Dưới chân Hòn Dáu
Truyện ngắn của Hiệu Constant
– Vâng, tôi gọi vì đã nhiều lần nghe chương trình của chị và tôi thấy rất ấn tượng. Tôi đã gọi nhiều lần, nhưng chỉ rơi vào lúc máy bận…Vâng, thực ra bí mật của tôi chẳng có gì lạ lắm đâu. Vâng, tôi sẽ kể cho chị nghe…
Hệt như mọi ngày, Loan nghe máy. Chương trình của chị có tên « Bí mật của tôi ». Người gọi đến sẽ giữ kín tên tuổi và địa chỉ. Và một khi cuộc nói chuyện của họ được chọn phát sóng thì họ chỉ xuất hiện dưới một bí danh. Đây là một chương trình giải trí phát vào buổi 23h30 hàng đêm. Khách gọi tới chương trình thuộc đủ các tuýp người. Trẻ em với giọng non nớt gọi đến. Khi thì nức nở khóc vì bố mẹ chúng vừa cãi nhau, và theo chúng thì họ sẽ bỏ nhau đến nơi. Lúc lại hăng say kể cho chị nghe phát hiện mới của chúng, thì thầm hết sức quan trọng và cho đó là một bí mật lớn… Những lúc như vậy, chị thấy vui và cố gắng dành nhiều thời gian để ghi lại đoạn kể ngồ ngộ ngây thơ. Một số trẻ vị thành niên lại buồn phiền vì bè bạn, vì thầy cô trong trường trù dập. Cũng có những giáo viên trẻ gọi tới để kể về một đồng nghiệp đã tự vẫn vì ban lãnh đạo trường đối xử bất công. Các bà mẹ già kể lể rằng đám con cái chẳng thèm ngó ngàng đến họ. Rồi cũng có những kẻ say xỉn ba hoa về những vụ mà hắn cho là bí mật quốc gia đến «động trời», nhưng lại cười hô hố… Thật ra, chương trình của chị cũng có thể được coi là «Người tâm sự», hay «Bạn tâm giao»… Vì chị không chỉ nghe họ mà còn đối thoại, trấn an và giải thích cho họ…
Nhưng hôm nay, nghe giọng nói của người đàn ông này thì qua linh cảm, chị biết anh đang nói thật. Anh kể rằng mình là một bác sỹ, độc thân, có xe hơi và một căn hộ khang trang nằm gần khu trung tâm, nhưng anh chỉ thích ngủ trong xe ô tô của mình. Ra khỏi bệnh viện là anh phóng đến một nơi nào đó yên tĩnh, xa hẳn lớp đèn lấp lóa để ngủ, khi thì chỉ để tĩnh tâm sau một ngày làm việc…
Dẫu vậy, do nghề nghiệp đã quá quen với cảnh tô hồng của người vô hình, chị thấy hình như đang mất thời gian với vị khách này. Anh ta cứ như muốn kéo dài «bí mật» của mình đến bất tận. Chị cảm thấy bực mình liền ngắt lời anh :
– Sao vậy ? Bao người trên thế gian này chỉ mong có một mái nhà để che thân, còn anh thì… ?
– Còn tôi thì không hẳn thế đâu, tôi sợ trở về căn hộ của mình !
Loan im lặng, chị muốn tìm một câu gì đó để chấm dứt ngay, hay cố gắng tìm điều bí mật thực sự của người đàn ông đang nấp đâu đó trong đêm, chị còn nghe rõ cả tiếng sóng ầm ào vọng tới…
– Anh có thích đi du lịch không ? _chị hỏi chỉ để mà hỏi.
– Có chứ, tôi khoác ba lô đi ngay mỗi khi có dịp. Tôi thích đi khám phá những vùng đất lạ. Tôi đã đi rất nhiều, trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng có một vùng tôi muốn được đi cùng chị.
– Ở đâu vậy ?
