Sáng 08/8 Đại Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XII diễn ra với chủ đề: Đoàn kết – Sáng tạo; Đại hội củng cố Niềm tin, Đại hội Lao động, Đại hội xây dựng phong cách ‘Nói đi đôi với Làm’.

Tại phiên nội bộ, Đại hội đã tổng kết nhiệm kỳ XI và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ XII.

Theo đánh giá chung của Hội Nhà văn Hà Nội thì “nhiệm kỳ XI Hội Nhà văn Hà Nội là một nhiệm kỳ công tác đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, đáng tự hào về mọi mặt. Đây là một nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức hoạt động hội có thể làm kinh nghiệm cho các hội đoàn ở thủ đô và trong cả nước. Có được thành tựu đó là nhờ có sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo của BCH; lao động cống hiến nỗ lực của toàn thể hội viên, trong đó có đóng góp quan trọng của nguyên Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên”.

Tuy nhiên, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm:

“Nhìn lại hoạt động của HNVHN trong nhiệm kỳ XI có thể thấy chúng ta đã làm được nhiều việc thiết thực, bổ ích, có tác dụng cho các hội viên và cho đời sống văn học ở Hà Nội cũng như cả nước. Uy tín của HNVHN được nâng cao. Và đó là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, BCH cũng nhận thấy còn nhiều việc đáng làm được mà chưa làm được; còn nhiều khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Một số hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XI

Mặc dù hạn chế, khuyết điểm không nêu tên đích danh người nào nhưng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong buổi gặp mặt báo chí sáng 05/8 tại trụ sở Hội NVHN cũng nói rõ, kiểm điểm này là nói chung Ban chấp hành chứ không nói riêng ‘nguyên Chủ tịch’ và vì nhà văn Phạm Xuân Nguyên cũng là thành viên Ban chấp hành nên có thể hiểu ông cũng không nằm ngoài “hạn chế, khuyết điểm” này.

Một lần nữa tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã được Hội nhắc lại và nhìn nhận đó là một “sai sót”. Cùng với đó là “thiếu sót” “một số tác phẩm tốt của Hội viên còn chưa được vào giải”.

Bên cạnh những mặt còn hạn chế của Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ qua, không thể phủ nhận những mặt đã làm được của Hội, như: phát triển Hội viên, giải quyết chính sách cho Hội viên, tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ Thủ đô, ra mắt và duy trì website, duy trì lực lượng sáng tác, giải thưởng được dư luận quan tâm chú ý, đều đặn sinh hoạt chuyên đề hàng tháng, hội viên tham dự trại sáng tác, hội thảo, xem nghệ thuật, tham quan, thực tế…

Hơn 20 năm Hội nghị Viết văn trẻ Thủ đô mới được diễn ra

Một lần nữa tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã được Hội nhắc lại và nhìn nhận đó là một “sai sót”. Cùng với đó là “thiếu sót” “một số tác phẩm tốt của Hội viên còn chưa được vào giải”.

Đáng chú ý, tại Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 Hội Nhà văn Hà Nội đưa ra có mục tiêu tổng quát: Xây dựng Hội Nhà văn Hà Nội thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên, bằng sáng tác văn học và các hoạt động khác phấn đấu vì sự nghiệp Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thành một Hội nòng cốt của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng con người, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, một điều khá băn khoăn của không ít Hội viên cũng như những ai quan tâm đến văn học là nhiệm kỳ XI kéo dài từ 2010 đến 2015, nhưng thực tế đến 2017 mới diễn ra Đại hội. Vậy nhiệm kỳ XII, nếu không “co giãn thời gian” theo sự “chậm trễ đã rồi” thì không lẽ nhiệm kỳ này chỉ kéo dài có 3 năm?

Hà Anh

Nguồn: Tổ Quốc 

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version