Thế giới thơ Dương Kiều Minh hiện lên bằng vẻ đẹp, cái đẹp hiu quạnh, trong suốt và mang vẻ lạ lùng đến đường tơ kẽ tóc của một thế giới hướng nội hoàn hảo, bất khả xâm phạm. Trong những nhà thơ cùng thế hệ với ông, chưa có ai say mê cái đẹp một cách thuần khiết và mãnh liệt như Dương Kiều Minh.
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ Dương Kiều Minh huy hoàng, rực sáng như tòa thánh đường tưởng tượng, màu sắc nào cũng đắm đuối, ngập gió và nắng, – những thứ an ủi, xoa dịu và nâng đỡ tâm hồn:
Con chạy trên đồng lúa rộ vàng
Mạng nhện giăng giăng bụi hoa cúc dại
Mặt trời lung linh khu vườn mẹ

Bức tường ánh sáng…
(Hy vọng)
Đi dưới tán vòm hoa rực rỡ
mênh mang mùa hè

Em đứng đấy gió lùa hơ hải
ngôi nhà thiêm thiếm trắng
từng vốc nắng mỏng tang vãi chiếc ô màu

Ờ thế giới ngập tràn trong vẻ đẹp
dáng uy nghiêm lực lưỡng đền đài
tiếng em cười thuở mười sáu tuổi

Âm âm đồng ca phía nhà thờ vọng
xa như hè sáng thế
lặng im
cao ngất
oi nồng…

(Mùa hạ)
Thiên nhiên bao bọc lấy cuộc sống con người, từ ngôi nhà cho tới phố phường, “đồng hóa lại” nó trong sức sống tươi non, man dại:
Chiếc ô tô màu xanh lá cây
những ngôi nhà màu xanh lá cây
ô cửa chớp bình hoa loa kèn đỏ

Xuyên thấm và trở thành một phần thiết cốt trong đời người, thiên nhiên là giá trị để soi tỏ nhân tính, là một kiểu “siêu giá trị”:
Đời con thưa dần mùi khói
Mẹ già nua như những buổi chiều

(Củi lửa)
Cái thanh lặng, quạnh hiu trong không gian đầy dấu vết xâm lấn của thiên nhiên, vẻ uy nghiêm cao cả của thiên nhiên đưa con người vào cõi thanh bình sâu lắng của suy tư, trầm tưởng:
Tiếng đầu tiên mẹ gọi giữa trưa nồng
Bên vòi nước bỏ quên
Ô ban công nhìn ra bãi trống

(Hy vọng)
Ngày thu rực bình yên lành lạnh
khói dựng lên như những tầng lầu

Thơ ấu chạy cánh đồng tím nhạt
giữa nước nôi, giữa bờ cỏ đầm sương…

Ban mai chợt đổ về mãnh liệt
nắng vỗ vào những cánh rừng thưa

hai người đi thấp thoáng hàng cây đỏ
dòng suối nguyên vết trận mưa dài

(Ban mai)
“Thiên nhiên hóa” trở lại cuộc sống và con người, Dương Kiều Minh đã tạo ra một không gian nhiều tầng sâu của tâm tưởng và vẻ đẹp, tràn đầy năng lượng tinh thần của niềm đắm say, hồi tưởng, yêu thương, khao khát… Đó là giá trị biệt lập, cô đơn mà một nhà thơ đích thực phải có.
Thơ Dương Kiều Minh tràn ngập cảm giác về ánh sáng. Ông hồi tưởng  ánh sáng giống như cách của các họa sĩ trường phái ấn tượng: thấu triệt và cường phóng. Mật độ câu thơ miêu tả ánh sáng dày đặc. Trong tập “Củi lửa”, hầu như bài thơ nào cũng có miêu tả ánh sáng, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Thứ ánh sáng vân vi, được tưởng tượng đến từng chi tiết, có khuynh hướng hoang tưởng:
Mặt trời lung linh khu vườn mẹ
Bức tường ánh sáng…
Điều gì dào lên trong những hạt li ti.

(Hy vọng)
những ban mai như thể đầu tiên
ào ào đổ
lấp lánh dòng ánh sáng

mẹ húng hắng ho…
mưa bụi dưới thềm

(Ban mai)
Ánh sáng viên mãn, căng đầy khiến cho mọi hình ảnh hiện lên tròn vẹn, đầy đủ chiều sâu, ập mạnh vào cảm xúc theo quy luật của thị giác:

ngôi nhà thiêm thiếm trắng
từng vốc nắng mỏng tang vãi chiếc ô màu

Hay:
Mơ được về bên mẹ
ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa
bậc thềm dàn dụa trăng mỗi tối

Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi

(Củi lửa)
Ánh sáng viên mãn từng thấy trong thơ Hàn Mặc Tử:
… Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
… Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang…
Đôi mắt nhạy cảm với ánh sáng bộc lộ hoạt động mạnh mẽ của tâm trí, khả năng tái hiện lập thể, đồ sộ và hồi tưởng nhanh mạnh, tức khắc.
Ánh sáng trong thơ Dương Kiều Minh làm phát lộ những chiều sâu khác của liên tưởng và tưởng tượng:
Ban mai đổ về xa vắng
đồng cỏ đầm sương lóa ướt dưới trời.