– Trong một lãnh địa gọi là Trận đồ bát quái…
Loan cầm chắc là bí mật của anh ta sẽ bắt đầu được tiết lộ :
– Trận đồ bát quái hả ? Tôi không thích lắm đâu…
– Vâng, khu đó nằm phía trên nhà bảo tàng thành phố, gần bể cá. Chị biết nơi này chứ?
– Không. Nhưng nhà bảo tàng thì tôi biết. Tôi cũng biết bể cá…
– Thực ra cái tên Trận đồ bát quái là do tôi tự đặt cho khu này thôi. Tuần trước tôi đã gặp chị trên đó. Chị đi một mình và mặc bộ váy rất đẹp…. Tôi tự hỏi tại sao chị lại không chọn làm việc ở đài truyền hình. Giọng chị rất tròn, rất truyền cảm. Chị rất duyên dáng…
– Làm sao mà anh biết tôi được ?
Loan hỏi nhưng bắt đầu ngờ ngợ. Chị lục tìm trong trí nhớ tất cả những người bạn, thân lẫn sơ, nhưng tịnh… không có ai hết ! Công việc tạo cho chị có trí nhớ và phân biệt các giọng nói rất cừ. Chỉ cần một tiếng «A lô» của người đầu dây bên kia, thì chị đã nhận ra người đó đã gọi đến chương trình cách đó vài tuần, vài tháng hay thậm chí vài năm… Còn giọng nói này… Không, chị chưa từng tiếp xúc bao giờ. Một giọng nói đầy nam tính, pha nhiều hoài niệm, một chất giọng được ngâm đầy quá khứ, những hình ảnh xa xưa… nên dù bực mình, chị vẫn để mặc anh nói.
– Tôi biết chị từ rất lâu rồi. Nhiều hôm tôi đã cố tình đi ngang qua nơi làm việc của chị. Ví như hôm qua, chị đến cơ quan với bộ váy áo màu be, bó sát người. Chị đẹp đến kiêu kỳ. Kiểu tóc chị thật hợp với khuôn mặt, rất quý tộc, giống như mái tóc bồng bềnh của nữ bá tước Angélique… Màu son chị chọn cũng rất đẹp, tím nhẹ gần như phớt hồng, rất tự nhiên. Tôi xin lặp lại câu hỏi là tại sao chị không làm việc ở đài truyền hình ? Sẽ có rất nhiều người hâm mộ chị hơn nữa…
– Giống như anh à ?
Loan buột miệng. Chị bắt đầu cảm thấy cuộc nói chuyện đang ngả dần về chuyện riêng tư, liền với tay tắt máy thu âm. Trong phòng ghi tĩnh lặng, tiếng kêu nhẹ phát ra được truyền đi rất to.
– Sao vậy, chị không muốn ghi chuyện của tôi nữa sao? _ đầu dây bên kia hỏi.
– Không hẳn thế. Chỉ là do cassette đã hết, tôi đang thay băng mới…, _chị chống chế rồi tiếp : – Tôi vẫn đang nghe anh nói đây !
