Hồi tháng Năm, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã phát hành một thông báo cho 5 ứng cử viên nặng ký nhất của Nobel Văn học năm 2013. Điều này đã làm rộn lên những dự đoán. Giải thưởng Nobel năm nay sẽ về tay ai? Haruki Murkami của Nhật Bản, Don DeLillo và Philip Roth của Mỹ, hay Chinua Achebe của Nigeria, cây đại thụ của Châu Phi?
Không thể phủ nhận rằng, cái chết của Chinua Achebe đã làm mất đi của Châu Phi một đỉnh cao văn học và tên tuổi này hoàn toàn có thể trở thành nhân vật chính cho mùa giải năm nay. Tuy nhiên, ngoài Chinua Achebe, cũng trong quốc gia Nigeria, chúng ta cũng cần phải để ý đên một tên tuổi khác. Đó là Wole Soyinka, nhà thơ và nhà viết kịch đại tài, đã từng đoạt giải Nobel năm 1986. Tôi xin phép được tổng hợp và giới thiệu đến tất cả mọi người những khuôn mặt của Nobel Văn học năm nay. Tất nhiên, người chiến thắng duy nhất sẽ chỉ được công bố vào tháng Mười.
Từ Châu Phi
Nhà văn đầu tiên tại lục địa đen mà tôi muốn nhắc đến là Ayes Kwei Armah của Ghana. Tác phẩm của Ayes Kwei Armah đặc trưng bởi tính hậu thuộc địa và tín ngưỡng truyền thống của Châu Phi. Đó là một cảm giác mất mát quê hương đi kèm với sự thay đổi vì ảnh hưởng của Phương Tây. Armah thường được trích dẫn như một thế hệ mới của Châu Phi sau Chinua Achebe và Wole Soyinka. Ông đã viết về nỗi tuyệt vọng và sự gia tăng của nỗi tuyệt vọng. Đọc tác phẩm của Armah khiến người ta liên tưởng tới hai đường chéo, một đường là quê hương Châu Phi yêu quý của ông và một đường là sự ám ảnh của những giá trị Phương Tây đang tìm mọi cách len vào cuộc sống của những con người hết lòng gắn bó với tự nhiên. Tác phẩm điển hình của Ayes Kwei Armah là Hai ngàn năm (Two Thousand Seasons), viết về hiện tượng buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Tác phẩm này được viết ở dạng ngụ ngôn, được coi là tác phẩm khởi hành cho các tiểu thuyết hiện thức khác của ông.
Tác giả thứ hai cũng rất được chú ý tại Châu Phi là Nuruddin Farah, đến từ Somalia, một nhà văn lưu vong, viết bằng tiếng Anh, được xem là một nhà văn quốc tế. Nuruddin Farah đã giành được khá nhiều giải thưởng văn học quốc tế, trong đó có Giải Neustadt. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn này có lẽ là Máu trong Mặt trời (Blood in the Sun), viết về bản sắc văn hóa hậu thực dân trong bối cảnh các xung đột tại Ogaden năm 1977. Farah vẫn thường nói nói rằng, ông “giữa đất nước trong tim và sống bằng cách viết về tổ quốc”.
Tác giả tiếp theo là Ngũgĩ wa Thiong’o của Kenya, nổi tiếng với chủ nghĩa hiện thực huyền diệu, viết để đối phó với chế độ độc tài tại Châu Phi và thể hiện niềm tin với truyền thống dân tộc. Phong cách của Thiong’o là châm biếm và ngụ ngôn, nhắm vào các vấn đề chính trị đương thời. Ông cũng là tác giả viết bằng ngôn ngữ Châu Phi truyền thống. Có thể nói rằng, quyết định lựa chọn ngôn ngữ của Thiong’o là một bước đi táo bạo trong việc gìn giữ âm sắc bộ lạc. Tuy nhiên, chính nó cũng khiến cho ông khó có thể đưa tác phẩm của mình ra ngoài thế giới.
