Elmore Leonard, người vừa qua đời ở tuổi 87, được ca ngợi là một trong những nhà văn thuộc thể loại hình sự tội phạm thành công nhất nước Mỹ. Ông đã cho xuất bản hơn 40 cuốn sách, tiêu biểu là những cuốn tiểu thuyết Rum Punch, Maximum Bob, Freaky Deaky và có lẽ nổi tiếng nhất là cuốn Get Shorty.


Nhà văn Elmore Leonard

Từ giữa những năm 1980 Leonard đã là một trong những nhà văn hình sự được đắt khách nhất Hollywood. Chìa khóa thành công của ông nằm ở khả năng viết theo cách sẽ khiến cho tác phẩm của ông giống như thể một cuốn kịch bản phim. “Những câu chuyện có một khởi đầu và một kết thúc”, ông giải thích, “và độc giả sẽ cảm thấy được thỏa mãn”.

Với chiếc mũi khoằm, nụ cười ẩn dưới bộ râu đã ngả màu hoa râm, cặp kính lớn và đôi mắt trầm từ theo làn khói thuốc, Leonard trông giống hệt ông tộc trưởng của một bộ tộc bước ra từ tiểu thuyết. Những câu truyện của ông có tiết tấu khá nhanh và kể về cuộc đời (và cả cái chết) của những tên côn đồ, cảnh sát, quan chức biến chất và đôi khi là cả ”một chàng trai tốt” đã giúp ông chinh phục được người hâm mộ trên cả hai bờ Đại Tây Dương.

Tờ Newsweek ca ngợi ông là “nhà văn Mỹ xuất sắc nhất về thể loại tiểu thuyết hình sự còn sống và có lẽ là xuất sắc nhất mọi thời đại”. Và mặc dù được đánh giá là thiếu sự tham vọng đối với văn chương, nhiều nhà phê bình vẫn nhận định tác phẩm của ông đã vượt ra khỏi ranh giới thể loại như Martin Amis từng dành cho ông những lời có cánh như “nhà văn xuất chúng nhất vẫn sáng tác bằng tiếng Anh”.

Sau ba thập kỷ xuất hiện trên thị trường sách phương Tây mà vẫn không có chút tiếng tăm, phải đến đầu những năm 80 truyện ngắn và tiểu thuyết trinh thám của Leonard mới đạt được bước đột phá nhất định với cuốn La Brava (1983) và đặc biệt là thành công của Glitz (1985) với 18 tuần liên tiếp có mặt trong danh sách bán chạy nhất của tờ thời báo New York.

Những nhân vật của Elmore Leonard thường thuộc tầng lớp nhếch nhác sống trong các thành phố lớn của Mỹ như Miami, Atlantic City hay tại quê hương ông, Detroit. Điều đó khiến cho cảm giác bất an luôn ẩn hiện đằng sau mỗi trang giấy. Cũng có khi sự bất an ấy được thể hiện ngay từ đầu như khi nhân vật của ông lạm dụng súng, chơi thuốc và khiến cho câu chuyện lao đi với nhịp độ hối hả. Họ là những người phục sức bằng những bộ quần áo da sáng bóng và đeo nhiều dây chuyền vàng đến nỗi chúng va vào nhau và phát ra những âm thanh chát chúa trên bộ ngực lông lá nhưng lại sống trong một căn phòng trọ rẻ tiền. Leonard, tất nhiên, đã viết về họ bằng giọng văn nhẹ nhàng, thông cảm và hài hước.

Trong bức chân dung khắc họa hiện thực về tầng lớp thấp kém trong xã hội của Leonard, cựu tù nhân hay cảnh sát gần như chắc chắn đều sẽ nhận được sự thông cảm của độc giả. Đó là khả năng tài tình của ông trong việc tạo ra những nhân vật đáng tin cậy và đôi tai tinh tế trong việc nhanh chóng phát triển thứ ngôn ngữ đường phố đã giúp ông trở nên khác biệt so với những người muốn trở thành một Leonard thứ hai.

Thành công không chỉ mang lại cho ông những khoản tiền lớn mà còn cả sự so sánh với những tên tuổi lớn như Dashiell Hammett và Raymond Chandler. Tuy nhiên, tự bản thân Leonard lại không thấy hứng thú với những thể loại bậc thầy này. Ông từng tuyên bố chưa bao giờ đọc quá 20 trang sách của Hammett, và bác bỏ Chandler trong một lần hiếm hoi thể hiện ra cái tôi hiếu chiến: “Tất cả những phép ví von và ẩn dụ, những lời nói đẹp như tranh vẽ nhưng rỗng tuếch, một tập giấy rời rạc trong Reader’s Digest [của Chandler]. Đó là tất cả những gì tôi đã thấy”.


