Nhà văn Thùy Dương

Quê quán: Thành phố Hải Dương

Hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội

Tốt nghiệp khóa IV Trường viết văn Nguyễn Du.

Hội viên Hội Nhà văn Việt nam

Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

Hiện là Trưởng Ban Nhà văn nữ khóa 10, Hội Nhà văn Việt nam

Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia.

Giải thưởng:

– Tiểu thuyết Ngụ cư – Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004.

– Tiểu thuyết Thức giấc – Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007-2009.

– Tiểu thuyết Nhân gian – Giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010.

– Tiểu thuyết Lạc lối – Giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016-2020

Giải Ba cuộc thi truyện ngắn của Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh 1997.

Giải Ba truyện ngắn báo Văn nghệ 2000

Giải Nhất truyện ngắn Báo Thiếu niên Tiền phong 2001

Nhà văn Thùy Dương đã tỏa sáng với những tác phẩm viết cho người lớn, nhưng chị vẫn luôn tâm niệm, khởi đầu nghề viết văn vào năm 1980, chị sáng tác truyện ngắn cho thiếu nhi. Và chị cũng khá thành công với đối tượng này.

Nhà văn Thùy Dương từng tự hỏi tại sao mình lại theo nghiệp viết lách trong khi từ nhỏ mơ ước trở thành bác sĩ theo truyền thống gia đình. Và chính bản thân lý giải rằng, chị viết văn xuất phát từ mong muốn được thể hiện mình, trình bày lại cuộc sống theo ý mình. Hay cũng có thể do sức quyến rũ, mê hoặc của những trang sách – mà cô bé 6 tuổi chân trần dầm nước bên bờ ao đuổi bắt cho kỳ được cánh bướm xinh ép vào làm kỷ niệm. Chính những điều đó đã “cám dỗ”, thôi thúc chị cầm bút để có thể sáng tạo ra một thế giới khác – thậm chí hấp dẫn hơn thế giới đang sống. Cũng có thể là do nỗi buồn… Đằng sau mỗi vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc sống, của con người vẫn chứa đựng những điều gì đó thật buồn. Bởi ngày hôm nay sẽ không bao giờ lặp lại và thời gian cứ cuốn trôi vô tình.

                              ĐƯỜNG TRẦN

                                                                          Thùy Dương

Trong đêm cái dáng ông Thuận lòng khòng, khẳng khiu như trôi lướt từ giường ra cửa sau rồi ra vườn. Que diêm bật sáng. Đốm lửa lóe lên rồi lịm đi, chụm lại ba chấm đỏ. Giọng ông Thuận thì thào: “Ngọc à – Bác mệt mỏi lắm rồi, thấy mình chẳng còn ích gì cho ai, chẳng ai nghe mình. May ra còn cháu. Sống khôn chết thiêng cháu hiểu cho bác”. Hai vai ông nghiêng xui vào bàn thờ nhỏ đặt ở góc vườn, lẩn dưới tán cây hồng xiêm. Tối thế mà hình như vẫn thấy những sợi khói hương lượn cong rồi tụ lại đâu đó trên cao. Không gian thơm mùi trầm.

Lúc ông Thuận trở vào nhà, bà Thuận ngồi so ro trên giường, hai mắt ngơ ngơ ngác ngác, bỗng giật mình. Ông cúi đầu tránh ánh mắt của bà, húng hắng ho: “Lạnh thế ông ra vườn làm gì – lỡ ốm ra thì khốn”. Bà bảo còn ông lại giục: “Bà vào mà ngủ đi. Chúng nó có chân khắc về…”. Ông với tay lấy cái điều khiển ti vi, ngồi lún vào trong chiếc ghế sa lông. Cậu trai đọc bản tin cuối ngày đều đều “Chiến sự ở Apganixtan vẫn tiếp tục căng thẳng. Thêm nhiều dân thường bị thiệt mạng vì bom đạn và vì đói. Liên hiệp quốc thả hai tấn hàng cứu trợ xuống vùng…”. Thái dương ông Thuận giật giật liền mấy cái. Ông day day ngón tay lên hai bên thái dương, mắt nhắm lại căng thẳng.

