Đứa bé ấy tên là Vội. Vội đi tìm mẹ. Mẹ ở đâu trong cái miệng đêm khổng lồ này. Vội dò đêm Vội đi. Tối quá. Chẳng thấy đâu là đất đâu là vũng nước. Hai bàn chân và lai quần của Vội đã chợp chạp những bùn. Đã phún phẩy mùi phân heo. Con đường vào sóc này Vội đã thuộc nằm lòng, chỗ nào có vũng nước, chỗ nào heo hay dầm ổ… nhắm mắt lại Vội cũng có thể kể ra được. Vậy mà đêm nay. Đêm đã làm lù lòa cái thông minh, cái khôn trước tuổi của Vội, một đứa trẻ mới bước vào tuổi mười hai.

Vội dò từng bước lên cầu. Chiếc cầu đúc bắc ngang dòng kênh nhỏ. Nơi mỗi chiều Vội và những đứa trẻ một tay tụt quần, một tay vịn chặt thành cầu mà tuôn xối xả xuống sông. Xối xả trôi về đâu. Sẽ có bầy cá chốt cá rô cá lòng tong lau chau ngửa mặt hóng hớt phía dưới. Rồi bầy cá trê sục sạo nhặt trong bùn đất ăn ngấm ăn ngầm sạch loáng những miếng kịp chìm dưới đáy. Sau buổi tiệc thịnh soạn đãi cho các loài cá, Vội cùng lũ bạn đứng dàn hàng ngang trên thành cầu đợi tiếng hô của thằng Ba Tàu.

– Một! Hai! Ba!

Nối tiếp tiếng hô, cả tiểu đội con nít đồng loạt phóng mình xuống kênh. Úp mặt xuống kênh mà không hề có cảm giác gớm ghiếc khi mới đây thôi chúng cùng thi nhau xối xả xuống nước. Luật chơi quy định rõ: Ai lặn lâu nhất thì sẽ chiến thắng. Phần thưởng cho đứa đoạt giải nhất là một rổ trái cà na chín lựng do chúng nó đã hái trước khi phát động cuộc chơi. Xem ra tụi nó cũng biết chuyện. Đã thi thố thì phải khen thưởng. Nói đến khen thì ắt phải thưởng vật chất đi kèm. Chứ khen suông thì lấy gì mà khích lệ, lấy gì mà làm mục đích và động cơ phấn đấu. Vội nghĩ thế, vì những lần đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, Vội chỉ nhận được duy nhất cái giấy khen có chữ ký vừa dài dằng dặc vừa rối nùi như cuốn dây chì gai của thầy hiệu trưởng và phần thưởng là cái bắt tay của chính ông với thông điệp gởi gắm rất ư là thắm thiết rất ư là tin tưởng.

Phần thưởng chỉ là trái cà na, trái bình bát, trái trâm hoặc trái bần. Toàn những thứ quà quê hái từ nơi bờ kênh, bờ ruộng mùa nào trái nấy mà sao đứa nào cũng ham. Vội nhớ có lần con Luyến bảo: Má tao đang bệnh, má biểu thèm ăn cà na ngào đường. Hôm nay tao quyết giành giải nhất.  Và để đoạt được giải nhất đầy vinh quang ấy nó cũng lập được kỳ tích có một không hai khác. Bữa đó, sau một hồi lặn mất tăm dưới kênh, con Luyến là người trồi lên sau cùng. Phụt lên mặt nước, Luyến chào chúng bạn bằng nụ cười mãn nguyện. Nhưng ơ kìa. Nó chìa răng ra cười mà cái đầu nó còn làm duyên bằng một trái chuối chín vàng.

