Doris Lessing là một tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn, nhà thơ, nhà biên kịch, người viết tiểu sử và một nhà hoạt động vì tự do người Anh từng đoạt giải Nobel. Bà đã viết rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và luận văn về đề tài cuộc sống đương đại và thường hướng đến sự phản ánh công lý trong xã hội.

Doris Lessing tên thật là Doris May Tayler. Bà sinh vào ngày 22/10/1919 tại Ba Tư (nay là Iran) với bố mẹ đều là người Anh. Cha bà bị thương trong Thế chiến thứ nhất và làm nhân viên trong Ngân hàng Hoàng gia Ba Tư còn mẹ bà là một y tá. Năm 1925, bị cám dỗ bởi tương lai giàu có nhờ việc đồng áng, gia đình bà chuyển đến miền thuộc địa của Anh ở Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe). Mẹ của Doris thích nghi khá tốt với môi trường mới bằng cách cố gắng vượt qua khó khăn và hăng hái sản xuất như một người phụ nữ đức hạnh giữa chốn hoang vu nhưng cha bà thì không như vậy, hàng ngàn mẫu bụi cây ông mua đã không đem lại mùa màng bội thụ như mong muốn.

Nhà văn Doris Lessing thời trẻ

Lessing đã miêu tả thời thơ ấu của mình giống như một sự pha trộn không cân bằng của một vài niềm vui và vô số những nỗi đau. Thế giới tự nhiên nơi bà khám phá cùng cậu em trai Harry là nơi để bà lẩn tránh sự tồn tại bất hạnh. Mẹ bà bị ám ảnh với việc phải dạy dỗ cô con gái thật đúng mực nên đã cho thực thi một hệ thống các quy tắc cứng nhắc ở nhà, rồi lại gửi Doris vào một trường học tu viện, nơi các nữ tu sợ hãi trách nhiệm với những câu chuyện về địa ngục và nguyền rủa. Lessing sau đó đã được gửi đến một trường trung học dành cho nữ sinh tại thủ đô Salisbury, tại đó bà nhanh chóng bỏ học. Năm mười ba tuổi, bà chính thức chấm dứt sự giáo dục nghiêm khắc dành cho mình.

Nhưng cũng giống như một vài nữ nhà văn ở miền nam châu Phi đã không tốt nghiệp trung học (như Olive Schreiner và Nadine Gordimer), Lessing đã tự giúp mình thành một trí thức nhờ tự học. Gần đây bà đã nhận xét rằng tuổi thơ không hạnh phúc dường như là để sinh ra những nhà văn viễn tưởng. “Vâng, tôi cho rằng đó là sự thật. Mặc dù điều đó cũng không rõ ràng đối với tôi khi ấy. Tất nhiên, khi ấy tôi đã không suy nghĩ về ý nghĩa của việc trở thành một nhà văn. Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ cách thoát khỏi cuộc sống đó” – bà Lessing nói. Những bưu kiện sách đặt từ London đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của bà và mang đến một thế giới khác để bà lẩn trốn bên trong. Những tác phẩm đầu tiên mà Lessing đã đọc có Dickens, Scott, Stevenson, Kipling. Sau đó, bà phát hiện ra DH Lawrence, Stendhal, Tolstoy, Dostoevsky. Những câu chuyện đọc trước khi đi ngủ cũng nuôi dưỡng tuổi trẻ của bà. Mẹ bà đã kể những câu chuyện cho các con và chính Doris đã khiến cho cậu em luôn tỉnh như sáo bằng những lời chen ngang ngoại truyện. Trong những năm đầu đời, Doris đã có thời gian để lắng đọng những hồi ức cay đắng về Thế chiến thứ nhất từ người cha, ông luôn xem chúng như một loại “thuốc độc”. “Tất cả chúng ta đều được tạo ra từ chiến tranh. Quằn quại và méo mó bởi chiến tranh, nhưng chúng ta dường như quên đã quên mất điều đó” – Lessing viết.

