Trời 36 độ, người quê tha thẩn dọc con đường liên xóm, dưới những tán nhãn. Mùi hắc nồng tỏa đậm một vùng nắng. Người quê vợt bọ xít về kiếm bữa rượu chiều. Thú vui của người quê xoàng xĩnh? Đụng Thư về thăm xóm cũ. Đọc trong mắt Thư, người quê thấy những câu hỏi. Kệ Thư.

Thư ở phố, tiếng nói đã tròn vành, không trầm bổng, ngòng ngọng nữa. Mùi xít hôi không còn gọi mời. Cúi nhặt những chú bọ xít đang giả chết dưới chân mình không còn gây hứng khởi. Ồn ã phố đủ để quên từng có mình ở trong xôn xao mùa xít, khi nhãn, vải kết trái. Chạm chân vùng nắng, oi nồng mang về ấu thơ. Cảm thức về buổi trưa hè, Thư theo chân người quê đi vợt bọ xít vừa mới hôm qua. Ngày đó, Thư không thích những con bọ già giả chết. Thư thích bẻ một nhành lá, phía dưới phiến lá là những con bọ non, màu đỏ, có những sọc đen. Thư cũng thích hơ lá, nướng bọ xít trên than hồng rồi cùng đám trẻ bỏ từng con vào miệng. Thơm!

– Khiếp

– Khiếp gì?

– Man di

– Ừ, man di.

Chẳng đã có một thời như thế hay sao? Mùi thơm của chiếc lá hơ lửa chứa những sinh vật kia chẳng phải vẫn đang phảng phất đâu đây? Thư rùng mình. Cơn ớn lạnh không giúp Thư loại ra khỏi mình những xúc cảm trở về từ ấu thơ. Ừ, thì đã có một thời Thư cũng đi vợt bọ xít. Quá khứ trong veo. Quá khứ lùa về, là lạ.

Người quê cùng vợt nilon đi trong chang chang nắng. Những chiếc bóng đậm, ngắn, chạy dưới chân. Họ đã đi ngang qua nhà Thư. Mạng* hôm nay không ngồi dệt cạp váy. Mạng đang ngắm Thư thử chiếc váy mạng mới làm xong. Gió miết vào khung cửi, hầm hập nóng. Đi qua hơn năm mươi mùa kết dải Còn mỗi độ xuân, mạng vẫn mặn mà. Mạng gánh lúa, đáy lưng hút mắt người quê. Ngắm mạng, Thư vẫn thấy hoa đào nở, thấy vít cong mùa say. Mạng Tầm đẹp nhất xã Chiềng. Nhưng, mạng cứ để tuổi xuân của mình trôi đi theo những trái Còn. Vì rằng, người đàn ông Mường mạng thầm mong trộm nhớ, nhập ngũ rồi đi mãi không về. Trái Còn vuột khỏi tay người. Trái Còn lạc đường bay vào rừng. Dải Còn phất phơ. Người trong xóm kể, mạng Tầm sinh Thư sau một lần đi gánh nước từ giếng xóm Trào về. Nơi nếp rùa, đã không có điềm gở nào truyền đi. Chỉ thấy mùa xuân lấp lánh trong ánh mắt mạng Tầm. Mùa xuân khiến những đôi mắt của rừng thầm ghen tị. Mạng mang Thư về từ mạch giếng xóm Trào. Thư tới nếp nhà rùa. Thư là đứa con gái của bản Mường. Cái ống cơm Lam thảo thơm của đất, cái dòng nước trong rỉ ra từ mạch ngầm rừng núi, ngấm vào Thư, thoát ra thành lời hát mê mị. Để hát, người ta phải giữ giọng. Có miếng thịt trâu, mạng cất công đi hái nắm lá nồm, nấu chua cho Thư ăn. Theo chân bầy trẻ trong xóm vào rừng, mạng còn với dặn Thư đừng ăn quả vả, quả sung chát, chỉ ăn trái mâm xôi đỏ lựng, có vị ngọt chua dìu dịu. Mụ Dạ Dần sinh ra giọng hát, mạng là người thổi, giữ nó.