– Bơi lẹ được ăn chuối tụi bay ơi! – Sau lời nói của thằng Ba Tàu, cả bầy chục đứa rẽ nước bơi về phía con Luyến. Nhưng dù tụi nó có trổ tài bơi lặn của Yết Kiêu cũng đâu thể nhanh bằng Luyến. Phước ai nấy hưởng. Cà na đã thuộc về nó thì chuối cũng phải dành cho người chiến thắng chớ. Như thế mới bõ mới xứng cái công mấy tuần nó cực khổ một mình luyện nhảy, luyện hụp lặn. Khi đứa bơi nhanh nhất cách trái chuối chừng mét rưỡi, con Luyến đưa tay chụp trái chuối. Úi ơi! Chuối không có vỏ. Trái “chuối” nhầy nhẫy nhớt, cơm “chuối” có hạt dưa, hạt bình bát, hạt ổi quấn quyện vào nhau. Thoáng rùng mình. Nhưng rất nhanh. Con Luyến vẫn giữ chặt “chuối” và hét to với thằng Ba Tàu đang ở xa nhất:

– Há miệng ra Tàu ơi!

Làm thủ lĩnh thật sướng. Miếng ngon không thể mất phần. Bao giờ cũng được thuộc cấp tự nguyện cống nộp. Thằng Tàu hí hửng há miệng. Con Luyến vung tay cực chính xác. Úi chao. Toàn bộ trái “chuối” đã dán bèn bẹt vào mắt, vào mũi, vào miệng thằng Tàu. Cả bọn quay lại  thấy “thủ lĩnh” Ba Tàu xơi chuối trong bộ dạng chau mày mím lợi đến tội. Ấy vậy nhưng chỉ sục mặt trong nước vài cái là thằng Ba Tàu lại cười reo tiếp tục chỉ huy tụi nó chơi keng dưới nước. Con nít mà. Biết gì là ớn. Biết gì là giận hờn. Cứ thấy hay là chơi. Thấy đông là vui rồi. Duy cái biệt danh đội “chuối”, xơi “chuối” được trang trọng gắn kèm theo tên của con Luyến, thằng Tàu như keo dính chuột. Không cách nào gỡ ra được.

Chuyện bám thành cầu của chúng có lần bay đến lớp, cô giáo và nhà trường nghiêm túc nhắc nhở. Nhưng sao họ không nghĩ. Nếu bỏ bám thành cầu thì chúng nó biết phải xối xả ở chỗ nào.  Làm hố xí kiểu đào lỗ rắc tro ư. Tiện. Nhưng mùi mọ nặng nhọc quá. Đâu thể chịu nổi khi chúng đã quen với việc ngồi tự do trong miền thông thống gió. Như thế vừa mát mẻ. Vừa dễ chịu. Ai cười con nít đâu. Mắc cỡ thì nhường cho người lớn đi. Họ đã có những cái bô dự phòng rồi. Cứ búng đầy bô cho thật sạch lòng ngót dạ. Rồi đậy hờ một mảnh lá chuối hoặc một chiếc lá môn đem xuống dòng kênh đang nằm phơi dưới nắng như con gái ngủ ngày. Ụp một cái là xong. Khoát thêm vài nhát nước là cái hỗn hợp nây nẩy màu và đặc sắc mùi mới đây thôi còn lặn hụp trong từng múi ruột của mình sẽ háo hức bước vào cuộc chu du mới. Hoặc là bụng cá. Hoặc là phù sa. Nhẽ nào cũng ích nước lợi nhà.

Gió sàn sạt quất vào nhánh cây bình bát ở mống cầu. Vội thoáng sợ. Nhánh cây như bóng người chồm qua thành cầu hù nó. Càng nhìn cái “người’ ấy càng nhúc nhích dữ. Có phải ma không.

– Mẹ ơi! Mẹ ơi!…

Vội bật lên tiếng gọi mẹ. Nước mắt đã chảy trùm khắp đôi má. Tối nay, nó đã tìm mẹ nó ở khắp các phòng học, khắp các sân cỏ và cả những lối mà các đôi yêu nhau thường hay tình tự.

Đã 12 giờ. Sao mẹ nó chưa về. Nó kéo mền đắp cho em nó rồi khẽ khàng đóng cửa lại. Nó tiếp tục lùng sục khắp các chỗ bằng đôi tai thính, bằng đôi mắt láy đen sớm vất vả và cả bằng cái trực giác về mùi mẹ. Mùi của mẹ nó ngộ lắm. Chỉ có nó mới nhận ra mùi mẹ. Nó chỉ cần hít một hơi dài trong cái vòng tròn không khí có bán kính hai mươi mét là nó biết ngay mẹ đang hoặc không ở chỗ này.