Bìa cuốn Get Shorty xuất bản tại Châu Âu

Ở một khía cạnh tương phản, Leonard lại bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những tác phẩm của Ernest Hemingway, nhà văn cùng thời với Hammett và Chandler, khi nói: “Chúng trông có vẻ vô cùng đơn giản cho đến khi bạn hiểu ra rằng tất cả những thứ ông bỏ quên thực ra vẫn luôn hiện diện, bằng cách nào đó. Tôi đã học được rất nhiều từ ông ấy, nhưng không phải là thái độ. Ông ấy quá nghiêm khắc với bản thân. Tôi không đủ khả năng nghiêm khắc với chính mình như vậy. Tất cả những gì tôi mong muốn là sự thoải mái”.

Elmore John Leonard sinh ra trong một gia đình Công giáo La Mã ở New Orleans vào ngày 11/10/1925. Cha của ông, cũng tên là Elmore John Leonard, làm việc cho General Motors và mở đại lý mới trên khắp đất nước. Điều đó khiến cả gia đình Leonard phải di chuyển khắp nơi cho tới tận năm 1935, khi họ định cư tại Detroit, Michigan. Và trong những suốt những năm đầu tại nơi ở mới, cậu bé Elmore đã thường xuyên bị trêu chọc bởi giọng nói miền Nam của mình, điều đã giúp ông có đôi tai thính nhạy để viết nên những cuộc hội thoại vô cùng tự nhiên.

Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông chẳng bao giờ lúng túng trong cách dùng từ. Có ai quên được Chili Palmer kẻ cho vay nặng lãi chuyển sang làm ông chủ hãng giải trí trong Get Shorty (1990) hay trong Be Cool (1999) với câu mệnh lệnh đáng sợ: “Nhìn tao đi”. Khả năng sáng tạo tài tình đã khiến ông trở thành một trong những nhà văn hình sự giả tưởng xuất sắc nhất cuối thế kỷ 20.

Ngoài văn học, Leonard có niềm đam mê mãnh liệt với thể thao. Ông thậm chí đã mua lại biệt danh “the Dutch – người Hà Lan” khi còn là một cầu thủ giao bóng ở trường trung học đặt theo tên của một cầu thủ bóng chày chơi cho đội Washington Senenator, Dutch Leonard. Cái tên đã gắn với ông trong suốt cuộc đời cùng với niềm đam mê không dứt đối với thể thao.

Trong hai năm cuối cùng của Thế chiến II, Leonard phục vụ trong đơn vị Hải quân Seabees ở phía Nam Thái Bình Dương. Sau khi điều luật đãi ngộ dành cho cựu binh được thông qua, ông đã học và lấy bằng tiếng Anh tại Đại học Detroit. Cũng chính từ đó, khát vọng trở thành một nhà văn trong ông bắt đầu bén rễ.

Với sự hậu thuẫn đến từ gia đình, Leonard nhận công việc người viết lời quảng cáo cho một công ty quảng cáo ở Detroit và viết tiểu thuyết trong thời gian rảnh rỗi. Phương pháp tiếp cận độc giả vô cùng thực dụng này khiến ông cảm thấy “không thể đủ để giúp trở thành một nhà văn thực thụ” và ông đã chọn miền Tây nơi dường như mang đến nhiều hứa hẹn hơn về doanh số làm chủ đề chính trong những nghiên cứu. Leonard đã bắt đầu bằng cách chuyển sang viết truyện ngắn cho các tạp chí giật gân vẫn còn phát triển mạnh trong những năm 50.

Vì sống tại Detroit, ông đã nghiên cứu bằng cách đăng ký mua tạp chí du lịch Arizona Highways, cuốn tạp chí đã cung cấp cho ông hình ảnh về phong cảnh miền Tây cũng như thông tin về bộ tộc Apache và những chàng kỵ binh. Những ngày này, Leonard sẽ tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng và viết liên tục trong một hay hai tiếng trước khi đến văn phòng tại trung tâm thành phố và tung ra những tờ quảng cáo bóng bẩy để bán những chiếc Chevrolet, nhiệm vụ mà ông ghét cay ghét đắng.

