Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Minh.
– Đứa con của nấm mồ
– Kinh văn
– Ngôi đình
– Thiên thần
Đào Quốc Minh
Sinh 1986
Quê: Gia Lâm, Hà Nội
Làm thơ, viết văn và dịch sách bên bờ Thiên Đức Giang
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Tác phẩm:
Hoa xuân và nắng hồng 1
Hoa Xuân và Nắng hồng 2
Mưa Tháng ba
Dấu vân tay màu xanh lục
Những người Vũ công Memfis
Nguyệt nương
Tuyển tập thơ Đào Quốc Minh (sách Nhà Nước đặt hàng) – NXBHNV
Người tù không số (tập truyện ngắn)
Đứa con của nấm mồ (tập truyện ngắn)
Và hơn một chục tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt các chuyên ngành Triết học, Mỹ học.
Giải thưởng
Giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ của Hội Nhà Văn Hà Nội năm 2015 cho tác phẩm thơ Những người vũ công Memfis
Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định:
THỜI GIAN trong tác phẩm của Đào Quốc Minh là một đại lượng đồng nhất, bao trùm và bao chứa. THỜI GIAN đang kể lại với bạn những gì thuộc về nó. Với mỗi truyện, phụ thuộc vào điều nó kể lại và muốn nói, nó sẽ điều động những nhân vật phù hợp. Dưới con mắt của THỜI GIAN, có biết bao thứ không giống như con người nhìn thấy, chứng kiến, trải nghiệm, suy đoán và đoan chắc. Và con người, thay vì đưa ra phán xét, phán quyết, chỉ có thể (và chỉ nên) khiêm tốn suy ngẫm, cật vấn không ngừng về bản thân mình.
Bởi xét cho cùng, mọi tai họa mà chúng ta đang vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu suy ngẫm, thiếu cật vấn thường xuyên của mỗi chúng ta.
Kết quả là, mỗi khi đọc xong một truyện, bạn đọc cứ phải tự hỏi: Chuyện của thời nào? Nhân vật đang sống hay đã chết? Mọi thứ đang xảy ra là thật hay ảo? Tác giả kể hay ma quỷ kể? Bởi vì có truyện, phải khi đọc câu kết, mới biết người kể là một vong hồn, một con ma, một kẻ từng oanh liệt nhưng đã chết từ tám hoánh nào rồi. (Tiện thể nói luôn, hầu hết nhân vật của Đào Quốc Minh đều không thể xác định được tuổi. Chính xác hơn là họ không có tuổi). Có truyện, người kể và nhân vật cứ nhập vào nhau từng lúc, khiến không còn phân biệt được đâu là “tôi” nhân vật, đâu là “tôi” nhà văn với tư cách người trong cuộc kể lại, đâu là “tôi” quan sát… lạnh lùng đứng từ xa hay tít trên cao?
Và câu hỏi bao trùm sẽ là: Đào Quốc Minh muốn nói gì với bạn đọc? Các “dị truyện” của anh, luôn khiến bạn đọc hãi hùng, muốn truyền tải thông điệp gì?
Đứa con của nấm mồ
Người làng tôi không bao giờ kể lại câu chuyện cũ về Sa…
Mãi hai ngàn năm sau đó. Thành quách đã không còn. Khắp nơi đều là đồng cỏ. Đêm đêm tôi vẫn ôm cái mõ tre, đánh thức những linh hồn vơ vất. Mà không nhận ra chính mình cũng là một vong hồn vơ vất. Có lẽ tôi đã chết tự bao giờ. Cũng có lẽ tôi đang đầu thai, trải qua vô lượng kiếp sống. Hoặc có lẽ tôi chưa bao giờ chết, thân xác tôi vẫn như ngày xưa xa ngái, cái bóng đổ nghiêng trong nhà ngói, hơi thở chập chờn như cánh bướm mong manh bay qua thời gian… Như đợi chờ như trông ngóng, một thanh âm nào lưu luyến. Người đàn bà quỳ mãi đằng xa, bên ngoài bậu cửa phía bắc làng, mười đầu ngón tay đang cào lên phiến đá trắng vô tri.