Đêm ấy cách đây đã hơn 30 năm. Thuận lái một chiếc xe đi đầu chở hàng vào chiến trường. Đèn gầm vàng nhạt, chỉ soi vửa đủ một khoảng đường nhỏ. Hơi đêm ùa vào buồng lái, đem theo mùi rơm rạ đang khô thơm hăng. Dân ở làng bên đường đem rơm rạ phơi trạt mặt đường nhựa. Chắc ban ngày có người tợn mang cả thóc ra phơi giữa đường thế kia – rạ quây rải xung quanh vẫn còn rõ. Thuận huýt sáo nhè nhẹ: “Xe ta bon bon trên những chặng đường…” và vẫn dỏng tai nghe những âm thanh của làng vọng đến. Tiếng chó sủa đâu đó, tiếng chổi tre quét ngõ sàn sạt, tiếng cô gái nào đó gọi bạn văng vẳng… Trước mũi xe, phía chân trời nháng lên ánh lửa, Thuận còn kịp thấy đống rạ ai đó vun cao trên đường.

Bánh xe chồm lên… Không kịp rồi, Thuận cảm nhận phía dưới lớp cao su là cái gì đó mềm mềm và hình như có tiếng rên yếu ớt “Mẹ ơi!”. Có tiếng chân chạy, tiếng gọi thoảng thốt phía xa “Ngọc – con ơi!”. Tim Thuận đứng khựng lại và đau thắt trong một linh cảm mơ hồ.

Thuận ôm mặt không dám nhìn Hùng – Đội trưởng đội xe bế trên tay cái hình hài đẫm máu. Người mẹ trẻ ngã sụm trên đất, đang cố lết bằng cả hai tay, hai chân về phía con. Trong ánh sáng vàng vọt của mấy cây đèn bão, trông chị thật man dại với cái miệng méo xệch và đôi mắt như sắp ra khỏi tròng.

Từ lúc ấy với Thuận như trong một giấc mơ. Mơ hồ Thuận nhận thấy có rất nhiều người từ trong làng chạy đến, lao xao đâu đó có tiếng than: Tội nghiệp con bé chơi trốn tìm với đám bạn rồi ngủ quên. Cái ấn tượng mà Thuận nhớ rõ nhất, kinh ngạc cho đến tận sau này là sự trơ lỳ của cảm xúc. Không còn đau khổ, không sợ hãi. Chỉ còn một khoảng trống rỗng tuếch toác trong lòng. Rồi hình như ban chỉ huy đại đội, ban lãnh đạo xã, công an, tư pháp họp lại ngay sau khi đưa xác Ngọc về làng. Người mẹ trẻ níu lấy chiếc cáng, như vịn vào tay con gái để lết đi. Bỗng chị nhoáng nhoàng chạy trở lại, chiếc khăn rớt khỏi đầu, rơi xuống mặt đường lấm bụi. Chị trở vào nơi cán bộ đang họp, nói điều gì đó đứt quãng và rồi chạy trở ra theo con, dáng liêu xiêu chỉ chực đổ. Thuận nhắm chặt mắt – chấp nhận tất cả những gì sẽ đến. Cuộc họp kết thúc, Thuận được đẩy vào chiếc xe của đội trưởng. Anh ngơ ngác không hiểu. Hùng mắt đỏ mím chặt môi: “Chị ấy xin cho cậu. Đằng nào thì con bé cũng không còn nữa. Chị ấy muốn để cậu lập công chuộc tội”. Lúc này thì Thuận đổ xuống như một chiếc cây bị đốn gốc. Ba ngày, ba đêm anh không ăn, không ngủ, mắt cứ mở trừng trừng.

