tư huyễn hoặc. Fan Tuấn Anh lạ hóa thế giới, kiến tạo một thế giới đầy những phi lí, mâu thuẫn, bí ẩn; thời gian và không gian của thế giới ấy được đo bằng cái chết và những vết thương. Thế giới của Fan Tuấn Anh là thế giới bị xáo trộn. Đoản khúc có những suy nghĩ sâu sắc về trạng thái tồn tại của con người hậu hiện đại, và về một hiện thực đang có nhiều xáo trộn mà chúng ta đã trở thành những kẻ dự phần.

Fan Tuấn Anh cũng nói nhiều về tình yêu, trò chuyện với chúng ta về nhân vật em nào đó, đúng hơn về cái bóng của nhân vật em. Cả em và thế giới hiện tại đều để lại cho nhân vật anh những vết thương lòng. Đoản khúc được tạo ra từ hai chấn thương: tình yêu cá nhân không như ý và thế giới chúng ta đang hoại tử, “huyền thoại đang hủy hoại huyền thoại”. Chấn thương xã hội dội tới, khoét sâu thêm chấn thương cá nhân và chúng cứ thế kết dệt Đoản khúc thành một tự sự buồn, một hình ảnh vương vấn. Đoản khúc cũng như Người ngủ muộn là một bản tự thuật về tình yêu; vừa tha thiết đắm say vừa u buồn, thất vọng; vừa tiếc nuối xa xót, vừa bản lĩnh chấp nhận; nhân vật anh vốn “quá kì vọng vào tình yêu, quá tin vào hạnh phúc, và quá mong chờ vào những điều không thể” (Đoản khúc số 0). Thi cảm trong thơ Fan Tuấn Anh là thứ phức cảm.

Cảm thấy mọi thứ đều đổ vỡ, Fan Tuấn Anh tìm về bản thể, bản nguyên. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng, một cuộc kiếm tìm vô ích. Fan Tuấn Anh dự phần vào tất cả những gì mà anh đang diễn giải và hình dung; chính anh đã và đang làm xáo trộn thế giới của mình mỗi lúc diễn giải nó, lật giở nó ra. Đọc Đoản khúc cũng là lúc chúng ta bị đẩy vào rất nhiều hành trình, đi cùng nhân vật anh: chúng ta trở thành kẻ làm chứng về sự xáo trộn có liên quan đến nhân vật ấy.

Thế giới – tình yêu và bản thể là ba hình ảnh nhưng cùng một mô hình, thể hiện một tâm thức. Đoản khúc là thứ thơ giàu trải nghiệm, thơ suy tư, cho ta thấy một gương mặt khác so với cái tôi sôi nổi, hồn nhiên của người viết. Sáng tạo, trong trường hợp này, như là sống với một thế giới khác. Đoản khúc đã mạnh dạn từ bỏ kiểu trữ tình quen thuộc, từ bỏ thứ thơ “cất trong ngăn bàn” với những hình ảnh, vần điệu quen thuộc của lục bát, ngũ ngôn, tám chữ mà ta đã từng gặp trong Người ngủ muộn (Nxb. Thuận Hóa, 2008). Nếu ở Người ngủ muộn, Fan Tuấn Anh đến với thơ rất trong sáng, thơ bật ra từ tâm hồn giàu mơ mộng, những tìm tòi về cấu trúc ngôn từ có phần dè đặt, chừng mực, thì đến Đoản khúc, ta thấy thơ anh phóng túng hơn, có chiều sâu phức tạp hơn, nhiều diễn giải và lý tính hơn trước; đôi chỗ thấy anh đã bị trào lưu cuốn đi.

Tôi tin nhiều độc giả cũng khó tìm thấy Fan Tuấn Anh giữa tiếng ồn của thơ đương đại. Đọc anh có cảm tưởng đang thực hiện một chuyến đi vô hướng, lòng giục giã đi nhưng không rõ mình đi đâu, bỗng thấy vơ vẩn; ta cố đi tiếp sang phía bên kia văn bản, muốn thoát khỏi những mê lộ chữ nghĩa đang bày ra trước mặt, nhưng càng đi càng mau trở về điểm ban đầu: giọng nói rất quen, câu chuyện nghe rồi, chừng ấy điệu ta đã thuộc; đó là vì sự luyến láy, trùng điệp, ám ảnh trong Đoản khúc.

Đọc thơ Fan Tuấn Anh ta bắt gặp một kẻ tình si lúc nào cũng muốn diễn giải đến chân tơ kẽ tóc sự thể, luôn cố gắng tỏ bày cho đủ đầy mọi thứ, cũng muốn trút hết những suy nghĩ miên man đang bám riết lấy đầu óc.

Đoản khúc là sự thay thế liên tục của những cái đã mất, những ám ảnh; những đợt hiện thực bị xáo trộn; là sự trơn trượt từ cái biểu đạt này sang cái biểu đạt kia; là sự trải nghiệm bất định của cái tôi trong địa hạt chấn thương và nỗi đau tưởng tượng; là không gian của những ẩn ức được che giấu dưới nhiều hình thức tinh vi.

Xin trân trọng giới thiệu Đoản khúc cùng bạn đọc!

Nguồn: Vanvn.net