Trong chuyến bay từ biệt mẹ, Lessing rời nhà khi bà mười lăm và làm việc như một bảo mẫu. Người chủ của bà đưa những cuốn sách về chính trị và xã hội học cho bà đọc, trong khi người em rể của ông ta lẻn vào giường bà vào buổi đêm và trao cho bà những nụ hôn lạ lùng. Khoảng thời gian đó đối với bà, Lessing đã viết :”như sống trong cơn sốt của những khát khao thể xác”. Thất vọng bởi những ham muốn tội lỗi ngược của chính mình, bà say mê xây dựng những câu chuyện lãng mạn tưởng tượng. Bà cũng viết truyện ngắn, và bán được hai trong số những tác phẩm cho tạp chí tại Nam Phi.

Cuộc đời của Lessing đã là một thách thức đối với niềm tin trong chính bà rằng con người không thể cưỡng lại thời gian, như cách bà đã chiến đấu chống lại những mệnh lệnh bắt buộc về sinh học và văn hóa đã đẩy bà vào vòng xoáy số mệnh của kết hôn và làm mẹ mà chẳng kịp trách than. “Có cả một thế hệ phụ nữ. Và thời đó như thể cuộc đời của họ sẽ chấm dứt ngay khi họ có con. Hầu hết trong số họ đã bị loạn thần kinh. Theo tôi là bởi sự tương phản giữa những gì họ được dạy ở trường với những gì họ có thể làm được và những gì thực sự xảy ra” ” – bà nói về quãng đời làm mẹ của mình. Lessing tin rằng bà đã có cuộc sống tự do hơn so với hầu hết những người khác vì bà đã trở thành một nhà văn. Với bà, viết lách là một quá trình mà ban đầu là “thiết lập từ xa” rồi mang “nguyên liệu thô, từng thứ một, những thứ không được phê phán, không được xem xét vào nơi mà chúng thuộc về trên cả tổng thể”.

Năm 1937, bà chuyển đến Salisbury, nơi bà đã làm công việc điều hành điện thoại trong một năm. Năm mười chín tuổi, bà kết hôn với Frank Wisdom và có hai người con. Một vài năm sau đó, bà cảm thấy bị mắc kẹt trong chính con người hiện tại và lo sợ điều đó sẽ hủy hoại tâm hồn, bà rời bỏ gia đình những vẫn lưu lại Salisbury. Ngay sau đó bà bị thu hút bởi những thành viên có chung sở thích ở Left Book Club, một nhóm những người cộng sản tự gọi mình là “những kẻ đọc tất cả mọi thứ, và những kẻ không nghĩ rằng điều gì đó đáng để đọc”. Gottfried Lessing là thành viên cốt lõi của nhóm, ngay sau khi bà tham gia, họ kết hôn và có một con trai.

Trong những năm hậu chiến tranh, Lessing ngày càng trở nên thất vọng với phong trào cộng sản mà bà đã hoàn toàn rời bỏ vào năm 1954. Đến năm 1949, Lessing chuyển đến London cùng cậu con trai. Cùng năm đó, bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình The Grass Is Singing và bắt đầu nghiệp viết lách như một nhà văn chuyên nghiệp.

Tiểu thuyết của Lessing là những lời tự truyện sâu sắc, phần lớn có được nhờ những trải nghiệm của bà ngày còn ở châu Phi. Dựa trên những ký ức tuổi thơ và mối quan tâm nghiêm túc của bà đối với những vấn đề chính trị và xã hội, Lessing đã viết về sự đụng độ của các nền văn hóa, những bất công tổng thể của bất bình đẳng chủng tộc, cuộc đấu tranh giữa những mặt đối lập trong cá tính của mỗi con người và cuộc xung đột giữa lương tâm cá nhân và một tập hợp những điều tốt đẹp. Những câu chuyện và tiểu thuyết ngắn của bà lấy bối cảnh ở châu Phi được xuất bản trong năm mươi và đầu những năm sáu mươi, công khai chỉ trích sự chiếm đoạt quyền lợi của thực dân da trắng đối với người châu Phi da đen và vạch trần sự vô ích của nền văn hóa da trắng ở Nam Phi. Năm 1956, để đáp trả lại sự thẳng thắn can trường của Lessing, bà được thông báo là người nước ngoài bị cấm xuất hiện ở cả Nam Rhodesia và Nam Phi.

