32 bài thơ dù được viết với những cảm xúc khác nhau, đều mang tâm sự của một người trẻ buồn bã nơi đô thị. Tác giả bày tỏ tâm trạng: “Tôi thấy mình mắc cạn ở đây/ thành phố tháng mười/ ý nghĩ đang bơi/ ngập lụt ý nghĩ” (Trích Tôi thấy mình mắc cạn ở đây).
|
Tập thơ “Khúc lêu hêu mùa hè”. |
Cuộc sống đô thị với cô gái trẻ là một cái gì đó luẩn quẩn: “Mặt đất buồn rầu mọc thêm những chùm rễ đô thị/ tôi muốn kể bạn nghe về hàng cây thèm gió/ những bông hoa luẩn quẩn rơi/ không thụ phấn được nỗi niềm” (Trích Về một luẩn quẩn buồn nôn).
Tác giả cũng không ngần ngại nói thẳng tâm trạng trong bài Nơi này của mình quá buồn: “Nơi này không có dấu chân nào của mình/ Nơi này chẳng thấy nụ cười nào của mình rơi vãi/ Nơi này của mình chẳng có gì vui”.
Ngôn ngữ của Du Nguyên dùng trong tập thơ là ngôn ngữ của cảm giác, luôn có những “em cảm”, “em nghe”, “em thấy”…
Nhà phê bình Văn Giá nhận xét khi đọc thơ Du Nguyên, ông bắt gặp hàng loạt vấn đề của chủ nghĩa hiện sinh, như sự phi lý, nỗi buồn, cô đơn, buồn nôn. “Nhân vật trữ tình của Du Nguyên không có một niềm tin nào, hoàn toàn đánh mất tuổi trẻ. Chúng ta bắt gặp chủ nghĩa hiện sinh trong văn thơ Sài Gòn trước 1940, đến Du Nguyên thì nó trở về, thức dậy. Nhưng ở các bậc tiền nhân, tác phẩm thường dùng chủ nghĩa hiện sinh kháng thực nỗi buồn. Còn Du Nguyên, cô chấp nhận nỗi buồn, để nó nằm trong thân xác mình, từng ngón tay, kẽ chân, cái tóc…” – nhà phê bình Văn Giá nói.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang cho biết Du Nguyên có một tuổi trẻ quá trầm so với tuổi. “Nỗi buồn ấy được thể hiện rõ trong thơ. Tôi luôn có cảm giác có một Du Nguyên ở đâu đấy, khó nắm bắt được. Một tâm hồn khó nắm bắt, đó là biểu hiện cho tố chất của người sáng tạo”.
Với nhà văn Thiên Sơn, thơ Du Nguyên là tiếng nói dội lên từ tiềm thức. Theo anh ngôn ngữ giàu nhạc điệu là thế mạnh trong thơ Du Nguyên. Tác giả của Đại gia nhận định về Khúc lêu hêu mùa hè: “Thơ như hắt ra từ tiềm thức với những đắng cay, vui buồn, phiêu dạt bất định. Ngôn ngữ thơ của Du Nguyên đã đạt mức điêu luyện”.
Tuy dành nhiều lời khen ngợi, song nhà phê bình Văn Giá cũng nhận định thơ Du Nguyên mới đang dừng ở cái lạ. Ông nói: “Đời sống văn chương ngày nay có hai phạm trù: ‘Cái lạ’ thường rất hấp dẫn, nhưng chưa chắc đã giá trị. Còn ‘cái giá trị’ chưa chắc đã hấp dẫn, thu hút ngay. Tôi thấy ở Du Nguyên vẫn đang nghiêng về cái lạ hơn là cái giá trị”.
Tác giả Du Nguyên tên thật là Đậu Thị Dung, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, hiện là phóng viên. Đây là tập thơ thứ hai của Du Nguyên sau cuốn Mục: Xó xỉnh. Cười xuất bản năm 2010. Cô từng xuất hiện trên sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Lam Thu
Nguồn: vnexpress.net