Âm thanh cào cấu, lúc rít lên ken két, lúc hạ xuống soàn soạt. Mười đầu ngón tay, suốt nhiều năm tháng, đường vân đã in lên đá, máu đã thấm vào đá. Ánh tà dương mỗi buổi hoàng hôn chiếu xuyên cả thân hình mỏng manh, cái bóng người đàn bà khi đó hắt lên mặt đất trông giống như bóng Sa, cũng giống như bóng nàng, lại vừa giống như bóng tôi, bóng mẹ tôi và người làng, không hề có chút phân biệt, cái bóng đang gục xuống, cái bóng đang rùng mình, cái bóng đang cô quạnh. Những mong mở huyệt khai quan, tìm nơi chôn cất một vì sao bay lạc…
Năm đó nước sông Đuống lên rất cao, ngập trắng những huyệt mộ sâu hoắm, mẹ tôi đi đắp đê chống lũ trở về, ngang qua bãi tha ma trên đồng cỏ, chợt nghe thấy có tiếng lũ mèo phát điên đang gào lên thảm thiết đằng xa, tiếng một bầy chó hoang lên cơn dại, hú lên từng chặp, đầy vẻ khiếp nhược, sợ hãi và hoảng loạn.
Mẹ tôi ôm chiếc nón mê vốn đã rách tả rách tơi trên lồng ngực lạnh giá, bước thấp bước cao tấp tểnh, lại gần nấm mồ của ai đó chưa được phong quan, cũng chưa được lấp đất, chưa có cả bia mộ, không cả một bát hương, hoặc giả một thời đã từng có tất cả những điều linh thiêng ấy, nhưng năm tháng bão giông và lòng người đã phá hủy hết đi. Mẹ tôi tiến lại gần huyệt mộ, nơi đang tỏa ra mùi máu tanh và một thứ ánh sáng đỏ như ngọc. Gió càng thổi mạnh, đồng cỏ càng lạnh, cái lạnh thấu xương, cái lạnh đặc trưng của cánh đồng làng trong suốt hai lần năm mươi năm qua, kể từ khi dân làng không còn cày cấy, kể từ khi vụ hoa cải cuối cùng đơm bông, rồi phong hóa thành một miền đất chết. Gò đống cứ san sát mọc lên, từng ngày từng tháng từng năm, trải dài đến địa giới Hà thành. Gió rít lên khúc nhạc cổ, âm u buồn thảm làm sao. Người đàn bà của làng tôi, cúi đầu xuống huyệt mộ, mái tóc xõa đen phủ kín cả gương mặt: Đứa con bé bỏng của mẹ. Xin hãy ở lại trần gian. Đứa con bé bỏng của mẹ. Xin hãy ở lại trần gian. Xin hãy ở lại trần gian. Người đàn bà giơ hai cánh tay lên trời, rồi cúi rạp người xuống mặt đất, miệng hô vang những lời cầu khấn, giữa chiều mưa bão tầm tã, thiêng liêng như một lễ tế trời.
Dưới huyệt mộ õng nước mưa, một ngôi mộ cổ đã trăm năm, một đứa trẻ nước da xanh tái, vừa mới chào đời trong giây lát, đang nằm câm như thóc bên một cây sáo ngọc, thứ ngọc đỏ như máu đang u hu tiếng gió hú. Đứa trẻ đó là Sa.
