Lão cố gắng mở mắt mà sao hai mi mắt cứ nặng trĩu, đè xuống, rồi lão cũng lờ mờ nhìn thấy xung quanh một màu trắng toát. Mình đang ở đâu thế này? Đầu óc lão cứ u u, trí nhớ chưa hồi phục…

– Ôi bác Sướng, bác tỉnh rồi. Bác làm em lo quá.

Tiếng cô Lan người làm cho lão reo vui, xoá tan không khí tĩnh lặng. Lan kéo tấm rèm che cửa sổ, ánh sáng ùa vào phòng chan hoà sức sống.

Cô Lan ngồi xuống chiếc ghế bên giường, cầm tay lão vuốt ve nhẹ.

– Bác nằm hôn mê đã mấy hôm rồi. Em sợ quá. Mỗi mình em chả biết làm sao? Thôi để em đi pha sữa cho bác uống nhé.

Nói rồi Lan nhanh nhẹn đi pha sữa đút cho lão. Lần đầu tiên trong đời, lão ăn sữa và cảm thấy ngon quá. Lão thấy nghèn nghẹn cổ họng, hai giọt nước mắt lăn trên má. Lão đã tỉnh hẳn.

– Cô lên đây lúc nào? Làm sao cô biết tôi ốm. Cô đi thế này bỏ trang trại cho ai?

– Tối hôm ấy, cháu Toàn con anh gọi điện cho em. Nó bảo: “Cô lên ngay bố cháu đi cấp cứu, không có ai trông”. Em hoảng quá, vội gọi điện cho con em bảo xuống ngay. Sáng hôm sau, nó có mặt. Giao cho nó trông coi, em vội bắt xe lên đây ngay. Hôm nay, là năm hôm rồi mà không thấy chị ấy và cháu nào lên cả. May quá bác đã tỉnh rồi.

Hai hôm sau lão đã dậy và đi lại được, lão bảo Lan:

– Anh cũng đã khỏe nhiều rồi. Em về trang trại đi. Ở đây bệnh viện chăm sóc chu đáo, anh tự lo được rồi.

Lan vâng lời, nhưng trong bụng cô cũng như lửa đốt. Nằm thêm năm ngày nữa thấy khỏe, lão gọi điện cho thằng Toàn con trai lớn, bảo lên đón. Nó bảo:

– Bố tự bắt tắc xi về nhé. Con bận quá rồi cúp máy.

Lão thấy mình như vừa mất đi một cái gì đó. Nỗi buồn ập đến. Lão thần người, nước mắt lại lăn trên má. Anh em cơ quan cũ biết tin vào thăm trách lão sao ốm thế mà không báo cho anh em.

– Tớ về hưu rồi, phiền các cậu còn bao nhiêu việc.

Cậu vụ trưởng người kế nhiệm lão bảo:

– Anh cứ nói thế, chứ chúng em bao giờ cũng vẫn nhớ tới anh.


Lão về đến nhà, cửa đóng im ỉm; vợ con đi đâu không rõ. Lão thở dài bảo cậu lái xe: “Thôi cho tớ về bên nhà bà cụ vậy.” Đứa cháu họ ở cạnh sang mở cửa. Ngôi nhà vắng tanh. Bàn thờ bố mẹ lão cũng lạnh băng không ai quyét dọn. Ngồi xuống ghế bất động, nước mắt cứ trào ra…

Bố lão đi bộ đội chống Pháp lúc lão mới được mấy tháng. Ba tuổi thì cụ hy sinh ở Điện Biên Phủ thành ra lão cũng không biết được mặt cha. Mẹ lão – người vợ liệt sỹ nén cái đau vào trong ở vậy nuôi lão khôn lớn. Một mẹ một con bao nhiêu tình thương cụ dành cho lão hết, dù phải tần tảo vất vả. Lão được học hành đến nơi đến chốn, hiếu thảo, ngoan hiền rất yêu quí mẹ.