Ngày bé, giọng Thư luyến láy, líu lo và hơi ngòng ngọng. Thư là con chim non, ríu rít theo chân mạng Tầm lên nương, lích chích, líu lo bên khung cửi. Trước khi bước lên màn thang, Thư bao giờ cũng xoi bóng mình trong chum nước. Thư nhìn mạng rồi mủm mỉm cười. Thư cất tiếng hát, cả vùng Mường ma mị như cùng theo về. Không có lời đối đáp của người nam thì không gian núi rừng cùng tình yêu đôi lứa từ lời hát của Thư cũng khiến người ta nao lòng. Người quê không hát lẻ. Nhưng, Thư cất lời một mình. Cất lời lúc rạng đông. Cất lời khi chiều xuống. Núi rém màn ấp khúc ru dành cho  mạng.

Ngày bé, mạng hay kể chuyện mụ Dạ Dần mỗi khi dỗ Thư ngủ: Trời không lành, đất không lành. Hai phần Trời, Đất hao khuyết. Rồi từ hao khuyết đó mà cây si mọc. Thân si sinh ra mụ Dạ Dần. Mụ Dạ Dần nặn tạo đường đi, lối lại, nặn tạo lạch suối xa, con nước gần. Mụ Dạ Dần là thần sáng tạo. Và mụ Dạ Dần mang tiếng thác đổ, tiếng ban mai của rừng xanh, tiếng binh boong của cồng chiêng, tiếng tha thiết, thủy chung, trong vắt của mạch giếng xóm Trào, gửi tạc nơi giọng hát của Thư. Để Thư cất lời cho vui áng, cất lời cho rạng đêm… Lời Thư là phần ân thưởng. Lời Thư là lời ru.

Trong xóm nhà Thư, có những người miền xuôi, theo ông bà lên vùng Mường công tác rồi trụ lại, sinh sống nơi  bản Mường. Trẻ con những nhà đó cũng theo Thư ngắt lấy chùm lá nhãn có những con xít non màu đỏ, sọc đen, hơ lên bếp lửa. Mùi xít non nướng thơm phức. Họ cũng ăn cơm Mường, uống nước Mường, tóc khét mùi quê Mường đốt nương xuân. Nhưng, giọng nói của họ không ngòng ngọng, không có cái luyến láy, nhấn nha.

Ngày bé,  mỗi lần về quê, những gia đình dưới xuôi lại mang lên một bọc to quần áo cũ của con cái nhà họ hàng. Bộ nào mặc không vừa, họ sẽ đem chia cho trẻ con hàng xóm. Thi thoảng, Thư cũng ướm vừa một món đồ. Những chiếc áo có nơ gắn đẹp đẽ. Biểu diễn văn nghệ ở nhà trường, Thư mặc bộ quần áo cũ đó chứ không vận cái váy xinh xinh với cạp váy điểm hoa văn khéo léo mạng Tầm dệt cho. Mạng nhìn Thư, đôi mắt mênh mang miền rừng. Nhưng mạng không  nói gì. Chỉ đôi khi, thấy Thư cố gắng sửa giọng nói, mạng nhắc:

– Con đừng sửa giọng nói của mình. Vì mụ Dạ Dần đã sinh ra thế!

Thư hát. Thư luôn tưởng ra hình ảnh người mẹ của Đất là mạng Tầm, người mẹ của Trời là mụ Dạ Dần, hai bà mẹ hoan hỉ vỗ bàn tay, đệm thành đàn cho Thư hát. Tiếng đàn chảy về từ thiên thanh, từ rừng, từ trái mâm xôi có vị ngọt chua, dìu dịu. Tiếng hát vọng lại nơi tâm trí mạng Tầm trong đêm. Tiếng hát giúp đêm của người đàn bà đơn thân được ru ngọt ru ngào.