(Bản giao hưởng đồng quê)
Bình minh chảy ròng ngoài cửa sổ
bãi đất hoang mọc đầy cỏ dại

(Bướm trắng)
Trong ánh sáng biết mình thấm mệt
quả đồi bây bấy xanh

những buổi sớm mùa đông theo cha về ngoại
chậu hải đường hoa thấm lạnh trong sương.

(Bộc bạch)

Nhà thơ Dương Kiều Minh


Tâm tưởng Dương Kiều Minh có nét gần gũi với những thi sĩ trường phái tượng trưng. Đó là nhờ ánh sáng mở ra những cánh cửa liên thông của sắc màu, âm nhạc và tầng sâu phức hợp của cảm giác.
Trong những tập thơ đầu như Những thời đại thanh xuân, hay, nhất là Củi Lửa của Dương Kiều Minh, có thể thấy sự xuất hiện khá liên tục những đoạn thơ hay, đẹp lộng lẫy, thuần khiết. Đó là vẻ đẹp của ánh sáng và cảm giác hòa trộn nhuần nhuyễn trong hình bóng thiên nhiên. Một thứ tồn tại nhờ cảm giác về thiên nhiên, sâu thẳm và khép kín.
Điều này không khỏi làm ta nhớ đến thế giới tinh diệu, khép kín trong thơ Cố Thành (1956-1993), nhưng nhà thơ Trung Quốc đồng thời phức hợp hơn và còn khép kín tuyệt đối hơn.
Nỗi sầu muộn trong thơ Dương Kiều Minh cũng là dòng cảm hứng tất yếu của một thế giới cô đơn, riêng biệt, tỏa ra ánh sáng của sự thanh sạch, tĩnh tại.
Đó là nỗi buồn bàng bạc nhưng thấm sâu trong những đoạn hay nhất, của tập thơ Những thời đại thanh xuân:
II – Chương hai
1
Tôi – cậu bé đi lạc trong Kinh Thánh
đi lạc xứ sở cái ác kinh hoàng
Cái thiện bao la
tình yêu – sự khởi đầu

Đi lạc chiêm nghiệm hùng vĩ người đời
máu và nước mắt
Tôi đi lạc âm nhạc xửa xưa
Có tiếng mẹ ru
Có lời tình ái
Có trưa hè nắng râm ran xứ sở
bữa tiệc tưng bừng bất tận hoàng cung

ấy là đất
ấy là muối
ấy là nước
ấy là hơi thở

Bài Ca Niềm Vui Sống
ấy tiếng chuông cuối chiều dóng dả
cơn lốc cuốn theo đám bụi nô đùa
hai đứa trẻ dắt nhau chân trời xa tít.

(Khúc Dâng Mozart)
Mạch thơ rộng mở, tưởng tượng bay bổng, lôi cuốn vào nó nhiều hình ảnh bao quát những tọa độ không gian, thời gian khác nhau. Sự tiếp biến từ ý tưởng sang cảm xúc và hình ảnh tương đối tự nhiên, tạo nên vẻ lung linh của ngôn ngữ và ý nghĩa. Nỗi buồn ẩn hiện trong những ưu tư cay đắng nhưng vẫn trong lành về kiếp người.
Dương Kiều Minh chưa bao giờ dời xa nỗi buồn. Có khi nó bộc lộ bằng những nỗi bất hạnh cụ thể của đời sống, có khi hiện ra nghiêm trang, cao quý trong trạng thái riêng tư sâu thẳm:
Tôi yêu những giấc ngủ qua ánh sáng gắt gao lần về
men mái nhà, bờ dậu
cuộc đời nổi trôi
giấc mơ khốn khó

