Bà ơi, cháu Lư đây! Như một dòng chú thích để đánh dấu cho sự hiện diện của chiếc ba lô mà cô vừa quăng lên chõng. Vội vàng móc chiếc Canon 7.1 bên hông, Lư phóng ngay lên đồi, mặc mưa phùn buổi sáng đậu thành từng đám trắng xóa lên vai và lên những cọng tóc mai ở hai bên thái dương.
– Ôi, mèn ơi! Lư kêu lên khi nhìn thảm trắng tơi tớp rụng dưới chân mình. Cô ngẩng đầu nhìn tán cây Sưa, những bông hoa dịu dàng tinh khiết vẫn đang thi nhau rơi dưới cơn gió chớm mùa tháng ba âm lịch.
– Ta đã không kịp về đón mùa hoa sưa bung nở giống như nàng Bân cũng chẳng đan kịp áo rét cho chồng. Nắng lên rồi! Lư rơm rớm nước mắt nhìn vạt nắng lan nhẹ trong mưa mù nhuộm những chùm hoa trắng muốt như bông tuyết còn sót lại trên cao mà không khỏi nuối tiếc trước một vẻ đẹp tinh khiết vừa tàn phai.
Cô lững thững đi xuống đồi một nỗi mất mát mơ hồ, xa xôi nào đó chợt dâng lên bao trùm lấy tâm hồn cô. Có lẽ nó ám ảnh từ câu chuyện cuộc đời của ngoại.
(Hình minh hoạ – THCS Sen Thuỷ)
***
– Sang tháng tư rồi, còn đâu hoa sưa nữa hả cháu. Chúng nhanh nở và nhanh tàn lắm, chỉ cần một cơn mưa phùn là rụng hết.
– Hoa Sưa hay là Xưa hả ngoại?
Thực ra tên gốc của loài hoa trắng muốt này là sưa nhưng những người yêu quý hoa thường coi đây là những bông hoa “Xưa” vì hoa này thường gắn với những kỷ niệm đẹp và cũ kỹ nên được gọi là Xưa cho thêm phần lãng mạn, ý nghĩa đó cháu.
– Hèn gì bà đặt cho mẹ cháu cái tên Trịnh Thu Xưa, ban đầu cháu chưa hiểu nên nghe cứ lạ lạ bà ạ.
– Ừ. Mẹ cháu là bông hoa “Xưa”. Ngoại vừa nói vừa lom khom kéo cái ba lô trên chõng định đưa vào nhà cất nhưng cánh tay bà chẳng đủ sức để nhấc nó lên.
– Chi mà nặng trịch như đá rứa hả Lư?
– Dạ, là sách vở và quần áo cho ba mươi ngày đi thực tế đó ngoại.
– Cháu định đi vùng nào?
– Dạ, lên đường 20 ngoại ạ. Chiều nay cháu sẽ sang mượn con “Cúp cà tàng” của anh Huy bỏ không trong kho “khám bệnh” cho nó chút là vẫn có thể chạy ngon. Anh Huy bây giờ khoái đi xe SH nên chẳng đoái hoài gì đến nó nữa. Nhưng ngoại ơi Cúp 81 bây giờ là mốt, là của hiếm đấy. Cháu mê nó lắm, chiều nay phải nài nỉ anh Huy để lại cho cháu mới được.
– Ừ… nó bỏ không thì chắc sẽ để lại cho thôi. Rứa cháu lên đây đã nói cho bố mẹ biết chưa? Mỗi lần nghe tin cháu đi lên khu Trường Sơn là bố mẹ cháu lo sốt vó và trách ngoại sao không ngăn cản cháu lại.