Leonard đã thường xuyên bán những câu truyện của mình cho tờ Dime Westen và Zane Grey’s Westen trước khi ra cuốn sách đầu tiên, The Bounty Hunter, được xuất bản vào năm 1953. Và mặc dù sau đó có thêm bốn cuốn tiểu thuyết nữa được xuất bản, tới tận năm 1961 Leonard mới cảm thấy đủ sự an toàn để rời khỏi vị trí người viết lời quảng cáo. Ông đã tiếp tục viết về miền Tây với cuốn Hombre (1967) được chuyển thể thành phim với sự tham gia của Paul Newman.

Sau suốt quãng thời gian bị thị trường miền Tây từ chối, Leonard quyết định chuyển sang viết tiểu thuyết trinh thám và với cuốn Big Bounce (1969) ngay lập tức ông nhận được sự chú ý của một nhà làm phim nổi tiếng ở Hollywood, HN (”Kiddo”) Swanson. Swanson đã nói với vị khách hàng mới của mình rằng: “Tôi sẽ giúp ông giàu có” và làm đúng như vậy tuy phải mất đến một thập kỷ rưỡi sau đó khi Glitz, cuốn tiểu thuyết thứ 22 của Leonard, cuối cùng đã mang đến cho ông phần thưởng xứng đáng.

Cũng chính Swanson là người nói với Leonard về một nhân viên trợ lý hãng luật ở Massachusetts chuyển sang viết văn, George V. Higgins với tác phẩm The Friends of Eddie Coyle (1970). Leonard đã đọc sách của Higgins năm 1972 và ngay lập tức được truyền cảm hứng để thử nghiệm cách thức kể chuyện mới, dựa nhiều hơn vào những cuộc đối thoại chân thực và các nhân vật mang tầm vóc lớn lao hơn đời thực. Những thành quả ban đầu như Fifty-Two Pickup (1974), Swag (1976) và Unknown Man No. 89 (1977) đã giúp ông tạo dựng được dấu ấn trong lòng người đọc.

Tuy được Hollywood săn đón, Leonard lại tìm cách tách ra khỏi phim trường và trở thành một tiểu thuyết gia toàn thời gian. Phát biểu về kịch bản phim, Leonard thẳng thắn đáp: ”Cũng không đáng quan tâm lắm. Chúng không đem đến cho tôi niềm vui như khi viết sách”. Như để chứng minh cho nhận định này, ông đã chọn cuộc sống khá bình lặng ở vùng ngoại ô Detroit và viết đi viết lại bằng tay những bản thảo cho đến khi đạt được thứ văn xuôi chuẩn mực súc tích thỏa mãn 10 quy tắc sáng tác nổi tiếng của riêng ông.

Năm 1977, Leonard từng phải cai rượu sau khi nhận ra những vấn đề về sức khỏe và luôn giữ được cái đầu tỉnh táo kể từ đó.

Sở hữu hơn 30 cuốn sách được các nhà sản xuất phim mua lại, đối với những lời dèm pha phàn nàn rằng những cuốn sách về sau của ông đọc như thể được chuyển thể từ một kịch bản phim, Leonard tỏ ra thờ ơ. Trả lời khi được phỏng vấn, Leonard nói: “Tôi không muốn làm người đọc thấy buồn tẻ. Tôi muốn kể một câu chuyện hay và giữ cho mọi thứ chuyển động. Thời gian này tôi viết những cuốn sách trong những khung hình cụ thể bởi vì đó là những gì tôi muốn làm. Điều đó khiến tôi thấy thú vị hơn là chỉ làm một tiểu thuyết gia”.

Năm 2006, ở tuổi 81, Elmore Leonard cho xuất bản tuyển tập hoài cổ gồm những tác phẩm khi bắt đầu sự nghiệp với cuốn The Complete Western Stories. Tháng Năm năm đó, ông được mời đến London để nhận kỷ niệm chương thành tựu trọn đời của Hiệp hội những nhà văn hình sự.

Năm 2012, Leonard vinh dự trở thành nhà văn hình sự giả tưởng đầu tiên nhận được huy chương của Hiệp hội sách Quốc gia Hoa Kỳ khi vừa bước sang tuổi 87. Phát biểu sau khi nhận giải, ông vẫn ấp ủ dự định sẽ cho xuất bản thềm bốn cuốn tiểu thuyết vào năm 2014 và trong đó một cuốn đang viết dở. Tuy nhiên điều đó sẽ mãi không thể thực hiện khi vào ngày 20/8/2013, Elmore Leonard đã ra đi trong sự tiếc thương của hàng triệu độc giả, hưởng thọ 87 tuổi.

Nguồn: vannghequandoi


Exit mobile version