Lão lấy vợ sinh con, mẹ lão vẫn tảo tần lo toan cho cái gia đình. Lão được cái chịu khó hiền lành tốt với mọi người, làm đến chánh văn phòng tỉnh uỷ, rồi được cất nhắc lên vụ trưởng ở bộ, mà thực tình cũng chưa chăm sóc mẹ được ngày nào. Bây giờ lão cứ ân hận mãi…

Căn nhà đầy ắp những kỷ niệm của mẹ lão. Ba đứa con: Hai trai một gái đều qua tay bà nội chăm sóc, tắm rửa dọn cứt đái, và bế chúng vẹo cả sườn. Lớn lên được ăn học đến nơi rồi lão xin việc cho mỗi đứa một cơ quan, lấy vợ lấy chồng mỗi đứa một nhà riêng biệt. Lão bận việc trên Trung ương thi thoảng mới ghé về nhà. Một lần về thấy cụ một mình ngồi ăn cơm nguội với tí rau muống, lão hỏi: “Nhà con đi đâu mà để mẹ ăn uống thế này?” Cụ bảo: “Cả tuần nay chị ấy có ăn cơm nhà đâu. Có hôm chị ấy cũng chẳng về. Mẹ hỏi chị ấy mắng: “Con còn phải công việc, bà biết làm sao được”. Lão bực lắm lấy điện thoại ra gọi cho vợ chỉ có tiếng tút tút… không liên lạc được. Lão mở tủ lạnh trống trơn, đi mua đồ ăn thức uống bỏ đầy tủ, dặn cụ sử dụng rồi lão lại đi công tác.

Cuối tuần, lão về thấy vợ đang ngồi trang điểm. Lão hỏi đầu đuôi, vợ lão thản nhiên như không:

– Ôi giời! Nhỡ có một bữa chết làm sao được, mà bà vẫn còn đủ cả chân tay có què đâu. Tôi còn công việc của tôi. Tôi có phải Ô Sin cho nhà ông đâu? Ông mở mắt ra mà nhìn mấy thằng cấp dưới của ông ấy mới chỉ cấp huyện cấp tỉnh thôi mà vợ con nó có thiếu gì đâu, hết nhà nọ xe kia chỉ ngồi nhà nhận quà biếu và đi thẩm mỹ.

– Cô ăn nói hay nhỉ. Tôi đã để mẹ con cô phải thiếu cái gì chưa. Tiền nong cô vẫn quản lý tất cả mà.

– Ôi dào cái phần ông mang về đây không bằng một phần trăm của người ta. Thế mà cũng kể. Hay là có con nào rồi, lại mang đi đâu hết? Các ông bây giờ cũng không phải vừa đâu?

– Cô bảo tôi đi ăn cắp mà ra nhiều tiền thế.

– Thế người ta cũng đi ăn cắp cả đấy à. Thôi tôi không nói với ông nữa. – Rồi vợ lão đứng dậy cầm túi đi ra cửa bảo: Tôi đi công việc, xong tôi về nhà con Hoa.

Còn hai mẹ con, cụ bảo:

– Con ơi một điều nhịn là chín điều lành. Mẹ khổ quen rồi không sao đâu. Tim lão như thắt lại…
*


Hai tuần sau lão về nhà đã thấy vợ lão và cả con trai gái, dâu rể… sáu đứa và mấy đứa cháu nội ngoại cười nói râm ran. Mùi thức ăn thơm phức, căn nhà ấm cúng hạnh phúc quá như lão từng mơ ước. Lão như thấy mình trẻ ra đầy hứng khởi. Bữa cơm dọn ra, cả nhà quây quần. Vợ lão gắp thức ăn vào đầy bát bà cụ. Cụ bảo:

– Gắp cho mẹ nhiều thế. Mẹ già rồi không ăn được nhiều đâu.

Thằng Toàn bảo:

– Cụ phải ăn nhiều vào để sống lâu còn chơi với các chắt. Nay mai thêm vài đứa nữa.

Thằng thứ hai giót rượu Chivas 21 vào chén, cứ ép lão uống.

– Thôi, bố dạo này không uống được nhiều đâu.

Thằng con rể bảo:

– Bố cứ uống đi vài li có sao đâu. Con chúc bố một li.

Hai đứa con dâu và con gái cũng hùa vào:

– Uống đi bố. Hôm nay đông vui cả nhà mà.

Lão nhìn mẹ, ánh mắt cụ tươi cười như khích lệ. Lão cảm động quá, chắc các con đã nghĩ lại. Thế là mình có phúc. Lão uống mấy ly đầy.

Thằng Toàn bảo:

– Nay mai chúng con mỗi đứa hai ba cháu. Phòng khách này của ông không có chỗ mà ngồi. Chật quá rồi.