Nhiều năm sau đó. Làng tôi nhập Hà thành. Mẹ tôi đã mất ngay từ cái đêm người mang Sa từ nấm mồ về nhà. Người làng nuôi anh em tôi…
Trước khi mất mẹ tôi có để lại một di thư lấm máu và lửa liếm. Cũng từ cái đêm tang ma hôm đó, tôi mới biết được gốc tích của mẹ và của chính lũ trẻ chúng tôi, của chính cái làng Thổ Lỗi này. Di thư phải truyền đời truyền kiếp. Cái đọng lại trong tôi là câu chuyện. Có thể nói trong bóng đêm và khi mọi người câm nín rằng, tất cả chúng tôi đều sinh ra từ những nấm mồ, những nấm mồ nằm bỏ hoang trên đồng cỏ dại, mỗi một người làng sinh thời đều sẽ phải cứu một đứa trẻ, để thân xác rời bỏ nhân gian, chỉ linh hồn còn ở lại trong một thân xác mới. Người ở lại sẽ nhận nuôi lũ trẻ, để rồi mai đây sẽ lặp lại cái vòng quay của tạo hóa đó. Mẹ tôi sinh ra từ nấm mồ bà địa chủ, chính là chủ nhân của cánh đồng cách đây hơn nửa thế kỷ, mẹ tôi là lứa trẻ đầu tiên. Lịch sử làng trước đó, nay không ai còn nhắc đến. Người làng đều trả lời tôi bằng những cái lắc đầu lẳng lặng và những gương mặt tái nhăn nheo, như thứ mặt nạ da thú rừng bị mốc, hoặc bị hun khói bao mùa giá buốt…
Sa lớn lên cùng cây sáo ngọc. Cây sáo đẹp và huyền bí vô cùng. Tương truyền là báu vật của một danh gia vọng tộc đã bị vùi chôn. Chúng tôi là anh em, nhưng khác xa nhau, tôi cũng khác lũ trẻ trong làng, tôi lớn lên bên cái mõ bằng tre. Lũ trẻ ấy sống gần nhau, nhưng đều là người xa lạ, giống như dân trong làng, người ta chỉ giữ sợi dây hồn phách với những nấm mồ kia, còn thì cả đời chẳng nhìn mặt nhau. Sa cũng như lũ trẻ cô độc thường quẩn quanh huyệt mộ. Vào những đêm tối trời, hoặc giông tố vần vũ, Sa thường hay thổi sáo. Đặc trưng của làng là tiếng sáo của Sa. Khúc sáo cổ trên đồng cỏ. Mà tôi chưa từng nghe trọn. Tiếng sáo của Sa thoạt nghe thì êm đềm lắm, như làn nước sông Đuống xa xưa vàng hoa cải.
Tôi là kẻ ở lại nguyện làm mõ làng, một thứ nghề thất truyền ở nơi khác, nhưng ở làng tôi vẫn không thể thiếu, hãy thử nghe một tiếng mõ lóc cóc vào ngày mở cửa ngục, có thể lắm chứ, tiếng mõ là kẻ dẫn đường cho tổ tiên ta quay trở về với làng, ngôi làng của tiền nhân của ngàn năm trước. Còn như bao trai tráng, Sa lên vùng ngoại thành, thuộc địa giới huyện Gia Lâm, làm công nhân nhà máy cơ khí, với sức vóc rất to khỏe và thân thể cơ bắp rất đẹp, Sa đã nhanh chóng bị một ông chủ, vốn là quan chức về hưu để ý đến. Đồng lương tháng còm cõi, trong thời dịch bệnh covid 19, Sa đã bị đuổi việc nhiều lần như bao thanh niên ngày ấy. Để trụ vững nơi đất khách, đối với kẻ nhà quê, không bằng cấp, không kinh nghiệm, không quan hệ, một bàn tay hộ pháp đã chìa ra, sắp đặt Sa làm nhân viên đứng máy rồi phục vụ riêng cho giới chủ, trong các công vụ đặc biệt, liên quan đến quan chức.
Nhưng không vì thế mà Sa ngưng tiếng sáo. Tiếng sáo trầm bổng vang lên, trong những chốn không người. Nơi chỉ có mình Sa và những mô đất trụi. Những mô đất từ xưa đã có rất nhiều, nay nằm sâu dưới các công trình. Nào là viện phụ sản, nào trường mầm non, nào là nhà ăn tập thể, nào là nhà thờ lớn, nào là những tư gia, nơi người dân say ngủ, nơi lứa đôi làm tình, nào là cống ngầm, cơ quan chính phủ, hội trường và lễ đài… Nhưng đối với Sa, tất cả vẫn chỉ là mô đất.
Khi nốt nhạc cuối cùng của khúc sáo cổ thoát ra, cây sáo tự nhiên rỉ máu, thứ âm ba kỳ quặc vút lên. Đó là một bí mật mà Sa nguyện mang xuống mồ.