Khúc ru dành cho người đàn bà lẻ bóng được dệt vào tần tảo sớm khuya.  Mạng Tầm được sinh ra bên vuông cửi. Mạng thuộc về vuông cửi. Khắp vùng Mường không ai dệt cạp váy khéo hơn mạng Tầm. Chiếc cạp váy mang hoa văn, màu sắc tươi tắn, nổi bật trên nền thân đen nhánh. Đêm huyền đen và chất chứa nỗi niềm. Thư bé. Thư thích bộ quần áo được mang từ xuôi lên. Thư muốn sửa đổi giọng nói ngòng ngọng của mình. Thư không hiểu rõ ý nghĩa trong câu nói của mạng. Vì sao lại không nên sửa nó? Và Thư càng không hiểu vì sao trong ánh mắt của mạng lại phảng phất áng mây chiều mỗi lần tới trường Thư dự liên hoan văn nghệ. Thư ríu rít bên vuông cửi. Nhưng Thư không thuộc về vuông cửi. Những chị, những cô từ Mường lâu lâu về phố. Khi họ trở lại, lóng lánh ánh mắt, ửng đỏ má đào, xếnh xang váy áo. Thư miên man nhìn. Bản Mường vắng bóng những thắt lưng dệt hoa văn. Bản Mường chỉ bóng núi. Áo Cóm vẫn được phơi trên sào. Áo Cóm của những mạng, những mế. Mỗi lần đi từ ruộng về, ngang qua những cây sào có những váy đen, những áo Cóm nhuộm màu thời gian, nhuộm màu đồng đất, mạng Tầm lại nghĩ xa xăm. Thời trước, về ngang qua bến vắng, những đứa con gái của bản Mường vấn váy lên chốc đầu. Tay nâng bầu  trinh nguyên mà thỏa thuê nước. Mắt thú rừng len lén mãi tận xa. Rạo rực miền rừng trinh trắng. Giờ thì đám con gái của bản không còn ra bến vắng. Mắt thú rừng không len lén. Mắt thú rừng trân trân. Váy chỉ tiện để vấn lên đầu khi ra bến vắng. Nhưng con gái của bản không còn ra bến vắng. Con gái của bản về xuôi. Những chiếc áo Cóm cũ màu thời gian hong trên sào, kể chuyện xưa cũ.

Thư mỗi mùa, mỗi lớn. Muốn cho mạng vui, Thư nhủ mình mặc áo Cóm. Chiếc váy mạng dệt líu ríu bước chân. Thư ngoái nhìn những chị, những cô vừa từ phố về. Chiếc váy lúng túng mà bíu quyện bước chân. Thư lớn. Nhưng nhức mầm rừng. Thư không ra bến vắng. Thư thích những chiếc váy có nơ gắn xinh xinh. Mạng lẳng lặng xếp những bộ váy dệt cho Thư lại. Trên sào phơi nhà mạng Tầm, chỉ có chiếc áo Cóm đậm màu tần tảo. Mạng không lấy sợi dây cột chân Thư nơi nếp nhà rùa. Nếp rùa không có khoảng riêng để dò tìm bí ẩn miền trinh nữ. Nếp rùa thênh thang. Nếp rùa cung kính tổ tiên, ý tứ cửa voóng. Vuông cửi nơi nếp nhà rùa dệt ra cạp váy, dệt nên khéo, nên khôn. Cạp váy làm nên vóc cô gái Mường. Thư bé. Rồi khi lớn lên, Thư sẽ mặc bộ váy Mường mạng Tầm tự tay dệt, cất giọng hát mà mụ Dạ Dần đã ban cho. Đứa con gái của mạng sẽ giữ vóc cô gái Mường, giữ nếp nhà rùa cung kính. Thư sẽ hãnh diện khi mặc bộ váy của Mường mà hát. Khúc ru cất lời xua mây xám. Mắt mạng Tầm vời vợi xanh.