Không gì đổi thay
những giấc ngủ kề thời này thời khác
dịu dàng
cổ kính…

(Bày tỏ)
Sự hòa trộn những cảm giác vừa cụ thể (giấc ngủ, dịu dàng) vừa trừu tượng (cổ kính) trong lối lập tứ giản dị, tạo ra trạng thái thơ chân thực bất ngờ.
Nỗi buồn của nhà thơ hiện ra qua hình dung về một không gian rộng lớn biến dạng bởi sự bất ổn, tiềm ẩn tai ương, nhưng vẫn là thế giới nguy nga của cái đẹp, thản nhiên trước tàn phá:
Mùa hạ trôi qua chở nỗi buồn vào sâu bầu trời ngổn ngang mây trắng. Không còn nhớ được nhiều năm về trước tôi đã ước ao gì. Những vòm phượng vĩ đến tiết nở rộ. Vội vã rũ lớp lớp cánh hoa màu đỏ chống chọi những cơn bão đầu mùa.
Cây lim trắng cổ thụ rải lượt hoa trắng li ti trên nền hạ chí.
Bài ca không lời ngân đâu đó dưới tán xanh chạy dọc triền sông, nơi khúc ngoặt phình chiếc vĩ cầm khổng lồ.
Cánh phượng cuối cùng rớt vào cốc nước.
Câu chuyện đột ngột kết thúc.

(Tứ tấu mùa hạ)
Có khi nỗi buồn của nhà thơ giàn rụa, bất chấp tính ước lệ đương nhiên của thơ ca, trở thành lời nói thông thường:
Quá nhiều đổi thay, nỗi buồn không đổi
quá nhiều đổi thay, buồn chồng chất buồn

(Bày tỏ)
Nỗi buồn trở thành chính cuộc đời, số phận, thành phẩm chất đại diện cho nhà thơ:
Tôi ra đi vào buổi tối trời
tiếng vĩ cầm tràn ngập
âm thanh thanh bình xa thẳm
Ngọn lửa cháy thanh thản và khát vọng
tiếng gọi du dương, tiếng gọi nao lòng

Người quì xuống khôn cầm nước mắt

Thôn quê
con đường
hàng cây
bờ dậu
cánh đồng trải rộng u sầu…

(Bày tỏ – Rút từ tập Những thời đại thanh xuân)
Nỗi buồn có khi trở thành nỗi đau vò xé, vừa cụ thể vừa thực thể, biến con người trong thơ trở thành bi quan, thậm chí gục ngã. Thơ Dương Kiều Minh là trường hợp con người thực thể cụ thể đồng nhất với con người sáng tạo, gần như không có khoảng cách:
… Niềm thương xót dâng nghẹn khi gặp lại người thân. Kiếp người nghèo khó. Kiếp người khốn khó. Kiếp người gầy guộc và đen đúa.
Tôi thấy mình là kẻ vô tình ngang qua thế gian, ngang qua nỗi đau khổ lầm lũi kiếp kiếp. Có phải tôi sinh ra trong cõi đời là để dằn vặt trước nỗi thống khổ của người đời. Niềm thương xót đeo đẳng, niềm thương xót tổn thọ.
(Khúc tưởng niệm – trích từ tập Tôi ngắm mãi những ngày thu tận)
Dẫu tự biết rằng “thân xác này làm nên bằng tư tưởng”, nhưng chính Dương Kiều Minh chưa tìm được lối giải thoát cho nỗi đau đớn vì bị giày vò bởi những cảnh tượng, éo le của nhân sinh.    
Trong loạt bài thơ viết sau này, kể từ tập Ngày xuống núi, dường như Dương Kiều Minh đã đi vào lĩnh vực sở đoản của ông. Nhà thơ, cũng như hầu hết chúng ta, nhầm lẫn giữa “cảm hứng lớn” và nội dung thời cuộc, triết lý nhân sinh. Một nội dung nhân sinh đơn thuần, với những vấn đề như vận mệnh cộng đồng, cảm hứng đạo đức, “bức tranh hiện thực” rộng lớn, chuyện thế sự… tự thân nó chưa được xem là cảm hứng lớn. Nội dung nhân sinh chỉ trở thành “cảm hứng lớn” khi nào nó được hiển lộ như  những vấn đề sâu sắc, đột phá về con người.
Ví dụ như những câu thơ của Zsymborska:
Sau mỗi cuộc chiến tranh/ phải có người đi thu dọn những mảnh vỡ/ chúng không tự đứng lên được…
Kết thúc và Khởi đầu, Zsymborska, Nguyễn Đức Tùng dịch
Muốn lặn lội trong những câu chuyện nhân sinh, thế cuộc để đem lại cho thơ ca hơi thở mới, vô tình Dương Kiều Minh đã dời xa thế giới của vẻ đẹp riêng tư, một thế giới hướng nội toàn bích, để rơi vào lối phản ánh đơn nghĩa, mặt ngoài sự kiện, với các ý tưởng khô khan, có khi gắng gượng.
Ngày xuống núi, Tựa Cửa, Khúc chuyển mùa và kể cả Tôi ngắm mãi những ngày thu tận, bộc lộ rõ sở đoản này của ông. Câu thơ không được dẫn dắt bằng mạch cảm xúc mạnh, tự nhiên mà trở thành phương tiện chuyên chở ý tưởng đời sống một cách dễ nhận thấy. Ví dụ:
Tôi thấy rõ bổn phận phải gọi tên sự trống rỗng được trào ra từ thế giới chồng chất đồ vật, ngổn ngang danh lợi. Gọi tên ảo vọng cuồng loạn ác độc như những loài virus nguy hiểm phá huỷ tâm hồn con người, đánh sập thế giới tinh thần loài người đổ ập xuống hố vực của lòng tham và tội ác. Không có thế lực nào thù địch với con người. Thiên nhiên – không! muôn loài – không! Chỉ có con người thù địch với con người. Cơn cuồng khát đẩy con người thành loài quái vật khủng khiếp nhất trên trái đất.
(Ghi trong cơn dịch cuối năm Đinh Hợi)
Tuy nhiên, cũng trong những tập thơ giai đoạn này, Dương Kiều Minh vẫn có những câu thơ tô đượm lại cảm hứng hướng nội ban đầu của ông:
Cuối năm không thắp đèn, để đêm trùm xuống
một ngày? Một tháng? Một năm? Trăm năm?
thời gian bào mòn dấu vết
(Ba bảy)