Có một khoảng lặng bao trùm lên. Anh đang nghĩ về Loan, người đàn bà duy nhất anh yêu trong đời. Cả gần hai chục năm qua, sau cuộc chia ly đầy nước mắt ngày ấy, anh vẫn không hề quên. Mặc dù anh đã đi du học bên trời Tây để cố quên nàng. Mặc dù anh đã quan hệ với một số cô gái, nhưng với anh đó chỉ là những mối tình thoáng qua, anh thấy họ mới nhạt nhẽo vô vị làm sao. Không ai có thể sánh được với Loan … Học chuyên ngành Nhi mất hơn chục năm, lập nghiệp bên xứ người vài năm, anh quyết định về nước. Anh chưa bao giờ ngừng tìm thông tin về người yêu cũ của mình. Anh biết Loan chưa lập gia đình, vẫn đi về nửa bóng. Nhiều nơi trong các thành phố lớn sẵn sàng nhận anh về làm việc với mức lương rất hậu. Và thậm chí, ba mẹ anh sẵn sàng đầu tư để anh lập phòng mạch riêng. Nhưng anh đã quyết định theo ý mình. Anh xin về thành phố cảng này, và công tác tại bệnh viện Nhi. Đã gần một năm nhưng không ai trong đám bạn biết anh đang làm việc tại đây… Anh cũng chưa dám giáp mặt Loan. Lý do của cuộc chia ly ngày đó, giờ nghĩ lại thì thấy lãng xẹt. Bố Loan cho rằng ba anh vốn là một sỹ quan Sài Gòn đã từng đi trại Tập trung, còn ông là một cán bộ Cộng sản kỳ cựu, do vậy không thể ngồi cùng mâm… Anh và Loan đã ra sức thuyết phục, nhưng ông khăng khăng rằng Loan mà lấy anh thì ông coi như không có đứa con gái ấy. Vốn hiền thục và nhu mì, Loan đành ngậm ngùi chia tay anh không hẹn ngày gặp lại. Còn anh sau những chuỗi ngày thất tình, liền quyết định đi du học…
– Trận đồ bát quái ấy mà, tôi thấy cái tên đó giống hệt như đời sống của chúng ta…
– Tôi không hiểu ý anh ?
– Dễ thôi… Trận đồ bát quái tức là một khi vào rồi thì rất khó thoát ra…
– Giống như chuyện đôi lứa yêu và cưới nhau ấy à ?
– Không hẳn. Một cặp đôi yêu và ngay cả khi đã cưới nhau, nếu không hợp họ có thể chia tay. Ý tôi muốn nói là gia đình kia…
Gia đình ? Loan bỗng nghĩ đến gia đình của mình. Bố mẹ chị đã nghỉ hưu. Hồi trước, hai em trai còn đang học đại học khiến chị không nỡ ra ở riêng và… thậm chí không dám có bạn tình. Chị sợ những người đàn ông. Yêu một cái thì họ đã muốn chị là của riêng họ, chứ nói gì đến cưới xin. Cưới rồi là hết. Ai sẽ giúp các em tiền ăn học? Ai sẽ chăm sóc bố mẹ ? Mẹ chị vốn rất yếu. Bố chị thì già lại vướng chứng tiểu đường, nên bữa ăn của ông phải theo chỉ định của bác sỹ… Là một phụ nữ duyên dáng và thông minh, chị có rất nhiều người để ý, nhưng chị không dám màng. Thương bố mẹ, thương các em, chị đành rời nhà hát kịch thành phố – niềm đam mê của mình, để về làm ở đài, vừa có thu nhập hơn lại vừa có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Phận đàn bà, đã không biết bao đêm chị thèm hơi thở của một người đàn ông, chị thèm một vòng tay vững chãi, chị muốn có một bờ vai khỏe mạnh để dựa vào, chị thèm hơi thở ấm nồng của chiếc giường chồng vợ, nhưng bố mẹ chị còn đó, và nhất là hình ảnh Tuấn cứ luôn tươi rói trong tâm khảm chị. Và cứ mỗi lần như vậy, chị lắc đầu thật mạnh rồi lấy nước lạnh ấp lên mặt… Chị tự ru ngủ con tim rằng anh đẹp trai thế, hào hoa thế thì còn nhớ gì đến chị, một mảnh tình sinh viên đầu đời… Chị lao vào công việc, thậm chí cả trang phục cũng tự may cho mình. Để quên… Ngoài việc làm ở đài, chị còn nhận viết kịch bản cho đài truyền hình, cho nhà hát kịch thành phố và thi thoảng cũng đăng những bài phóng sự hấp dẫn. Thời gian nhấm nhẳn trôi, hai em trai lấy vợ và ra ở riêng, còn chị vẫn đi về trong ngôi nhà của bố mẹ. Chị cũng viết tiểu thuyết. Công việc phụ trách chương trình giúp chị được nghe nhiều câu chuyện khác lạ, những tình huống hiếm gặp trong đời sống. Qua mỗi cuộc tiếp xúc với bạn nghe đài, chị lại hình dung nấp sau đó một mảnh đời. Người quá sung sướng trong nhung lụa mà trở nên nhớp nhúa. Những em bé lăn lộn trên vùng đất cằn mà trở thành tài năng làm rạng rỡ non sông. Các chiến sỹ đảo ngày đêm vật lộn với sóng dữ và giặc ngoại bang rình rập để bảo vệ lãnh thổ yêu thương… Nhưng cũng có những cuộc đời mang danh đại gia để ăn chơi tác tráng, nợ tiền nhà nước cả trăm tỷ đồng… Tất cả những mảnh đời ấy được chị gạn lọc và viết trong những trang tiểu thuyết của mình…
– Tôi là bác sỹ ? _anh trả lời đúng sự thật, vì ngày chia tay với Loan, anh đang học năm thứ tư trường Đại học Kiến trúc. Anh đinh ninh rằng nàng sẽ không bao giờ đoán ra anh được. Giọng nói của anh cũng đã thay đổi. Từ giọng nói của người Sài Gòn, nay anh đã nói đặc giọng Bắc.