Mạng Tầm vẫn đang xuân. Đàn ông Mường vùng trên, xóm dưới đánh tiếng, mạng mê mải ngắm chú chim non lích chích bên mình rồi khép sớm cửa voóng. Mạng cặm cụi ngày ngày ra đồng, về sàn dệt cạp váy lấy tiền nuôi Thư ăn học. Mạng cả đời không đi ra khỏi bản, không đi quá cái ngã ba có một con đường xuôi về phố. Nhưng Thư là một cánh chim, Thư sẽ bay về phương nó muốn. Bay tới đâu, vui bầu, vui bạn, kết tổ, lập nhà thì Thư vẫn sẽ là đứa con gái của bản Mường. Đứa con có giọng hát mê mị mà mụ Dạ Dần đã ban cho. Khúc ru thổi mơ ước của mạng Tầm đi quá nếp nhà rùa. Hết cấp III, mạng cho Thư xuống phố trọ học. Mạng xếp vào túi cho Thư chiếc váy mạng mới dệt gần đây nhất. Mạng mong Thư sẽ mặc nó, hãnh diện cất giọng hát, hãnh diện vì mình là cô gái Mường. Khúc ru ruổi theo Thư về phố.

Ở phố, Thư là sinh viên có triển vọng của trường. Mạng Tầm sinh ra Thư, mụ Dạ Dần sinh ra giọng hát. Biểu diễn ở khoa, ở trường, ở các buổi hội nghị, Thư hát nhạc trẻ, vận váy ngắn. Chiếc váy mạng xếp vào túi cho Thư chưa từng được mang ra. Chiếc váy líu ríu bước chân. Chiếc váy không giống chúng bạn. Vì thế mà nó trôi xuống đáy hòm. Chiếc váy không cất lời. Chiếc váy nằm lặng yên. Thư đi hát cho người ta để lấy tiền mua váy khác. Thư hát. Thư vận váy ngắn. Nước róc rách, trong veo. Rừng bí ẩn, nguyên sơ. Tiếng lửa cháy, tiếng thác đổ. Men ủ lá ru mê ru mị của bản Mường. Nhòa nhạt.

Biệt một cánh chim Thư mới về thăm mạng. Từ chiều hôm trước, mạng đã vào rừng hái rau về đồ. Vị đắng, bùi, đậm ngọt thấm vào đường gân, thớ thịt của món rau đồ chấm lòng cá nấu chua không giống vị đắng của quả vả, quả sung chát. Thư ở phố, nhưng Thư vẫn thích ăn món rau đồ của mạng. Món của rừng thảo thơm ghi dấu lối về. Nhưng nong rau mạng hái về qua ngày sau quắt quay theo hun hút gió lùa. Từ rừng tràn xuống, từ chơi vơi lùa ra, tiếng gió miết vào vuông cửi mang theo bao tâm trạng. Vì, Thư chỉ kịp về và đi ngay trong đêm.

Người quê đã cùng những cây vợt nilon đi qua nhà Thư. Mạng cũng đã giúp Thư ướm thử xong váy mới. Thư đấy. Thư là đứa con của Mường. Thư ngắm mình trong mắt mạng rồi bày lời. Rằng: Thư hát trong đội văn nghệ của một công ty du lịch. Khách đường xa không nghe nhạc trẻ, không ngắm váy ngắn. Khách đường xa muốn nghe tiếng hát từ sơn nữ miền rừng. Chiếc váy cất nơi đáy hòm mới tinh nhưng không còn vừa nữa. Gió hoang vu từ khe vực sâu, lùa về. Chiếc váy còn mới tinh. Mạng Tầm vịn tay vào cửa voóng. Gió quạt khô, quạt nồng. Gió quạt héo nong rau mạng mang về từ  khấp khởi hân hoan.

Vừa mới mấy hôm trước thôi, đường dây đồng báo tin cho mạng. Thư muốn mặc chiếc váy của Mường. Mạng luýnh quýnh mừng vui. Mạng chọn con chỉ óng nhất mà dệt cạp váy. Lời tin của đường dây đồng là lời hoan ca. Lời Thư ríu ran trong khi thử chiếc váy mạng mới dệt xong là lời gió. Lời gió hun hút nơi khe sâu, chà vào lòng, xon xót.