Nó điểm lại lần lượt từng chi tiết. Mẹ nó đi từ lúc nào. Đầu tối, khi nó học bài xong cỡ tám giờ. Nó giăng mùng và sửa cho em nó nằm gọn phía trong sát vách. Mẹ nó nằm giữa. Nó buộc cửa bằng một sợi dây chì chắc chắn. Nhà tập thể, vách bằng lá, mái lợp lá, cửa là một miếng giấy dầu đen đen được áp sát vào một cái khung cây tràm hình chữ nhật và những nẹp tre. Nhà thế. Cửa thế. Chủ yếu để lấy chỗ trú mưa che nắng chứ sao có thể phòng trộm chống lửa được. Nhưng cái đầu non sớm già của nó cũng biết lo toan hệt câu mẹ hay nói “Cẩn tắc vô áy náy”. Nó kéo chiếc ghế tấn chặt cửa. Dường như nó thấy cái ghế cũng chưa đủ sức. Nó lấy khúc cây vuông nó nhặt được hôm thợ sửa bàn cho học sinh. Một đầu nó chõi vào khung tràm trên cùng của cánh cửa. Một đầu nó gài vào chân bồ lúa. Tuyệt. Khúc cây vuông đứng nghiêng nhưng tạo một thế khá chắc. Quan trọng cái thế đó đã giúp nó yên tâm trong việc phòng chống trộm. Nó lại ngoặc thêm mấy cái thau nhôm vào cái đoạn dây chì còn thừa khi buộc cửa. Những cái thau nhôm này sẽ giúp nó bật dậy ngay khi phát ra âm thanh loảng xoảng.

Mà cũng lạ. Tài sản của ba mẹ con đâu nhiều nhặn gì mà sợ mất trộm. Căn nhà chừng chín mét vuông. Một chiếc tủ nhỏ xíu đựng quần áo và đồ lặt vặt. Mấy cái nồi thau. Một bồ lúa đựng ba chục giạ để làm kinh tế khi già hơi giáp hạt. Một cái giá sách đựng giấy tờ tài liệu của mẹ và tập vở của chị em nó. Một cái cà ràng để nấu ở góc nhà. Một bộ đồ nghề nấu khoai bán gồm nồi, xề, cân. Và trong gậm giường thì lá lúa, củi đuốc. Những thứ mà nó tẩn mẩn xếp nhặt rồi bó lại gọn ghẽ. Cứ thế nó ních đầy cái gậm giường.

Nó hiểu. Ở cái xứ này. Nhứt là nước. Hai là củi. Thứ ba mới là gạo. Sao lại thế. Nước thì bùm bũm xung quanh. Mùa lũ may ra chìa lại cái nền nhà là khô ráo. Hà cớ gì cần phải lo. Thì đó. Nội cái vụ leo thành cầu xả láng của tụi con nít và những cái bô nặng mùi đậm màu đã trút vào nước những nỗi niềm khó thở. Khi nước ròng. Mặt kênh rặt những của trôi vật nổi. Có bận chập tối nó ra kênh rửa xề khoai mì để luộc. Đội xề khoai về nó ra oai bắt thằng Vững xếp vào nồi luộc. Chị lột rửa rồi. Tới lượt em luộc nha. Phải có làm mới có ăn chứ. Võ mồm xíu thôi. Chứ thực ra nó muốn dạy cho em làm từng món cho quen.

– Hai ơi. Sao có củ khoai lang bóc vỏ rồi nè.

Nó cầm đèn soi. Úi ơi. Một “củ” to nần nẫn nằm cùng với những củ khoai mì đã lột vỏ. Y chang trái “chuối” trên đầu con Luyến hôm trước. Hoảng. Nó vứt cả xề lẫn khoai mì xuống kênh. Vứt sạch. Nhưng chị em nó không thể nào và không bao giờ tẩy được hình ảnh cái “củ” to nần nẫn ấy ra khỏi đầu. Quá xá sợ luôn.