Một chạp trăng treo lạnh toát
khói sương ẩn hiện ven sông
mờ tỏ việc người sau trước

Tôi mơ thấy chân trời ánh sáng toả mùi sương nước
(Ghi ở buổi cuối năm)

Chưa ra khỏi ngõ xuân đã hết
xuân với mình chẳng hệ lụy gì
chút vương vấn đêm qua trĩu mái hiên từng giọt
(Khúc xuân)
Không có ranh giới giữa ý niệm và cảm xúc, thế giới “bên ngoài” và “bên trong”. Dương Kiều Minh vẫn làm sống lại, chớp bắt những trạng thái thơ mà tâm cảm riêng tư của con người chợt bao trùm mọi cảm giác và hình dung khách quan.
Nhà thơ vẫn có những ý tưởng xuất sắc về sự gắn bó, giá trị của thiên nhiên trở thành giá trị con người:
Những câu thơ – mối ràng buộc duy nhất nối tôi với thế giới rộng lớn bao la tuổi thơ. Những người thân từ bao giờ đã hoá thành mùa vụ.
Mùa màng dựng những bó lúa phất lên chân trời cánh đồng cuối thế kỷ.
(Chạnh niềm thôn dã)
Vẫn có những câu thơ có thể xếp vào loại hay nhất về làng quê Việt:
Ta đã gặp ở đâu rồi, sục tìm trang ký ức bên bờ dậu ngôi nhà lợp rạ, rồi ao đầm thuở nhỏ, sau bức phên thưa cha mẹ và người thân chìm đắm trong lặn lội nghèo khó.
Rồi một ngày cuối thu ta trở về đã những nấm mộ nhỏ nhoi lần lượt lẫn trong màu lúa chín.
(Ghi trong cơn dịch cuối năm Đinh Hợi)
Sự trùng hợp của hình ảnh thị giác đơn thuần với việc tái hiện những tầng cảm xúc và liên tưởng “mờ chồng” nhau, không phải ngẫu nhiên. Nó là kết quả nỗi ám ảnh trong tâm trí nhà thơ, trở thành biểu tượng, vừa giản đơn vừa đẹp một cách ấm áp, tròn đầy, lộng lẫy.
­

*
Bản thể vốn dĩ xa lạ với những thứ được xem là niềm tin, cho dù niềm tin vào chính mình. Mọi “niềm tin”, đều gần gũi với ảo tưởng về giá trị, xuất phát từ sự va chạm, cọ xát giữa trí tuệ, nhận thức (luôn còn là đơn sơ, thô ấu) của con người, với thế giới vô biên. Chỉ có khoảnh khắc – này, hiện hữu – này, sự quán tưởng tâm trí tại khoảnh khắc mới làm nên hiện hữu ấy. Thế giới huệ tưởng vừa khép kín, vừa mênh mông chính là vẻ đẹp tràn đầy, rộng lớn của thi ca mà Dương Kiều Minh từng đặt chân tới bằng thiên phú của ông, một nhà thơ đích thực, từ thuở mọi “niềm tin chưa có trên đời”[1].


Ngày 20/ 3 – 30/ 3/ 2012
Nguồn: Tapchinhavan