– Đó là một nghề rất hay.
– Tôi chuyên khoa Nhi, làm việc tại bệnh viện Nhi của thành phố. Chị biết không, tôi còn biết một sở thích của chị, đó là chị rất thích ăn con vẹm…
Loan lại cảm thấy bực mình vì tội chưa khảo đã xưng của người đàn ông này, nhưng khi nghe anh ta nói về sở thích ít người biết của mình, thì chị tiếp :
– Tôi bắt đầu tò mò đấy, sao anh biết rõ về tôi vậy ?
– Vâng, tôi còn biết ngày xưa chị rất muốn trở thành diễn viên kịch nói. Chị có điệu bộ tự nhiên, giọng nói truyền cảm, và có tài thay đổi giọng rất nhanh. Thế tại sao chị lại không tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình ?
– Theo đuổi niềm đam mê của mình ? _giọng chị bỗng chùng xuống, pha chút chát chát, _anh nghĩ ai cũng có thể làm theo ý mình được sao ? Sống trong một xã hội như hiện tại đây, thực hiện niềm đam mê của mình thì đúng là một món ăn sang.
– Thế chị có yêu công việc hiện tại của mình không ?
– Làm lâu thành quen. Tôi cũng không biết tôi có yêu công việc này không, nhưng tôi thực hiện rất tốt trọng trách của mình…
Lại một khoảng trống im lặng dài ở đầu dây bên kia. Loan phân vân. Con người này thật không bình thường, anh ta lại biết rất rõ những bí mật của mình. Giọng anh ta lại cứ đều đều tưng tửng và vai trò chủ khách hình như đã bị đổi vị trí…
Bỗng đầu dây bên kia lại hắng giọng e…hèm, và một giọng nói rụt rè vang lên :
– Tôi… tôi có thể mời chị đi dạo vào một buổi nào đó được không ?
Chị giật mình, nói luôn :
– Anh thừa biết là tôi không được phép gặp gỡ các thính giả đã gọi điện cho mình !
– Đúng vậy, nhưng tôi cố thử vận may. Chị không buộc phải trả lời ngay bây giờ đâu, tôi có thể đợi được…
Đến đoạn này thì Loan thực sự muốn chấm dứt cuộc đàm thoại. Chị lấy cớ giờ tiếp bạn nghe đài đã hết và cố gây tiếng động để chứng tỏ cho người bên kia biết là chị đang thu dọn máy móc.
– Vâng, quả cũng muộn rồi… Còn chuyện bí mật thực sự của tôi, tôi sẽ có thể gọi tiếp cho chị vào buổi sau được chứ ? _anh cố vớt vát.