Đứa con gái nói:

– Anh Toàn nói đúng đấy. Bố muốn chúng con thường xuyên về thăm bà, xum họp gia đình. Về thì các cháu phải có chỗ chơi rộng rãi. Nhà này chật quá rồi.

Thằng thứ hai bảo:

– Đúng đấy bố ạ. Nhà mình lên xây nhà mới. Bố làm vụ trưởng, còn khách khứa ra vào. Lúc bố về nhà, các cô các chú ở tỉnh ở thành phố đến chơi, họ cười cho.

– Chả ai cười đâu con ạ. Thế này là tốt lắm rồi. Còn có hai bố mẹ, thi thoảng các con mới về, cần chi nhà to quá.
Vợ lão bảo:

– Các con nói đúng đấy anh ạ. Không những khách khứa còn giỗ chạp công kia việc nọ. Nếu anh đồng ý thì ở khu đô thị mới, con bạn em mới xây một ngôi biệt thự vị trí đắc địa. Đẹp lắm, mà giá cả lại rẻ. Mình mua rồi đón mẹ về ở. Mẹ khổ cả đời rồi.

Mấy đứa con nhao nhao tán vào. Lão đang lâng lâng hạnh phúc.

– Thôi thì tuỳ mẹ mày kiểm tra xem rồi quyết định.

Cả nhà vui vẻ nhộn nhịp. Lão rút tiết kiệm ra đưa cho vợ đi mua căn biệt thự. Chuyển nhà mới xong, lão lại về cơ quan làm việc. Gần tháng sau, lão mới về nhà. Gặp ông bạn mời vào quán uống cốc bia. Hắn bảo:

– Ông về nhà mới mà không bảo tôi một tiếng.

Lão bảo:

Ôi trời! Có vào nhà mới đâu làm mâm cơm. Trong nhà tôi không mời ai cả, lúc này ngại lắm.

– Cô Thuý bán cho ông căn nhà ấy mấy tỷ.

– Chín tỷ ông ạ

– Sao đắt thế. Ông nói thế nào chứ!

– Tôi nói thật mà. Vợ tôi là người trả tiền, nói rõ như thế và giấy tờ ghi hẳn hoi.

– Cô Thuý còn nhờ tôi bán hộ giá bẩy tỷ rưỡi còn khó. Để tôi gọi điện cho cô ấy thì biết ngay thôi.

Nói rồi ông bạn cầm điện thoại gọi:

– A lô Thuý à. Chúc mừng em bán được căn biệt thự những chín tỷ đồng. Thắng lớn thế mà chả chiêu đãi anh.

– Ôi giời! Đào đâu ra. Em bán có bẩy tỷ rưỡi thôi. Nhưng bà ấy bảo cứ nói là chín tỷ, để lấy ra tỷ rưỡi cất riêng. Không cho ông ấy biết. Em ô kê ngay, miễn là mình bán được.

Lão như người vừa bị cú nốc ao, lảo đảo đứng dậy xin phép về nhà. Vợ chồng thằng thứ hai dọn về ở nhà mới mua. Lão hỏi các con đã có nhà riêng rồi sao lại về đây ở. Vợ lão bảo:

– Chúng nó cần vốn làm ăn nên bán nhà về đây ở tạm.

Lão lên chỗ bà cụ. Bà cụ buồn, đôi mắt u uất, bảo:

– Thôi con lại cho mẹ về nhà cũ thôi. Mẹ ở đây không quen.

Lão gặng hỏi, bà cụ cũng không nói chỉ đòi về nhà cũ. Bỗng dưới nhà tiếng con Hoa:

– Anh lấy nhà rồi. Còn hai tỷ của tôi, anh hứa đâu?

– Mày làm gì mà cứ sồn sồn lên thế, để thư thả đã.

– Anh bán nhà. Tiền lấy rồi mà còn bảo thư thả. Hay định truội là không xong đâu.

Tiếng vợ lão quát:

– Chúng mày có im mồm đi không. Ông ấy đang ở trên gác đấy.