Mia Couto của Mozambique có lẽ là tác giả thú vị nhất của Châu Phi, mặc dù ông là con trai của một người Bồ Đào Nha nhập cư. Mia Couto viết như một người con của Châu Phi thực thụ. Sự nghiệp của Couto bắt đầu từ khi ông mới chỉ là một cậu bé 14 tuổi. Khi ấy, một số bài thơ của Couto đã được đăng trên các tờ báo địa phương. Ba năm sau đó, Couto vào Đại học Eduardo Mondlane, theo ngành y. Cũng trong khoảng thời gian này, Phong trào Giải phóng Mozambique đang phát triển, cho nên, việc nghiên cứu y học của Couto bị hoãn lại, anh trở thành một nhà báo viết về phong trào giải phóng. Bắt đầu từ thời điểm này, Couto đã từ ngành y bước sang một lĩnh vực khác, trở thành một nhà báo nổi tiếng và sau đó là một nhà văn có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong nền văn học Mozambique. Chủ nghĩa hiện thực huyền diệu là phong cách Couto. Tác phẩm đáng chú ý nhất của ông là Trải nghiệm của Châu Phi (African Experience), viết về một thế giới ma thuật trên một vùng đất bạo lực. Năm nay, Vouto đã đoạt giải Camões, một giải thưởng ngôn ngữ Bồ Đào Nha uy tín nhất.
Ben Okri của Nigeria là tác giả trẻ nhất đã từng giành được Giải thưởng Booker, ở tuổi 32. Con đường đói khát (The Famished Road) của Ben Okri hiện đang là tác phẩm đưa tên tuổi của nhà văn này lên đến đỉnh cao. Người ta hoang mang trong việc nên xếp Ben Okri vào những nhà văn hiện thực hay hiện thực huyền diệu. Okri nói rằng, “Tôi lớn lên trong một truyền thống có kích thước nhỏ bé hơn rất nhiều so với thực tế. Thế giới tuổi thơ tôi là những truyền thuyết và huyền thoại về tổ tiên và linh thần.” Đây cũng chính là lý do tại sao Ben Okri thường hay được đem ra so sánh với Gabriel Garcia Marquez và Salman Rushdie.
Tác giả cuối cùng của Châu Phi trong danh sách là Ondjaki của Angola, một nhà văn hài, tuy nhiên, anh ta quá trẻ để giành được chiến thắng trong năm nay. Ondjaki mới 36 tuổi, thường đặt nặng các vấn đề về tình hình chính trị của Angola trong các trang viết. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh lại tỏ ra là một ngôi sao sáng của lục địa đen. Bức thư từ Châu Phi (African Letters) là một cuốn sách tuyệt đẹp. Tôi rất mong đợi những bước tiến tiếp theo của nhà văn này trong tương lai.
Từ Trung Đông
Người được coi là cha đẻ của thơ ca ả Rập hiện đại, Adunis của Syria, khiến cho tôi chú ý nhiều nhất. Ông là một tác giả gắn liền với chính trị, là người đã định hình thơ ca của thế giới ả Rập, đi đầu trong một hiện tượng thơ nổi loạn, phá vỡ các quy tắc và thành lập nên một con đường thơ mới. Mặc dù Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã cố gắng tách rời giá trị văn học với chính trị, nhất là sau khi Tomas Transtr#mer đoạt giải Nobel năm 2011, song, cũng không thể bỏ qua nhà tác giả lớn và sung mãn này. Adunis là một điển hình cho văn học chính trị.
Amos Oz của Israel, người đã giành được giải Franz Kafka hồi đầu năm nay là tác giả thứ hai đến từ Trung Đông. Ông là người có mối liên hệ chặt chẽ với Israel và thế giới ả Rập, đồng thời là người ủng hộ cho ý tưởng hòa giải giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, điều này không nằm trong văn học của ông. Phong cách của Amos là hiện thực trào phúng với một giọng điệu mỉa mai, châm biếm nhẹ.
Từ Châu á và tiểu lục địa Ấn Độ
Tác giả đầu tiên mà tôi chú ý tới tại khu vực này là Ko Un, một nhà thơ người Hàn Quốc, thường được nhắc đến như một nhà thơ Thiền. Ko Un được coi là hiện thân của triết lý Phương Đông. Điều này cũng không có gì đặc biệt, vì Ko Un vốn là một nhà sư Phật giáo. Tác phẩm được chú ý nhất của nhà thơ này là Vạn kiếp sống (Ten Thousand Lives). Tác phẩm của Ko Un là những triết lý về cuộc sống và nỗi buồn bởi sự chia cắt hai miền cũng như sự đối đầu liên miên giữa Nam Hàn và Bắc Hàn. Ngoài việc sáng tác thơ, Ko Un còn viết tự truyện, tiểu thuyết, du ký, tiểu luận, kịch và dịch thuật. Tuy nhiên, chúng không nổi tiếng như thơ của ông, cho nên, người ta chủ yếu biết đến Ko Un như một nhà thơ. Ngoài ra, tôi còn chú ý tới một tác giả người Hàn Quốc khác, đó là Oh Jung Hee, một nhà văn nữ, người đã giành được hai giải thưởng văn học là Yi Sang và Dongin.