Lư mỉm cười nhẩn nha chiếc lá sung chan chát trong miệng thầm nghĩ: Bà không thể biết được cái cảm giác chạy xe uốn lượn dưới mép núi đá vôi của đường Trường Sơn thú vị đến thế nào đâu. Hai bên những cung đường bạt ngàn hoa sim và hoa mua tím ngắt, những ngọn măng le cong vít cần câu và sương mù bồng bềnh như mây dưới thung lũng. Vẳng từ bên kia mái rừng là những tiếng kêu khẹc khẹc của loài linh trưởng và những tiếng hót của muôn loài chim nghe thật thích tai biết bao. Nói không ngoa, một lần Lư đã từng chứng kiến bầy chó của trạm kiểm lâm đuổi rượt lũ khỉ chạy tao tác trên đường mòn khi chúng kéo nhau đến phá phách những vạt ngô non. Mùa này đấy, Ôi! nhắc đến Trường Sơn, nghĩ đến loài sim mua lòng Lư lại cảm thấy nôn nao.
Dòng Son xanh ngắt một màu phẳng lặng trôi đi, nhà thờ đổ bóng in xuống mặt nước, năn lác dập dìu. Đôi ba chiếc thuyền máy vừa chạy qua xô những con sóng ì oạp vỗ vào khoảng bê tông đã tróc lên từng đám. Đây là bến chung chuyển Khương Hà năm xưa- nơi hàng nghìn người làm nhiệm vụ bốc vác hàng lên các bến bãi, cùng nhiều đơn vị thanh niên xung phong và cầu đường. Vùng đất mang tính đụng đầu lịch sử nên không một ngày nào vắng tiếng gầm rít của các loại máy bay và tiếng nổ tàn bạo của bom đạn giặc Mỹ. Nhưng bây giờ trước mặt Lư khi nhìn về phía Tây, phía những ngọn đồi trập trùng sắc tím. Lòng Lư dâng lên một niềm xúc động khó tả khi nghĩ tới nơi mình đang đứng cũng chính là nơi mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng vút lên những vần thơ sau mà này luôn nằm trong hành trang của bộ đội.
“…Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
…Đông sang Tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh
Từ nơi em gửi tới nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận…”
Lư bấm một vài kiểu ảnh lưu lại sau đó tiếp tục chạy xe dọc con đường ven sông Son qua bến phà Xuân Sơn rồi theo đường Hồ Chí Minh mở rộng rẽ vào tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây để đi đến Ngầm Trạ Ang- Ngã ba gặp nhau giữa hai tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông và Hồ Chí Minh nhánh Tây. Chạy xe trên con đường mòn, một bên là vách núi một bên là vực thẳm, Lư nhìn xuống lòng suối bắt đầu bước vào mùa khô trơ ra những phiến đá màu nâu sạm. Cả một vùng bươm bướm trắng bay rập rờn. Nhìn cảnh này Lư nhớ lại mỗi khi cô hát bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đến cái đoạn: Còn em thương bên Tây anh mùa đông/ nước khe cạn bướm bay lèn đá/ biết rằng anh say miền đất lạ… Bà thường thở dài thốt lên: Ôi dào, không lãng mạn đẹp đẽ như rứa mô con. Nếu thấy cảnh đó lúc chập tối thì cầm chắc cái đói vì không có nước nấu cơm. Cả chục cây số vuông quanh đó không thể có nguồn nước. Do công việc liên tục và vất vả, lại ở giữa rừng sâu, hơn nữa hồi đó đơn vị phát quân trang như nam giới nên các chị em trong đội thanh niên xung phong của ngoại cứ quần cộc áo may ô đi làm cho tiện. Bị muỗi, ruồi vàng, sên vắt cắn, sinh hoạt giữa rừng thiêng nước độc, bom đạn, hóa chất độc hại của địch rải xuống thường xuyên nên bệnh tật cứ đeo bám đầy người nhất là hắc lào, ghẻ lở…
Bà với mấy chị em cứ cuối buổi chiều quây một tấm bạt rồi quay người vào đống lửa mà hơ người cho khô, cho đỡ bệnh ngoài da. Nhiều cô gái trẻ măng lúc mới xung phong vào mặt trận mở đường này tóc tai dài xanh mướt mà chỉ sau một thời gian ngắn tóc bị rụng dần, trơ ra từng mảng da đầu, biết vậy nên mỗi lần cánh lái xe từ Nghệ An hành quân vào miền Tây Quảng Bình đều chứa lên xe vài thùng phuy nước, vài bó sả, mấy chùm bồ kết, mấy quả chanh… cho chị em gội đầu. Những món quà tuy đơn sơ giản dị nhưng vô cùng quý giá bởi chứa đựng những tình cảm của đồng chí đồng đội dành cho nhau. Rồi ngoại đọc một bài thơ, giọng tựa như có hơi sương, như là nước mắt, khẽ khàng như những bông sưa rụng trên đồi.
