Doris Lessing, sinh năm 1919 tại Kermanshah – Ba Tư (ngày nay là Iran) trong một gia đình người Anh. Cha của bà là một thương binh bị mất một chân trong Đại chiến Thế giới thứ nhất. Khi đến điều trị tại bệnh viện Hoàng gia Anh, ông đã gặp cô y tá xinh đẹp Emily và hai người nhanh chóng kết hôn, sau đó chuyển tới Iran. Ở đây, gia đình họ đã mua một trang trại, nhưng công việc làm ăn không được suôn sẻ cho lắm.

Dù cuộc sống đôi lúc gặp khó khăn, nhưng cô con gái Doris của họ luôn được chăm sóc một cách tốt nhất. Từ nhỏ cô bé đã được học trong trường nữ tu nổi tiếng của giáo hội Công giáo La Mã. Nhưng với bản chất bướng bỉnh và phóng khoáng, Doris không chịu đựng được những quy định hà khắc do các bà sơ đặt ra. Năm 13 tuổi, cô bé đã bỏ học ở trường và tự mình chinh phục tri thức bằng việc đọc sách.


Khác với những người bạn cùng trang lứa, Doris dường như già trước tuổi. Không những có suy nghĩ chín chắn, mà cô còn quan tâm đến những vấn đề phức tạp như chính trị và xã hội học từ rất sớm.


Năm 15 tuổi, Doris Lessing rời gia đình để sống tự lập. Khi đó, bà đã tự trang trải cuộc sống bằng việc làm bảo mẫu. Đây cũng là thời điểm mà Lessing cho ra đời những những truyện ngắn đầu tiên.
Nhà văn Doris Lessing( ảnh)


Năm 1950, tiểu thuyết đầu tay của bà – The Grass is Singing ra đời. Năm 1962, cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Doris Lessing là The golden notebook (tựa tiếng Việt: Cuốn sổ vàng) được xuất bản. Được mệnh danh là “một trong những tác phẩm vĩ đại nhất thế kỉ XX”, cuốn tiểu thuyết là sự kết hợp tài tình giữa tự sự, nghệ thuật miêu tả tâm lý cùng những lý thuyết về triết học cũng như các học thuyết về nữ quyền .


Nhân vật chính của Cuốn sổ vàng là Anna Wulf một nữ nhà văn có tài, nhưng đang gặp phải những khủng hoảng về tâm lý trước một xã hội hỗn độn và đầy rẫy những hiểm nguy. Ở đó, phụ nữ bị trói buộc bởi hàng loạt quy tắc và lề thói xã hội mà những con người độc lập như Anna luôn muốn phá bỏ. Song song với việc xây dựng cốt truyện và tình huống, Doris Lessing còn bày tỏ quan điểm và cái tôi cá nhân của mình trong tác phẩm một cách sắc sảo và có chiều sâu.
Tiểu thuyết Cuốn sổ vàng.


Tác giả từng tâm sự rằng bà không chỉ đơn thuần viết một cuốn sách. Bà muốn cùng mọi người bàn luận về nó. Đọc Cuốn sổ vàng ta cảm nhận được khát khao tự do muốn thể hiện bản ngã và cái tôi cá nhân của tác giả. Cuốn tiểu thuyết này được xem là một tác phẩm kinh điển về nữ quyền. Các sáng tác của Doris Lessing ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà văn thuộc thế hệ sau này, mà đặc biệt là Tony Morrison.


Là một nhà văn có cái nhìn sâu sắc về phụ nữ, nhưng Doris Lessing không muốn bị đóng khung thành một tác giả nữ quyền. Ngoài đề tài về phụ nữ, tác giả cũng dùng ngòi bút của mình để đi sâu vào nhiều vấn đề cấp thiết khác của xã hội như: nạn khủng bố, nạn phân biệt chủng tộc, chúng được thể hiện qua tiểu thuyết The good terrorist (1985).


Doris Lessing đã được trao giải David Cohern cho những thành tựu trọn đời mà nữ nhà văn đã đóng góp cho nền văn học đương đại Anh. Bà được xếp thứ 5 trong danh sách 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất từ năm 1945. Năm 2007, Doris Lessing trở thành nhà văn nữ thứ 11 được nhận giải Nobel. Đồng thời bà cũng là nhà văn lớn tuổi nhất được nhận giải thưởng cao quý này.


Sáng sớm ngày 17/11/2013, Doris Lessing trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở London. Bà thọ 94 tuổi và đại diện của nữ nhà văn cho biết bà ra đi rất nhẹ nhàng.


Theo Thụy Oanh – Nguồn Zing.vn
Exit mobile version