Cách trung tâm TPCM khoảng 15 km theo đường chim bay, Rừng Sác đang được phục dựng nhằm tái hiện lại như một căn cứ địa trong suốt 30 năm chống Mỹ cứu nước.
Nơi đây đang trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước nhà tìm hiểu lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Nơi đây, từng có hàng ngàn chiến sĩ đặc công với “Rừng Sác là nhà; Sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm; Bến cảng kho tàng là trận địa; Đã đi là đánh, đã đánh là thắng”.
Điểm đến hấp dẫn
Một ngày cuối tuần, điêu khắc gia Nguyễn Văn Rol đưa chúng tôi vào thăm Rừng Sác, vì anh thuộc đơn vị đang tiến hành bảo tồn, tái hiện lại các hoạt động của các chiến sĩ Rừng Sác năm xưa. Rất đông các gia đình dẫn theo cháu con thăm viếng chốn này.
Xuống xe, du khách bắt gặp từng đàn khỉ đang chuyền cành và đi lang thang trên đường. Nơi đây trung tâm bảo tồn khỉ Cần Giờ. Khỉ Cần Giờ trong khu Rừng Sác thân quen với con người đến độ, khi thấy du khách cầm một que kem trên tay, chúng sẽ đến thật gần để xin… nếm thử.
Chính điều này tạo ra sự thích thú của du khách, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, du khách cũng phải cảnh giác, vì có thể đang gọi điện thoại sẽ bị khỉ giựt mất cái iPhone leo lên cây… nói chuyện thay.
Tượng đài Chiến sĩ đặc công Rừng Sác
Vào khu trung tâm căn cứ Rừng Sác có hai đường. Đường bộ dành cho các bạn trẻ thích lang thang khám phá. Đường sông đi bằng cano cao tốc được lái bởi các tài công điêu luyện thuộc dòng sông như lòng bàn tay. Đang đi qua một khúc quanh với tốc độ cao, bỗng cano giảm tốc độ và tài công thổi kèn kêu toe toe. Đây là cách “bóp còi” của cano để báo hiệu cho chiếc chạy ngược chiều biết đường mà tránh nhau.
Vào căn cứ, du khách được đi trên những thanh cây đước được cắt khúc làm đường cách mặt sình khoảng 1m như đi trên nhà sàn. Nguyễn Văn Rol cho biết: “Các cây đước làm tất cả các công trình trong khu di tích đều được chở về từ Cà Mau, vì tất cả mọi cây đước trong Rừng Sác đều cấm chặt dù chỉ một cành”.
Huyền thoại Rừng Sác
Không chỉ được hít thở không khí trong lành của cây rừng, được đi cano lượn qua những khúc quanh, ngắm nhìn từng đàn khỉ chuyền cành, du khách đến Rừng Sác như lạc vào miền cổ tích.
Mùa Xuân 1782 và Xuân 1783 người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đưa đoàn quân chiến thuyền vòng xuống biển Nam, ngược sông Lòng Tàu đánh vua Nguyễn Ánh chạy khỏi thành Gia Định. Năm 1859 chiếc tàu của thực dân Pháp lần đầu tiên xâm nhập lãnh thổ nước ta đã ngược sông Lòng Tàu, bị quân ta đánh chìm tại tuyến phòng thủ Cần Giờ.
Rừng Sác là vùng ngập mặn không có nước ngọt, cách lấy và làm ra nước ngọt của các chiến sĩ năm xưa cũng khiến nhiều bạn trẻ trầm trồ như một câu chuyện từ xứ sở thần kỳ. Vào thời kỳ căng thẳng nhất không còn cách nào bám đất liền để lấy nước ngọt, các chiến sĩ lấy xoong, nồi nấu nước mặn chảy ra từng giọt nước ngọt như kiểu nấu rượu.
Ngoài kẻ địch, các chiến sĩ Rừng Sác một thời còn đối đầu với cá sấu tấn công. Hiện, có cảnh tái hiện với người thật việc thật chiến đấu với cá sấu rất sinh động, giúp nhiều người trẻ “trực quan sinh động”.
Các chiến sĩ nghĩ ra cách diệt cá sấu, bằng cách dùng bánh thuốc nổ TNT khoảng hai lạng, lắp kíp nổ vào xong buộc vào trên lưng con vịt còn sống, thả vịt bơi ra sông Ông Kèo, cá Sấu bám theo táp vịt bị nổ, diệt được cá Sấu.
Đoàn 10 đặc công Rừng Sác Anh hùng gắn với hàng trăm trận đánh đi vào huyền thoại. Nơi đây cũng ôm vào lòng mình 862 liệt sĩ của Đoàn 10 là con em của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đến nay đã trải qua 40 năm, nhưng vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, mặc dù sự tích cực tìm kiếm nhiều lần của đơn vị, địa phương và gia đình.
Trạc Tuyền|
Thể thao & Văn hóa