Phedor Mikhailovitr Dostoevski sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821 tại Moskva trong một gia đình nghèo khó. Bố ông là bác sĩ quân y, có tính cách độc đoán khắc nghiệt khiến tuổi trẻ của ông chẳng có mấy niềm vui. Mẹ ông là một người hiền hậu, thông minh, có tâm hồn phong phú, say mê tiểu thuyết. Bà chết vì bệnh khi Dostoevski mới 16 tuổi. Từ nhỏ Dostoevski đã say mê văn học, ham đọc sách và thường xuyên tiếp xúc với những cảnh đời đau khổ, nhục nhã, cùng cực. Chính hoàn cảnh sống đó đã làm nảy sinh trong nhà văn tương lai nỗi đồng cảm, xót thương, cảm phục với những thân phận bị hắt hủi.

Nhà văn Dostoevski

Sau khi mẹ mất, Dostoevski vào học tại Học viện kỹ thuật quân sự theo lệnh của bố, mặc dầu ông không thích học trường này. Tốt nghiệp ra làm kỹ sư bản đồ chưa đầy một năm, Dostoevski cảm thấy chán nghề nên quyết định xin thôi việc để theo nghiệp văn chương. Tác phẩm đầu tay của Dostoevski là truyện vừa Những kẻ đáng thương (1845). Với tác phẩm này, nhà văn đã mở ra một trang mới trong lịch sử văn học Nga. Nhà phê bình Nga Biêlinxki đã nói với Dostoevski rằng: “Anh sẽ trở thành một nhà văn vĩ đại”.

Dostoevski muốn thay đổi hiện trạng xã hội vì thế ông tham gia nhóm Peetrashevski – một nhóm xã hội cấp tiến. Năm 1848, nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra ở châu Âu. Nga hoàng ra lệnh khủng phố nhóm xã hội trên, Dostoevski bị bắt. Ông bị kết án tử hình nhưng sau được giảm án, chỉ bị lưu đày và làm quân dịch trong hơn 10 năm. Mặc dù thể chất bị tàn tạ nhưng Dostoevski vẫn không nản chí theo đuổi sự nghiệp văn chương. Chính thời gian này ông đã viết cuốn Bút ký ở nhà chết (1861), một cuốn sách lớn đầu tiên nói lên sự thật về chế độ nhà tù khổ sai hà khắc ở nước Nga Sa hoàng.

Mãn hạn quân dịch ông trở về Peterbourg và sống cuộc đời túng quẫn, khổ cực. Năm năm sau, Dostoevski cho ra đời cuốn tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt (1865-1866), một kiệt tác hoàn chỉnh và sâu sắc nhất đề cập đến nhiều số phận khác nhau đã làm rung động độc giả trên khắp thế giới. Song tiếng tăm và vinh quanh vẫn không cứu được Dos khỏi thảm kịch của đời tư và sự nghèo đói, thỉnh thoảng cơn động kinh lại trỗi dậy hành hạ ông.

Sau cái chết của người vợ thứ nhất, ông kết hôn với cô thư ký riêng của mình, trẻ hơn ông tới 26 tuổi. Nhiều lần để trốn chủ nợ, vợ chồng nhà văn phải phiêu bạt sang Đức, Pháp, Anh, Ý sống vất vưởng. Đứa con gái đầu sinh ra chỉ sống được vài ngày. Ông đau khổ gần như phát điên. Về sau bệnh động kinh của ông ngày càng nặng thêm. Cuộc sống cùng quẫn đẩy ông dấn sâu vào cờ bạc ăn tiền… và đêm đêm phải thức để viết sách gửi về Nga in. Bị các nhà xuất bản lừa, bị các chủ nợ đe dọa phải ngồi tù trở lại, nhưng ông vẫn sống, vẫn đấu tranh với bệnh tật, hoàn cảnh và làm việc sáng tạo… Sau khi viết xong tập 1 và chuẩn bị triển khai tập 2 bộ tiểu thuyết Anh em nhà Caramazov thì do bị dày vò bởi nhiều bất hạnh, khổ đau, Dostoevski đã không chịu đựng nổi nữa, ông đã bất ngờ ra đi vào ngày 28 tháng Giêng năm 1881, giữa lúc tài năng của nhà văn đang nở rộ và đạt đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn học!

Di sản văn học ông để lại cho hậu thế thật đáng nể. Tổng tập trước tác lên tới 30 cuốn, với hàng chục ngàn trang sách in. Trong đó có nhiều tác phẩm được xếp vào hạng kiệt tác của văn chương nhân loại như: Tội ác và trừng phạt (1865-1866), Gã khờ (1867-1868), Lũ người quỷ ám (1871-1872), Anh em nhà Karamazov (1878-1880), v.v…

Khi Dostoevski mới xuất hiện trên văn đàn thì giới phê bình Pháp mà tiêu biểu là Vogue chê văn của Dostoevski là kém, nặng nề, lê thê, đọc rất chán. Nhưng sang đầu thế kỷ XX, danh tiếng của ông ngày càng tăng tiến, lấn lướt cả L. Tolstoi và Tougueniev. Có người nói, hai văn hào này chỉ có tài, còn đáng được gọi là thiên tài thì nước Nga thời đó chỉ có Dostoevski mà thôi. Người ta xếp ông ngang hàng với Shakespeare của Anh.

Khi đọc kịch của Shakespeare và tiểu thuyết của Dostoevski độc giả mới gặp ở đây những tính cách mãnh liệt phi thường, những tâm hồn đau khổ và thành thực một cách đáng sợ, những thắc mắc u uẩn của nội tâm mà không ai tả nổi hoặc không có gan mô tả, một bút pháp mới mẻ kỳ dị, vượt hẳn các quy tắc, tới cái mức gần như cuồng loạn. Người ta còn cho rằng, hơn cả Shakespeare, Tolstoi, Dostoevski đã nêu được trong tác phẩm của mình vấn đề hoang mang về chính trị, xã hội và tôn giáo của nhân loại thời bấy giờ. Henri Troyat trong cuốn Dostoevski (1940) nhận xét: “Đọc xong Anh em nhà Karamazov… chúng ta thành những con người khác trước. Trước kia chúng ta tưởng mình đã cắm rễ sâu trong một thế giới già cỗi mấy ngàn năm mà những luật khoa học, những lễ giáo, tập tục xã hội là thiêng liêng, bất di bất dịch. Và thình lình, cảnh trí nghiêng ngả hết, đất sụt dưới chân ta. Chung quanh chúng ta toàn là vực thẳm”.

Henri Troyat đã nhận xét chính xác! Dostoevski thật xứng danh “thiên tài văn học” của nhân loại, mặc dù ông không được tặng giải thưởng Nobel như một số thiên tài văn học khác…

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Anh Tuấn (Chủ biên): “101 vẻ đẹp văn chương Việt Nam & Thế giới”, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2006.

2. Nguyễn Hiến Lê: “Gương chiến đấu”, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003.

3. F. Doxtoevxki: “Anh em nhà Caramazov”, Nxb Văn học, 2011.

4. “Từ điển Văn học (Bộ mới)”, Nxb Thế giới, 2004.

Nguồn: yume.vn