Thế nên, nó phải gánh nước từ sông lớn về dùng. Nó nghĩ nước sông lớn sẽ sạch hơn. Từ nhà nó ra sông gần nửa cây số. Nó gánh nước về đổ vào hai cái lu ba vú để ở đầu thềm. Đầy lu. Nó quậy cục phèn trong lu nước thành những vòng tròn nước xoáy tít. Xoáy tít. Chừng một giờ sau nước trong vắt. Cả nhà nó có thể dùng ăn uống tắm táp giặt rửa thoải mái.

Mười hai tuổi. Đôi thùng nước nó gánh lệt phệt chỉ chực quét đất.

– Con nhỏ giỏi thiệt. Người nhỏ xíu mà gánh gánh nước đi te te.

Nó còn con nít. Dạng con nít già háp. Bởi vậy mê tít những lời khen. Một cô giáo nói:

– Vội đừng gánh đầy thùng thế. Mai mốt sao cao lên được. Gánh nửa thùng mỗi bên thôi con. Việc gì cũng nên làm vừa sức.

Nó cười. Mắc gì nó phải nghe lời cô giáo. Nó nghe lời mẹ nó thôi chứ. Mẹ nó có nói gì đâu. Mẹ nó mặc nhiên như khoán cho nó việc gánh nước. Không khen chẳng chê. Cũng không hối hả thúc giục. Chắc mẹ nó bận bịu việc soạn bài lên lớp. Đâu bận lòng nghĩ về những thứ cỏn con ấy.

Nhưng có lần nó buồn. Bữa đó nó cũng hăng hái gánh đôi thùng nước. Tay nó vung vẩy quẹt vào tay bà Ba Thọ ở xóm. Cánh tay bà trắng. Tay bà múp míp đeo những vòng ngọc nhẫn vàng lắc vàng. Bà giơ cánh tay lên mũi hửi. Rồi bà chu mỏ nhổ nước miếng cái rột.

– Mày đứng lại tao biểu. Mày làm tay tao thúi hoắc rồi.

Bà ta thản nhiên thọc tay vào thùng nước mà rửa mà quậy. Xong bà lấy chai dầu thơm trong xắc ra xịt xịt mu bàn tay và từng ngón. Rồi lại hít hửi một hồi mới ngúng nguẩy đi.

Nó đặt hai thùng nước xuống đất. Mắt nó ném những lửa những uất hận vào cái mông phúng phính đang gõ nhịp của bà ta.

– Đồ nhà giàu. Đồ ăn hiếp con nít. Đồ… Nó không nghĩ ra từ nào để chửi bà ta cho xứng. Bởi ngày thường nó chúi vào việc bán buôn, vào bài vở tập sách với những lời hay ý đẹp chứ có dự trữ xíu nào tiếng lóng từ tục để mà phòng thân để mà trả miếng. Việc nó có thể làm lúc này là đổ hai thùng nước cái rẹt. Hả giận. Nó quày quả trở lại bến sông múc hai thùng mới.

Tạm ổn về vụ nước. Cái đầu non sớm già của nó lại nghĩ về củi. Ngày nắng quơ đâu cũng có lá, có củi. Chỉ một vòng quanh sân trường là nó cũng có thể nhặt đẫy một ôm vỏ mía khô chụm được cỡ hai ngày. Lửa cháy của vỏ mía vừa đượm vừa thơm thơm mùi đường.

Tươi ngày nắng. Lặng ngày mưa. Mưa miền Nam thì rõ rồi. Sáu tháng gắt gỏng nắng, sáu tháng sã sượt mưa. Nhất là những cơn mưa dầm dai tháng bảy mà người ta thường gọi là tháng mưa ngâu. Để giữ lửa bếp cháy đều trong những tháng đó thì nó phải tích cực từ những ngày nắng. Nó vào chùa Khơmer Sóc Xoài lượm những cành cây sao khô, nó hốt lá dầu, nó đốn cây bình bát, cây nức ở bờ ruộng. Trong các loại “nhiên liệu” ấy, nó thích nhất cây nức. Cây nức là một vị thuốc nam. Cô Thảo bảo thế. Trước khi sanh, người phụ nữ nào cũng sửa soạn một bọc cây nức thái mỏng, phơi, sao khô hạ thổ rồi vô keo để dành nấu nước uống. Cái thứ nước màu cánh gián uống lúc nóng thấy thơm thơm ngọt ngọt đến lạ. Nó từng được cô Thảo cho uống khi cô sanh bé Ngọc. Uống riết nó muốn ghiền luôn.