– Bất kỳ thính giả nào cũng có quyền gọi đến đài. Nhưng chúng tôi cũng có sự lựa chọn theo tiêu chí chung…
Máy đã cúp, Loan bỗng rơi vào trạng thái lơ lửng và chỉ bừng tỉnh khi cậu kỹ thuật viên gõ nhẹ vào ô cửa kính phòng thu thanh. Chị hấp tấp nhìn đồng hồ… Muộn quá rồi, mẹ chắc đã phải vất vả lắm để nấu cháo cho bố. Chị lật đật đứng dậy, cầm áo và xách túi, không quên lấy chiếc cassette nhỏ mà chị đã thâu đoạn hội thoại giữa mình với người đàn ông lạ. Chị nói với nam kỹ thuật viên là buổi ghi hôm nay không tốt, nhân vật nói không hay nên không thể sử dụng được, rồi ra khỏi nhà đài với bước đi vội vã, để lại người thanh niên trẻ cứ tròn mắt nhìn theo bóng chị lẫn vào màn đêm.
Hôm sau, anh gọi đến. Nhìn số điện thoại hiện trên màn hình, Loan bấm ngay vào nút bận. Hôm sau nữa vẫn là anh gọi, lại một tiếng bận tút tút cất lên. Anh rất buồn, nhưng không nản… Cho đến ngày thứ tư thì anh lại được nghe giọng nói thân quen. Trước khi nhấc máy, Loan đã chuẩn bị để nghe lời trách cứ. Nhưng không. Giọng anh vẫn đều đều, nhưng trong chuyện anh kể đã bớt phần đời tư và thêm phần dí dỏm. Anh kể cho chị nghe về những nơi mà anh đã đi du lịch. Những phong tục tập quán của từng vùng… Những thảm cảnh xảy ra ngay tại bệnh viện Nhi Đức. Có cháu bị sinh thiếu tháng, chết vì cha mẹ không có tiền mua máu. Hoặc một cháu bé chưa đầy ba tuổi, được đem tới viện dưới dạng cấp cứu. Cả người cháu tím bầm. Cháu bị nghẹt thở, bụng chướng to, mắt lồi ra. Cháu bị giun chui cuống mật nên bọn anh phải làm hội chẩn ngay và tiến hành mổ gấp. Cả ê kíp phải rùng mình khi chứng kiến hàng trăm con giun đũa lúc nhúc trong ruột của cháu…
Những ngày sau đó, cuộc gọi của anh thưa dần. Loan đã bắt đầu hồi hộp nhìn màn hình mỗi khi có cuộc gọi đến, và cảm thấy thất vọng khi đó không phải là số của anh.
Nhiều tháng qua đi kể từ lần đầu tiên gọi đến chương trình, anh nhắc lại lời mời. Sau mấy ngày đắn đo, chị đồng ý. Địa điểm sẽ là Hòn Dáu. Hai người sẽ gặp nhau vào chủ nhật tới.
Chỉ còn cách ngày hẹn non nửa tuần thì hôm ấy đứa con nhỏ của Ngà – em họ Loan – bị ốm nặng và phải nhập viện. Trong lúc bối rối vì bệnh tình của cháu, Loan quên cả lịch sự xã giao, chị nghĩ ngay đến bác sỹ Luân, mà theo như anh giới thiệu thì đang tác nghiệp tại đây. Chị bảo Ngà trông con rồi hối hả chạy khắp bệnh viện. Chị quên rằng cái tên anh cho chị chỉ là một cái tên giả… Rón rén ngó vào các phòng, hỏi thăm các y bác sỹ về một người tên Luân thì tất cả đều lắc đầu. Đang thất vọng đến cùng cực thì chị bỗng thót tim khi nghe thấy giọng nói mà chị đã rất quen vẳng đến từ phòng bên cạnh. Đám sinh viên Y khoa gọi anh là thầy Tuấn. Tuấn ư ? Chị rón rén đến gần. Kéo khăn che mái tóc và một phần khuôn mặt, chị len lén nấp sau đám sinh viên để ngó xem. Tim chị đập loạn xạ. Phải mất đến ba phút sau thì chị mới trấn tĩnh được. Đúng là Tuấn rồi. Tuấn của chị. Tuấn đàn giỏi hát hay. Tuấn đẹp trai thông minh. Tuấn nhẫn nại. Tuấn đau khổ, Tuấn thất tình… tưởng chết khi nghe chị tuyên bố sẽ chia tay mãi mãi. Nhưng sao Tuấn ngày đó, tức cách đây gần hai mươi năm, là sinh viên năm thứ tư của trường Đại học Kiến trúc cơ mà ! Vị trí của Tuấn là bên những bản vẽ, trên những công trình xây dựng, chứ sao lại ở giữa đám sinh viên Y khoa trong một bệnh viện tỉnh lẻ thế này… Chị chạy ngay về phòng cháu mình, giải thích với Ngà rằng hôm nay anh Luân không trực, rồi hối hả ra về, lấy cớ vừa có cuộc gọi khẩn cấp của một đồng nghiệp ở nhà đài…