Từ Nam á, có hai tác giả đáng được chú ý. Đó là Anita Desai và Vijaydan Detha, cả hai đều là nhà văn ấn Độ. Anita Desai là một nhà văn nữ, viết bằng tiếng Anh, được coi là người đã sáng tạo ra thể loại Trữ tình ấn Độ. Còn Vijaydan Detha, ông là một nhà văn nổi tiếng, chuyên về truyện ngắn, viết bằng tiếng Hindi, thường được biết đến như là một “Shakespeare của văn học Rajasthan”. Trong năm 2011, Vijaydan Detha đã được nhắc đến như là một ứng cử viên nặng ký của Nobel Văn học. Tác phẩm của Detha mang âm hưởng của dân gian truyền thống. Tuy nhiên, mới năm ngoái, Mạc Ngôn, một nhà văn Châu á đã giành chiến thắng trong giải Nobel nên năm nay cơ hội cho các nhà văn Châu á cũng ít đi.
Từ Châu Âu
Người đầu tiên được nhắc đến là Yves Bonnefoy, 90 tuổi, là một nhà thơ ưu việt của Pháp. Yves Bonnefoy viết rất sung mãn. Ông có khá nhiều tập thơ, truyện, vô số bài nghiên cứu và tiểu luận về nghệ thuật. Thơ của Bonnefoy theo phong trào siêu thực nhưng lại rất dễ khiến cho người đọc đồng cảm. Người ta nói rằng, thơ của Bonnefoy là hiện thân của công ích.
Tác giả thứ hai là Philippe Jaccottet, đến từ Thụy Sĩ, cũng là một nhà thơ. Ông là người đã dịch các tác phẩm của Rilke, Goethe và Homer sang tiếng Pháp. Thơ của Jaccottet đề cao những vẻ đẹp huyền bí. Năm nay, Jaccottet 80 tuổi. Có vẻ như ông không đủ sức để chiến đấu trong một cuộc chơi nữa.
Tác giả thứ ba là Anita Konkka, đến từ Phần Lan, không mấy nổi tiếng đối với độc giả tiếng Anh. Anita chỉ có một cuốn sách được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, cô được xếp vào trong tuyển tập những tác phẩm Châu Âu xuất sắc nhất năm 2011. Anita viết nhiều về những giấc mơ và sự vỡ mộng, được coi là một nhà tâm lý của tình yêu và các mối quan hệ yêu đương.
Tác giả đến từ Hungary là Peter Nadas. Hiện nay, văn học Hungary đang được coi là một ngôi sao mới nổi ở Đông Âu và Nadas là một tác giả quan trọng, tiêu biểu cho những đổi mới. Tác phẩm ấn tượng nhất của Nadas là Cuốn sách của những ký ức (A Book of Memories). Bên cạnh đó còn có Những câu chuyện song song (Parallel Stories). Nadas là người dành rất nhiều thời gian để hoàn thành một tác phẩm. Ông làm việc nhiệt tình, sáng tạo và vô cùng nghiêm túc. Một tác giả nữa đến từ Ngôi sao Đông Âu là László Krasznahorkai, nổi tiếng với ngôn ngữ Hungary, bậc thầy của các câu chuyện dài dòng.
Từ Hy Lạp, đất nước đã hai lần đoạt giải Nobel và người đoạt giải đều là nhà thơ, là Ersi Sotiropoulos, một người không mấy nổi tiếng với người đọc tiếng Anh. Mặc dù vậy, Sotiropoulos vẫn là một nữ tác giả nổi tiếng nhất đất nước Hy Lạp. Cô cũng là nhà văn đầu tiên giành được cả hai giải thưởng văn học uy tín nhất của Hy Lạp là National Book và Book Critics. Phong cách của Sotiropoulos là ngay thẳng, trần trụi và triết lý sâu sắc, cho dù là trong thơ, truyện ngắn hay trong tiểu thuyết. Nữ nhà thơ thứ hai đến từ Hy Lạp là Kiki Dimoula, người được xem là nhà thơ quan trọng nhất của đất nước này. Tác phẩm của Dimoula điển hình bởi sự hư vô. Nó là một cái gì đó đi từ sự phai mờ của hiện thực đến sự quên lãng và cuối cùng là sự đón đợi của hư vô.