Mạng Tầm lui cui xếp lại vuông cửi dưới sàn. Mạng bảo: Trong mắt đã thấy nhiều sương rồi, nhận không rõ đường bay của phượng, dáng lượn của rồng nữa. Người quê cũng chỉ vận váy vào mỗi lần hội, nên mạng xếp vuông cửi lại. Bộ váy cuối cùng mạng dệt là để cho Thư, Thư đã mang về phố từ đêm trước. Thư về thăm mạng, mang bộ váy mạng dệt theo mình chỉ vì người phố đón khách đường xa. Thư muốn mặc bộ váy của Mường chỉ vì  người lạ muốn nghe sơn nữ miền rừng hát… Mạng lần đi lên rồi lại bước xuống màn thang. Trái Còn không lạc vào rừng. Trái Còn lạc về xứ lạ. Mạng rút áo Cóm phếch phơ trên cây sào. Bầy đom đóm sa vào nơi đáy mắt. Mẹ Đất vịn tay vào vuông cửi. Vuông cửi không mở lời. Gió hoang vu lùa khúc ru về sâu thẳm.

Ở phố, Thư là ai? Thư vận bộ trang phục cuối cùng mạng Tầm dệt nhưng cái mê mị của rừng, của núi không còn về theo điệu luyến láy, nhấn nha. Khách đường xa lần lưng cạp váy, uống chén rượu chao mang**. Phố tẩy loãng niềm thác gửi của mẹ Trời, mẹ Đất. Phố ầm ì. Phố không có bóng, không có hình. Dáng mạng Tầm lui cui xếp lại vuông cửi cùng ánh nhìn của Thư chồng lên nhau trong bóng phố. “…Thư chỉ vận váy của Mường khi người phố đón khách đường xa..”. Rừng xa, núi gần đã truyền đi lời thoảng qua, nhẹ như hơi thở của mạng Tầm. Tiếng thở thoảng qua đó có lướt trong tiếng xe cộ ầm ì bên tai Thư? Phố của Thư, của thành thị mọc lang bang trên đám ruộng xưa, nơi vết ao bèo cũ. Phố ầm ì. Phố rình rình. Tiếng thở nhẹ đã được rừng xa, núi gần truyền đi. Khúc ru hụt hơi. Lời tan tác được vun thành câu hỏi. Vọng núi nhắn gửi: Thư là ai?

Mạng Tầm về Mường ma mà không đau ốm gì. Chiều hôm trước, mạng vẫn ra ruộng làm cỏ lúa. Gió đã rủ vía mạng Tầm về với thiên thanh. Sang ngày, khi mặt trời đứng bóng thì mạng ra đi. Mạng đã có thời gian thu xếp cuộc hành trình. Những váy đen, áo Cóm đã được xếp cẩn thận. Những con chỉ mới, cũ được xếp riêng trong giỏ khâu. Bấy nhiêu của mạng Tầm, ngăn nắp. Người quê nén tiếng thở dài. Tiếng thở dài trượt trong vùng nắng. Thư về. Mạng vẫn còn hơi thở ấm. Trước hành trình trở về Mường ma, mạng Tầm còn kịp nắm tay con gái. Mạng không trăng trối điều gì. Mo cúng một đêm, lời mo vạch đường, chỉ lối. Nhưng, hồn mạng Tầm còn chưa dời đi. Hồn mạng Tầm còn nương nơi khung cửi dưới sàn. Đêm đó, gió hút lồng lộng. Lời ru đứt gánh nơi thẳm sâu. Mạng Tầm còn chưa sẵn sàng về Mường ma. Lời mo đến đoạn: “Cái gốc con vật thịt được ăn/ Vía con vật người thu lấy mang về Mường Ma/ Nuôi nấng, cho nó sinh sẻ, đẻ ra/ Để làm của cải tài sản/ Để giàu bên ma/ Mới khá bên đàng cháu con. Ai cũng bảo tới đoạn đó, không ai ngồi trong đêm mo mà không nghe tiếng đạo quân gió thổi. Chưa từng vào tiết tháng năm mà gió thổi to tới thế. Gió những lật tung nếp rùa. Gió những nhấc cả vuông cửi mà mang về Mường ma. Gió nổi to mà không có mưa. Chắc chắn không có mưa. Nhưng, vuông cửi ướt như vừa tuôn  nước mắt. Vuông cửi không sinh ra trâu nái, không sinh ra ruộng sâu. Vuông cửi sinh ra vóc dáng cô gái Mường. Vì thế, vuông cửi phải được mang theo về Mường ma cho mạng. Tới Mường ma, mạng Tầm lại bỏ vuông cửi ra, lại dệt cạp váy. Cạp váy dệt lên vóc dáng cô gái Mường.