Trong những năm qua, Lessing đã và đang cố gắng để dung hòa những tư tưởng bà ngưỡng mộ trong các tiểu thuyết của thế kỷ 19 – “môi trường hình thành sự phán xét ​​đạo đức” – với nhu cầu ý tưởng của thế kỷ 20 về ý thức và thời gian. Sau khi viết loạt truyện Children Of Violence (1951-1959) – một tập tiểu thuyết mang ý nghĩa giáo dục chính thống nói về sự phát triển trong ý thức của nữ nhân vật chính của bà, Martha Quest – Lessing đã khai phá ra một mảng đề tài khác với cuốn The Golden Notebook (năm 1962). Cuốn sách được coi là một sự thử nghiệm táo bạo trong cách kể chuyện, trong đó nhiều bản ngã của một người phụ nữ hiện đại được diễn tả sâu sắc và chi tiết đáng kinh ngạc. Anna Wulf, như thể chính là Lessing, đấu tranh cho sự trung thực tàn nhẫn vì mục đích là để giải phóng chính mình ra khỏi sự hỗn loạn, tê liệt cảm xúc, và thói đạo đức giả đang ảnh hưởng lên thế hệ mình.

Bị lên án là “không có chất nữ tính” trong những lời mô tả giận giữ và hiếu chiến, Lessing trả lời: “Rõ ràng những điều mà nhiều phụ nữ suy nghĩ, cảm nhận, trải qua đều đến như thể một sự ngạc nhiên tuyệt vời”. Như ít nhất một nhà phê bình đã sớm nhận định, Anna Wulf “cố gắng được sống với sự tự do của một người đàn ông” – điều mà Lessing dường như cũng xác nhận: “Quan điểm của những tác giả nam dường như đã quá được coi trọng, được chấp nhận như thể nền tảng triết học, như thể quá đỗi bình thường chắc chắn không giống với một người ghét phụ nữ, hung hăng, hay thần kinh”.

Nhà văn Doris Lessing hiện 92 tuổi

Lessing đã miêu tả thời thơ ấu của mình giống như một sự pha trộnTrong những năm 1970 và 1980, Lessing bắt đầu khám phá đầy đủ hơn những cái nhìn thần bí sâu sắc bên trong mà Anna Wulf gần như đã đạt được ở đoạn kết của The Golden Notebook. Cuốn “tiểu thuyết hư cấu bên trong không gian” của bà đối mặt với sự tưởng tượng về vũ trụ (cuốn Briefing for a Descent into Hell viết năm 1971), vùng đất trong mơ và không gian khác (Memoirs of a Survivor, 1974), và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tìm kiếm sự tồn tại ở mức độ cao hơn (Canopus in Argos: Archives, 1979-1983). Những điều trên phản ánh được mối quan tâm của Lessing và có sự tương đồng với người thầy Idries Shah của bà, người đã nhấn mạnh sự phát triển của ý thức và niềm tin rằng sự giải thoát cá nhân có thể xảy ra nếu con người hiểu được mối liên hệ giữa số phận của mình và số phận của xã hội trong những cuốn sách truyền đạo từ những năm 60.

Các tiểu thuyết khác của Lessing bao gồm The Good Terrorist (1985) và The Fifth Child (1988), bà cũng xuất bản hai cuốn tiểu thuyết dưới bút danh Jane Somers (The Diary of a Good Neighbour năm 1983 và If the Old Could… năm 1984). Ngoài ra, bà đã viết một số tác phẩm phi hư cấu bao gồm cả những cuốn sách về mèo, loài vật mà bà yêu thương từ khi còn nhỏ. Tác phẩm Under My Skin: Volume One of My Autobiography, to 1949 xuất hiện năm 1995 đã giúp bà nhận được giải thưởng James Tait Black.