Nói về món thiết yếu thứ ba là gạo. Gì chứ gạo thì vô tư. Bởi mẹ nó có chế độ mười ba ký một tháng. Thằng Vững bảy tuổi cũng có chế độ tám ký một tháng như nó. Hết thảy là hai mươi chín ký. Nó cũng thấy lạ. Thường một người tham gia công tác chỉ được ăn theo một xuất, nhưng nhà nó là đặc biệt. Đặc biệt vì nhẽ nào thì nó chịu. Nó không quan tâm đến sự đặc biệt ấy. Nó chỉ nhẩm tính mỗi ngày nó nấu ba bữa cơm, sáng một lon, trưa và chiều mỗi bữa xấp xỉ lon rưỡi. Chừng giáp tháng thể nào thùng gạo cũng dư ít nhất là hai ký. Cái phần dư dả ấy đã chứng minh sự khéo lo khéo co của nó. Khiến cô giáo nhỏ tuổi hơn mẹ nó bảo:

– Bé này lớn lên làm kinh tế giỏi phải biết.

Vội lại cười. Chuyện giàu có hồi sau sẽ rõ. Giờ cứ tạm bằng lòng về căn nhà nhỏ của nó, tuy không sang trọng giàu có hiện đại nhưng cũng tươm tất với hai lu nước trong vắt trước thềm, với gậm giường nhóc nhách lá nhóc nhách củi khô và một bồ lúa bề bề.

Quay về chuyện nó tìm mẹ. Nó lọc lại bộ nhớ. Lúc buộc cửa gài cây treo thau xong, nó tắt đèn chui vào mùng. Nó tấn mùng cẩn thận và nằm kế mẹ. Nó hít một hơi thật no mùi mẹ. Nó choàng tay ôm mẹ. Một chân nó gác lên người mẹ. Một tay nó sờ vú bên trái của mẹ. Chị em nó chia nhau rõ ràng. Hàng đêm, mỗi đứa chỉ được gác một chân lên mẹ, sờ một bên vú mẹ. Nhưng em nó nhỏ, chừng khuya ngủ say là rớt tay xuống giường. Lúc ý nó tham lam sờ hết hai vú mẹ luôn.

Trong lúc sắp lơ mơ ngủ. Nó nghe rõ chân giường nhà cô Hương chú Lĩnh có vách lá chung với nhà nó cứ rung lên từng hồi, sàng qua sàng lại như gấp gáp lắm nặng nhọc lắm. Nó lớ quớ hỏi: Tiếng gì bên nhà cô Hương vậy mẹ. Mẹ nó trả lời cụt lấc: Chuột chạy.

Nó thắc mắc trong đầu. Chuột gì mà kỳ cục, làm được cả chân giường rung lên. Đêm nào cũng rung. Chắc con chuột này to lắm. Sao chú Lĩnh không gài bẫy bắt nó. Dễ ợt mà. Chú Lĩnh thì bệ vệ cao lớn. Hổng lẽ đầu hàng con chuột. Hổng lẽ cứ sống chung với chuột.

– Chừng nào chân giường hết rung vậy mẹ. Nó có tật không thể bỏ, miễn chưa hiểu cái gì là phải hỏi cho tới.

– Khi chuột ăn no nhau. Đừng hỏi nữa. Ngủ đi đặng mai thức sớm nấu cơm.

Chuột ăn no nhau. Lạ nhỉ. Chuột chạy thì giường rung. Giường ngưng rung thì chuột no. Suy ra khi chuột đói thì chuột chạy. Phức tạp quá. Nó vẫn chưa thể hiểu.  Dưng thôi. Miễn con chuột ấy không chạy qua rung chân giường nhà nó là ổn rồi. Tử tế thì mai nó mua tặng nhà cô Hương mấy miếng keo dính chuột. Tạm bằng lòng kết thúc chu kỳ làm việc của một ngày. Nó khép mắt lại.