Mấy ngày sau đó chị lang thang khắp thành phố. Giờ đã vào đầu thu, những chùm hoa phượng không còn đỏ rực phố phường, đàn ve hình như đi nghỉ hay cũng buồn mà thôi cất tiếng. Chị bồi hồi nhớ lại những kỳ nghỉ hè khi còn là sinh viên trường Trung cấp Điện ảnh trên Hà Nội, còn Tuấn là sinh viên Đại học Kiến trúc. Hai người gặp nhau trong buổi giao lưu văn nghệ giữa hai trường. Hôm đó, chị cùng các bạn trong khoa diễn một tiểu phẩm về một gia đình dân tộc vùng miền núi Hà Giang. Cặp vợ chồng trẻ rất lóng ngóng trước đứa con thơ đang ốm quặt quoẹo. Cháu mềm lả như tàu lá chuối vừa bị chao qua lửa. Nghèo lại thiếu hiểu biết, nên họ chỉ ngồi nhìn đứa con đang chết dần mà không biết phải làm gì. Đúng lúc đó thì cô giáo Lan, một giáo viên người Kinh lên đó dạy học, đến nhà và quyết định chuyển bé đến bệnh viện. Cháu bé được cứu sống trong niềm hân hoan tột cùng của cha mẹ. Hôm đó Loan vào vai người mẹ trẻ dân tộc. Chị đã phát âm rất chuẩn những câu tiếng Nùng và những câu tiếng Kinh ngòng ngọng. Cả hội trường theo dõi chăm chú, chỉ òa lên khi cả ba diễn viên thực tập cầm tay nhau ra chào khán giả khi màn diễn kết thúc. Có lẽ Tuấn đã «cảm» Loan ngay từ buổi đó. Còn Loan, chị đã dồn hết tâm trí khi nghe anh độc tấu đàn ghi ta. Những bản nhạc của Trịnh Công Sơn cứ luyến láy, thăng trầm dưới những ngón tay anh lướt đi trên phím đàn… Rồi tuổi trẻ, sự vô tư… xích họ lại gần nhau một cách dễ dàng và tình yêu đến với họ thật tự nhiên. Hàng tuần, anh đạp xe từ Thanh Xuân sang Cầu Giấy thăm chị. Có hôm đi tắt qua Mễ Trì, đường ổ gà lại gặp ngày mùa nên bị rơm quấn đầy xích xe. Đến nơi hai đứa lại vật ngửa « con tuấn mã» của anh ra mà gỡ. Rơm quấn chằng chịt vào xích, vào moay-ơ, nan hoa… Tay hai đứa lấm lem dầu mỡ. Có lần chị đã quệt cả vết dài lên má anh rồi cười nắc nẻ…
Mùa hè đến, tuần thực tập rút ngắn kỳ nghỉ của Tuấn, anh không về nhà trong Sài Gòn mà ở lại Hà Nội. Loan đã mời anh xuống đất cảng chơi. Hai đứa rong ruổi cùng hai chiếc xe trên những con đường rực màu hoa phượng. Hồ Tam Bạc, Chợ Sắt, Cầu Rào, đường Trần Quang Khải, phố Lê Lợi, đường Lạch Tray, Trần Phú… Hai đứa đã đi không biết bao lần…
Chị tốt nghiệp sau ba năm học và trở về đất cảng. Bố đã xin cho chị vào nhà hát kịch thành phố. Theo dự kiến, họ chỉ còn đợi Tuấn học thêm hai năm nữa là tốt nghiệp, rồi đi làm và họ sẽ tổ chức đám cưới vì anh hứa sẽ về quê chị lập nghiệp. Nào ngờ…
Bao nhiêu tình cảm, tình yêu tưởng đã ngủ vùi theo năm tháng, giờ bỗng trỗi dậy khiến trong người chị như có lửa. Phải chăng bí mật thực sự của anh dành cho chị là đây… Chị thẫn thờ cầm đóa hoa cúc ngắt bên rệ cỏ công viên và mỗi cánh chị dứt ra lại kèm một câu : « Đến, không đến » « Đi, không đi… » Và cánh cuối cùng rơi vào từ « Đi ». Vậy chị sẽ để cho sự vô tình quyết định. Vả lại, « đã chết ai đâu mà lo… ».
