Nhà văn Israel diễn tả sự cô đơn trong mỗi cá nhân, cảm giác chông chênh khi yêu, hoặc sự nhẫn tâm của con người bằng giọng văn châm biếm.
Tên sách: Đột nhiên có tiếng gõ cửa
Tác giả: Etgar Keret
NXB Lao Động
Đột nhiên có tiếng gõ cửa là cuốn sách thứ sáu của tác giả người Israel Etgar Keret. Tác phẩm vừa được dịch sang tiếng Việt. Với những bạn đọc tò mò về nền văn học Israel đương đại, vốn còn khá mới lạ trên kệ sách trong nước, cuốn sách mang đến nhiều góc nhìn thú vị.
Sách gồm 37 truyện ngắn, hoặc rất ngắn. Nhà văn kể lại các diễn biến và kết thúc từng truyện theo lối viết lập dị, phóng khoáng, không câu nệ vào thực tại mà đôi khi mang màu sắc huyễn hoặc. Nhưng gốc rễ của thực tại vẫn bám chắc trong từng truyện. Đọc và ngẫm kỹ, độc giả có thể nhận ra, đó là những điều xảy ra hàng ngày xung quanh cuộc sống của mình.
Bìa cuốn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa”.
Mở trang sách, độc giả có cảm giác bước chân vào một phòng triển lãm trừu tượng với đủ sắc thái. Đôi khi, để chạm tới ý nghĩa của truyện, độc giả không phải cố tìm hiểu liệu chúng ẩn chứa ý nghĩa đạo đức hay triết lý gì. Mà đơn giản, họ chỉ cần để cảm xúc hòa vào truyện với những nỗi vui buồn rất đời. Có những truyện mang cái kết trọn vẹn, nhưng cũng có truyện đọc đến dòng cuối, người ta bật lên câu hỏi: “Hết truyện rồi sao? Chỉ có vậy thôi ư?”. Những cái kết lửng lơ gợi cho người đọc sự ngẫm nghĩ và dấn thân thêm vào tình huống của nhân vật.
Ngay từ truyện ngắn đầu tiên Đột nhiên có tiếng gõ cửa (được chọn làm tên sách), Etgar ngầm nhắn nhủ: khi thưởng thức truyện của ông, đôi khi, độc giả cần thoát khỏi thực tại mới cảm được hết.
Etgar Keret kể về những thói kỳ lạ, mặt tối hay suy nghĩ khác thường của con người. Trong Cheesus Christ, ông dẫn dắt tình tiết theo kiểu “sơ đồ tư duy”. Lúc kể nhân vật này, nhà văn còn dẫn giải những nhân vật chen ngang khác, sau đó quay lại nhân vật ban đầu. Một chi tiết gợi cảm xúc về tình cảm con người là hình ảnh người khách lạ nói với cô nhân viên cửa hàng: “Nắm lấy tay tôi, và đừng buông, dù có chuyện gì xảy ra”, trong khi: “sự sống đang chảy khỏi người anh ta như chocolat sữa tuôn ra từ một hộp giấy bị chọc thủng”. Cô gái đã “nắm lấy bàn tay đẫm mồ hôi của anh ta cho tới khi anh ta chết”.
Hay như trong truyện Bầm tím, mở đầu và kết thúc là câu: “Một số người rơi từ tầng ba một tòa nhà và cuối cùng chẳng bị gì ngoài vết bầm tím sau lưng. Trong khi có người chỉ bước sai một bước khi xuống cầu thang và kết quả là một chân bị bó buộc”. Truyện kể về một đôi trai gái vô tình gặp nhau, họ có thể yêu nhau hoặc không. Anh chàng người Mỹ đã có bạn gái kia có thể yêu cô, hay có thể lợi dụng cô. Còn cô gái người Israel có thể chỉ coi anh là một trải nghiệm hay cũng có thể yêu anh. Đó là một thứ tình cảm mơ hồ, chông chênh và cả hai đều ý thức rất rõ họ chẳng thể ở bên nhau được.
Tập sách không chỉ có sắc thái buồn, lạc lõng, mà nhiều lúc vẫn đem đến cho độc giả nụ cười, dẫu đó là tiếng cười có dư vị đau xót. Trong truyện Chọn một màu, mỗi nhân vật đều chỉ mang một màu sắc. “Một người da đen chuyển tới một khu da đen. Anh ta có một ngôi nhà đen với một cái cổng đen…”. Tất cả những gì thuộc về anh ta đều có màu đen, tương tự cô y tá da trắng hay ông mục sư da vàng. Sự hài hước khởi nguồn từ nghịch lý trong suy nghĩ của con người. Khi anh da đen gặp bất hạnh, anh ta nguyền rủa nhục mạ Chúa đến nỗi Chúa thấy bị xúc phạm. Ngài liền giáng trần xuất hiện trước anh da đen và ông mục sư da vàng. Và khi xuất hiện trước họ, Chúa là người ngồi trên xe lăn đang buồn rầu bởi cũng từng mất đi người yêu thương nhất. Rốt cuộc, ngay cả Chúa cũng đồng cảnh ngộ với các đứa con của Ngài.
Với lối viết vừa hài hước, châm biếm vừa cay đắng, Etgar Keret đạt được những thành công trong thể loại truyện ngắn, chạm được vào cảm xúc con người. Ông không cố tình đặt vào tác phẩm của mình một chuẩn mực đạo đức nào, chẳng hạn khi viết truyện về ngoại tình, ông rất thản nhiên, không mang chút gánh nặng, cắn rứt lương tâm. Nhưng sau cuối, ông hy vọng tác phẩm của mình khiến người ta muốn sống tốt đẹp hơn.
Theo Phạm Thanh Mai (Vnexpress)