Một đêm tháng 8/1983, tôi hì hụi vác bao sách nặng trĩu, anh lụi cụi với hai chiếc giỏ cũ rách, mớ gia tài ít ỏi của anh, ra bến xe Hàm Tân, cuộc tiễn đưa anh chuyển đi Tây Ninh lúc ấy chỉ có tôi, anh và cơn gió đêm rất lạnh. Chúng tôi ngồi co ro đợi xe với bao nỗi niềm, bao lo lắng thiếu thốn của hai anh giáo nghèo, nghèo đến mức không dám gọi hai ly cà phê, chỉ xin hai ly trà “bạch lạt” cho đỡ khát của bà chủ quán cóc bến xe. Tôi về công tác tập sự ở phòng Giáo dục Hàm Tân một thời gian ngắn thì anh thuyên chuyển. Tôi còn nhớ kỷ niệm hai anh em mừng quýnh khi báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đăng bài thơ “Ở mũi Kê Gà, đêm nghe hát dân ca” của anh. Thời đó chỉ có trà cám, thuốc củi, mà lời bình thơ, luận thơ, đọc thơ cứ tràn đêm. Gần ba mươi năm trôi qua, năm 2010, gặp nhau trong Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII ở Hà Nội, cả tôi và anh khi nhắc lại những đêm trà cám đen, thuốc củi cứng ấy đều thốt lên: Không thể ngờ từ một phòng Giáo dục nơi huyện nhỏ, hẻo lánh kia lại có hai Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mà cả hai hiện đang viết sung sức, liên tục xuất hiện trên các báo lớn của văn đàn cả nước.


Từ trái qua: Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Nguyễn Hiệp, nhà thơ Trần Hoàng Vy


Nhà thơ Trần Hoàng Vy tên khai sinh là Trần Vĩnh, sinh 15/5/1952, tuổi Nhâm Thìn. Quê quán: Bình Thới, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Anh là hội viên sáng lập Hội Văn học, Nghệ thuật Bình Thuận rồi hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật Tây Ninh. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam 2008, trước tôi một năm. Nhà thơ Trần Hoàng Vy, các bút danh khác: Nguyễn Sông Trà, Trần Vĩnh, là đàn anh của tôi về mọi phương diện, anh sáng tác từ trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn những năm 1970, khi ấy tôi mới chỉ là học sinh tiểu học.

Anh xuất bản nhiều nhưng tôi vẫn thích nhất tập thơ đầu tay xuất bản ở Sài Gòn 1972: Ca dao của mẹ. Mùa vu lan năm nay anh lại viết về mẹ rất cảm động:

Con học nụ cười người. Sóng cả

Trong lúc bình yên. Suối mát nguồn

Những lúc tơ vò trong dạ

Biết cười để quên buồn…

(Nụ cười của mẹ)

Chiều nay con ru mẹ ngủ

Rưng rưng một chiếc lá vàng rơi

Con chim vịt kêu chắc là chim gọi mẹ?

Mẹ cười, mẹ hát ầu ơ…

(Có một ngày con ru mẹ)

Nhìn chung, ngoài đề tài thiếu nhi trong sáng, anh còn là kẻ đa đoan, nặng tình đến bất ngờ, thơ anh trĩu những bóng hình phụ nữ:

Tháng ba nắng, áo lụa gầy

Màu hoàng lan ướt

Phơi đầy giậu thưa

Mây trời, chạm nắng buồn trưa

Em tôi, ngày quét nắng vừa

Rụng rơi.

(Tháng ba nắng)

Hay:

Em ngày lóng lánh nắng

Đêm hồn bập bềnh trăng

Nước mơn man bầu trắng

Mùa con gái tắm đêm?