Mười giờ sáng chủ nhật, chị có mặt trên đảo Hòn Dáu. Cả khu đảo mênh mông, cây cối um tùm. Phía xa xa là khu du lịch đang được xây dựng. Toàn bộ công trình khách sạn, bể bơi và công viên… vẫn còn ngổn ngang. Hai người đã hẹn nhau dưới chân ngọn Hải Đăng. Ngọn đèn lấp lóa trong đêm đã hướng dẫn biết bao con tàu vượt đại dương về đúng bến đậu. Anh cho chị điểm hẹn này phải chăng cũng có suy nghĩ ấy. Hai con người yêu nhau rồi xa nhau chừng ấy thời gian. Anh phiêu bạt lênh đênh, còn chị vẫn ngụ tại đất cảng này như ngọn hải đăng kiên nhẫn. Dõi mắt ra xa, chị thấy những con thuyền đánh cá về muộn còn đang rập rềnh trên bến. Đã quá hẹn hơn một giờ mà Tuấn vẫn chưa đến. Chị sốt ruột. Hay đây chỉ là trò đùa của anh để giễu cợt chị? «Đàn ông mà», chị thốt lên chua chát. Nhưng một ý nghĩ khác chợt đến : «Lỡ anh bị tai nạn?» Hoặc «Anh có một vụ cấp cứu đột xuất…». Trong thâm tâm, chị chỉ mong cái lý do cuối cùng kia có lý. Đã 12 giờ. Chị không còn đủ kiên nhẫn và bắt đầu đi lang thang trong rừng rậm. Bước chân dẫn chị đến đền thờ Nam Hải Thần Vương nằm sát bờ biển, gần bến tàu. Ngôi đền đơn sơ bé nhỏ nhưng lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Chị vào đền. Bỏ vào hòm công đức tờ năm mươi ngàn và châm một thẻ nhang. Chị đi vẩn vơ trên đảo ngắm nhìn những nhánh hoa lạ. Tai lắng nghe tiếng chim líu lo vọng tới từ những tán lá. Chị ngẩng đầu tìm kiếm nhưng không tài nào phát hiện ra chủ nhân những tiếng líu lo đó. Trời về chiều, thủy triều bắt đầu dâng. Những con thuyền đánh cá lại hối hả chuẩn bị ra khơi. Mặt trời xuống dần sau dãy núi báo hiệu hoàng hôn sắp tới. Cả một màu đỏ rực sóng sánh. Hai màu đen đỏ trộn vào nhau. Thêm vào bức tranh là đàn cá voi cong mình đùa rỡn, nhảy hẳn lên mặt nước loang loáng. Bầu trời xanh thẫm bắt đầu xuất hiện những vì sao lung linh. Mảnh trăng non đầu tháng cũng vắt vẻo hờ hững. Theo quán tính, chị rẽ qua ngọn Hải Đăng trước khi xuống tàu về đất liền. Trong thâm tâm, chị chỉ mong được nhìn thấy Tuấn. Anh sẽ bồn chồn. Chị sẽ nhìn thấy anh có vẻ hốc hác, cứ như vừa trải qua một thảm họa nào đó. Và một lời ấp úng tựa như : « – Anh… tôi xin lỗi… do có ca mổ tim của một cháu nhỏ quá khẩn cấp, nên anh… tôi đã không thể đến đúng hẹn. Em… chị có thể tha lỗi cho anh… cho tôi chứ ? »… Để trong giây lát, chị lại cảm thấy như được nhìn thấy Tuấn của gần hai mươi năm về trước, mỗi khi anh trễ hẹn. Và khi ấy, chị sẽ chỉ đứng lặng, nhìn anh trân trân mà không thốt được lên lời. Sau cùng chị hẳn sẽ nói :
– Anh về hồi nào ? _ một câu hỏi như thể họ vừa xa nhau có mấy tháng.