Thoa – Con gái đầu lòng của ông Thuận lúc ấy đang ngồi trong quán cà phê ấn tượng ở phố Triệu Việt Vương. Cô trốn Huy, trốn đám bạn gái ra đây một mình. Nhấp từng ngụm nhỏ thứ nước nâu nâu thơm, thấm qua họng xuống đến tận dạ dày mà rồi uất ức cứ trực trào ra. Tại sao anh ta dám đối xử với cô như vậy? Ngấu nghiến và bất chấp việc cô không đồng ý – cứ lăn xả vào chiếm đoạt thân thể cô cho kỳ được. Đáng lẽ cô phải gào lên “Tôi kinh tởm anh” và đẩy anh ta ra thẳng. Tại sao cô không làm thế để còn ngồi đây tự dằn vặt và rủa xả chính mình. Loan – con bạn thân nhất của cô đã từng quát lên: “Tại sao không thể đánh đĩ với chồng chứ? Khóc lóc cái nỗi gì, có lấy có chịu, có ai bắt ép đâu…”. Huy thường xa xót nhìn những giọt nước mắt của cô chầm chậm rớt mà chẳng dám động tay. Anh ấy chẳng bao giờ dám làm gì cho cô dù cô biết chắc chắn là anh yêu mình. Tại sao lại thế hả Huy? Anh không dám dứt bỏ gia đình – không dám thuộc về cô – mặc dù chỉ có anh hiểu cô như chính bản thân mình. Và yêu thương nữa! Nhưng có thể chính vì vậy mà cô thấy yêu và trọng anh hơn. Một giọt nước rơi vào hòa lẫn trong cốc cà phê đắng. Hay là giọt nước mắt của cô? Cũng không biết nữa.

Ông Thuận đã có lần bảo con gái: “Thằng chồng hiền lành tử tế thế, có đốt đuốc ban ngày tìm cũng chẳng bói đâu ra. Vậy thì mày còn đòi hỏi gì nữa hả? Con ơi, sao con không nghĩ hộ bố mẹ một tí. Con sống đâu chỉ vì bản thân con. Ngày mày đầy tuổi thì bố đâm vào con Ngọc. Thế mà mẹ nó chẳng oán gì lại còn xin cho bố… Rồi bà ấy môt dạ thờ chồng nuôi em con Ngọc…”. Thoa lắc đầu: “Bố so sánh gì mà kỳ cục. Hai chuyện đó dính dáng gì với nhau chứ”. Nhìn thấy giọt nước ứ lên bên cục dử mắt của bố, tự nhiên Thoa không thấy thương như mọi bận mà lại bực bội: “Bố già rồi, chẳng hiểu gì lứa chúng con”. Mẹ ngần ngừ hồi lâu mới bảo nhỏ: Cô bạn bạn bè bè, nó không bỏ cô là phúc, hà cớ gì cô đòi ly thân? Biết thế hồi cô mười ba tuổi tôi bán đứt cho nhà chùa, biết đâu cuộc đời cô mát mẻ hơn cũng nên. Chuộc về để cô dở thói ngúng nguẩy chê chồng thế này thì tôi và bố cô mặt mũi nào nhìn ai.

Thoa lắc lắc đầu không nói, bỏ lên phòng nằm dài đọc sách. Thực ra cũng chẳng đọc được gì, chỉ thấy chán nản trong lòng. Mẹ thuộc tuýp đàn bà cam chịu, đâu có thể nói để bà hiểu rằng khi người ta không còn yêu, không tự nguyện dâng hiến thì bổn phận sẽ trở thành gánh nặng mà người ta không thể cáng đáng nổi. Mấy hôm trước Thoa đem con gái xách va li về ở lỳ trong phòng Vy: “Nếu bố mẹ mà đuổi đi thì con đi thuê nhà ở. Con không quay lại nhà anh ta nữa”. Bà Thuận chắp hai tay trước bụng: “Bố mẹ chỉ còn thiếu nước lạy sống chúng mày”. Thoa gắt lên “Ơ mẹ lạ nhỉ – không ở được thì chia tay nhau. Thời này chuyện đó có gì là ghê gớm chứ. Con sợ cứ ở lại đó, có lúc con hết chịu nổi, làm điều gì rồ dại thì xấu mặt nên thà tránh trước còn hơn”. Cô ấn đứa con gái vào tay bà rồi lúi húi treo quần áo vào tủ. Hai bà cháu dắt nhau ra, nước mắt lưng tròng.