Lũ chúng em đi thanh niên xung phong
Không tìm chồng- đi mở đường đánh giặc
Thương người xưa qua suối đầy nước mắt
…Bom giặc đánh ngày, bom giặc đánh đêm
Biết suối rụng tóc nhiều, chúng em vẫn ở
Thương anh xe vượt đêm đêm
Qua đoạn suối này anh lại thương em
Đêm thông đường rừng nhiều sương muối
Mấy trận bom vùi tóc em phải gội…
***
Xe càng vào sâu, rừng đại ngàn Trường Sơn càng rợp bóng che phủ. Con đường gập ghềnh uốn khúc tạo nên những cú xốc mạnh như trời giáng khiến cả thân hình của Lư cứ nhảy lên xòng xọc, đôi lúc gây cảm giác chóng mặt buồn nôn. Lư tấp xe vào lề đường lúi cúi kéo vạt áo lau lại cặp kính mắt, thầm nghĩ: Mình đã đi quá sâu rồi! Và đến khi ngẩng lên thì một cảm xúc vỡ òa sau đó là lặng người đi khi trước mắt Lư là cả một rừng cây săng lẻ cao vút mấy chục mét đang dang rộng cánh tay chào đón cô. Những bóng nắng tròn xinh như trứng vịt lọt qua tán lá vung vãi xuống mặt đất điểm tô cho vẻ đẹp diễm kiều ma mị của khu rừng. Cứ thế một không gian đẹp đến ngỡ ngàng mở ra trước mắt Lư chẳng cần mỹ lệ trau chuốt, chẳng cần sắp đặt tinh tế, rừng săng lẻ mộc mạc đơn thuần cứ xạc xào trút lá vàng khô. Lư ngây ngất cùng du khúc của rừng và ngắm những cụm hoa tím nhỏ đẹp lãng mạn như đang ở trời Tây. Chiếc máy nhỏ trên tay cô không ngừng vang lên những âm thanh tách tách. Đi đến mỏi chân Lư dừng lại dưới một gốc cây săng lẻ cổ thụ xem lại mấy bức ảnh rồi thiếp đi từ lúc nào.
Trong giấc ngủ mê man giữa rừng những câu chuyện không đầu không cuối cứ bùng bùng bên tai:
– Sao vườn nhà mình nhiều cây cổ thụ thế hở ngoại?
