Đến hẹn lại lên, năm nào các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Kịch nói Quảng Ninh cũng “khăn gói” cùng nhau đi biểu diễn ở khắp các xã, huyện trong tỉnh. Mỗi chuyến đi là một chủ đề, khi thì tuyên truyền về VSATTP, lúc lại là phòng chống HIV, ATGT, xây dựng nông thôn mới; thậm chí là cả đề tài sinh đẻ có kế hoạch… Năm nay, đoàn lại tiếp tục hành trình tại các huyện miền Đông, bắt đầu từ Ba Chẽ rồi đến Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà.

Buổi biểu diễn của đoàn ở xã Yên Than (Tiên Yên) có lẽ cũng là một trong những lần xuất quân đáng nhớ. Mới buổi chiều, đã có rất nhiều đứa trẻ lấp ló ở sân Trường THCS Yên Than (thôn Khe Muối, xã Yên Than, Tiên Yên), nơi mà anh chị em trong đoàn đang dựng sân khấu, mắc loa đài… chuẩn bị cho buổi biểu diễn tối. Chị Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Trưởng đoàn Kịch nói Quảng Ninh, người chịu trách nhiệm phụ trách đoàn đi biểu diễn cho hay: “Cứ mỗi lần đi diễn, thấy bà con háo hức xem thế này tôi lại thấy thêm yêu nghề”.

Tiểu phẩm “Luồng gió mới”, nội dung về hiến đất làm đường liên thôn xây dựng nông thôn mới, được Đoàn Kịch nói Quảng Ninh diễn tại thôn Khe Muối, xã Yên Than.

Không giống như những buổi diễn kịch ở thành phố hay thị xã mà tôi đã từng xem, diễn viên được diễn trong các nhà hát hoặc ít ra là ở rạp chiếu bóng với sân khấu được trang trí hoành tráng, đèn điện sáng trưng… Còn ở đây, sân khấu là một góc sân trường học, không có khán đài, không có chỗ ngồi cho khán giả. Trước giờ biểu diễn, bà con ở các thôn lục tục kéo nhau đến xem kịch, mỗi người mang theo một chiếc ghế để ngồi. Cũng có người không mang theo ghế thì tháo dép kê ngồi tạm hoặc đứng vây quanh sân khấu. Thế mà, khuôn mặt ai cũng háo hức, thỉnh thoảng lại reo hò hoặc cười rộ lên khi có lời thoại hay… Đây chính là sự động viên, niềm vui rất lớn đối với những diễn viên đoàn kịch. Nghệ sĩ Vùng mỏ Lê Văn Thắng, người đã có 30 năm gắn bó với nghề tâm sự: “Anh em trong Đoàn vẫn nói vui với nhau, chúng tôi “Tuần chay nào cũng có nước mắt”. Vì tuần nào cũng đi lưu diễn, không ở xã này thì ở xã khác. Hầu hết các xã khó khăn trong tỉnh chúng tôi đều đặt chân đến ít nhất 1 lần để diễn. Và niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được bà con đến xem nhiệt tình. Nhiều hôm nhìn bà con đội mưa xem kịch ở bên dưới mà không nén được xúc động. Những lúc ấy, chúng tôi quên hết mệt nhọc để diễn cho hết mình”.

Cũng bởi sân khấu giản đơn như vậy nên vấn đề thời tiết vô cùng quan trọng, quyết định tới sự thành hay bại của cả buổi diễn. Chị Mai Hương chia sẻ: “Hôm nào trời tạnh ráo thì buổi biểu diễn coi như đã thành công. Nhưng chỉ cần mưa chút thôi là lo lắm. Mưa to quá thì anh em phải trú còn mưa nhỏ là cứ phải cố đội mưa mà diễn để khỏi phụ lòng bà con. Cũng có anh em trong đoàn do chưa quen với thời tiết mà bị ốm hoặc mất giọng, làm ảnh hưởng đến buổi biểu diễn của ngày hôm sau”. Vất vả là vậy, nhưng anh, chị em diễn viên, nghệ sĩ đều xác định, diễn là để tuyên truyền nên dù là biểu diễn miễn phí, họ vẫn diễn hết mình, hoá thân vào nhân vật để chuyển tải hiệu quả nhất những thông điệp đến với bà con. Hiện nay, kinh phí biểu diễn của Đoàn đều do ngân sách tỉnh cấp, sau khi trừ chi phí ăn, nghỉ, xăng xe đi lại, mỗi đêm biểu diễn anh chị em diễn viên nghệ sĩ chỉ được hưởng bồi dưỡng khoảng 150.000 đồng/người.

Chị Mai Hương bộc bạch thêm: “Đến đâu chúng tôi cũng được bà con chào đón. Vui hơn là họ rất lắng nghe chúng tôi tuyên truyền. Tôi nhận thấy nhiều vùng đất khó khăn mà chúng tôi đã đến, năm sau quay lại đều đã đổi khác. Có những xã, năm trước đường chật hẹp, lầy lội, vậy mà năm sau đã thấy đường thôn xóm rộng rãi hơn nhiều và đều đã bê tông hoá. Có xã chúng tôi đến diễn kịch tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, năm sau chúng tôi quay lại, cả xã không có ai sinh con thứ 3 nữa… Dù biết rằng, công sức của chúng tôi chỉ góp một phần rất nhỏ để mang lại sự đổi thay này nhưng như thế cũng là niềm vui, tự hào rồi”. Còn ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Than không giấu được xúc động sau khi xem buổi biểu diễn của Đoàn ở thôn Khe Muối: “Anh chị em diễn viên nghệ sĩ đã nói giúp chúng tôi những điều mà chúng tôi muốn nói và thật không dễ để chúng tôi có một buổi tuyên truyền mà bà con ngồi lắng nghe như thế này. Từ các buổi diễn kịch mà cả người già, trung niên, thanh niên và cả trẻ con nữa cùng đến dự, như thế hiệu quả việc tuyên truyền sẽ đến với tất cả mọi người”.

Nguồn: QNCT