Thoa bảo hôm qua hắn lại dở trò kiểm tra tin nhắn trong mobill của tao. Chẳng thấy cái gì, hắn ngồi thừ ra, mặt đần thối. Tao thủng thẳng: tôi chẳng có thằng nào đâu – chỉ hết yêu anh và chán khủng khiếp. Giá có thằng nào thì lại hóa hay. Vy ngạc nhiên: thế anh Huy? Thoa lắc, chỉ là bạn, hơn một chút, là chỗ dựa về tinh thần, thế thôi. Thoa lại hỏi có phải ở nước ngoài khi không được vợ đồng ý mà chồng dùng vũ lực để ép quan hệ thì vợ có thể đâm đơn ra tòa. Vy bảo em cũng nghe nói thế. Thoa kể lể. Đàn ông gì mà khủng khiếp – làm ra tiền cũng chẳng dám tiêu, chỉ thích đem ra ngắm rồi đếm đi đếm lại. Nhà thì như ổ chuột, bàn sửa thì bảo ở thế này cũng tốt chán. Điểu hòa không dám mua sợ tốn điện, máy giặt mua về để chưng là chính, vợ có tống quần áo vào giặt thì la như cháy đồi như bị cướp của. Vợ may sắm quần áo thì cứ đòi theo nhằng nhẵng, bộ nào cũng chê đắt. Không đẹp để đấy anh mua cho. Vợ đi một bước hỏi một bước, không dám cản nhưng mặt cứ sưng lừng lững. Nhìn phát ớn. Vy tròn mắt nghe chị gái kể rồi nhăn mũi. Thế thì nói cho bố mẹ rõ không cứ bênh con rể chằm chặp. Thoa cười, nói cũng bằng thừa. Ông bà sẽ bảo nó tiết kiệm là để cho ai chứ! Không cờ bạc, rượu chè, trai gái là tốt nhất rồi. Không phải cứ tốt là yêu được. Nhưng cũng tại mình – ngày xưa không tinh – thấy nó tán giỏi là đổ luôn. Giờ thì dở sống dở chết thế này. Mày có hiểu không mỗi lần lão động vào người là tao kinh hãi lắm. Thế thì ở với nhau làm sao? Giá lão đừng đòi hỏi, cứ như anh em trong nhà thì may ra vì con, mình còn chịu được. Thoa tốc áo lên, hai bên sườn, ngực, bả vai đầy những vết cắn thâm vàng như nghệ. Vy ôm lấy chị – biết ra sao ngày sau – ai nào dám đoán được – khéo chẳng dám lấy chồng cũng nên. Thoa cười buồn –  đừng bi quan thế – đời còn khối người đáng yêu.  Giá tao gặp anh Huy sớm thì mọi chuyện sẽ khác hẳn. Mà lúc đó anh ấy ở đâu mới được chứ? Vy gạt đi – có quay ngược thời gian được đâu mà tiếc hoài thế. Thôi thì cứ tạm xa nhau thế này xem tình cảm liệu có “tái định cư” lại được không. Thoa chảy nước mắt – thế mày tưởng tao đi thế này là nhẹ nhàng lắm sao. Có đêm hắn xong việc ngủ khìn khịt còn tao vật vã trắng đêm cứ muốn quy hoạch lại đời mình mà sao thấy khó quá, thấy rối bời và mung lung quá… Nhưng mà tao cũng phải có trách nhiệm với cuộc đời của mình chứ không thể sống vì người khác, vì những cái khác được. Vy chạy vội ra trước gương, nhặt thỏi son màu sẫm tô lên hai môi, mím chúng lại rồi thả ra, nhoẻn cười với chính mình trong gương. Chị cứ nghỉ ở đây với em. Bố có giận thì cũng chỉ vài ba ngày là cùng. Em phải đi đây, em cũng đang vẽ bản quy hoạch cho cuộc đời mình.

Vy tung tẩy đi ra cửa. Trước khi mệt mỏi nhắm mắt, Thoa còn nhìn rõ niềm hạnh phúc sáng ngời trên gương mặt em gái. Nó yêu rồi, cô nhủ thầm trong đầu và tiếng thở dài trượt qua cả giấc ngủ.