Những cuộc nhậu nhẹt liên miên, sau những sân golf xanh mướt, của giới đại gia đất Hà thành, của giới chính trị và sân sau, đã cuốn Sa chìm sâu, từ một người bảo vệ, rồi một viên tùy tùng, Sa trở thành một mỹ nam, ngập ngụa trong thuốc lắc và thuốc kích dục, cùng đám đàn ông và đàn bà sang trọng thèm thuồng múi cơ và vẻ nam tính của Sa. Cái đói nghèo và yếm thế đã đẩy Sa vào đường cùng, để rồi những chủ nhân ông, những đồng tiền xanh rách nát đã vùi tận đáy sâu cả cuộc đời Sa. Ngày ngày Sa phải căng mình khổ lao đến kiệt sức. Đêm đêm lại oằn lưng thỏa mãn cả đàn ông, đàn bà. Lâu lắm rồi người làng không thấy Sa trở về. Nghe nói Sa bị ông chủ bán vào trong nam, cũng nghe nói Sa đã bị tàn phế vì máy cắt thép, lại còn nghe nói Sa đã chết vì bị nhiễm HIV. Nhưng nếu Sa thực sự đã qua đời, linh hồn Sa chắc chắn đã trở về làng. Về bên những huyệt mộ. Sa còn sứ mệnh của làng. Giống như lũ chúng tôi. Giống như cha mẹ tôi. Sa không thể chết như thế được. Trong căn nhà gỗ mẹ tôi để lại, tôi chong ngọn bấc cũ sầu thảm. Ánh bấc chập chờn lắt lay, tiếng mõ đều đều đùng đục. Tôi không thể xa tiếng mõ…
Bất chợt xa xa tiếng sáo vọng về. Ngẩng đầu phóng tầm mắt ra sông, tôi thấy trên bến đò một cái bóng đen, vừa thong dong đi về phía tôi, hoặc có lẽ về phía cánh đồng, vừa đang ngước nhìn lên cao, nâng cây sáo màu đỏ máu. Trên bờ sông nơi tiếp giáp đồng cỏ, trên môi bóng đen bật ra hơi gió, lạnh buốt cả một cõi không gian, tiếng sáo thoạt nghe vẫn yên ả, thanh bình và thật là du dương. Tôi mới nhận ra đêm ấy là đêm trăng trung tuần, mùa thu nước dâng đầy hai bên bờ vàng lau lách, sóng sánh mạn đò bồng bềnh đang đậu ven sông. Tiếng sáo vút lên trời đêm cao xanh đen, hút vào bầu thinh không sâu thăm thẳm, nghe như có tiếng chim trời vọng xuống. Tiếng sáo như sương là là bay trên mặt sông trăng. Bỗng nhiên một vì sao băng ngang trời, rơi xuống phía thượng nguồn. Từ đáy sông trồi lên một hình nhân nước xanh lam, màu xanh của rêu cỏ, màu lam của ngọc, trong veo và tỏa sáng, một gương mặt thanh tú, một vóc dáng yêu kiều, nàng bước lần lên cỏ, đứng im lìm đó mãi, không rời bóng người, Sa chớp mắt bình thản, nhìn về phía nàng say mê.
Tiếng sáo dội sang bờ bãi bên kia, bỗng chốc làng bên thổi tắt ánh đèn, lời ru người mẹ đang ngân nga về lại. Tiếng sáo lênh loang khắp làng tôi. Ngôi làng vẫn âm u không lời đáp. Hình nhân nước đang chải tóc, ngả đầu vào vai bóng người. Lòng tôi nhận ra tiếng sáo ấy, người em trai đã từng bỏ xứ ra đi.
Sa ơi em về rồi phải không? Sa ơi anh đang ở đây này, anh đang đợi em ở đây! Đợi anh một chút, đừng đi nhanh quá. Em ơi đợi anh với. Tôi gọi với về phía bóng đen. Sa không ngoảnh lại. Chỉ tiếng sáo là bỗng nhiên trầm xuống.
Đêm ấy Sa không về nhà, Sa đứng lặng bên nấm mồ. Sáng sớm ngày hôm sau, Sa đã biến mất khỏi làng, lên thành phố làm trai bao kiếm tiền nuôi thân tàn tã. Cứ như thế nhiều đêm thu, Sa trở về làng rồi lại ra đi. Người nước bên sông, đêm nào cũng vậy, ngả vai Sa nghe sáo. Và không hiểu sao, đêm nào tôi cũng nghe, Sa chỉ thổi giai điệu khởi đầu khúc nhạc, rồi bất ngờ dừng thổi, có một đêm khi tôi ngưng mõ điểm canh, trở về qua đồng cỏ lạnh, mới nghe được đôi lời…
Không! Đừng! Em xin người đừng thổi nữa! Em van xin người! Xin cho em trở lại trần gian! Được ở bên người! Xin cho em được trở lại trần gian!