– Ừ, làng ta là làng cửa ngõ mặt trận do đó mỗi tấc đất, mỗi mảnh vườn đều trở thành bãi tập kết hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam, thành những cơ sở hậu cần của quân đội, những bãi giấu xe, che pháo, che những đoàn quân vào mặt trận. Riêng nhà mình đã hiến cả nhà cả vườn cho binh trạm giao liên làm kho. Cuối mùa khô năm 1969-1970 cả vùng rừng núi đá vôi Kẻ Bàng mênh mông bạt ngàn dưới chân Trường Sơn hùng vĩ đã bị bom đạn và lửa na-pan của kẻ thù truốt sạch trơ trụi. Lèn đá tan nát. Cả tuyến đường 20 bừng lên như một con rồng phun lửa, bụi bay ngút trời. Hai dòng người song song với nhau luân chuyển ngược xuôi trên con đường ấy. Hàng vạn tấn hàng hóa, hàng vạn lượt quân đi vào chiến trường và hàng ngàn thương binh và bệnh binh chuyển về hậu cứ. Nhà mình đã đón biết bao lượt quân đi và quân đến ghé lại. Mỗi cây có mặt trong mảnh vườn này là khắc dấu bao kỷ niệm. Cây bằng lăng này là do bộ đội Tính quê Thanh Hóa trồng, những cây săng lẻ kia là của tốp lính Hà Nam, còn cây sưa này là… Giọng ngoại như nghẹn lại… bà rưng rưng đưa tay vuốt ve lên những vết chặt nham nhở của thân cây như vuốt ve vết thương trên ngực của Trịnh Hùng- Người đàn ông mà ngoại yêu tha thiết hồi còn trẻ quê ở Tiền Hải – Thái Bình.
Biết nhà ngoại có cây sưa cổ thụ giá trị lên đến tiền tỉ nên bọn trộm ngày đêm không ngừng rình rập ở khu vườn hòng đốn hạ nó. Ngoại biết, báo cho bố mẹ Lư và ngay tuần sau một bờ tường rào kiên cố được bao bọc xung quanh khu vườn. Cả ngoại và Lư đều không thích bờ rào bê tông cứng nhắc ấy nhưng cũng buộc phải làm thế để bảo vệ cây sưa kỷ niệm.
Từ ngày cây sưa bị cốt chặt nham nhở, sức khỏe của bà cũng yếu dần đi, có lẽ càng đến về già bà càng cảm thấy cô đơn và những yêu thương xưa cũ thi nhau kéo về bóp chặt lấy vòm ngực xẹp lép của bà với những cơn ho rút ruột trong đêm. Từng mảnh ký hiện lên cứ như thực như mơ.
– Hoa sưa trắng trong và tinh khiết như tâm hồn của em vậy Liêu ạ. Anh nhặt được cây con này ở rừng Trường Sơn sau một trận bom xới. Em dẫn anh ra vườn trồng nó nhé để đánh dấu tình yêu của anh và em.
Liêu xúc động rửa lại vết thương trên ngực Trịnh Hùng rồi dìu anh ra vườn. Sợ anh đi xa nữa sẽ mệt nên Liêu chỉ cho Trịnh Hùng một khoảnh đất gần ngay chỗ những cây bằng lăng và săng lẻ của những tốp lính trồng trước đó.
– Anh không thích trồng ở đó, em sẽ lẫn lộn với cây của những chàng trai khác rồi quên mất anh thì sao. Dẫn anh ra phía sau đồi kia đi.
Liêu mỉm cười véo vào má Trịnh Hùng rồi úp mặt vào ngực anh nũng nịu: Làm sao mà em quên anh được chứ.
Hùng nhăn nhó kêu lên: Á đau!
– Ôi em xin lỗi, Liêu rời khỏi vòm ngực anh, mắt rưng rưng vuốt ve những vết thương.
Hùng đưa tay khẽ lau những giọt nước mắt trên má Liêu rồi kéo người yêu bé nhỏ vào lòng thủ thỉ: Anh đùa chút thôi, em đừng khóc nhé.
Họ yêu nhau say đắm ngay chỗ cây sưa vừa mới được trồng và tối đó Trịnh Hùng chia tay Liêu về lại binh trạm. Có ai ngờ đây cũng là lần cuối cùng mà họ được ở bên nhau.
Bà trở mình trên chiếc chõng tre mơn man gió chiều. “Quên không hỏi con Lư lên Trường Sơn mấy ngày về nữa”. Bà ho kéo nực từng đợt.
Đời người sắp nhòa vào ánh tà dương mà ký ức vẫn như tươi rói, vón cục lại như máu có thể vuốt ve và sờ nắn được.