Nó khép mắt và ngủ thật. Khi nó sực tỉnh thì mẹ nó không nằm giữa nữa. Mẹ nó đi đâu vậy. Nườm nượp câu hỏi và tình huống đặt ra trong cái đầu già háp của nó. Mẹ bị đau lưng ư. Nếu đau lưng thì đã bảo nó cạo gió ngay lưng. Nó có bao giờ để mẹ phải đau một mình đâu. Mẹ nhức đầu nó bắt gió ngay trán và hai bên thái dương. Rồi nó nấu nồi nước với đủ thứ thuốc lá như lá xả, lá mãng cầu, lá tre… cho mẹ nó trùm mền xông. Còn như mẹ nó đến nhà cô Thảo thì không thể. Lúc nãy nó áp tai vào cửa nhà cô thấy im thít và không hề có mùi mẹ.

Hay là mẹ nó đến chỗ bác ấy. Trời ơi! Chẳng lẽ linh cảm của nó là đúng sao. Có lần bác ấy chặn đường cho hai chị em nó một đồng bạc tiền xu biểu mua bánh ăn. Nó bỗng nghi ngờ cái lòng tốt bất ngờ của bác ấy. Nó lắc đầu không nhận và lôi em nó chạy nhanh. Nó sợ đứng lâu nó sẽ cầm lấy mất. Không phải nó ham tiền. Mà bởi nó không cầm lòng khi ai đó năn nỉ nói ngọt. Nó cũng lại thường nghe mẹ nó nói “mật ngọt thì chết ruồi”. Nó không muốn chết như con ruồi ham ăn. Nó làm được, lo được. Nó sẽ mãi lo được cho mẹ nó và em nó.

Nếu mẹ đến chỗ bác ấy thật thì sao. Từ nhà nó tới chỗ bác ấy chừng ba cây số. Đường đêm này sao mẹ nó dám đi. Nó nhìn lên trời. Thẫm một màn đêm. Đêm vụt sáng lên nhờ một ngôi sao. Trên trời có sao. Dưới đất có nó. Phải tìm mẹ. Phải tìm mẹ về với chị em nó. Nó chạy vút vào đêm.

Sắp tới rồi. Cái phòng bảo vệ của bác ấy đặt sát cổng. Không có ánh đèn nào trong phòng. Nó đã ngửi được mùi mẹ. Mừng quá. Nó đi thật khẽ. Xíu nữa nó giật mình khi nghe tiếng mẹ rấm rứt khóc:

– Gần năm tháng rồi anh. Thai đôi. Không hút được nữa. Làm sao giờ anh. Chắc em chết mất.

– Để thủng thẳng anh tính. Nếu không có hai đứa nhóc thì hay quá.

Trời đất như sụp dưới chân nó. Mẹ nó có bầu. Nghĩa là bác ấy làm cho mẹ nó có bầu. Nước mắt nó trào ra. Đau đớn quá. Cái lời của bà thầy bói thật ác nghiệt. Lần mẹ nó cùng các dì xem bói. Bà ta bảo em nó: Thằng này em đông lắm. Đông gì. Nhà người ta có hai chị em mà? Ý nghĩ của nó chen vào. Nhìn cái đuôi rùa của nó kìa. Ít nhất là năm đứa em.  Bà thầy bói quả quyết.

Bác ấy nói không có hai đứa nhóc là sao. Nghĩa là không có chị em nó ư. Chị em nó là nùi cỏ chặn dòng chảy của cống nước ư.

– Tính sao giờ. Bụng mỗi ngày một to. Con Vội lúc này nó canh em dữ lắm.

– Nó con nít lo gì. Quan trọng là hai đứa mình thương nhau.

– Con em em biết. Nó người lớn lắm. Đâu dễ nó chấp nhận mình đâu.

Mẹ nó nói đúng. Nó đâu dễ chia mẹ cho ai được. Nó lo toan sấp ngửa trong nhà vì nó thương em yêu mẹ. Mẹ thì gầy yếu, em thì nhỏ. Nó phải là chỗ dựa vững chắc cho mẹ, cho em nó chứ.

– Hay em gởi nó về bên nội nó. Hàng tháng mình trợ cấp nuôi nó.