Thế là mọi chuyện đã rõ. Tất cả chỉ là màn kịch mà vợ con lão đã dựng lên, đưa vợ con thằng thứ hai về đây ở hòng chiếm đoạt ngôi nhà. Chúng làm đủ thứ chuyện, bà cụ không chịu được. Lão nói vợ, vợ lão bảo:

– Anh có giỏi thì mang mẹ anh đi mà nuôi. Không ai chịu được…

Buồn quá lão chở mẹ về trang trại chơi cho khuây khỏa. Gặp Lan, cụ phấn khởi lắm. Cái tất bật, vất vả lo toan của Lan như hình ảnh của cụ hồi trẻ. Lan chăm sóc cụ chu  đáo tận tình. Cụ bảo: Thôi cứ cho mẹ ở đây với cô Lan. Mẹ thấy vui và khoẻ. Chiều bà cụ, lão để cụ lại trang trại cho Lan trông nom.

Lan gần năm mươi tuổi, chồng chết ở vậy nuôi hai đứa con một trai một gái. Dựng vợ gả chồng cho các con rồi nhàn rỗi, cô đi làm thuê. Anh em giới thiệu, lão đưa Lan về đây, giao cho trông nom cái trang trại này. Một lần uống rượu, vui miệng lão bảo mấy anh em ở địa phương:

– Các cậu xem có chỗ nào làm được trang trại, bố trí cho tớ một chỗ làm nơi đi lại, sau này dưỡng già.

– Có đấy anh ạ. Có khu đất trước đây hút cát còn ít cây vải, khoảng ba ha. Anh có làm chúng em sẽ cho thuê giá cả như bèo.

Thế là lão nhận lời và cái trang trại này ra đời. Nó lồm nhổm mấy cái hồ hút cát sâu hun hút, đất đai cằn cỗi. Lão mù tịt về trang trại, nên đều một tay cô Lan cai quản. Chẳng quản nắng mưa, sớm tối với đàn lợn gần trăm con, gần nghìn gà, vịt, ngô, sắn… cứ quần quật từ sáng đến tối giữa cái trang trại mênh mông vắng vẻ này. Thi thoảng lão về lại gọi điện mời bạn bè đến chơi ăn uống, bắt gà, vịt về thịt. Ăn xong lại một mình Lan dọn dẹp chu toàn. Bây giờ lại có thêm bà cụ nữa, cô càng vất vả… Nhưng có cụ, cô cũng bớt cô quạnh hơn lúc đêm về. Vợ con lão chả đứa nào để ý chăm sóc cụ, ngày nghỉ chúng kéo bạn bè đánh xe về trang trại bẻ ngô, vải, Lan lại phải bắt lợn gà làm thịt cho chúng ăn uống rồi chia phần mang về. Đêm xuống, một mình cô ngồi rửa bao nhiêu bát đĩa. Cứ như thế, Lan chăm sóc cụ như mẹ đẻ của mình. Lão cứ day dứt mẹ nuôi mình cả đời, mà chưa chăm sóc mẹ được một ngày cho ra hồn, phải nhờ người khác chăm sóc…

Rồi lão cũng đến tuổi về hưu. Lão về nghỉ cũng nhẹ nhàng thanh thản, chỉ mong bù đắp cho mẹ những ngày cuối đời còn lại. Song lão có làm nổi việc gì đâu, lúc cụ ốm đau, thay quần áo, lau rửa vẫn một mình Lan lo hết. Lão chỉ biết an ủi cụ cho ấm lòng. Tuổi già trên chín mươi như trái chuối chín, lão quyết định đưa mẹ về thành phố để có bề gì còn dễ lo liệu. Bà cụ cứ cầm tay Lan nước mắt rưng rưng như không muốn rời cô.

Lão đưa cụ về ở căn nhà cũ của cụ trên phố. Chỉ có một mình lão chăm sóc cụ, đã mấy lần tưởng cụ đi mà cụ không đi. Hôm ấy gần trưa cụ cầm tay lão mà không nói được. Lão thấy tim mình nhói đau, quỵ xuống những lão vẫn kịp gọi điện cho xe cấp cứu. Xe chở lão đi trong mê man, qua nhà được vài cây số đột nhiên lão khỏe lại. Lão bảo lái xe quay về nhà, thì bà cụ vừa đi xong. Lão khóc nấc lên không thành tiếng. Sau này một ông thầy bảo: “Cụ yêu quý lão, có mặt lão thì cụ nặng lòng không nhắm mắt được. Lão ra khỏi nhà là cụ đi ngay.”