Những dấu mốc đáng chú ý

Tháng 6 năm 1995, bà nhận được bằng danh dự từ Đại học Harvard . Cũng trong năm 1995, bà đi Nam Phi để thăm con gái và cháu đồng thơi cũng là để quảng bá cuốn tự truyện của mình. Đây là lần đầu tiên bà trở về Nam phi sau khi lệnh cấm được ban ra vào năm 1956 vì những quan điểm chính trị của bà. Trớ trêu thay, bà đã được chào đón như thể một nhà văn nổi tiếng với các chủ để đã khiến bà bị trục xuất trước đó 40 năm.

Năm 1996, cuốn tiểu thuyết bà viết trong suốt 7 năm, Love Again, được xuất bản bởi HarperCollins. Bà đã không xuất hiện trong bất cứ hoạt động nào để quảng bá cho cuốn sách. Trong một cuộc phỏng vấn, bà giải thích lí do là bởi sự thất vọng trong chuyến đi khắp thế giới 14 tuần để quảng bá cuốn tự truyện trước đó: “Tôi đã nói với các nhà xuất bản của tôi sẽ hữu ích hơn cho họ nếu tôi ở nhà, viết một cuốn sách khác. Nhưng họ không nghe. Lần này tôi đã kiên quyết nói rằng tôi sẽ không rời khỏi nhà và sẽ chỉ tham gia đúng một cuộc phỏng vấn”. Tuy nhiên, thành công vẫn nối tiếp thành công. Năm 1996, bà được đề cử cho giải Nobel Văn học và giải thưởng Writer’s Guild thể loại tiểu thuyết của Vương quốc Anh.

Tháng 10 năm 1997, bà cho xuất bản cuốn tự truyện được khắc khoải chời đợi Walking in the Shade và được đề cử cho giải thưởng National Book Critics Circle năm 1997 tại hạng mục tiểu sử /tự truyện. Tập truyện khắc họa lại những ngày tháng khi bà đặt chân đến Anh vào năm 1949 và đưa độc giả vào chuyến hành trình xuất bản của The Golden Notebook. Đây cũng là cuốn tự truyện cuối cùng của bà.

Ngày 31/12/1999, trong danh sách vinh danh những tên tuổi lớn của Vương quốc Anh trước thềm thiên niên kỷ mới, Doris Lessing được trao cho chức danh Companion of Honour (Người đồng hành danh dự), cấp bậc riêng biệt dành cho những người đã đóng góp “sự phục vụ to lớn cho Quốc gia”. Bà tiết lộ đã từ chối lời đề nghị trở thành một Phu nhân của Đế chế Anh vì với bà: chức danh Companion of Honour đồng nghĩa với “không được gọi với bất cứ danh hiệu gì – và cũng không đòi hỏi điều gì”. Trở thành một vị phu nhân thì lại phải là người được tôn vinh suốt cả cuộc đời cho những đóng góp của họ cho sự nghiệp và công việc từ thiện.

Năm 2001, bà được trao giải thưởng văn học Prince of Asturias, một trong những giải thưởng đặc biệt quan trọng của Tây Ban Nha, cho tác phẩm văn học xuất sắc trong việc bảo vệ tự do và sự nghiệp của thế giới thứ ba. Cùng năm đó, bà cũng vinh dự nhận được giải thưởng thành tựu trọn đời David Cohen của Vương quốc Anh.

Năm 2005, bà vinh dự có tên trong danh sách đề cử giải Man Booker quốc tế lần đầu tiên.

Năm 2007, Lessing được trao giải Nobel Văn học cho những cống hiến không ngừng nghỉ của bà. Viện Hàn lâm Thụy Điển mô tả bà là “người viết sử thi bằng cái nhìn của một phụ nữ đầy nghi hoặc, nhiệt huyết và tầm nhìn sâu rộng đã chinh phục nền văn minh chuyên biệt đến mức kỹ lưỡng”. Chiến thắng này đã giúp Lessing trở thành người phụ nữ thứ 11 trong 106 năm lịch sử giải thưởng và cũng là người lớn tuổi nhất từng giành được giải Nobel khi đã 87 tuổi.

Năm 2008, Lessing phát hành cuốn tiểu thuyết tựa đề Alfred and Emily và tuyên bố đây cũng là cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp của bà.

Nguồn: Vannghequandoi