Nhà thơ Bế Kiến Quốc

 

Ngày ấy, những bạn văn hay tìm đến nhau  là để được đọc ngay những gì vừa viết xong. Nhu cầu đọc còn cao hơn nhu cầu viết! Cao đến mức…


Có lần Bế Kiến Quốc vào công tác TP.Hồ Chí Minh, tôi từ Đồng Tháp lên tìm thì đã sập tối. Biết Quốc ở ngay trụ sở báo Văn Nghệ 43 Đồng Khởi, dẫu tối vẫn tìm đến. Quốc có nhà mà không được gặp! Là vì, theo nội quy cơ quan, buổi tối không ai được ở lại. Quốc xin ở lại để sử dụng cái máy chữ, cho nên phải đồng ý để được nhốt hẳn trong ấy, khóa cửa ngoài, ngoại bất nhập, nội bất xuất. Vậy là chúng tôi, anh đứng trong cửa sắt / em đứng ngoài cửa sắt…mà đọc thơ mới viết cho nhau nghe. Bài chép dưới đây là bài Quốc đã trao tay qua cửa sắt trong một đêm như thế:

 

ĐIỆU LÝ QUA CẦU


Bằng lòng đi em…

Nhưng má anh đã mất

Mịt mù xa nam bắc khó đưa dâu

Bằng lòng đi em…

Nữa mai rồi cách mặt

Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu!


Bằng lòng đi em…

Dẫu chỉ nhờ câu hát

Có chiếc xuồng ba lá của riêng  nhau

Bằng lòng đi em…

Mỗi khi buồn đến khóc

Một mình anh ca điệu lý qua cầu…

Cao Lãnh 16-7-1984


Chắc ai cũng nhận ra trong bài thơ trên những câu chúng ta đã nghe đến thuộc lòng qua ca từ Ngẫu hứng lí qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến, những câu khởi nhịp bằng lòng đi em và những câu đẩy dòng nhạc lên cao trào mỗi khi buồn đến khóc / một mình anh ca điệu lí qua cầu. Đã có lần tôi viết về sự giống nhau này trên một tờ báo, viết như một người yêu thơ cám ơn người đã tìm cho tứ thơ mình yêu một vóc dáng mới, đời sống mới:“ Quốc là vậy, Bằng lòng đi em…mỗi khi buồn đến khóc / Một mình anh ca điệu lý qua cầu, muốn khóc nhưng vì người nghe chúng ta mà hát lên như thế. Nhạc sĩ Trần Tiến là người nhận ra hơi oán bị nuốt đi kia, ông đã đưa thơ Bế Kiến Quốc vào Ngẫu hứng lí qua cầu của mình và nước mắt đã vỡ thành lời ca…”


Đã viết rồi nhưng vẫn muốn nhặc lại, để biết đâu, nhạc sĩ Trần Tiến đọc bài báo nhỏ này và ông sẽ kể một câu chuyện gì đấy cho bạn đọc. Câu chuyện về mối liên hệ giữa 72 âm tiết thơ Bế Kiến Quốc viết năm 1984 với 307 âm tiết ca từ ngẫu hứng của Trần Tiến ( tôi đã đếm từng chữ như thế khi viết bài này). Phải chăng  ngẫu hứng nhạc kia đã được gợi hứng từ thơ này.


Nhân chữ gợi hứng lại xin kể, vào năm 1974 khi Quốc đã là một nhà thơ trẻ với đôi mắt buồn, những ngón tay yếu đuối và mái tóc kiểu  Êxênhin. Nhà thơ trẻ trai của chúng ta lọt mắt xanh liên tài của thi sĩ Xuân Diệu. Anh được Xuân Diệu mời tới 24 Cột Cờ để truyền nghề. Bài học thơ ca ngày một tha thiết hơn đề rồi sau đêm thơ khắng khít ấy, Bế Kiến Quốc khoe với tôi bài thơ 4 khổ Xuân Diệu viết tặng Quốc, viết về Quốc với chi chít dấu môi hôn:


GẶP GỠ


Buổi chiều hôm ấy đáng muôn hôn

Hôn gió hôn mây với cả hồn

Hôn cái khúc đường, hôn cả bóng

Hàng cây xanh biếc dưới hoàng hôn


Dun dủi làm sao thế, hỡi em

Chiều nay em khoác áo muôn duyên

Em đi đôi dép xinh đơn giản

Em thật hồn nhiên, rất tự nhiên…


Tôi vẫn nhớ manh áo muôn duyên màu hạt dẻ Quốc mặc, hàng ximili, may kiểu blouson thắt eo, áo quần cùng một thứ vải. Nhớ cả đôi dép xinh đơn giản, thứ dép nhựa Tiền Phong đã được ông vá dép nhựa ngã tư chợ Hôm điểm xuyết một đôi lần.


Qua cầu rồi gặp gỡ …duyên văn đưa chúng ta lại với nhau như thế để rồi cùng khơi gợi hứng thú sáng tạo.

 

Theo Trần Quốc Toàn – Hội Nhà văn Việt Nam