***
Những âm thanh vang rền ngoài kia đã đánh thức Lư dậy. Chiều rồi ư? Lư thảng thốt nhìn ngắm khu rừng nhạt nhòa trong thứ ánh sáng ma mị bí ẩn. Cô chạy một mạch ra khỏi khu rừng và như có ai xui khiến cô lao ra đường dang tay chắn ngang đoàn xe đang đi tới.
Một người đàn ông đầu bạc mặc bộ quần áo lính đã cũ ngồi trên ca bin ló đầu ra hỏi: Có việc gì thế hả cháu gái?
Cô liếc nhìn đoàn người ngồi trong xe đa phần họ cũng đều mang những bộ quần áo lính đã bạc màu và có thêm những người đàn bà ăn mặc bình thường khác, mắt họ đỏ hoe, tóc tai rối bời. Có lẽ họ đã trải qua một chặng đường khá xa để tới đây.
– Dạ cho cháu hỏi đây có phải đoàn xe của Hội Cựu chiến binh đi tìm mộ liệt sĩ không ạ?
– Ừ đúng rồi cháu.
– Dạ, may quá cho cháu theo với có được không ạ? Cháu đi tìm ông ngoại cháu, ông ngoại cháu cũng hy sinh ở cánh rừng Trường Sơn này.
– Ông cháu quê ở đâu?
– Dạ quê ở Tiền Hải- Thái Bình.
– Ồ thế thì trên xe cũng có người đồng hương với ông cháu đây này.
– Dạ, cảm ơn các bác, các cô chú. Xin hãy đợi cháu ít phút để cháu vào gửi xe.
– Để anh giúp cho. Một thanh niên dáng hình cao lớn nhảy xuống và giúp cô đưa xe vào trạm kiểm lâm ngay đấy.
***
Lư ngồi cạnh chàng trai đã giúp cô gửi xe, anh không dám nhìn thẳng vào mặt cô để hỏi chuyện mà thỉnh thoảng chỉ liếc vào gương chiếu hậu, có nét gì đó thật bâng khuâng khó tả.
Quả thực, mới đầu khi vừa trong thấy cô như con chim nhỏ chạy ra chắn ngang đường trái tim chàng trai bỗng dưng đập dồn. Như một luồng điện xẹt ngang anh nhận ra sức mạnh tiềm ẩn trong con người của cô gái và cả nét đối lập mỏng manh qua dáng hình và đôi mắt thảng thốt. Nó tạo ấn tượng trong anh mạnh đến mức anh cảm thấy cơ thể mình run lên như gặp khí trời lạ ở vùng Trường Sơn này.
– Anh cũng quê Thái Bình à? Anh đi tìm ai thế? Lư quay sang anh hỏi.
– Ừm, anh là bộ đội ở Thái Bình, anh đi tìm ông chú bà con xa trong họ của anh hy sinh ở trong này. Bà cô ấy lớn tuổi rồi nên mới nhờ cậy anh theo đoàn đi tìm giúp. Đáng lẽ ra anh đã đi tìm lâu rồi nhưng vì công việc nên cứ lần nữa mãi đến hôm nay mới cắt được phép. Còn em đang học hay đã đi làm rồi?
– Em là sinh viên năm cuối khoa báo chí. Em có một tháng để đi thực tế làm đề tài tốt nghiệp.
– Thế à.
Vậy rồi thôi họ im lặng ngồi bên nhau cho đến khi xe dừng lại ở một mái đá bên cánh rừng Trường Sơn. Bên trái là một vực thẳm, đoàn người lần lượt xuống xe và lần theo sự chỉ dẫn của một cựu chiến binh lớn tuổi nhất. Lư thầm nghĩ, liệu mấy chục năm rồi, trí nhớ có còn minh mẫn để đưa đường dẫn lối? Nhưng cô đã sai, ký ức của những người lính đã một thời chinh chiến vào sinh ra tử ở mặt đường này không bao giờ phai nhạt, dù rừng núi, đất đai có bị mưa lũ sói mòn, thời gian cây cối phủ xanh rợn ngợp. Họ vẫn nhận ra dấu tích bên mái đá này là cây dâu da rừng cao vút, quả vàng mọng chi chít xum xuê từ thân kéo dài tận gốc. Lư gần như reo lên khi vừa đi xuống vực.