– Anh… anh về đây đã từ lâu lắm rồi. Anh đã đợi em…
Rồi mắt hai người sẽ nhìn nhau đăm đăm, thời gian hẳn sẽ ngừng trôi để theo dõi những cử chỉ của họ. Rồi chị sẽ nhào tới ôm chầm lấy anh. Đôi môi chị hối hả kiếm tìm môi anh. Họ sẽ hôn nhau say đắm dưới chân ngọn Hải Đăng. Bao xa cách, bao khoảng cách không gian và thời gian sẽ chạy trượt lướt qua đầu họ. Xung quanh họ sẽ chẳng còn tồn tại gì. Cả không gian và thời gian, cả biển, cả trời lẫn vầng trăng và các vì tinh tú… « Nhưng mà này, _chị sẽ cố giằng môi mình ra xa môi anh để hỏi cái điều khiến chị băn khoăn từ mấy ngày nay, _tại sao anh lại trở thành bác sỹ Nhi khoa vậy ? Anh lẽ ra phải là kiến trúc sư mới đúng chứ ?» « Theo em thì tại sao ? » _ anh sẽ hỏi lại. Chị sẽ lắc đầu nhè nhẹ và mong muốn anh sẽ trả lời : «Chính nhờ những hình ảnh trong tiểu phẩm mà em diễn trên trường dạo ấy đã cho anh ý tưởng muốn trở thành bác sỹ Nhi khoa…». Chị sẽ im lặng và gục đầu vào vai anh, rồi sẽ lôi từ ví ra một bức ảnh nhỏ, hình đôi nam nữ đang ghé vai nhau cười tươi và chìa cho anh xem… Rồi môi họ sẽ lại gắn chặt nhau. Họ sẽ ghì siết lấy nhau như thể không muốn rời nhau ra, và sẽ không còn trở ngại gì trên thế gian này còn có thể chia rẽ họ…
Nhưng tịnh… Cả khu đèn Hải Đăng vắng tanh. Chị lầm lũi xuống tàu.
Khi tàu xuất bến chừng mười lăm phút thì gặp một con tàu đi ngược từ phía đất liền ra, trên boong vắng tanh, chỉ lưa thưa vài ba người. Ánh mắt chị bỗng va phải ánh mắt Tuấn, lúc này đang đứng trên mỏm tàu với vẻ hết sức bồn chồn, như thể anh muốn nhảy xuống làn nước kia mà bơi nhanh đến đảo. Khi nhìn thấy chị, anh bắt tay làm loa mà hét lên điều gì đó, nhưng chị nghe không rõ. Hai con tàu cứ cách xa dần. Bóng anh chênh chếch trên mũi thuyền, tóc bay ngược trong gió. Hình anh in trên nền trời, trên nền nước bao la, rồi từ từ loảng vào không gian của đêm đầu thu.
Paris đầu thu 2011
Hiệu Constant
(Văn Nghệ, số 50 ra ngày 10/12/2011)