Gió bời bời. Khúc ru hụt hơi. Thư khản giọng gọi. Mẹ Đất đã không trăng trối điều gì. Chỉ có lời Mo khắc khoải. Người quê giao lại cho Thư những ngăn nắp của mạng Tầm. Thánh thót mưa tuôn trên áo Cóm phai màu. Cây sào phơi nơi gậm sàn trống rỗng. Rồi từ bấy cho tới lúc trở lại phố, người quê không thấy Thư trò chuyện với ai hay nói một câu nào.

Điềm gở khiến nhà mạng Tầm năm đó gặp vận rủi. Mạng Tầm về Mường ma không lâu thì Thư phải mổ thanh quản. Thư kí vào giấy mổ. Đá tảng lăn. Đá tảng chặn đường về núi… Phố bày ra trong mắt Thư khúc quanh, hẫng hụt. Sau lần phẫu thuật đó, Thư phải nghỉ hát. Bác sĩ nói khó mà Thư có thể hát trở lại. Thư lầm lụi đi trong bóng phố. Những con đường không khấp khểnh bậc lên, không võng quanh khúc xuống. Những giọng người không nhấn nha, trầm bổng. Tiếng thác đổ, tiếng rừng xanh chìm hút nơi đáy vực sâu. Vọng núi thoảng bên tai. Thư mở lời, u u, ang ang. Thư tóm lấy thứ âm thanh được thoát ra từ cổ họng. Một mớ trống không. Ai đã mang tiếng của Thư đi đâu mất? Thư cúi nhìn bóng mình trên bóng phố. Phố nhấp nháy vàng, xanh. Vóc hình của Thư ở đâu? Không có lời vọng lại. Thư là chiếc bóng không rõ hình, không rõ tiếng.

Thư về thăm mộ mạng Tầm. Bóng Thư đổ trên đường nắng. Gió lướt qua những hòn mồ, nhẹ như hơi thở. Mo cúng một đêm, thầy Mo đã vạch rõ lằn ranh giữa Mường ma và Mường người. Lời mo mang mẹ Đất của Thư đi xa, xa lắm. Bóng Thư không có hình, không có tiếng. Thư úp mặt vào hòn mồ. Gió lướt qua những hòn mồ, nhẹ như hơi thở. Linh hồn của mạng đang còn ở đâu đây. Oải mục hoang mang. Chiếc áo Cóm nhuộm màu thời gian đã tan vào đất.

Thư là ai? Thư là đứa con gái được mạng Tầm mang về từ mạch ngầm của Đất, được nặn tạo, nhận phần ân thưởng của Trời. Thư là đứa con của Mường. Gió đã mang vuông cửi về mường Trời cho mạng. Tới Mường trời, mạng lại dệt cạp váy. Cạp váy dệt vóc, dệt hình cho Thư. Và Thư lại cất lời. Thư là một khúc ru.

Những hòn mồ thác gửi ước mơ.

———–

* Mạng: Mẹ

** Cửa voóng: Cửa sổ chính của nhà sàn.

Nguồn Văn nghệ số Tết Bính Thân (5-6-7/2016)

Exit mobile version