Nobel năm nay cũng đón một “người khổng lồ” của văn học Bỉ, Leonard Nolens, người nổi tiếng với thể loại baroque. Tác phẩm của Nolens bị ám ảnh bởi mong muốn thoát ly khỏi bản sắc, hấp dẫn người đọc bởi sự bấp bênh cũng như những suy nghĩ sâu sắc của nó. Bộ sưu tập mới nhất của ông là, Hãy nói với những đứa trẻ rằng chúng ta không tốt (Tell The Children We’re No Good)
Từ Tây Ba Nha, chúng ta được gặp gỡ với Javier Marias, một trong những nhà văn được yêu thích nhất tại đất nước này. Tác phẩm của Marias theo phong cách hiện thực chủ nghĩa xã hội, đánh thức suy nghĩ của người đọc.
Chúng ta cũng được tiếp cận với Olga Tokarczuk, một tiểu thuyết gia nữ người Ba Lan, tác giả được biết đến với “ý thức bị phân mảnh”. Tác phẩm của Olga là sự trộn lẫn giữa thần thoại, siêu nhiên và sự siêu hình, tạo nên một tấm thảm đa dạng, đầy màu sắc về con người và cuộc sống của con người. Hai tiểu thuyết đáng chú ý của bà là Nguyên sinh và các thời đại khác (Primeval and Other Times) và Nhà của ban ngày, Nhà của ban đêm (House of Day, House of Night).
Tác giả cuối cùng của Châu Âu là Adam Zagajewski, đến từ Ba Lan, tác giả của Giải thưởng Neustadt 2004. Zagajewsk là một nhà thơ hiện đại xuất sắc, thường được đặt cạnh Czeslaw Milosz và Wis#awa Szymborska, hai tác giả người Ba Lan đã từng đoạt giải Nobel văn học. Zagajewski là một nhà thơ phản kháng, thường viết về các chủ đề lịch sử và đời sống hiện thực.
Từ Nam và Trung Mỹ
Đầu tiên là Rodrigo Rey Rosa, nhà văn của Guatemala, nổi tiếng với các tác phẩm du ký. Tác phẩm của Rosa xoay quanh những huyền thoại của vùng Bắc Phi cũng như những huyền thoại địa phương Nam và Trung Mỹ.
Tác giả tiếp theo là Eduardo Galeano của Uruguay, hiện đang là nhà văn đồng thời là nhà báo được chú ý nhất tại Uruguay. Tác phẩm của Galeano thể hiện một mối quan tâm sâu sắc đến lịch sử Mỹ Latin.
Người cuối cùng đến với Nobel 2013 từ khu vực này là Dalton Trevisan của Brazil, nổi tiếng với các truyện ngắn thông tục và những lời bàn luận về cuộc sống phân biệt đẳng cấp tại Curitiba. Tác phẩm của Trevisan vô cùng tinh tế, sâu sắc, đã được dịch sang tiếng Anh khá nhiều. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là Ma cà rồng Curitiba (The Vampire of Curitiba), tác phẩm đượm màu sắc bạo lực đã được chuyển thể thành các phiên bản phim truyền hình nổi tiếng.
Từ Châu úc và Châu Đại Dương
Chỉ có một tác giả được ghi danh, đó là Gerald Murnane của úc, một nhà văn ẩn dật. Tác phẩm của Murnane được điển hình bằng cấu trúc cú pháp kỳ lạ và thú vị với rất nhiều câu cực dài. Về cơ bản, những trang viết của Murnane là khó hiểu nhưng lại có một sức hấp dẫn ma mị. Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng nhưng tác phẩm của Murnane lại khiến người đọc trên cả thế giới bị cuốn hút. Hiện nay, Murnane là tác giả người úc được đọc nhiều nhất trong tiếng Anh.
Tôi còn muốn đề cập đến hai tác giả văn học khác, đầu tiên là Alice Munro của Canada, một ứng cử viên lâu năm của Nobel văn học. Các câu chuyện của Munro được đặc trưng bởi sự sâu sắc, xoay quanh các vấn đề xung đột gia đình và đạo đức trong những thị trấn nhỏ. Người thứ hai tôi muốn nhắc tới là William Trevor của Ireland, tác giả được xem là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ngoài việc viết văn, William Trevor còn là một nhà viết kịch tài năng. Tác phẩm của ông tinh vi và phức tạp từ đề tài đến phong cách cũng như các phương pháp giải quyết tình huống.
Đến bây giờ thì tôi có thể nói rằng, bạn đang có trong tay danh sách những tác giả của Nobel 2013. Hãy thử dự đoán và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy vào tháng Mười năm nay, khi người chiến thắng cuối cùng được xướng tên.
Thi Vũ (Lược dịch theo Morose-mary.blogspot.com)
VĂN NGHỆ TRẺ