Trời ơi! Người ta đang toan tính chia lìa nó với mẹ nó. Nó sao thể sống xa mẹ nó, em nó được. Mẹ nó và em nó là máu thịt của nó. Trời ơi! Sao đành để nó khổ vậy. Tuổi mười hai nó đã làm tất cả, từ buôn bán nấu cơm, gánh nước kiếm củi giặt đồ. Những mong mẹ nó vui, em nó ngoan.

Mẹ ơi! Mẹ không thấy được cái tình của đứa con gái này ư. Từng xề khoai lang lượt đi con đội vào trong sóc bán. Từng xề rau mác rau má cù nèo con đội lượt về khi bán hết khoai. Mẹ có biết xứ này đỉa vắt nhiều lắm không. Như người ta bán hết khoai là tung tăng nhảy chân sáo xách xề về. Còn con. Con lội xuống từng bờ lung bờ ruộng. Con hái rau. Từng bó rau con chất lên xề đem ra chợ bán những mong thêm chút nào đỡ chút đó. Từng đồng bạc lời từ tiền bán khoai bán rau mẹ xếp mẹ gói vào giấy xoắn lại như những chiếc kẹo. Con giở ngắm những chiếc kẹo ấy mà thầm vui. Con tự hứa với lòng lớn lên sẽ chăm chỉ làm việc kiếm thật nhiều tiền lo cho mẹ cho em. Mẹ ơi! Sao tình thương chị em con dành trọn cho mẹ, mẹ lại đi thương người ta. Chúng con đã không có tình thương của người cha. Mẹ nỡ nào lại không thương không bù đắp cho chúng con.

– Tiện thì gởi hai đứa cho nội nó nha em.

Mẹ nó như đang nấc nghẹn hơn. Như thế là chị em nó sẽ mất mẹ rồi. Đâu còn những đêm hai chị em nó ôm mẹ sờ vú mẹ. Mỗi đêm nó đã buộc cửa nẻo chống chọi thật kỹ. Vậy mà sao bác ấy còn lấy trộm được mẹ của nó. Nó cứng rắn, người lớn vầy mà còn thảng thốt khi vắng mẹ. Hỏi em nó út ít bé nhỏ sao chịu nổi đây.

– Sắp sáng rồi! Anh lấy xe đạp chở em về nhé. Đừng nghĩ lung nữa. Sẵn nghỉ hè em đem tụi nó gởi sớm. Rồi mình về quê anh làm đám tuyên bố. Mấy nữa là lại có con chúng mình mà.

“Con chúng mình”. Là lời giải đáp cái đuôi rùa của thằng Vững. Trời ơi. Khi mẹ nó có “con chúng mình”, chị em nó sẽ là cái gai, là vật cản cái hạnh phúc của mẹ nó. Về nội ư. Ba nó còn không thương nó thì biểu sao các chú thím thương nuôi được. Nhà ngoại thì đâu còn ai. Mấy dì đều theo sống bên nhà chồng.

Điều nó mong mỏi nhất là mẹ nó được vui, được hạnh phúc. Nó nhầm rồi. Nó có cố gắng cỡ nào cũng không làm mẹ nó hạnh phúc. Hạnh phúc của mẹ nó ở cái câu “Con chúng mình” kìa.

Được. Nó sẽ cho mẹ nó thỏa nguyện. Nó kéo vạt áo chùi nước mắt và chạy mút vào đêm. Nó phải chạy thật nhanh. Nhanh hơn cái xe đạp đang chở mẹ nó.

Khuya. Đường vắng tanh vắng ngắt. Nhưng đêm vẫn cuồn cuộn những mảng đen. Nó nghe rõ tiếng xe đạp lụp phụp trên mặt đá sỏi. Chiếc xe đạp sắp kịp nó rồi. Một cuộc đua trong đêm. Nó chạy trước. Chiếc xe rượt phía sau. Một cuộc đua không cân sức. Bác ấy đã thắng. Đã chiếm được mẹ của nó. Nhưng chưa hẳn. Đích đến còn xa mà.

Nó sẽ đi đường tắt. Cái bánh xe đâu thể lội nước được. Cái chân nó biết lướt bùn vượt nước. Nó sẽ lội qua cái lung đầy đỉa. Kệ. Miễn sao nó về đến nhà nhanh nhất.