Người nước bên sông quỳ trước Sa, cất từng lời đớn đau và thảm thiết. Nhưng bóng đen vẫn không hề suy chuyển, trong khoảnh khắc cuối cùng này, khoảnh khắc khúc nhạc cổ chấm dứt, bóng đen không nghe được lời nàng nói. Tiếng sáo bỗng dưng vút lên chói toạc hai tai. Và nốt nhạc cuối cùng của khúc sáo trong đêm trăng là một tiếng gào thét. Tiếng gào thét với âm lượng như sấm sét. Trong phút chốc làm rung cả mặt đất. Những nấm mồ đang ngủ yên đột nhiên vỡ toang cả bia đá, lớp đất trên như đang dậy sóng, như đáy sâu đang bật nắp quan tài. Mặt sông cồn lên lớp lớp sóng dữ, dồn dập táp vào hai bên bờ xói. Những con đò đã chìm sâu cả thế kỷ, nay bỗng nhiên nổi lên dập duềnh, còn nguyên vết chém và vết đạn cối, không một bóng người ngư phủ, chỉ thấy giải cờ tang trắng phấp phới cuốn trên mũi đò. Những đám lông vũ xanh tím từ trời cao, lấm lem những vệt máu đen, như đang quây quần trở lại, biến thành đàn chim lạ vỗ cánh bay lượn khắp không trung, vừa bay vừa kêu tiếng thê lương… Bây giờ tôi đã hiểu vì sao Sa chưa bao giờ thổi cho trọn vẹn khúc sáo cổ, trước bất kỳ một ai khác ngoài các nấm mồ, ngoại trừ đêm hôm nay, cái đêm mà S
a muốn nàng hiểu được, rằng người nàng yêu thương là thế.
Đêm nay đã là đêm thứ mười lăm, mười lăm đêm lứa đôi thề hẹn.
Người con gái sáng bừng lên, ánh ngân quang huyền hoặc, rồi từ từ lùi dần về phía dòng sông, trầm mình trong nước sông thu, một trận cuồng phong cuốn lên cao, tất cả dấu chân ẩm mục của nàng, tất cả hơi thở ướt át của nàng, tất cả dấu môi hôn của nàng, nơi người nước và Sa bén duyên. Sa quay mặt về phía hạ du, chỉ thấy một luồng sáng, hình vóc một nàng thiếu nữ chầm chậm bay vút lên trời, trong ánh trăng trắng lạt dần, tảng sáng một ngày mới, khi tiếng gà đã vang xa…
Từ đó Sa không về làng nữa. Sa cũng rời bỏ thành phố nọ. Sa đứng như pho tượng đá, suốt mấy ngàn năm rồi, trên bến giang đầu xơ xác, nơi không phải quê hương, cũng không phải đô thành, không phải nơi Sa được sinh ra, cũng không phải nơi Sa chết cứng. Hằng đêm mỗi khi trăng lên cao, từ môi bóng đen trên bến sông lại vang lên tiếng sáo cổ, ban đầu thật thanh bình làm sao, và kết thúc vẫn là tiếng gào thét. Khoảnh khắc tiếng gào thét dội vang, cây sáo ngọc bỗng nhiên bừng đỏ, hào quang tỏa chiếu khắp dòng sông, lênh loang con nước xuôi về hạ du và trong chốc lát hiện tượng kỳ quái lặp lại, như cái đêm sầu bi thảm khốc năm nào. Sa vốn không bao giờ chết, Sa đã trở thành bất tử để giữ gìn tiếng sáo linh thiêng, mà ngoài người con gái năm nào từng phải bỏ đi, ngoài thằng mõ không bao giờ còn ngủ nổi, từ mùa thu trên cánh đồng mồ xưa cũ, thì chẳng còn một ai được lặng nghe. Những đứa con của những nấm mồ vẫn được sinh ra, nhưng chẳng có một ai chịu nói năng gì về quá khứ. Làng Thổ Lỗi trường tồn trong câm nín và cam chịu. Ban ngày cũng như đêm, tiếng mõ tre vẫn vậy, đều đều và đùng đục, không hề ngừng nghỉ, bên ngọn đèn dầu bấc, như chưa từng biết cạn, bởi có người vẫn còn mơ về giây phút khi chúng ta trở về sống bên nhau, bên bếp lửa hồng, mùa bông cải nở…