Vừa lúc đó có điện thoại một cậu cán bộ ở phòng Tài nguyên môi trường thành phố báo tin:

– Anh ạ. Chị nhà đến làm thủ tục sang tên bán ngôi nhà của cụ. Mọi thủ tục đã xong, em đang chuẩn bị ký đây ạ.

– Trời ơi! Cậu để đó không được ký. Ai làm thủ tục bán, ai cho phép? Căn nhà này là của mẹ tôi – vợ liệt sỹ đấy. Nếu các ông ký tôi sẽ mang quan tài cụ đến trước cơ quan đấy. Hiểu chưa?

– Dạ vâng… vâng. Em để lại.

Thì ra vợ lão đã giấu bìa đỏ của căn nhà đi. Thảo nào lão tìm mãi không thấy. Bây giờ làm điều này thật sự không chấp nhận được.

Sau khi bà cụ mất lão làm đơn xin ly dị vợ. Bà ta đòi sang tên ngôi biệt thự cho mình thì mới ký. Đến nước này, lão cũng chẳng cần.

Chờ toà giải quyết. Còn miếng đất lão dồn vốn liếng xây một căn nhà ra ở riêng. Nhà làm xong, vợ lão chuyển đến ở một phòng. Lão chẳng làm sao được. Hai con người trong một căn nhà song “đồng sàng dị mộng”

Lão bảo thằng con lớn:

– Mày mang xe về cho bố còn đi lại.

– Bố già rồi đi đâu, mà ô tô con đang cần có việc.

– Chúng mày chẳng đứa nào thương bố, chắc muốn bố chết à.

– Già rồi chết cũng được.

Lòng lão tan nát. Lão đứng dậy thắp hương lên bàn thờ bố mẹ. Ánh mắt mẹ lão trìu mến bao dung, lẫn xót xa, đau khổ…

– Mẹ ơi! Con xin về đây ở để hương khói cho bố mẹ…
*


Hôm sau, lão về trang  trại. Lan mừng rỡ ra đón:

– Ôi bác! Bác khỏe thật chưa. Em sợ bác còn mệt nên chưa dám gọi điện.

Lão nhìn thấy trang trại tan hoang, đàn lợn còn vài con, lông gà vịt bay khắp sân vương vãi.

– Cô mới bán lợn, gà à?

– Bác vào nhà đã.

Lan rót nước mời lão, rồi cô vào nhà mang ra một quyển sổ dầy cộp, đã sờn gáy:

– Em chờ Bác khỏi hẳn mới dám nói. Đây là sổ sách theo dõi thu chi của trang trại từng chi tiết. Em gửi để bác kiểm tra.

– Còn hôm nọ, các cháu về đây. Thằng Toàn nói, mẹ cháu bảo bố ốm nặng cần rất nhiều tiền để chữa trị lên phải bán hết lợn gà đi. Chúng nó gọi xe vào bắt gần hết đàn lợn, chỉ còn mấy con này không bắt được và một ít gà vịt còn nhỏ khách hàng chê. Chúng còn bảo là trang trại cũng sẽ bán. Vì thế em làm sẵn sổ sách để báo cáo bác, rồi em xin về với các cháu nhà em. Em chỉ thương bà, thương bác…

Đất dưới chân lão như sụt xuống.

Cả đêm lão không ngủ được. Lão suy nghĩ lung lắm. Gần sáng thiếp đi, lão lại thấy mẹ lão nằm trên cái giường ở trang trại bên cạnh. Lan như cái bóng âm thầm chăm sóc cụ. Bỗng cụ nhìn lão, thều thào không rõ tiếng. Một tay cụ cầm tay Lan giơ về phía lão… Lão vội chạy lại phía bà cụ gọi to: Mẹ… mẹ ơi! Rồi lão bừng tỉnh. Thì ra là lão mơ. Lan đang cầm tay lão.

– Bác mơ gì làm em hãi quá.

Lão để yên tay mình trong tay Lan. Ánh mắt Lan tràn đầy thương yêu che chở.

Cái trang trại của lão cũng sắp hết thời gian thuê đất rồi.  Hôm sau lão ra Ủy ban xã làm thủ tục chuyển trang trại cho cô Lan thuê tiếp. Lão hình dung ra sức khỏe mỗi ngày một kém. Lão lo xa, tính toán: Để cho cô Lan quản lý và làm chủ, nếu không may sức khỏe lão có bề gì, thì khỏi sẩy ra tranh chấp!
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2016

 

 

Exit mobile version