Đến mép lung đỉa nó thoáng chùn chân. Cái yếu bóng vía của con nít thoáng trỗi dậy. Nước tới háng. Bề ngang gần ba chục thước. Ban ngày nó không dám lội ngang vì sợ đỉa. Nhưng ban đêm nỗi sợ còn gấp bội. Bởi trong những lùm cây đen giữa lung kia biết đâu có những con rắn con rết thì sao. Nó ngước mắt lên trời. Ông trời ơi! Thương lấy chúng con với.

Nó dứt khoát bước xuống bùn. Nó đi thật nhanh. Nó càng đi nhanh thì những bùng nhùng cỏ lăn, bùng nhùng đêm cứ níu chân nó lại. Nó đã quyết rồi. Cỡ nào cũng phải bườn qua cái lung này.

Bờ đây rồi. Bờ lung cách nhà nó chừng hai chục mét.  Nó bưng đèn soi. Nó vuốt năm con đỉa trâu và mấy chùm đỉa mén ra khỏi chân. Nó xối nước cho sạch bùn. Nó thay lẹ bộ đồ. Thời gian đối với nó gấp gáp vô cùng. Tên nó là Vội. Lúc nào cũng sấp ngửa. Lúc nào cũng vội vàng.

Nó mở cánh tủ lôi ra cái hộp. Cái hộp có mười hai cái kẹo trắng. Mỗi cái kẹo là hai mươi đồng tiền xu. Tiền. Nó có cần tiền không. Cần chứ. Làm gì cũng phải có vốn liếng. Người biết tính toán chắt bóp một đồng vốn sẽ nở ra bốn đồng lời. Mấy hồi thành giàu có.

Nó lấy hai chiếc kẹo bỏ vào túi quần và đẩy cái hộp lại như cũ.

Nó lấy tờ giấy viết những dòng:

“Mẹ ơi! Chúng con đi đây. Mẹ an tâm sống với bác Phục và đẻ con cho bác ấy. Mẹ không phải lo cho con và thằng Vững. Mẹ cứ bảo là ba đón con về bên nội. Chúc mẹ hạnh phúc.”

Nó quệt ngang dòng nước mắt vừa chảy.

– Dậy Vững. Dậy Vững. – Nó lay em nó.

Mắt thằng Vững cứ nhắm nghiền. Miệng chóp chép như đang ăn kẹo kéo. Em nó đang say ngủ rồi. Được. Nó có cách của nó.

Nó lấy chiếc áo ấm rồi cứ thế lần lượt nâng em nó từng bên tay một mặc vào. Xong nó kéo em nó ngồi dậy ra sát mí giường. Nó đội cho em nó cái mũ vải mềm. Nó lấy chiếc khăn rằn choàng sau lưng em nó và cột múi khăn trước ngực nó. Tay nó bưng hai chân em nó. Nó cõng em nó ra khỏi nhà.

Đêm đen nhợ. Đêm dùng dằng của trăng đi sao ở. Đêm bủa xuống đất bịt bùng những lo âu. Đêm hung hãn đáng sợ. Đêm câu kết với gió xới bung những tấm giấy dầu sắp nóc nhà. Nó nhìn khắp phía. Lối nào cho chị em nó. Dường như phận số của chị em nó còn tệ hơn trái “chuối” và củ “khoai” trôi nổi trên dòng kênh. Từ biệt những trò chơi con nít. Nó phải làm người lớn từ đêm nay. Đêm hung hãn nữa cũng mặc. Nó không sợ đêm. Nó chỉ sợ nó mất nốt em. Nó sợ em nó đói, em nó khổ, em nó lạnh, em nó buồn. Nó sẽ làm mẹ làm chị làm ngọn đèn của em nó. Nó sẽ quạt mát ủ ấm em. Nó sẽ lao động kiếm tiền nuôi em ăn học tử tế. Nó sẽ kiếm tiền thật nhiều để mua nhà to cho em. Mắt nó ráo hoảnh. Nó không khóc nữa. Không ai thương thì chị em nó tự thương lấy nhau.

Nó xốc thằng Vững một lần nữa cho chắc. Nó tự tin cõng em nó rơi vào cái miệng khổng lồ của đêm.

Nguồn Văn nghệ số 14/2016

Exit mobile version