(Mùa ven sông)

Đầu năm 2010, tôi được mời tham gia đoàn nhà văn Việt Nam sang Campuchia. Trong số những nhà văn chọn lọc ấy, thật không ngờ cũng có anh. Nhà thơ vẫn lặng lẽ mà không bỏ cuộc tham quan, đàm đạo nào, với chiếc máy ảnh trên tay, vẫn nụ cười buồn buồn như thời trà cám, thuốc củi. Trên xe, cả lúc ở Pnom Penh, cả lúc ở Siem Reap, anh luôn ngồi cạnh tôi, anh tâm sự: “Nghề văn cho mình nhiều bạn bè với những đồng cảm chân thành. Đó là một món quà lớn”. Anh nghĩ vậy nên luôn sống hiền hòa, vị tha, yêu thương mọi người bằng tất cả sự chân thành. Ngược lại, anh cũng được mọi người quý trọng, thiếu vắng một chút là y như rằng liền có tiếng ai đó vang lên “anh Trần Hoàng Vy đâu rồi!”. Anh không uống được nhiều nhưng cuộc gặp mặt vui vẻ nào, mọi người cũng mời anh tham gia, có khi tàn cuộc ly rượu anh vẫn đầy mà không ai thắc mắc gì, bởi ai cũng thấy sự có mặt của anh là đáng quý lắm rồi. Khi về tới Việt Nam, anh bị đau bụng lả người làm cả xe nháo nhào, nhất là mấy nhà văn nữ lục tung giỏ quần áo của mình ngay trên xe để tìm lọ dầu gió cho anh.

Tháng 4/2011, tôi dự trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam ở Đà Lạt (trại chỉ có 10 trại viên), khi đến nhận phòng ở quầy lễ tân thì bật cười vì thấy anh cũng vừa bước đến đặt vali bên cạnh. Lần ấy, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, tác giả của Văn Đàn Bi Tráng đăng ký ở cùng phòng với anh, tôi chung phòng với nhà văn Lê Đăng Kháng, nhưng bàn trà phòng tôi trở thành bàn trà chung của nhiều nhà văn, trong đó có anh.

Dạo này, anh viết sung lắm, lúc các trại viên cùng nhau trao đổi, thẩm định tác phẩm, anh xin được đọc cả hai bài làm ai cũng cười ồ cho “gã thanh niên lâu năm” này. Anh sở trường viết cho thiếu nhi, thơ anh thường trong trẻo:

Tiếng chim gì thánh thót đưa

Tiếng chim gì cứ nhặt thưa cuối vườn

Tiếng chim gì rất dễ thương

Một hoà âm giữa cây vườn. Lặng nghe.

(Ngủ giữa vườn tiếng Chim)

Hoặc:

Hạt bụi phấn rơi cũng làm em cay đôi mắt

Cũng làm anh dăm sợi bạc trên đầu

Em thì khóc còn anh bối rối

Phút chạnh lòng hạt bụi ấy rơi đâu?

(Không đề)

Nhưng cũng có lúc ắp đầy tâm trạng sâu kín của một nhà giáo:

Không lẽ ngửa đầu và cúi mặt?

Thôi ngồi thơ thẩn ngắm mây bay.

(Dốc Quỳ)

Tết năm ngoái, tôi rất xúc động khi thấy anh đi Honda từ Tây Ninh ra tận nhà thăm. Tôi thật sự lo cho đoạn đường Bình Thuận – Tây Ninh quá xa với sức khỏe của tuổi 59 nhưng anh chỉ cười: “Chuyện nhỏ”. Vẫn biết chuyện xê dịch nay đây mai đó là chuyện nhỏ đối với dân viết nhưng khi nhìn bóng anh và chiếc xe hút đi trên quốc lộ 1A, lòng tôi không tránh khỏi những hồi hộp, bất an. Vậy mà đến đêm lại nghe giọng anh cười cười trong điện thoại “đã đến nhà bình an”.

*

Một chút duyên văn chương đã gắn kết anh và tôi, cùng trân trọng những khuất lấp đáng quý, cùng chia sẻ tháng ngày cực nhọc của nghiệp viết, nghiệp sống. Anh nói: “Hơn 32 năm tôi làm nghề giáo và cũng hơn chừng đó năm gắn với nghiệp văn chương. Trước hết, tôi muốn đem văn chương để làm đẹp cho cuộc sống, nhưng thấy sao quá đỗi khó khăn, cực nhọc và… nhiêu khê! Nhưng dù sao, văn chương cũng cho tôi được làm quen với nhiều người… để rồi có lúc tự nhủ: Biết ai tri kỷ, tri âm?!” Quả đúng là như vậy.

Nguyễn Hiệp

Nguồn: Tổ quốc

Exit mobile version