Ađam bảo Vy: “Em đưa anh về ra mắt bố mẹ”. Vy lẳng lặng một lúc mãi mới nói “Bây giờ chưa phải lúc bước chân vào nhà em. Bố mẹ em sẽ lột xác cả hai đứa. Ông ấy căm ghét người Mỹ các anh”. Ađam im. Anh cũng có một ông bố trở về sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông ấy không dám quay lại nơi này. Khi biết tin con trai yêu một cô gái Việt, ông không nói năng gì. Ađam làm trong một văn phòng đại diện công ty Mỹ. Lương cao, sinh hoạt và mọi thứ ở đây rẻ, thật dễ chịu. Đặc biệt con gái Hà Nội trông rất hay mắt dù có nhiều khi hơi khó hiểu. Ađam gặp Vy là mê ngay. Dáng cao, tóc đen, mắt đen, miệng rộng, môi bầu và làn da mịn màng như ngà. Nhìn Vy, Ađam cứ nhớ đến cái cảm giác lần đầu tiên đi chùa, đắm mình trong không gian huyền bí phương đông, bỗng thấy muốn được đến gần bàn thờ chạm vào gót chân của phật. Mà rồi lại ngần ngại, sợ đường đột, sợ mình vô phép… Nhưng Vy thật sự bằng xương bằng thịt hẳn hoi, lại còn cười nói với anh. Ađam thì cũng tự biết mình đẹp trai, danh giá. Thế rồi theo đuổi mãi. Ban đầu nhiều lúc cũng nản. Nhưng nói như Việt Nam, ăn phải bùa ngải của cô ta nên không sao mà quên mà dứt cho được.

Theo đuổi thì khó khăn nhưng khi đã yêu rồi con gái Việt Nam nồng nàn và đằm thắm. Vy thường cắn vào tai Ađam thì thào: “Sao da anh trắng thế? Sau này có con em chỉ mong nó sẽ giống anh cái mũi và nước da”. Cả hai nói đến chuyện làm đám cưới. Nhưng Vy chưa biết nói thế nào với bố mẹ, nhất là khi việc chị Thoa như thế nên cứ trùng trình mãi. Nhưng tình yêu thì không muốn chờ đợi. Ông Thuận quát lạc cả giọng: “Nhà tao không có cái giống lạc loài. Mày mà đưa nó về nhà này thì cứ thí cho bố một nhát dao trước đi”. Thoa ôm vai bố: “Thì từ từ xem sao đã bố. Em nó thật sự yêu…”. Ông Thuận gạt tay con gái cả: “Không bao giờ có chuyện đó. Trời ơi con với cái… Chúng mày có biết năm 71 khi vào Vĩnh Linh, gặp bom… thoát chết rồi, chạy ra bến phà – chín cô gái thanh niên xung phong bị sức ép của bom chết mà trên người không còn mảnh vải, áo quần bị xé nát”. Ông giơ hai bàn tay gân guốc run rẩy, mắt mờ đi. “Bố bế trên tay từng cô trắng, mềm và thầm khấn nếu còn sống về với vợ con xin đẻ toàn con gái để các cô có chốn mà trở về dương gian. Thế rồi hòa bình lập lại, bố mẹ có con Vy và con Hòa. Vy ơi – bây giờ bố mới kể chuyện này cho các con. Nhưng tự trong thâm tâm các con có thấy gì không? Có cảm nhận gì không chứ?”. Ông Thuận đưa hai tay lên ôm mặt khóc không ra tiếng. Những giọt nước mắt chắt ra từ hai hố mắt răn reo đọng lại hai bên gò má sạm nâu. Bà Thuận cuống quýt xua xua đám con gái. Thoa ngó lơ ra phía khác, thấy mình thừa thãi. Vy đâm bổ ra ngoài, chạy qua sân ra đường, tóc xõa ướt đẫm nước mưa, cứ thế dưới mưa chẳng biết đi đâu.

                                               ù                      

Bản tin đã kết thúc từ lúc nãy. Ông Thuận ngồi nửa thức nửa ngủ, mơ thấy cánh rừng cháy đỏ, tiếng bom dập, lửa nhoáng bên người. Có cái gì đập mạnh trong đầu, ông mở bừng hai mắt, trán vã mồ hôi, trống ngực đập thùng thùng. Màn hình ti vi sáng trắng nhóa, tiếng réo sôi ù ù. Ông Thuận lập cập giơ tay nhấn nút điều khiển. Căn nhà chợt tối om. Ông lần mò xỏ chân vào đôi dép nhựa, sờ soạng vào giường nằm xuống. Cái ngủ biến đâu mất tiêu. Ông nằm mở mắt chong chong. Bên ông bà giở mình thật nhẹ. Phải đến gần mười hai giờ khuya mới có tiếng kẹt cổng. Lúc khác chắc ông đã lồm cồm trở dậy và lên lớp cho con bé một bài hoặc khuyên nhủ, hoặc năn nỉ nó, cùng lắm thì viện cả tấm thân già này ra để kêu gọi nó hồi tỉnh như mọi bữa. Vậy mà hôm nay ông nản lòng buông xuôi, thấy mình chẳng ăn nhập gì với thế giới hiện tại, thấy mình lẻ loi đứng bên ngoài dòng chảy cuồn cuộn kia. Ông ngoảnh lại với kí ức, miên man trôi theo dòng thời gian ngược. Chiến tranh, bom đạn, chết chóc và đồng đội của ông lần lượt trở về – xa mà gần, gần mà xa, lạ thế. Có điều chỉ trong đó ông mới nguyên vẹn là mình, sung sướng và đau đớn thật sự.