– Khoan, để cô y tá làm phép trừ bệnh cho đã rồi hái. Một người đàn bà áo đen tiến lại gần và chiếu ánh nhìn rất sâu vào mặt cô rồi đưa tay ấn những điểm huyệt trên đầu. Bà lẩm nhẩm nói những câu gì đó như là thần chú. Linh hồn của cô ý tá đang nhập vào bà ấy. Và mấy chục phút sau họ đào được dưới gốc cây dâu da một bộ hài cốt liệt sĩ, tất cả đều đã bị hóa thành mùn đen chỉ còn lại một vài mẩu xương nhỏ và chiếc kẹp ba lá đã hoen gỉ.
Lư nhớ có một lần khi đi lên đường Hai Mươi để lấy tư liệu sống từ các cựu chiến binh khi họ về thăm lại chiến trường xưa. Lư không tin lắm vào chuyện lên đồng hay ma cỏ nhưng khi cô vừa thử khấn thì một nữ thanh niên xung phong quê Thanh Hóa hy sinh trên tuyến đường này đã nhập vào cô hơn hai giờ đồng hồ. Hôm đó cô đã kể lại rất rành mạch những trận đánh và còn chỉ cho mọi người biết nơi hy sinh của cô y tá này. Chính lý do đó mà bố mẹ cô rất lo ngại mỗi lần nghe tin cô đi lên Trường Sơn. Nhưng Lư thì không sợ điều đó, cô thấy đây là một điều may mắn, không phải ai cũng được những người lính xin mượn thể xác để đi làm những điều ân nghĩa hôm nay. Bây giờ dưới vực sâu Lư đang khấn, cô nguyện cầu ở đâu đó trên cánh rừng Trường Sơn xanh trùng điệp này linh hồn của ông ngoại sẽ nhập vào trong thể xác cô mà dẫn lối. Lư nhắm mắt một hồi lâu, những giọt mồ hôi lấm tấm mướt ra trên trán và một bàn tay vững chải khẽ đặt lên vai cô: Em mệt à?
Lư mở mắt, Phú Thái- chàng trai bộ đội Thái Bình đứng trước mặt cô với vẻ quan tâm lo lắng.
– Em không sao, chỉ hơi mệt chút thôi anh ạ.
– Để anh dìu em lên trên kia đường nhé.
– Dạ vâng.
Từ trên mặt đường nhìn xuống nơi những cựu chiến binh và các thân nhân của liệt sĩ đang gói ghém hài cốt vào một cái tiểu được phủ vải đỏ, một đàn bướm trắng bay từ dưới vực lên, lượn vòng xung quanh cô, anh Phú Thái và người cựu binh cụt một chân đang ngồi nghỉ bên tảng đá. Người cựu binh đưa máy ảnh lên định chụp một con bướm đang đậu trên một cành khô nhưng chưa kịp chụp thì nó lại bay sang đậu ở bên một tảng đá khác. Vài lần như vậy, cựu chiến binh thốt lên: Có phải đồng đội của tôi thì xin dừng lại cho tôi chụp một kiểu ảnh kỷ niệm. Tôi cũng muốn đi xuống dưới đó lắm nhưng ngặt nỗi chân cẳng thế này không đi được. Ngay tắp lự con bướm trắng bay đến đậu lên mỏm cụt của người cựu binh. Không kìm được sự xúc động ông òa khóc to thành tiếng. Con bướm chuyển lên đậu giữa lòng bàn tay ông một lúc rồi bay đi.
Mắt Lư đỏ hoe, vòm họng đắng ngắt: Ngoại ơi bây giờ ngoại đang ở đâu?
