NHỮNG CÔNG DÂN TRƯỜNG SA
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Thực ra khi chưa đi Trường Sa, tôi hình dung về những công dân của đảo khác hẳn với thực tế.
Khi tàu đang làm Lễ ra khơi, thì dưới khoang tàu tầng E, khu vực chủ yếu dành cho phụ nữ và các thành viên có nguy cơ say sóng, tôi chợt nhìn thấy buồng bên cạnh có 2 đứa trẻ. Người mẹ còn quá trẻ. Còn bé gái, chao ôi, hỏi ra mới biết mới có hơn 2 tháng tuổi, được đặt cái tên rất kêu là Kim Yến.
Những người lớn sợ say sóng mà không dám lên tàu ra Trường Sa, hẳn sẽ vô cùng cảm động khi nhìn thấy hình ảnh này. Bé gái ngủ say tít trên tay mẹ, còn lăng xăng bên cạnh là anh của bé, chuẩn bị sang năm nữa là học lớp Một.
Hành trình ra đảo Song Tử Tây, trên con tàu vẫn đang lao băng băng trên sóng, mỗi lần đi qua phòng của ba mẹ con, là tôi lại ngó vào, lúc thì thấy bé đang ti mẹ, lúc thấy bé nằm trên giường nhà tàu, ngủ say tít. “Ông anh” 4 tuổi tên Thanh Sơn ngồi nghịch uỳnh uỵch bên cạnh, ra dáng anh cả lắm. Có gì đó nhói trong lòng, khi nhìn thấy cảnh ba mẹ con ăn cơm nhà tàu, thản nhiên chòng chành theo con sóng, mặt tươi rói chẳng bị sao cả. Đây là chuyến ra lại đảo để về nhà của ba mẹ con. Khi sắp sinh, mẹ bé đã mang theo cậu con trai, vác bầu theo tàu về đất liền, sinh con xong hơn hai tháng lại bế nhau trở ra đảo. Ngoài đó có căn nhà được xây theo thiết kế chung trên các đảo, có cha của các bé đang hàng ngày ra biển đánh cá. Hóa ra người mẹ trẻ đang là Chủ tịch Hội phụ nữ đảo Song Tử Tây. Cô tên là Nhữ Thị Kim Chi, sinh năm 1990, chồng là Nguyễn Duy Thành, sinh năm 1979. Cả hai đều là người Cam Ranh.
Mấy sĩ quan hải quân nói vui với tôi:
“Ở trên đảo không hiểu sao mấy cặp vợ chồng rất mau mắn. Cứ sinh con sòn sòn. Giống như uống được thuốc đẻ ấy”
Cứ đà này, chẳng mấy chốc dân sẽ phủ kín các đảo.
Đến đảo Sinh Tồn, đoàn nhà văn chúng tôi còn vào thăm một bé mới hơn một tháng tuổi. Căn nhà họ ở được đánh số hộ thứ 7. Mà đôi vợ chồng cũng còn rất trẻ. Chồng là Nguyễn Minh Châu sinh năm 1990, quê ở xã Cam Hải Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa; vợ là Phạm Thị Thương, sinh năm 1993, quê ở Ninh Hòa, Khánh Hòa. Thế mà ra đây mới một thời gian, họ đã kịp có 2 con gái khá xinh xắn, với những cái tên đặt thật đẹp: Nguyễn Ngọc Thùy Trang, Nguyễn Phan Ngọc Hân. Châu làm biển, còn Thương chỉ ở nhà chăm con và trồng rau, nuôi gà vịt.
Bác sĩ Lê Quang Vinh ôm bé Ngọc Hân vào lòng. Vẻ khắc khổ của vị bác sĩ tương phản với gương mặt non nớt đang ngọ ngoạy trong lòng ông. Ông đã đi theo tàu ra đây, để kịp chăm sóc cho bé mới sinh được một tuần ở đảo Song Tử Tây. Rồi lại theo tàu công tác đi tiếp sang đảo Sinh Tồn, nơi có những hộ dân sinh sống, và có mẹ con của Ngọc Hân đang rất cần bàn tay chăm sóc của bác sĩ.
Bác sĩ Vinh là Trưởng khoa Sản bệnh viện Cam Ranh (cũng là bí thư Đảng ủy bệnh viện). Ông được vợ con các chiến sĩ và sĩ quan hải quân rất yêu mến. Cứ người nhà của họ đến khám chữa bệnh, là ông tìm cách thăm khám, giảm thiểu tối đa chi phí, thậm chí đề nghị bệnh viện không thu tiền. Còn nếu đến nhà ông, thì ông thăm khám giúp. Nhất định không nhận tiền của gia đình người nhà vợ con hải quân, kiểm ngư…
Tôi cùng bác sĩ Vinh đi thăm luôn một lèo mấy hộ gia đình. Có bác sĩ “xịn” ra đảo, ai cũng mừng. Nhưng có lẽ, chỉ những ca bệnh nan giải mới cần đến ông, bởi ở đảo nào cũng có một trạm quân y, với chuyên môn các bác sĩ y tá quân y đã được bổ sung, rèn luyện cả về trình độ chuyên môn, cả về các trang thiết bị y tế tối thiểu.
Nhưng cũng đôi lần gặp những ca khó phải bó tay.
Cũng có lần, bác sĩ Vinh được lệnh ra đảo để đỡ đẻ cho một ca. Nhưng khi ông theo được chuyến tàu ra thì sản phụ đã sinh con được 1 tuần. Đành ở lại đảo để chăm sóc sau sinh, và chờ chuyến tàu công tác khác ra mới có thể quay về lại đất liền.