Sáng ra bà thẽ thọt: “Suy nghĩ quá rộc người mất. Ông cứ nghe tôi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Ông nhìn bà. Cuối cùng thì cũng trơ lại hai ông bà già với nhau. Mà dạo này sao ông hay mau nước mắt thế.

Hòa từ ngoài cổng gọi mẹ ơi ới. Nó chào ông rồi lễ mễ bê chậu cây gì đó vào góc vườn. Ồn ào ngoài đó môt lúc, nó trở vào sung sướng bảo ông: “Con xin được chậu tường vi nhà bạn. Bố ơi – con trồng góc vườn đó nhé. Mẹ vẫn kể ngày mẹ sinh, cây tường vi nhà ông bà ngoại nở hoa hồng thật đẹp. Bao giờ mẹ cũng mê tường vi. Khi nào chị Vy có con mong đó cũng là một cô bé Vy xinh đẹp chẳng kém gì mẹ”. Thấy ông khẽ cau mày, nó lụng bà lụng bụng. “Bố sao thế – Bố vẫn nói trồng được một cây cũng là làm được một điều thiện cơ mà. Đằng này…”. Bà Thuận đưa mắt nhìn con gái tỏ ý ngăn đừng nói nữa. Hòa trước khi lên gác còn cố vớt vát: “Bố mẹ đừng sầu não như thế. Các chị lớn rồi tự biết phải làm thế nào chứ…”. Chưa kịp hết câu đã nghe ông Thuận quát lên, giọng run bần bật: “Im đi. Đồ trứng đòi khôn hơn vịt”. Hòa nhót vào phòng. Đóng cửa chặt im ỉm không ra cho tận đến lúc mẹ gọi xuống ăn cơm. Ba người lớn quay ba hướng. Con gái Thoa láu táu: cây dì trồng chẳng có lá, lại chẳng có hoa, xấu òm… Hòa nạt, trẻ con biết gì. Ơ kìa con đừng mắng cháu thế tội nghiệp. Bà bảo – cái gì cũng phải biết chờ đợi cháu ạ. Ông vẫn không nói câu nào. Hòa cố tỏ ra ồn ào chan húp sì sụp khen mẹ bung cà ngon nhưng chẳng ai hưởng ứng đành nhanh chóng ăn hết bát cơm rồi lấy xe bảo con đi vào trường dự Semina.