Cô xúc động thật nhiều, nhớ lại có lần nghe bà nói: Tính nết cháu thật giống ông ngoại, hào hoa và lãng tử còn cháu thì lãng mạn đến dại khờ.
Ngày xưa khi bà xung phong lên tuyến đường 20 làm đường và đã gặp ông trong một đêm biểu diễn văn nghệ ở Binh trạm, ông ngoại là một cây văn nghệ hát hay đàn giỏi, đặc biệt mỗi lần tiếng sáo của ông cất lên là cả núi rừng như lặng đi, đám con trai con gái không ai bảo ai cũng ngầm đưa mắt tình tự, có nhiều đôi lần lượt rời bỏ chỗ ngồi đi ra suối. Họ hiểu rằng trên mặt trận này, lằn ranh giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh và được sống ngày nào là họ sống thật ý nghĩa ngày đó.
Mẹ Lư chính là kết quả tình yêu của ông và bà sau cái đêm ở sau đồi ấy. Chỉ một lần thôi và ông vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Trường Sơn. Mấy bận bà đi tìm ông nhưng đều không có kết quả, đất đá núi đồi đã vùi lấp ông ở nơi nào không lần ra được nữa và khi biết mình có thai, ngoại xin trở về trạm giao liên ngay tại nhà mình làm công việc chặt lá cây, tre, gỗ về thưng che các chỗ hở ngăn chặn lũ chuột để bảo vệ quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm… cho đến ngày sinh ra mẹ Lư.
***
Lư đang mơ màng với những mảnh vụn ký ức của ngoại thì tiếng sáo cao vút cất lên cắt đứt dòng suy nghĩ của cô.
Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng bên đường như quê hương vai áo bạc quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa…
– Ôi, bác thổi sáo hay quá.
– Đây là cây sáo của một đồng đội tôi đã hy sinh, chúng tôi đều là những người lính văn nghệ nên rất hiểu nhau và thương nhau như anh em ruột thịt. Không biết bây giờ cậu đang nằm ở đâu giữa rừng cây, sông suối phẳng lặng này? Trịnh Hùng ơi… tôi đang thổi cái bài mà cậu thích thổi nhất đấy.
– Kìa bác! bác vừa nhắc đến… người đồng đội cũ hy sinh của bác là Trịnh Hùng sao? Đó là ông ngoại cháu… Lư sà đến bên người cựu chiến binh và nắm chặt lấy cây sáo. Một nỗi xúc động trào dâng đến nghẹt thở, khiến cô không thể nói thêm được lời nào nữa.
– Cháu gì ơi… mau xuống đây đi.
Lư lao tuột xuống con dốc phủ đầy lá và gai gốc, người đàn bà áo đen đưa cho cô một lọ belexilin có ghi tên tuổi và địa chỉ đầy đủ của người nằm ở dưới đó và nói sẽ đưa hài cốt đi thẳng về quê hương chứ không ghé ngang ghé dọc ở đâu hết.
– Ngoại ơi… Lư bốc một nắm mùn đất đưa lên ngang mặt, nước mặt lã chã rớt xuống những ngón tay run rẩy.
Phú Thái quỳ xuống bên cạnh Lư cũng xúc động không kém: Cô ơi, cháu đã tìm thấy chú rồi, cháu sẽ đưa chú về đoàn tụ với gia đình với quê hương Tiền Hải…
Lư quay sang nhìn Phú Thái, trong niềm xúc động không thể kìm nén, họ ôm chặt nhau cười trong nước mắt.
– Anh sẽ đón ngoại và em ở Thái Bình. Một ngày nào đó…
Lư gật đầu. Rừng Trường Sơn ào ào lá đổ… Khúc du mùa đang ngân.
Quảng Bình, 7/4/2017
Truyện ngắn của Trác Diễm
Nguồn: Văn học quê nhà
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài