Một năm mới đã đến, không chỉ văn học mà nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác đều đứng trước cơ hội và thách thức. Câu chuyện “Dự cảm về văn chương 2017” là chủ đề Báo điện tử Tổ Quốc lựa chọn trong ngày đầu xuân với nhà văn Bùi Việt Thắng. 


Nhà văn Bùi Việt Thắng

– Tại Hội nghị Văn học 2016 được tổ chức vào cuối năm 2016, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN)- nhà thơ Hữu Thỉnh- đã thông tin về nguồn ngân sách hỗ trợ sáng tác cắt giảm chỉ còn một nửa so với mọi năm. Cùng với đó, gánh nặng không thu được hội phí từ hội viên, trong khi hội vẫn cấp miễn phí một số đầu báo, tạp chí cho hội viên diễn ra nhiều năm qua dẫn đến gánh nặng nợ nần của HNVVN. Là hội viên HNVVN, khi đón nhận thông tin này, nhà văn có suy nghĩ gì?

+ Tôi thấy bình thường. Vì sao? Vì chúng ta quen bảo an, bảo toàn, bảo mạng. Đó là di chứng của thời bao cấp. Chúng ta sợ đột biến, thay đổi. Sợ phải đối diện với sự thật, dẫu cho “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Hội Nhà văn không nên là “con nợ” của hơn 1.000 hội viên (nói chính xác là 1.143 hội viên, tính đến tháng 01-2017). Một số lượng “khủng”. Trong khi chất lượng hội viên thì có vấn đề đáng báo động. Con số 6 triệu đồng thu hội phí một năm là con số không thực tế. Tôi đề nghị Ban chấp hành HNVVN, từ nay, khai trừ khỏi HNVVN những hội viên 3 năm (hoặc 5 năm?) liền không đóng hội phí. Tại sao không? HNVVN không phải, không nên là một “hội hè”. Đây là một hội chính trị – xã hội – nghề ngiệp đã có 60 năm truyền thống (tính từ 1957). Đã có thành tựu đáng tự hào.

– Có ý kiến cho rằng, việc cắt giảm kinh phí hoạt động của HNVVN sẽ khiến các hoạt động văn học “co lại”, theo nhà văn thì ý kiến này đúng hay sai?

+ Ý kiến đó sai hoàn toàn. Nó thuộc về những người bảo thủ, lười suy nghĩ, lười lao động nghệ thuật. Trong mười ngàn ngày chiến tranh (1945-1975) có nhà văn nào được cấp tiền, sao sáng tác vẫn cứ nở rộ, vẫn cứ để lại nhiều văn sản? Chúng ta ở đầu thế kỷ XXI mà vẫn chưa quen với quy luật cạnh tranh và đào thải của thị trường thì khác gì “người trong bao”? Sợ rằng Nhà nước “thả nổi” thì văn chương sẽ teo tóp? Đó là ý nghĩ của những người luôn luôn bị động. Cách nay 30 năm bỏ bao cấp (bỏ sổ gạo, phiếu vải, phiếu dầu…). Ban đầu ai cũng lo lắng. Nhưng nay thì cứ gạo ngon gọi đến tận cửa. Quần áo thì diện ngất trời. Rồi thì “người xe như nước, áo quần như nêm”. Rõ là đàng hoàng. Bây giờ thì khối người sợ trở lại thời bao cấp đấy! Theo tôi cứ thả nổi, ai giỏi thì sẽ đứng vững, ai không tự tiến lên cho bằng chị bằng em sẽ bị đào thải tự nhiên. Khi đó tự khắc họ sẽ tìm việc khác để làm. Đừng có “dính dáng” với văn chương, một lĩnh vực không phải để lấy làm hách với thiên hạ. Nói như ai đó là nên “đi chỗ khác chơi”!?

– Những sự kiện văn học luôn được cho là hoạt động bề nổi của văn học, vậy theo ông những hoạt động bề nổi này giúp ích gì cho văn học và có cần thiết cho văn học không?

+ Không nên phân biệt “bề nổi” với “bề chìm” trong đời sống cũng như trong văn chương, như các nhân vật của công chúng đi làm từ thiện mùa bão lũ vừa qua, nhiều người đã không ủng hộ, không chia sẻ lại còn “ném đá” họ, thật cạn tình!. Ví như Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ lần thứ 9 vừa qua (9-2016) tổ chức tại Thủ đô, tôi thấy rất cần thiết để tập hợp và biểu dương lực lượng trẻ, thì có người vẫn cứ nói lấy được, cho đó là bề nổi. Nổi hay chìm là do nhãn quan của mỗi người. Nhưng cái đúng thì của muôn người. Đến Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 (7-2015), một đại hội đại biểu, nên những người không được tham dự liền lên tiếng – đại hội là bề nổi. Đúng là “miệng dân gian như làn sóng biển”. Bây giờ thì tôi gọi đó là tâm lý đám đông. Đó là cái thói nói cho sướng miệng. Rồi là các trại sáng tác. Cũng có người “ngứa ngáy” gọi là bề nổi, tốn tiền thuế của dân. Rồi là Giải thưởng thường niên. Rồi là nhiều hoạt động khác cứ gán cho chúng là bề nổi. Thật oan như oan Thị Kính! Nên nhớ dân gian đã tổng kết là phải “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” mới nên tấm nên món được!

Đời sống văn chương, theo tôi, cũng như một sinh thể sống vậy. Nó cần rất nhiều những hoạt động khác nhau, khi thì nổi, khi thì chìm. Khi thì thăng, khi thì trầm. Khi thì bội thu, khi thì thất bát. Nói tóm lại là cần có đầu việc. Còn kết quả đến đâu thì có lẽ do “nhân định không bằng trời định”!?

– Lâu nay chúng ta vẫn mặc định, đã là nhà văn thì việc quan trọng nhất là viết như thế nào để có tác phẩm hay. Nhưng chuyện “Cơm áo không đùa với khách thơ” vẫn là chuyện muôn thủa, nhà văn vẫn phải mưu sinh, đối mặt với cơm áo gạo tiền và vẫn phải sáng tác đáp ứng kỳ vọng của công chúng. Thực tế, không phải nhà văn nào viết hay cũng làm kinh tế giỏi, quản lý giỏi. Vậy, việc Hội nhà văn bị cắt giảm kinh phí có lẽ là bài toán buộc những người lãnh đạo đương nhiệm phải nhìn lại và có những tính toán khác, theo ông đây có phải là sự “làm khó” cho nhà văn không?

+ Tôi nghĩ ít khi có những kiệt tác thuộc về những nhà văn no đủ, phú quý. Tôi biết có nhiều nhà văn có nhà lầu, ô tô, tiền gửi ngân hàng. Nhưng họ không thuộc số những tên tuổi làm nên văn chương Việt hôm nay. Tôi thấy nhiều nhà văn nuôi lợn, làm đủ nghề cực nhọc mưu sinh mà văn chương của họ vẫn cứ ngời ngời (Nguyễn Xuân Khánh là một ví dụ sinh động). Dĩ nhiên là “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng cơm áo ngày nay đâu còn là chuyện “tồn tại hay không tồn tại” với nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp viết được những cái hay nhất khi đang rất nghèo đói. Còn bây giờ đã không còn lo chạy bữa, lại có thể đủng đỉnh vì nhuận bút trong và ngoài nước không thể nói là ít, lại thấy ông không viết được cái gì vượt được Tướng về hưu. Thế đấy! Hoạt động sáng tạo thường khi không tỷ lệ thuận với điều kiện vật chất. Cái chúng ta thiếu không phải là các điều kiện vật chất. Cái chúng ta thiếu là những tài năng trong lĩnh vực sáng tạo văn chương. Chao ôi! Nhân tài như lá mùa thu. Bao giờ cho đến… ngày xưa? Nhà văn chúng ta còn thiếu rất nhiều tinh thần “tiên trách kỷ hậu trách nhân”!

– Bên cạnh những khó khăn, thách thức dành cho giới văn chương năm tới, trong thư ngỏ, nhà văn Văn Chinh – Thư ký tòa soạn tạp chí Nhà văn và Tác phẩm có viết: “Nhưng cũng là vui. Vì từ nay hay dở tại mình, lại cũng vì có câu “bĩ cực rồi mới thái lai”; phải tự mình bơi giữa dòng nước xiết, chứ không còn bơi bằng “phao bơi” nữa; sẽ biết ai mới thực là người biết bơi”. Liệu đây có phải tín hiệu “lạc quan” hứa hẹn văn chương sẽ phải nhìn lại, thay đổi và đặt chất lượng lên hàng đầu không thưa nhà văn?

+ Tôi đã đọc bài của nhà văn Văn Chinh. Phải nói là trung thực với mình và với người. Thêm vào là tâm huyết. Và có vẻ như muốn kêu gọi mọi người hiến kế để kiến thiết một nền văn chương mới. Một nền văn chương tự lực, tự cường, đứng lên từ đôi chân của mình. Không thể dựa/ỷ lại vào “bầu sữa” Nhà nước mãi. Nếu cứ thế thì rồi chỉ có thể trở thành “cậu ấm cô chiêu” cũng nên! Tôi nghĩ, năm 2017 là một năm bản lề của xã hội nói chung, văn chương nói riêng. Có lẽ chúng ta phải tỉnh dậy sau cú ngủ dài trên nệm ấm giường êm trong vai một “nhà văn công chức”. Cái sự lười cố hữu của chúng ta là vì thói dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ, thói “Đại Lãn chờ sung” thâm căn cố đế. Tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cách nay 30 năm (1987), đại ý “Hãy tự cứu lấy mình trước khi Trời cứu”.

– Là một người thường xuyên theo dõi các sự kiện cũng như chuyển động của văn học, nhà văn có thể chia sẻ “dự cảm” văn học 2017?

+ Dự cảm của một người đôi khi có phần không “khớp” với số đông. Nhưng chị đã nêu câu hỏi thì tôi xin được chia sẻ. Trước hết, nhìn vào danh sách hội viên mới được kết nạp vào HNVVN năm nay (công bố trên website Vanvn.net, ngày 11-01-2017), tôi thấy lực lượng trẻ xuất hiện như một tín hiệu vui (xin nêu một số tên như Lữ Thị Mai, Phan Tuấn Anh, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Thị Minh Thương, Đoàn Minh Tâm, Đào Quốc Minh, Văn Thành Lê…). Lại nhớ, năm 2015, trong số các hội viên mới được kết nạp, có nữ nhà văn Phạm Phú Uyên Châu (sinh năm 1991), giảng viên Đại học Huế, ngành Ngữ văn, viết văn với bút danh Meggie Phạm (chị là kiều nữ của nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong). Trong tuần tới, tại khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) và Trung tâm Văn hóa Pháp (tại Hà Nội), sẽ tổ chức giới thiệu tiểu thuyết đầu tay của một cây bút “mới toanh” – Huỳnh Trọng Khang (sinh 1994, tốt nghiệp Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG/TP-HCM). Tiểu thuyết có nhan đề “hót”, có thể gây hấn cảm xúc – Mộ phần tuổi trẻ (NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản và phát hành với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2016). Anh hoàn thành cuốn tiểu thuyết này năm 2014, lúc 20 tuổi, nhưng sau hai năm mới ra mắt được. Trẻ thế mà viết hay về cuộc chiến cách nay hơn 40 năm. Đáng “ngạc nhiên chưa?”!

Vài dẫn dụ như thế để thấy ló rạng một giàn các cây bút trẻ có thể đem lại sinh khí mới cho văn chương Việt hôm nay. Năm 2017 và các năm sau đó văn đàn Việt có “xôm trò” hay không là nhờ các cây bút trẻ (8X, 9X). Và văn xuôi vẫn là “mặt tiền” của văn chương Việt. Thơ Việt thì còn quanh co, khúc khuỷu, gắng sức trên con đường thiên lý. Thơ đi về đâu vẫn là câu hỏi thường trực. Lý luận phê bình khó có đột biến, khó có thành tựu vì rất nhiều lí do bất khả kháng. Dịch thuật thì đang mênh mang bể Sở như lạc vào mê cung vì sự thẩm định các giá trị văn hóa ngoài biên giới rất khó khăn (có khi cái người ta bỏ đi rồi mình mới “bê” về).

Năm 2017, với văn chương một năm thì khó có thể có chỉ số tăng trưởng như lĩnh vực kinh tế. Thời gian 365 ngày chưa đủ điều kiện để hi vọng vào một cuộc bứt phá của văn chương. Nhưng nói về dự cảm 2017 thì phải gắn với trung đoạn 5 năm tới, may mắn ra văn chương Việt sẽ qua một cuộc “trở dạ”. Rồi sẽ có hình hài mới. Nhưng đôi khi phải kiên nhẫn chờ đợi. Bởi chờ đợi có thể là một niềm vui, lớn hơn có thể là hạnh phúc. Không biết tôi có nói quá?!

– Bản thân ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông có đóng góp ý kiến gì cho Hội để có thể khiến bức tranh văn học khởi sắc trong năm 2017?

+ Tôi xin góp mấy ý kiến nhỏ. Một là, cần siết chặt “đầu vào” của Hội. Có những năm kết nạp gần 50 hội viên mới thì làm sao đảm bảo chất lượng (năm nay, 2017, chặt chẽ thì cũng đến 28 hội viên mới, sao nước ta nhiều nhà văn thế?!). Có vào thì phải có ra. Hội viên nào “chểnh mảng” sáng tác (sau 10 năm không có tác phẩm mới thì gọi là nhà gì?), cũng nên tự nguyện “từ chức”. Cần phải xây dựng văn hóa từ chức. Đấy cũng là một cách tinh giản để chọn lọc tinh hoa. Hai là: Một BCH dẫu có giỏi bằng giời thì cũng không thúc đẩy được sáng tác. Vì sáng tác là thuộc phạm trù cá nhân. Vì thế mà BCH cần là bộ chỉ huy liên tài (phát hiện tài năng, chăm sóc tài năng, nhân rộng tài năng, bảo vệ tài năng). Nhiệm vụ này, theo tôi, xem ra rất khó khăn. Ba là: Hội NVVN cần bình tĩnh đừng lo từ nay các nhà văn sẽ như thể bị “đem con bỏ chợ” khi kinh phí Nhà nước cấp cho năm 2017 (và có thể các năm tiếp theo) chỉ còn một nửa của mọi năm. Cứ thử để nhà văn “tự bơi” xem sự thể đến đâu. Hãy tập tự lập, tự chủ, rồi sẽ đến lúc có tự tin, tự tại và tự hào. Đừng lo Trời đổ. Trời không bao giờ đổ được đâu!

* Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Bùi Việt Thắng về cuộc đối thoại lí thú và bổ ích này./.

Hiền Nguyễn (thực hiện) – Tổ Quốc