Ba chị em nằm ngổn ngang trên giường, Hòa than thở cứ thế này em chẳng muốn về nhà, thà vào ký túc xá với lũ bạn quách cho xong. Con gái Thoa chơi đồ hàng dưới sàn nhổm lên mách ông mắng, bà xuống bếp khóc, con hỏi bà nói dối bị nhện đái vào mắt. Con biết thừa. Thoa ghì đầu con hôn vào cổ, vào má khiến nó giẫy nảy giằng ra. Hai mẹ con tao cứ thế này hóa ra lại sướng, chẳng bị ai quản chế. Chúng mày sau này lấy chồng rút kinh nghiệm đừng lấy thằng mê mình quá mất tự do lắm. Tự do muôn năm. Con gái vênh mặt, nguẩy cái đuôi tóc tí xíu – chiều qua bố sang nói chuyện với ông bà lâu lắm. Ông bảo để ông tống tiễn mẹ con mình về với bà nội… Thoa ngẩn người. Vy thở dài, Ađam và em có lẽ đi đăng ký rồi đến nhà thờ thôi. Chị và con Hòa ra đó với em nhé. Hình như em có bầu rồi. Con bé nhẩy lên vỗ tay – có bầu là có em bé đấy mẹ Thoa ạ. Thích quá, thế là con có em gái bế rồi. Hòa giơ tay bịt vội mồm cháu – im ngay kẻo ông bà biết chết cả nút. Con bé cũng đưa ngón tay lên miệng xuỵt xuỵt rồi lom khom ra cửa hé mắt nhìn ra ngoài. Hòa đang hoảng hốt cũng phải phì cười. Để em lựa lời nói với mẹ. Chị Thoa đưa Vy đi may váy, không tổ chức ầm ĩ thì cũng phải trang trọng chứ. Phải đón dâu hẳn hoi còn đón từ nhà hay từ công ty thì tùy. Thoa gật đầu – phải đặt ít mâm ở khách sạn, mày có tiền không? Vy lơ đãng –  hỏi gì mà thừa thế.  Em đi làm Công ty nước ngoài không có tiền thì ai có. Hồi trước cậu bạn cũ đến rủ đi chơi, em đưa lên tầng 18 Daewoo uống cà phê, cậu ta chột quá. Chẳng là cậu ta chỉ thích xin vào làm nhà nước, dựa hơi quen rồi. Lúc trả tiền – tính bằng đô nhé, em điềm nhiên móc ví ra trả. Sau lần ấy cậu ta bặt tin. Vừa rồi mới quay trở về mời em đi ăn ở Metropolis – bảo vụ ấy khiến cậu ta bẽ mặt nên quyết chí đi xa lập nghiệp. Giờ về tạ ơn thầy khích đây… Thoa gắt nhẹ đang chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Thì em nói để con Hòa biết đường. Thời đại bây giờ, người có tự trọng là phải thử sức và phải biết làm ra tiền… Hòa vênh mặt – Tôi biết rồi, bà giỏi giang nên con trai Việt Nam cũng ngại chẳng dám cưa để cho ông Tây đục nước béo cò. Vy lao vào vừa đấm vừa cù – mày tưởng tao ế chắc. Thoa nạt thôi nào bàn chuyện nghiêm chỉnh đi, rồi thở dài. Hôm nọ con bạn rủ đi xem Hà Lạc thầy bói phán rằng cái số Thuần khảm của tao toàn tự mình làm khổ mình, chẳng biết bao giờ mới hết. Để hôm nào chị dẫn mày đi xem Vy nhé. Thế nói với mẹ rồi còn ai nói với bố đây? Cả ba chị em thốt nhiên nín bặt, nỗi lo lắng hiện rõ trên mặt. Chỉ có mỗi bé con chẳng hiểu chuyện gì vừa nhảy vừa reo: làm đám cưới, dì Vy làm đám cưới là lá la.

Ông Thuận lom khom mãi mới đứng lên được. Dáng ông giờ còng còng rõ. Hôm con Vy xách va li, cúi đầu chắp tay: “Thưa bố mẹ con đi” ông ngồi gập trên giường. Môi ông đã mấp máy “Thôi thì bảo nó về lễ gia tiên cho đúng đạo…” nhưng sao không thoát được thành lời. Con gái vẫn cúi đầu không ngẩng lên, bánh xe của chiếc va li va đánh cạch vào tường khô khốc, ông giật nảy mình suýt nữa nhào ra. Nó đã đi qua vườn, ra cổng, chút nữa thì ông gọi thất thanh theo. Trong bếp tiếng khóc của bà cố nén chỉ khẽ xuỵt xoạt. ông đổ người xuống giường, nhắm chặt mắt. Chín tấm thân con gái trắng toát, lạnh dần trong tay ông. Ông khẽ rên lên trong cổ họng: Con ơi!