Hộ số 6 thì có hai cậu con trai xinh xắn: Nguyễn Công Minh Huy, Nguyễn Công Minh Hải. Người mẹ trẻ tên Lê Thị Nga, quê xã Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Còn người bố là Nguyễn Công Tuyến, quê xã Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa. Nga tiếp chúng tôi ở hiên nhà. Ngồi ở bàn uống nước dưới bóng cây phong ba phủ tán lá mát rượi, cứ như ngồi giữa đất liền. Cảm giác bình yên và thanh tịnh bao trùm.
Tuy vậy, sống ở đảo một ngày là thấy ngay những khó khăn gian nan mà những người dân ở đây phải gồng mình gắng sức để vượt qua.
Tính chi li, nếu một hộ gia đình có hai vợ chồng và hai đứa con, thì hàng tháng được chính phủ cấp phát các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, cùng với tiền mặt cho vào tài khoản ở đất liền, cũng không đến nỗi tệ, cũng được tổng cộng chừng trên 20 triệu. Nghe thì có vẻ to, nhưng có sống ở đây mới thấy hết được sự gian nan của cuộc sống trên đảo. Chỉ lo ướp thức ăn trong tủ cấp đông, lo chắt lọc gìn giữ nước ngọt, lo chớp bể mưa nguồn. Không tiêu tiền, không vui chơi giải trí gì ngoài tivi, không cần những phương tiện hiện đại, không picnic, không bát ngát cánh đồng hay đầu rừng cuối bể. Nếu đau yếu còn may, nhỡ bị bệnh nan y thì khá nguy hiểm. Quanh năm nhìn sóng vỗ quanh bờ kè của đảo, chờ đón những chuyến tàu ra… Nhưng đúng là ở đâu quen đấy. Không khí trong lành, cuộc sống với đúng nghĩa tự nhiên chất lượng hơn hẳn cuộc sống nhiều bon chen ở đất liền.
Điện lấy từ nguồn năng lượng mặt trời, được dùng rất hạn chế, chỉ vài tiếng mỗi ngày, nên tủ lạnh ra đây cũng chỉ để dành đủ đông đá và ướp giữ được chút đồ ăn. Có điện từ 10h đến 1h chiều, và đến tối thì được dùng 1 tiếng để sinh hoạt ăn tối.
Nước ngọt cũng tùy từng đảo. Có đảo như Trường Sa, thì lính còn thoải mái tắm, vì khoan được đến 6 giếng nước ngọt (hơi lợ chút). Đảo Song Tử Tây vào thời điểm chúng tôi ra thì cũng sắp khánh thành hệ thống lọc nước công nghệ Italia. Nhưng cũng có đảo rất thiếu nước. Những nơi nước ngọt khan hiếm thì ít dân hơn.
Nói về trường học, thì trên thực tế cũng mới chỉ mở được trường tiểu học trên mấy đảo có dân. Thường một thầy kèm 2 đến 3 trò bé xíu như cái kẹo, nhưng các bé rất ham học. Và việc kèm cặp cũng được đến nơi đến chốn hơn, vì ít trò.
VÀ NHỮNG NGÔI MỘ GIÓ
Đảo có sinh và cũng có tử.
Có thể đây là quy luật khắc nghiệt mà trời đất đã không thể khước từ hay nương nhẹ con người. Và có thể, đó mới chính là dòng chảy của cuộc sống đang chảy mạnh mẽ trên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
Vì sao mọi người cứ hay gọi những ngôi mộ ngoài quần đảo Trường Sa là mộ gió? Tôi loay hoay tìm những tư liệu nói về điều này, nhưng hoàn toàn không có. Tự lí giải rằng, trên những hòn đảo này, những ngôi mộ mà chúng tôi ghé vào thắp hương, tất thảy đều không được xây cất trong nghĩa trang như ở đất liền. Toàn thể được đắp bằng đá san hô, gió và cát vần vũ, xoay những vũ điệu của mạch ngầm biển cả. Có thể lính hải quân kiêng không muốn có nghĩa trang ở Trường Sa…
Hình ảnh những ngôi mộ trên những đảo mà đoàn công tác đã đặt chân lên ám ảnh cả đoàn. Khói hương thắp lên và những đôi mắt đỏ hoe.
Xin phép không nói ra những ngôi mộ ở đảo nào.
Các chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ, hi sinh ở Trường Sa, nếu dùng chữ bất hạnh e có lỗi với họ, và với đất nước; nếu nói đau đớn cho cha mẹ họ, e quá nhẹ.
Chỉ biết rằng, khi họ hi sinh thì cha mẹ anh chị em không ai ra để làm tang lễ được. Mà an táng tại đảo thì phải 7, 8 năm may ra mới cải được để mang cốt về, vì đất đảo chủ yếu là đá san hô.
Họ còn trẻ lắm, có người sinh 1995.
Thực sự không ai cầm nổi nước mắt. Ai cũng bàng hoàng thương các chiến sĩ hi sinh ngoài đảo bởi nhiều lí do khi đang làm nhiệm vụ.
Mỗi khi đoàn rời một hòn đảo nào đó để lên tàu tiếp tục hành trình, thì trong lòng tôi luôn là ánh mắt tròn thơ ngây của những đứa trẻ trên đảo, là vòng xoáy cát như những vũ điệu của gió trên những ngôi mộ nằm lặng lẽ bên sóng biển Đông.
Và cả tiếng chuông chùa ngân lên giữa những non non nước nước…