Dạo này con Thoa, con Hòa ít khi về muộn. Ông hiểu lòng chúng nó nhưng sao không thoát khỏi cảm giác trống trải. Ông thường ngồi tỉ mẩn nhớ cái ngày con Vy còn bé. Nó được ông yêu quý nhất. Đêm nó bị sốt cao co giật, ông thức canh đến sáng. Tỉnh rồi nó bảo: “Bố ơi con mà chết thì con thương bố nhất. Nhưng mà bố canh cho con thế thì thần chết nào dám đến bắt con cơ chứ” khiến ông trào nước mắt. Giờ thi thoảng nó về, không ở được lâu nhưng ông tinh ý nhận thấy cái dáng của nó đã cưng cứng, bụng hơi lùm lùm dưới lần áo. Nó đi rồi ông gọi bà bảo khẽ lần sau mua cá chép non nấu cho nó bát cháo chứ “ở với giống kia biết gì mà bồi dưỡng”.

Thoa mắt đỏ hoe nhớn nhác nhìn bố và thì thào với mẹ. Linh cảm khiến ông thắt ruột. Có chuyện gì với con Vy rồi – mẹ con bà định giấu tôi phải không? Thoa òa ra khóc – con Vy đi siêu âm, cái thai bất thường. Sáng nay các bác sĩ hội chuẩn quyết định phải cho ra. Thằng bé được gần bảy tháng rồi chứ ít gì. Ađam nó lo cuống cuồng, gọi điện cả về Mỹ cho bố. Ông Thuận đâm bổ vào bệnh viện. Thằng con rể lần đầu nhìn thấy vồ chặt hai tay ông mà lắc – Bố ơi cho Vy sang Mỹ, con thương Vy lắm! Ông cương quyết lắc đầu và xông thẳng vào phòng Giáo sư – bác sĩ Viện trưởng – người cũng đã từng có mặt tại chiến trường B năm xưa. Ba tiếng đồng hồ, con Vy nằm trên bàn, cả cuộc đời ông cuộn lại và trải dần từng giây phút trong ba giờ ấy. Con Thoa làm thân ngay với bác sĩ, sán vào gần phòng đẻ chỉ huy, chốc chốc lại trở ra thông báo tình hình. Cứ yên tâm, đích thân bác sĩ “Tuấn đao phủ” phải ra tay thì không còn phải lo ngại gì. Ông ấy siêu nhất trong những ca thế này…

Dù rằng ông giáo sư bác sĩ không dám khẳng định gì “Có thể cháu nó bị cúm hoặc cũng có thể là điều anh lo ngại thời gian ở chiến trường, phải để chúng tôi theo dõi và kiểm tra cẩn thận đã…” nhưng trong thâm tâm ông Thuận dường như chắc chắn rằng tại ông – tại cái chất độc màu da cam ấy mà con ông ra nông nỗi này. Ông ngồi trong góc, không kìm được, chốc chốc lại nhìn thằng con rể cao lớn bồn chồn đi ra đi vào gặp bất cứ bóng áo trắng nào cũng túm lại hỏi bằng thứ tiếng việc lơ lớ dễ thương. Ông đã nghĩ mình sẽ căm ghét nó, vậy mà bỗng nhiên trong lòng ông mọi thứ bỗng chùng hẳn xuống. Ngoài ý muốn của mình ông chợt thấy thương thương.

Ông Thuận đi loanh quanh trong khu nhà xác không sao mà dứt đi được. Ông muốn nhìn mặt đứa cháu lần cuối. Ông già trong nhà xác bảo lật xem đi rồi về kẻo luẩn quẩn mãi nó theo. Ôm cái hình hài không hoàn thiện của đứa trẻ, ông Thuận quyết định rất nhanh. Để mặc vợ và các con chăm sóc con Vy, ông thuê anh chàng xe ôm có vẻ dạn dày nhất bê chiếc hòm nhỏ ấy về nhà. Anh ta cùng ông đào đất trong khu vườn, chôn đứa nhỏ gần cây Tường vi mà cái Hòa mới trồng. Bây giờ ông mới để ý cái cây khô khẳng, trơ trụi ngày nào giờ trổ cành, lá non tơ xanh mướt mát. Ông thắp một nén nhang khấn thầm: “Ngọc ơi trông nom em hộ bác”.

Đón Vy về, Ađam rụt rè bảo: Thưa bố mẹ vài hôm nữa bố con sang. Bố con sợ rằng ông ấy cũng từng hành quân qua cả những khu rừng trụi lá…

Hòa dắt con gái Thoa từ ngoài vườn chạy vào thông báo: cả nhà ra mà xem hoa Tường Vi đã nở hồng rực cả góc vườn.